Nam dược làng Đại Yên có thể trường tồn?

Chia sẻ

PNTĐ-Làng thuốc Nam Đại Yên thuộc phường Ngọc Hà, quận Ba Đình, Hà Nội là một trong số “Thập tam trại” của kinh thành Thăng Long thời nhà Lý ở thế kỷ XI...

 
Nơi đây nổi tiếng với nghề trồng cây và bốc thuốc Nam. Từ ngôi làng “Vựa thuốc” của Kinh thành Thăng Long này, nhiều dược liệu quý được đưa vào cung giúp các thầy thuốc chữa bệnh cho vua chúa.
 
Ngôi làng đặc biệt - có Thành Hoàng là phụ nữ!
 
"Thập tam trại" là quần thể 13 làng nghề ở phía Tây kinh thành Thăng Long xưa. Tương truyền, các làng này được lập nên thời vua Lý Nhân Tông, bởi công của dũng sĩ họ Hoàng, là Hoàng Phúc Trung, người có công khai phá miền đất phía Tây kinh thành Thăng Long, sáng lập Thập tam trại, được các triều đại phong kiến nước ta sắc phong là “Thượng đẳng phúc thần đại Vương”; ông được nhân dân suy tôn là Thành hoàng của làng cổ Lệ Mật (nay thuộc phường Việt Hưng, quận Long Biên) và cả khu Thập tam trại; hiện nay, ở khu Vĩnh Phúc (quận Ba Đình, Hà Nội) còn ngôi mộ và đền thờ ông.
 
Thập tam trại bao gồm cả vùng đất trù phú, được phân chia mỗi làng trồng trọt, canh tác một loại, đóng vai trò cung cấp các nhu yếu phẩm cho kinh thành Thăng Long. Trong đó, làng Đại Yên là nơi chuyên trồng và cung cấp thuốc Nam dùng cho việc chữa bệnh trong cung vua cũng như cung cấp cho người dân khắp chốn Hà thành chữa bệnh...
 
Theo sử sách còn lưu giữ tại đình làng Đại Yên, xưa trong làng có cô gái tên là Trần Ngọc Tường, tuy mới lên 9 nhưng cô rất am hiểu về các loại lá cây dùng để chữa bệnh. Hàng vạn quân lính của Thái úy Lý Thường Kiệt bị thương trong các trận chiến chống quân xâm lược đã được cô cứu chữa, cô đã góp phần không nhỏ cho thắng lợi.
 
Từ đó, nhà vua phong cho cô là Ngọc Hoa công chúa. Nhưng Ngọc Hoa không ở lại trong cung mà về sống ở quê mẹ là làng Đại Bi (tên cổ của làng Đại Yên), truyền lại nghề trồng lá thuốc và chữa bệnh cho dân làng. Từ đó, dân làng Đại Yên chủ yếu sinh sống bằng nghề trồng và bốc thuốc Nam. Để tưởng nhớ công lao ấy, người dân đã tôn Ngọc Hoa công chúa là Thành hoàng làng, người gây dựng và bảo trợ cho nghề. Hàng năm vào dịp 13 đến 15 tháng 3 âm lịch, hội làng được tổ chức linh đình, con cháu dù ở xa cũng về tề tựu đông đủ.
 
 Trước kia, hầu hết người dân làng Đại Yên đều sống bằng nghề trồng và bốc thuốc Nam chữa bệnh. Hằng ngày, người dân thu hái lá thuốc mang ra chợ bán. Chợ họp ngay trước cổng làng, người dân mang thuốc ra bày bán thành hai dãy ven đường, một số khác chở lá đi các chợ  trong nội thành như Cửa Nam, Hàng Dầu, Đồng Xuân... Ngoài việc thu hái ở vườn nhà, người làng Đại Yên còn trao đổi và thu mua lá thuốc ở mọi nơi mang đến. Theo những người dân sinh sống lâu năm trong làng, cứ tờ mờ sáng, xe cộ chở lá tấp nập qua lại, nhà nào nhà nấy trước cửa đều bày la liệt đủ các loại lá thuốc. Trẻ con cũng theo chân cha mẹ đi cắt lá và chở đi bán. Được người lớn chỉ bảo nên mặc dù mới lên 8 lên 9 nhưng chúng đều thông thuộc tên các loại dược liệu chữa bệnh.
 
Điều đáng nói, người làng Đại Yên có nghề bốc thuốc gia truyền mà không  nơi nào khác có được. Người bệnh chỉ cần nêu triệu chứng là thầy thuốc có thể kê đúng loại thuốc phù hợp. Mỗi một gia đình có một loại thuốc đặc trị riêng, nhà chuyên về dạ dày, nhà chuyên về đại tràng... Kinh nghiệm bốc thuốc của mỗi nhà được các thế hệ đi trước truyền lại cho từ nhỏ, kéo dài qua nhiều thế hệ. Đến nay, làng Đại Yên vẫn tồn tại một số nhà bốc thuốc gia truyền.
 
Bà Nguyễn Thị Loan, người làng Đại Yên cho biết, bà được bà nội truyền nghề bốc thuốc từ khi còn nhỏ, bài thuốc của gia đình bà chuyên điều trị về bệnh dạ dày. Mặc dù qua nhiều năm nhưng đến nay, gia đình bà vẫn giữ được bài thuốc gia truyền đó. Tuy không phát triển và mở rộng nhưng bài thuốc của bà vẫn có nhiều người tìm đến hỏi mua.

“Làng thuốc nam Đại Yên  không bao giờ biến mất”
 
Đã từng vang tiếng khắp kinh thành một thời là thế nhưng cho đến nay, làng thuốc Nam Đại Yên chỉ còn lại lác đác một vài gia đình làm theo nghề bốc thuốc. Khi làng đã lên phố, đất được giá, người dân làng Đại Yên lần lượt bán vườn và chuyển sang nghề khác. Một số khác xây dựng nhà cửa cho thuê, những vườn cây dần bị phá bỏ, những khu nhà cao tầng thi nhau xuất hiện. Giờ trong làng, muốn tìm mua lá thuốc cũng khó khăn. Cả làng hiện nay chỉ còn 3 nhà vẫn duy trì đều nghề bốc thuốc là nhà bà Phu, bà Hòa, ông Giang.
 
Nếu như xưa kia, trước cổng làng, người dân ngồi bán lá thuốc san sát bên nhau, người mua kẻ bán nhộn nhịp, thì giờ đây đếm trên đầu ngón tay những nhà bán lá thuốc, khách đến hỏi mua lèo tèo vài người. Thay vào đó là những hàng quán, nhà cao tầng mọc lên san sát. Những lá thuốc được bày bán trong làng, đôi khi không phải được trồng từ đất làng Đại Yên mà từ các nơi khác mang đến do người dân đã bán hết vườn nên không còn đất để trồng lá thuốc.
 
Đi khắp làng, chỉ còn lại dăm ba mảnh vườn nhỏ trồng thưa thớt một vài loại cây của một số nhà như ông cụ Bảng, bà Quế, cụ Thược. Và có lẽ mảnh vườn nhà cụ Hoàng Văn Thược là một trong những mảnh vườn quý hiếm còn lại trong làng. Tuy chỉ còn trồng một số ít cây thuốc như lá nếp, đơn tướng quân, khổ sâm... nhưng đối với cụ Thược đây là những gì còn sót lại từ thời các cụ xưa. Mặc dù được nhiều người hỏi mua mảnh vườn của cụ với giá cao nhưng cụ Thược kiên quyết không bán, bởi theo cụ còn nhiều thứ quý giá hơn cả tiền. Thi thoảng vẫn có người đến hỏi mua lá thuốc cây đơn tướng quân của cụ về chữa bệnh dị ứng, mẩn ngứa, mề đay, viêm họng, có những người đến, cụ còn cho không. Những cây thuốc quý lâu đời được cụ Thược chăm sóc rất cẩn thận.
 
Nam dược làng Đại Yên có thể trường tồn? - ảnh 1
Cây Đơn tướng quân quý hiếm đã
trăm năm tuổi của cụ Hoàng Văn Thược
 
“Bán đất đi thì chẳng còn lại gì, những cây thuốc quý được trồng cách đây hơn trăm năm cũng bị phá bỏ, tôi không đành lòng. Tôi muốn giữ mảnh vườn và những cây thuốc này cho con cháu tôi. Với mong muốn chúng nó sẽ chắt chiu, gìn giữ cho nhiều đời. Nhưng với tốc độ phát triển đô thị chóng mặt như thế này thì có lẽ rồi mai đây Đại Yên sẽ chẳng có lấy một thước đất để trồng cây thuốc” cụ Thược buồn rầu chia sẻ.
 
Những nhà còn lại duy trì nghề bốc thuốc gia truyền như nhà bà Loan thi thoảng cũng mới xuất hiện một vài người đến hỏi mua. Cũng theo bà Loan chia sẻ: “Chỉ khi người ta điều trị bằng thuốc Tây không khỏi thì mới tìm đến thuốc Nam. Thuốc Nam Đại Yên tuy điều trị lâu nhưng dứt điểm và mỗi nhà lại chuyên trị từng loại bệnh, không để lại tác dụng phụ”.
 
Là một thầy thuốc có tiếng trong làng đồng thời cũng là Bí thư Chi bộ, Đảng Ủy viên Đảng bộ phường Ngọc Hà, bà Lê Thị Nhung vẫn luôn nặng lòng với nghề bốc thuốc truyền thống từ ngàn năm. Theo bà, mặc dù người dân trong làng đã bán hết đất và chuyển sang làm những công việc khác nhưng vẫn còn hơn 50 nhà duy trì công việc bốc thuốc Nam như một nghề tay trái. Tuy không được nhộn nhịp và sầm uất như trước kia nhưng khắp các chợ trên địa bàn Thủ đô đều có bán sản phẩm thuốc Nam do chính người làng Đại Yên bốc.
 
Nam dược làng Đại Yên có thể trường tồn? - ảnh 2
Bà Lê Thị Nhung bốc thuốc Nam
 
Hiện nay, nhiều nhà trong làng vẫn truyền nghề lại cho thế hệ đi sau. Mặc dù đây không phải là công việc chính nhưng nghề bốc thuốc Nam cũng mang lại thêm nguồn thu nhập cho nhiều gia đình. Cũng theo bà Nhung, nếu trước kia nghề bốc thuốc mang lại cho mỗi gia đình trung bình 10 triệu/1 tháng thì hiện nay chỉ còn khoảng 2-3 triệu. Kiếm thêm thu nhập từ nghề truyền thống sẵn có mà không phải mất nhiều công sức nên nhiều người dân trong làng vẫn tiếp tục duy trì nghề gia truyền này.
 
Trước nguy cơ bị lãng quên của thuốc Nam, với cương vị là một cán bộ phường và cũng là một người con của mảnh đất Đại Yên, bà Lê Thị Nhung cho biết: “Nghề thuốc Nam đang bị mai một dần nhưng sẽ không bao giờ biến mất. Cuộc sống bận rộn khiến người ta không có thời gian để sắc thuốc như trước nên thuốc Nam không được ưa dùng nhiều nhưng những thảo dược của người làng Đại Yên vẫn được các công ty thảo dược như Traphaco hoặc các bác sĩ, dược sĩ hỏi mua. Để thuận tiện cho người sử dụng, lá thuốc Nam được các công ty dược phẩm chế biến thành những viên nang, viên nén. Bởi vậy, thuốc Nam sẽ vẫn được người Việt sử dụng rộng rãi, thậm chí sang cả các nước khác”.
 
Theo bác sỹ Nguyễn Hồng Siêm - Chủ tịch Hội Đông y TP Hà Nội, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Đông y Việt Nam, những năm gần đây thuốc nam đã và đang được sử dụng rộng rãi trong chữa bệnh, nhiều BS các bệnh viện đã kê thuốc Đông - Tây y kết hợp. Hiện nay nhiều vùng đã và đang đẩy mạnh việc trồng thuốc nam, phát triển nhiều vùng dược liệu lớn để cung cấp cho sản xuất thuốc chữa bệnh. Bộ Y tế cũng có những chủ trương quan tâm đến việc trồng dược liệu trong nước và nâng cao quản lý những nguồn dược liệu khác được du nhập vào Việt Nam để đảm bảo tốt nhất cho việc chữa bệnh bằng thuốc nam của người Việt.
 
Bác sỹ Nguyễn Hồng Siêm cũng cho biết thêm: “Thuốc nam có từ cách đây hàng nghìn năm, đóng góp một phần không nhỏ vào việc bảo vệ, chăm sóc sức khỏe dân tộc Việt Nam. Bên cạnh đó, dân trí người Việt ngày một nâng cao nên người bệnh sẽ biết lựa chọn sử dụng phương pháp điều trị bằng thuốc tốt nhất, không để lại tác dụng phụ.
 
Bởi vậy, thuốc nam vẫn sẽ là sự lựa chọn tối ưu cho người sử dụng. Vì thế cho nên những vùng đất chuyên trồng dược liệu, mà lại có những cây thuốc đã được trồng cả trăm năm trước như ở làng Đại yên thì rất quý, cần được bảo tồn và phát triển”.
 
Trao đổi với phóng viên, bà Lê Thị Nhung nhấn mạnh thêm: “Dù xã hội có thay đổi nhưng trong tâm khảm mỗi người con làng Đại Yên đều âm ỉ một tình yêu với làng nghề và dù có đi đâu hay làm nghề gì thì nghề bốc thuốc Nam vẫn in sâu vào máu thịt người làng Đại Yên như tài sản văn hóa phi vật thể của cha ông truyền lại từ nghìn năm qua. Vì vậy, nghề thuốc Nam Đại Yên có thể khó phát triển mạnh mẽ như trước nhưng sẽ mãi trường tồn”.
Danh y Hải Thượng Lãn Ông xưa đã từng nói: "Thuốc Nam chữa bệnh người Nam". Hy vọng rằng làng Đại Yên và những làng thuốc Nam khác sẽ tiếp tục duy trì, phát triển, góp phần cứu chữa bệnh cho người dân Việt.
 
Mai Hương

Tin cùng chuyên mục

Tự hào Việt phục: Một hành trình văn hóa xuyên thời gian trên đất nước xứ sương mù

Tự hào Việt phục: Một hành trình văn hóa xuyên thời gian trên đất nước xứ sương mù

(PNTĐ) - Giữa nhịp sống sôi động và hiện đại của thủ đô London, Vương quốc Anh hình ảnh đoàn người Việt Nam trong những bộ Việt phục truyền thống qua các thời kỳ lịch sử – từ áo viên lĩnh, giao lĩnh, áo tấc, nhật bình , ngũ thân, áo dài, áo yếm, cho đến những thiết kế cách tân tinh tế – đã tạo nên một khoảnh khắc thực sự đẹp đẽ và xúc động.
Ngày Dân số thế giới (11/7):  Việt Nam khuyến sinh để ứng phó với già hóa dân số

Ngày Dân số thế giới (11/7): Việt Nam khuyến sinh để ứng phó với già hóa dân số

(PNTĐ) - Tuổi kết hôn tăng, tỷ lệ kết hôn giảm và xu hướng sinh con muộn hay thậm chí ngại sinh con đang là những yếu tố chính khiến Việt Nam có nguy cơ không đạt được mục tiêu duy trì mức sinh thay thế. Đứng trước tốc độ già hóa dân số nhanh và nỗi lo Việt Nam sớm trở thành quốc gia dân số già, những nỗ lực khuyến sinh đã và đang được triển khai.
Báo Phụ nữ Thủ đô trao thiết bị y tế trị giá 100 triệu đồng

Báo Phụ nữ Thủ đô trao thiết bị y tế trị giá 100 triệu đồng

(PNTĐ) - Chiều 24/6, nhân kỷ niệm 100 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, Báo Phụ nữ Thủ đô phối hợp với Hội LHPN huyện Ứng Hòa và nhà tài trợ Công ty cổ phần Thương mại - Dịch vụ Phúc Hoàng An đã tổ chức trao tặng thiết bị y tế trị giá 100 triệu đồng cho Trạm y tế xã Kim Đường (huyện Ứng Hòa, Hà Nội).