Nghĩ về cách thức cảm thụ tác phẩm văn học
PNTĐ-Từ chuyện ra đề thi môn Ngữ văn THPT QG năm nay, có lẽ đã đến lúc các em học sinh nên hình thành thói quen học và tiếp nhận các tác phẩm văn học đa dạng, phong phú hơn...
![]() |
1 Trong đề thi môn Ngữ văn THPT quốc gia năm 2016, ở phần đọc hiểu, có trích một đoạn thơ trong bài thơ “Tiếng Việt” của Lưu Quang Vũ như sau:
Chưa chữ viết đã vẹn tròn tiếng nói
Vầng trăng cao đêm cá lặn sao mờ
Ôi tiếng Việt như bùn và như lụa
Óng tre ngà và mềm mại như tơ.
Tiếng tha thiết, nói thường nghe như hát
Kể mọi điều bằng ríu rít âm thanh
Như gió nước không thể nào nắm bắt
Dấu huyền trầm, dấu ngã chênh vênh.
Dấu hỏi dựng suốt ngàn đời lửa cháy
Một tiếng vườn rợp bóng lá cành vươn
Nghe mát lịm ở đầu môi tiếng suối
Tiếng heo may gợi nhớ những con đường.
Một đảo nhỏ xa xôi ngoài biển rộng
Vẫn tiếng làng tiếng nước của riêng ta
Tiếng chẳng mất khi Loa thành đã mất
Nàng Mỵ Châu quỳ xuống lạy cha già.
Tiếng thao thức lòng trai ôm ngọc sáng
Dưới cát vùi sóng dập chẳng hề nguôi
Tiếng tủi cực kẻ ăn cầu ngủ quán
Thành Nguyễn Du vằng vặc nỗi thương đời
tr. 218)
Có 4 yêu cầu của đề thi: sự mượt mà và tinh tế của tiếng Việt được thể hiện ở những từ ngữ nào trong khổ thơ thứ nhất; kể tên hai biện pháp tu từ được thể hiện trong khổ thơ thứ hai và thứ ba; nêu nội dung chính của đoạn trích và từ đoạn trích yêu cầu học sinh bày tỏ suy nghĩ của mình về tiếng Việt.
Xung quanh đề thi này, trên các phương tiện truyền thông đại chúng, có ý kiến cho rằng đề thi này trích một câu bị sai so với bản in trước đây của nhà thơ Lưu Quang Vũ trên báo Văn Nghệ. Có người nói, câu thơ “Ôi tiếng Việt như bùn và như lụa” (trong đề thi) là sai; câu đúng phải là “Ôi tiếng Việt như đất cày, như lụa”. Vì thế, có ý kiến đề nghị Bộ Giáo dục và đào tạo phải xin lỗi học sinh, có ý kiến đòi Bộ phải rút kinh nghiệm sâu sắc, thậm chí có người còn đề nghị phải thay đổi đáp án để đảm bảo quyền lợi cho học sinh…vv và vv...
Theo chúng tôi, Lưu Quang Vũ (1948-1988) là một nhà thơ, một nhà soạn kịch tài hoa, ông được Nhà nước tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 2000. Bài thơ “Tiếng Việt” của Lưu Quang Vũ được nhiều bạn đọc, các nhà văn, các nhà phê bình đều thống nhất nhận định đây là một bài thơ đẹp và hay. Bài thơ này đã được nhạc sỹ Lê Tâm (công tác tại Báo CAND) phổ nhạc khá thành công, được nghệ sỹ đàn bầu Lê Hồng Quang biểu diễn ở trong và ngoài nước, được người nghe đón nhận trong niềm xúc cảm da diết. Chúng tôi từng được nghe nhạc sỹ Lê Tâm vừa đệm đàn ghi-ta vừa hát bài hát này trong niềm say mê, phiêu diêu; được nghe nghệ sỹ Lê Hồng Quang biểu diễn bài hát cùng với cây đàn bầu mê đắm, thẳm sâu đến nao lòng.
Theo nghệ sỹ Lê Hồng Quang kể lại, cứ mỗi lần anh ra nước ngoài biểu diễn, kiều bào ta thường yêu cầu biểu diễn lại bài hát này nhiều lần, bà con nhiều lứa tuổi ngồi nghe lặng phắc như thả hồn theo tiếng nhạc, tiếng đàn bổng trầm của tiếng Việt lắng đọng ân tình, nhất là trong mỗi đêm khuya bà con ta mở đĩa nhạc nghe bài hát này của anh thì không thể nào diễn tả được tâm trạng nhớ thương quê hương dìu dặt như những đợt thủy triều dâng khẽ trong tim, mỗi lần nghe là mỗi lần càng thêm gắn bó với nơi chôn rau cắt rốn và nguồn cội.
Đúng như nhà thơ Lưu Quang Vũ viết trong bài thơ “Tiếng Việt”: “Ai phiêu bạt nơi chân trời góc biển/Có gọi thầm tiếng Việt mỗi đêm khuya?/Ai ở phía bên kia cầm súng khác/Có cùng tôi trong tiếng Việt quay về”. Trong tình hình đất nước và bối cảnh quốc tế thời kỳ hội nhập như hiện nay, việc chọn bài thơ Tiếng Việt của Lưu Quang Vũ để trích đoạn làm đề thi văn cho kỳ thi THPT Quốc gia năm 2016 với những yêu cầu cụ thể là một sự sáng tạo của Bộ Giáo dục & đào tạo góp phần giúp các em học sinh nâng cao nhận thức và bồi đắp tình cảm đối với tiếng Việt nói riêng và xa hơn là tình yêu Tổ quốc, là trách nhiệm đối với đất nước nói chung.
Vậy tại sao lại có ý kiến băn khoăn về đề thi này?
Có ý kiến không đồng tình với các nhà ra đề thi khi cho rằng đoạn trích không đúng với nguyên bản của bài thơ mà chủ yếu nằm ở câu “Ôi tiếng Việt như bùn và như lụa”. Luồng ý kiến này cho rằng, câu đúng từng được in đầu tiên trên báo Văn Nghệ và sách “Ôn tập môn Ngữ văn, chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia, tập 1”, NXB Giáo dục 2015 là “Ôi Tiếng Việt như đất cày, như lụa”.
Theo PGS, TS Lưu Khánh Thơ, em gái của nhà thơ Lưu Quang Vũ thì toàn bộ bài thơ “Tiếng Việt” được in một cách chính thống lần đầu tiên trên báo Văn Nghệ (khoảng trước năm 1985, có sự biên tập của nhà thơ Phạm Tiến Duật) và sau đó bài thơ được in trong tập “Thơ Việt Nam 1945-1985” của NXB Giáo dục (nguyên tác) khi nhà thơ Lưu Quang Vũ còn sống. Điều đó có nghĩa là chính tác giả Lưu Quang Vũ với tư cách là chủ thể sáng tạo đã chấp nhận bài thơ này cả ở bản đã biên tập và cả ở bản gốc.
Và như vậy, khi bài thơ Tiếng Việt được một tờ báo danh tiếng của Hội Nhà văn Việt Nam và Nhà xuất bản Giáo dục in ấn, phổ biến công khai là đương nhiên được pháp luật bảo hộ về bản quyền. Nội dung, tính toàn vẹn, thống nhất, tính hợp pháp của bài thơ “Tiếng Việt” ở hai thời điểm khác nhau, ở hai văn bản khác nhau đều có giá trị như nhau. Người đọc có thể tiếp cận bài thơ ở hai dạng xuất bản để cảm thụ và so sánh, vì thế có thể làm phong phú thêm quá trình thẩm thấu tác phẩm cả bản nguyên gốc và bản đã biên tập của một nhà thơ tài hoa như Lưu Quang Vũ.
Đến đây có thể khẳng định rằng, việc Bộ giáo dục & đào tạo ra đề thi môn ngữ văn cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 chọn một đoạn trích bài thơ Tiếng Việt in trong Thơ Việt Nam 1945-1985 của Nhà xuất bản Giáo dục là hoàn toàn hợp pháp và đúng đắn, hoàn toàn không sai như một số ý kiến phản biện. Thậm chí người ra đề có thể chọn dạng thức văn bản bài thơ “Tiếng Việt” in trên báo Văn nghệ hoặc trong sách ôn tập đã dẫn, đều được.
2 Trở lại với câu thơ gây nhiều tranh cãi “Ôi tiếng Việt như bùn và như lụa” (nguyên gốc của Lưu Quang Vũ in năm 1985) và câu “Ôi tiếng Việt như đất cày, như lụa” (in trên báo Văn Nghệ, trước năm 1985). Theo nhà phê bình văn học PGS.TS Lưu Khánh Thơ, câu “Ôi tiếng Việt như đất cày, như lụa” đã được nhà thơ Phạm Tiến Duật biên tập với sự ủng hộ của nhà thơ Xuân Quỳnh, được nhà thơ Lưu Quang Vũ đồng tình. Người ra đề thi có thể chọn đoạn trích thơ có một trong hai câu thơ trên để yêu cầu học sinh phân tích, bình luận, trình bày suy nghĩ của mình. Học sinh căn cứ vào văn bản để làm bài, không lệ thuộc vào các văn bản khác. Tất nhiên em nào từng tiếp cận được cả hai câu thơ trên hoàn toàn có thể mở rộng để phân tích và suy ngẫm những điểm khác nhau của vài từ ngữ nhằm hiểu sâu sắc hơn, cảm thụ bài thơ ở nhiều góc độ hơn.
Theo chúng tôi, cả hai câu thơ trên đều có giá trị thẩm mỹ riêng. Câu thơ so sánh tiếng Việt “như đất cày, như lụa” cho ta cảm nhận sự mềm mại, thân thiết, gần gũi của tiếng Việt trong đời sống của cộng đồng. Nhưng dường như sự so sánh này mới chỉ cho ta thấy ở hình thức bên ngoài như dải lụa bay, như đất cày cong hình dải lụa, có nghĩa là có thể nhìn thấy hình ảnh mềm mại ấy trên mặt đất.
Còn câu thơ “Ôi tiếng Việt như bùn và như lụa” cho ta một cảm nhận sâu hơn, không chỉ sự mềm mại của tiếng Việt như lụa, mà còn thấm sâu và lòng đất, bền chặt, nhuần nhuyễn như bùn trên những cánh đồng quê. Những ai làm nghề nông hoặc từng sống ở nông thôn hẳn chứng kiến trên những cánh đồng màu mỡ, đất cày là tươi mở, nhưng đất cày chỉ ngập nước trong mùa vụ tháng mười, còn ở mùa vụ tháng năm thì khô rang, thiếu sự mềm mại nếu khi ta cảm nhận về nó. Còn bùn đất ư? Đó không chỉ là sự mềm mại như lụa mà còn là sự hòa quyện của đất đai, là thấm sâu vào lòng đất, sự dính kết bền chặt mỗi khi người nông dân lội ruộng. Bùn mềm mại, dính kết, nhuyễn đến mức bao thế hệ người nông dân đã lấy bùn trộn kỹ với rơm thơm đem trát làm tường, làm vách cho những ngôi nhà tranh thuở nghèo khó xa xưa chưa có xi măng và gạch ngói.
Nhà thơ Lưu Quang Vũ được sinh ra ở chiến khu Việt Bắc, thuở nhỏ sống ở vùng quê Phú Thọ, có lẽ ấn tượng về nông thôn, về những cánh đồng bùn sánh nhuyễn chuẩn bị vào vụ mới ngày xưa ấy đã ám ảnh ông khi viết câu thơ này.
Điều này có thể cắt nghĩa vì sao, khi được nhà thơ Phạm Tiến Duật thuyết phục biên tập “như bùn và như lụa” thành “như đất cày, như lụa”, Lưu Quang Vũ tạm đồng ý nhưng vẫn còn băn khoăn nhiều, nên khi được chọn in trở lại trong tập “Thơ Việt Nam 1945-1985”, ông đã khôi phục câu thơ này như bản gốc lần đầu.
Trò chuyện về vấn đề này với Nhà giáo Ưu tú Phan Huy Tuấn, nguyên Phó Hiệu trưởng trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An, người từng có nhiều thành công trong đào tạo bồi dưỡng đội ngũ học sinh giỏi môn văn, nhiều học trò của ông nay đã và đang giữ nhiều trọng trách cao. Ông tâm sự rất thích câu thơ “Ôi tiếng Việt như bùn và như lụa” của Lưu Quang Vũ. Nếu em học sinh nào tiếp cận được văn bản có câu thơ này thì sẽ phát huy cao độ khả năng cảm thụ văn học, khả năng tưởng tượng, so sánh để sáng tạo đạt điểm thi cao.
Cũng theo ông, vì thế câu thơ này trong đề thi sẽ góp phần phân hóa được học sinh để lựa chọn xứng đáng vào đại học các em có tư duy, cảm thụ tốt văn chương. Bởi trong dạy và học hiện nay, ở cấp học THPT, nhà trường rất coi trọng dạy phương pháp cho học sinh, “học một biết mười”, từ phương pháp có thể giúp học sinh có thể áp dụng vào ngàn lẻ một những hiện tượng, bài luận khác nhau. Việc lựa chọn bài thơ “Tiếng Việt” của Lưu Quang Vũ in năm 1985 cho đề thi ngữ văn THPT quốc gia năm nay có thể đã nằm trong yêu cầu dạy và học đó của Bộ Giáo dục và đào tạo.
Theo thiển ý của tôi, ý kiến chưa đồng tình việc trích câu thơ “Ôi Tiếng Việt như bùn và như lụa” làm đề thi cũng là điều dễ hiểu. Cũng như có thể xảy ra trường hợp, nếu trích dẫn câu “Ôi tiếng Việt như đất cày, như lụa” thì ý kiến phản biện, chưa đồng tình biết đâu lại nhiều hơn. Không sao cả. Vấn đề quan trọng nhất là cả hai dạng thức văn bản ấy đều được xuất bản công khai, chính thức và được pháp luật bảo vệ bản quyền. Cảm thụ về tác phẩm nào đến đâu là tùy thuộc khả năng nhận thức, hiểu biết và tình cảm của mỗi thí sinh… Chính nhà thơ Lưu Quang Vũ từng tâm sự: “Đối với tôi, công việc sáng tác là niềm vui lớn và cũng là nỗi khổ lớn. Thấy mình đã cố công, cố sức mà nghệ thuật thật sự, điều mình mơ ước thật sự vẫn còn xa lắm ở phía trước…”.
Nhà văn Nguyễn Hồng Thái