15 năm mở rộng địa giới hành chính Thủ đô: Vì một Hà Nội hiện đại, giàu bản sắc

Kỳ cuối: Khát vọng phát triển thành phố đáng sống, kết nối toàn cầu

VÂN NGA
Chia sẻ

(PNTĐ) -Sau 15 năm mở rộng địa giới hành chính Thủ đô, phát huy vị trí là một trong những đầu tàu kinh tế của cả nước, Hà Nội đang huy động mọi nguồn lực, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế về văn hóa, khoa học và công nghệ, nguồn nhân lực... để phát triển bền vững, xây dựng thành trung tâm kinh tế, chính trị, văn hoá của cả nước; nâng cao vị thế, uy tín của Thủ đô.

Kỳ cuối: Khát vọng phát triển thành phố đáng sống, kết nối toàn cầu - ảnh 1
Các em học sinh đến với Phố Sách Hà Nội. Ảnh: Giang Nam

Nâng cao sự hài lòng của người dân
Điều chỉnh địa giới hành chính Hà Nội trở thành Thủ đô có diện tích thứ 17 thế giới, quy mô dân số tăng lên hơn 8,56 triệu người (gấp 1,37 lần so với thời điểm mới hợp nhất) cũng đi liền với khối lượng công việc hồ sơ hành chính đồ sộ hơn. Thành phố quyết tâm nâng cao sự hài lòng của người dân bằng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin gắn với chuyển đổi số và những sáng kiến cải cách hành chính (CCHC) vào tiếp nhận, giải quyết hồ sơ cho người dân. 15 năm qua, công tác CCHC của Hà Nội đã có những bước tiến vượt bậc, với Chỉ số CCHC nhiều năm đứng trong top 10 cả nước. Bộ phận “một cửa” các cấp được đầu tư trang thiết bị hiện đại, chuẩn hóa, đội ngũ cán bộ công chức thường xuyên được tập huấn, nâng cao trình độ nghiệp vụ, năng lực đáp ứng yêu cầu, tác phong giao tiếp lịch sự, hoà nhã, mang đến sự hài lòng cho người dân.

Tinh thần phục vụ của cán bộ công chức ở bộ phận “một cửa” chính là bước chuyển rõ nét nhất; đã có nhiều mô hình, cách làm hay được người dân ghi nhận, như: “Ngày thứ Tư tốc ký” tại UBND quận Hai Bà Trưng và 18 phường, “Ngày không chờ” tại UBND phường Quán Thánh (quận Ba Đình), “Một cửa thân thiện, hiện đại, gần dân” tại UBND huyện Chương Mỹ...

Phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri các quận Hai Bà Trưng, Ba Đình và Đống Đa ngày 1/7/2023, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, Hà Nội là Thủ đô, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa. Do đó, cần phát huy truyền thống người Hà Nội hào hoa, thanh lịch, văn hiến, anh hùng để xây dựng môi trường hòa bình, ổn định.

Những sáng tạo ấy có ý nghĩa quan trọng vừa nâng cao chất lượng phục vụ người dân vừa góp phần nâng cao chỉ số CCHC của Thành phố, góp phần xây dựng hình ảnh người cán bộ công chức Thủ đô “tận tụy, trách nhiệm, thân thiện, gần dân”. Chỉ số sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước - SIPAS năm 2022 của thành phố Hà Nội đạt 80,16%; xếp thứ 30/63 tỉnh, thành phố và đứng thứ 2 trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương. Năm 2023, Hà Nội phấn đấu nâng chỉ số SIPAS lên 83%.

Theo Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Đinh Mạnh Hùng, năm 2023, Thành phố đặt mục tiêu hoàn thiện, vận hành chính thức, nâng cấp chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến và phần mềm dùng chung 3 cấp theo hướng tạo điều kiện tối đa cho người dân giao dịch thủ tục hành chính; tích hợp đánh giá sự hài lòng của công dân trong thực hiện dịch vụ công trực tuyến, dịch vụ công trực tuyến đáp ứng yêu cầu xây dựng, phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số.

Giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa xứ Đoài và Thăng Long
15 năm qua, công tác chăm lo cho con người và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh có những chuyển biến tích cực. Các giá trị văn hóa truyền thống được gìn giữ và phát huy, Hà Nội là địa phương đầu tiên trong nước hoàn thành tổng kiểm kê, đánh giá, phân loại di tích và bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể với 5.922 di tích và 1.793 di sản văn hóa phi vật thể. Những điểm nổi bật như phát triển văn hóa đọc, tổ chức phố sách, khai thác có hiệu quả các không gian văn hóa sáng tạo cộng đồng (phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm, phố bích họa Phùng Hưng) đã trở thành sản phẩm văn hóa du lịch thu hút nhiều du khách trong nước và quốc tế. Việc xây dựng các mô hình làng văn hóa, thôn, tổ dân phố văn hóa, gia đình văn hóa dần đi vào thực chất. Nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội ở các địa phương đã có nhiều tiến bộ. Việc ban hành, thực hiện quy tắc ứng xử nơi công sở và nơi công cộng đã tạo được chuyển biến từ nhận thức đến hành động, góp phần bồi đắp nền tảng văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Kỳ cuối: Khát vọng phát triển thành phố đáng sống, kết nối toàn cầu - ảnh 2
Một góc phố cổ Hà Nội. Ảnh: Công Hùng

PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội cho rằng, điểm đặc biệt trong việc mở rộng địa giới Thủ đô là sự kết hợp hài hòa, tạo bản sắc mới cho văn hóa thanh lịch, hào hoa của Thăng Long - Hà Nội. Việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa xứ Đoài và Thăng Long đã được thực hiện một cách thận trọng, chu đáo, thể hiện tầm nhìn của Hà Nội trong những năm qua. 

Văn hóa của một địa phương không chỉ là những di sản vật thể mà còn bao gồm cả những giá trị tinh thần, những phong tục, tập quán mà con người đã tích lũy và phát triển qua hàng thế kỷ. Chính vì vậy, việc triển khai Chương trình 06 của Thành ủy Hà Nội về văn hóa đánh dấu một bước tiến tích cực trong việc thúc đẩy sự hiểu biết và lan tỏa những giá trị văn hóa đặc trưng của cả xứ Đoài và Thăng Long. Điều này đóng góp quan trọng vào việc xây dựng những giá trị văn hóa mới, bắt nguồn từ tinh túy của cả hai truyền thống văn hóa đặc sắc này. Chương trình này có thể giúp người dân Thủ đô nắm vững lịch sử, di sản văn hóa của cả xứ Đoài và Thăng Long - Hà Nội và từ đó có thêm niềm tự hào và ý thức bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa ấy.

Để chương trình thành công, theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, đầu tiên, cần đưa việc giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa vào chương trình giảng dạy trong trường học từ mức tiểu học đến cấp cao hơn để những thế hệ trẻ có cơ hội tiếp thu và yêu thích văn hóa xứ Đoài và Thăng Long. Thứ hai, công chúng cần được tham gia vào việc bảo tồn di tích, tham gia các hoạt động văn hóa và xã hội liên quan để cảm nhận và truyền bá giá trị văn hóa đến cộng đồng. Ngoài ra, việc tạo điều kiện cho các nghệ nhân, nghệ sĩ có thể tỏa sáng và phát triển tài năng cũng là một yếu tố quan trọng. Đầu tư vào các trung tâm văn hóa, nghệ thuật và tạo điều kiện để các nghệ sĩ có cơ hội trình diễn và truyền tải thông điệp văn hoá là những biện pháp cần thiết.

“Việc giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa xứ Đoài và Thăng Long là vô cùng quan trọng để duy trì và phát triển bản sắc văn hóa dân tộc. Triển khai Chương trình 06 của Thành ủy Hà Nội về văn hóa cũng đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao ý thức và tình yêu văn hoá của cộng đồng. Tuy nhiên, để thành công, cần có sự tham gia tích cực từ tất cả các tầng lớp trong xã hội và các biện pháp hỗ trợ cụ thể”- PGS.TS Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh.

Mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, kết nối toàn cầu
15 năm qua, Hà Nội luôn tích cực mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, quan hệ đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân, tăng cường quảng bá văn hóa, giao lưu hữu nghị, thúc đẩy xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư nước ngoài. Đến nay, Hà Nội có quan hệ hữu nghị, hợp tác với hơn 100 thủ đô, thành phố, vùng địa phương trên thế giới. Giai đoạn 2011-2022, Hà Nội đã ký kết 83 thỏa thuận quốc tế. Hằng năm, lãnh đạo Thành phố tiếp xúc, làm việc với hơn 200 đoàn khách, đối tác quốc tế, giao lưu, trao đổi đoàn các cấp. Công tác đối ngoại nhân dân được tăng cường, nhiều danh hiệu, di sản văn hóa đã được tổ chức UNESCO vinh danh. 

Năm 2019, sau 20 năm được công nhận là "Thành phố vì hòa bình", Hà Nội được tổ chức UNESCO công nhận là thành viên của "Mạng lưới Thành phố sáng tạo" với lĩnh vực "Thiết kế sáng tạo", là cơ hội, điều kiện thuận lợi để Thủ đô đẩy mạnh khởi nghiệp sáng tạo, phát triển công nghiệp văn hóa, định vị thương hiệu, quảng bá hình ảnh, hướng tới trở thành một thành phố sáng tạo tiêu biểu của khu vực Đông Nam Á, điểm đến của tri thức và sáng tạo trên thế giới. 

Thành phố định hướng phát triển, đổi mới tư duy xây dựng và phát triển Hà Nội trở thành Thủ đô "Xanh - Văn hiến - Thông minh - Hiện đại". Hà Nội tạo sự thống nhất cao trong nhận thức về vai trò, vị trí và trách nhiệm của Thủ đô, trái tim của cả nước, trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia; trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ, kinh tế và giao dịch quốc tế; trung tâm, động lực phát triển của vùng Thủ đô, vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước. Đồng thời, khơi dậy và phát huy cao độ truyền thống của Thủ đô ngàn năm văn hiến, anh hùng, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển, là thành phố đáng sống của cả nước, khu vực và thế giới, thành phố kết nối toàn cầu.

 

Tin cùng chuyên mục

Việt Nam có đại diện ứng cử vào một vị trí quan trọng tại WHO

Việt Nam có đại diện ứng cử vào một vị trí quan trọng tại WHO

(PNTĐ) - Với kinh nghiệp hơn 32 năm công tác, đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng trong ngành y tế, PGS-TS-Bác sỹ Trần Thị Giáng Hương, chuyên gia về y tế công cộng và sức khỏe toàn cầu đã ứng cử vào vị trí Giám đốc Văn phòng khu vực Tây Thái Bình Dương của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhiệm kỳ 2024-2029.
Thêm một bứt phá để phát triển Thủ đô

Thêm một bứt phá để phát triển Thủ đô

(PNTĐ) - Tại kỳ họp thứ 13, HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI, HĐND Thành phố đã biểu quyết thông qua Nghị quyết thành lập quận Gia Lâm. Đây được xem là động lực mạnh mẽ để Gia Lâm tăng cường thu hút đầu tư, khơi dậy và phát huy mọi lợi thế, tiềm năng sẵn có để bứt phá, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.
Chơi lễ lớn tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông chỉ từ 0 đồng, Vietjet thôi!

Chơi lễ lớn tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông chỉ từ 0 đồng, Vietjet thôi!

(PNTĐ) - Tưng bừng đại lễ 30/4- 1/5, Vietjet dành tặng khách hàng tuần sale cực sốc, bay khắp Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc) chỉ từ 0 đồng từ nay đến 25/4/2023 cùng chương trình thỏa thích tích điểm thành viên thân thiết SkyJoy không giới hạn.