“Người đàn bà thép” dành trọn cuộc đời vì nữ quyền

ĐỖ HỮU
Chia sẻ

(PNTĐ) - Nữ doanh nhân vĩ đại Hirooka Asako là người có ý chí, không lùi bước trước khó khăn, nhờ đó thành công trong hàng loạt hoạt động kinh doanh. Đặc biệt, bà còn được coi là nữ doanh nhân hiện đại đầu tiên của Nhật Bản và là người có đóng góp lớn trong công cuộc phát triển nữ quyền tại đất nước Mặt trời mọc.

Nữ doanh nhân tài ba

Hirooka Asako (1849-1919) là con gái của một gia đình thương gia giàu có - nhà Mitsui Demizu ở Aburanokoji, Kyoto. Mười bảy tuổi bà về làm dâu tiệm đổi tiền Kajimaya nổi tiếng. 

Thời Hirooka Asako sống là giai đoạn đất nước Nhật Bản đang trải qua những biến cố lịch sử thăng trầm khốc liệt, đặc biệt về kinh tế với những biến động lớn. Giao dịch tiền tệ sử dụng bạc ở vùng kinh đô Kyoto và sử dụng vàng ở Edo được hợp nhất làm một, các tiệm đổi tiền biến mất, thay vào đó, các ngân hàng được thành lập. Khi gia sản của gia đình đứng trước nguy cơ khánh kiệt, bà đã chủ động, khôn khéo và quyết liệt chèo lái để giải quyết khó khăn cho gia tộc. 

Hirooka Asako không ngần ngại nhận về mình những công việc lao tâm khổ tứ, từ đối diện với những khách hàng lẻ đến việc thương thuyết các khoản vay lớn với các nhà lãnh chúa.

Bà tham gia trực tiếp vào các công việc kinh doanh của tiệm, từ việc nhỏ hàng ngày đến việc lớn như tìm nhà đầu tư, lập chiến lược xoay chuyển cơ hội kinh doanh. Bà nhanh chóng nắm bắt cơ hội và chuyển hướng sang kinh doanh khai thác mỏ than, sau đó thành lập ngân hàng, công ty bảo hiểm và trở thành một trong những nữ doanh nhân thành công nhất Nhật Bản trong lĩnh vực tài chính thời bấy giờ.

“Người đàn bà thép” dành trọn cuộc đời vì nữ quyền - ảnh 1
Bà Hirooka Asako là người phụ nữ hiện đại, thể hiện được vai trò toàn diện trong gia đình và ngoài xã hội. Ảnh: JapanGov

 

Nỗ lực vì nữ quyền 

Cho tới tận những năm cuối đời, bà vẫn luôn dốc sức cho các hoạt động xã hội và giáo dục nữ giới, bà đóng vai trò quan trọng trong việc thành lập đại học dành cho nữ sinh đầu tiên của Nhật Bản.

Bà Hirooka Asako là một tấm gương sáng về sự bền bỉ, người phụ nữ mang tầm nhìn rộng lớn và bản lĩnh vững vàng trước những cơ hội thử sức đầy kịch tính mà cuộc đời ban cho bà. Ngay từ khi còn trẻ, bà đã vượt qua căn bệnh lao phổi chỉ với một niềm tin mãnh liệt rằng bà không thể chết khi vẫn còn đang có quá nhiều việc cần phải làm.

Chưa hết, bà còn mang trong mình tinh thần thép khi đã nghị lực sống chung với căn bệnh ung thư vú trong suốt hàng chục năm. Càng khó khăn, người phụ nữ ấy càng lạc quan và tin tưởng vào ý chí của con người. Bà từng viết trên các tạp chí nổi tiếng dành cho phụ nữ: “Chín lần vấp ngã thì mười lần đứng lên” hay “Có vấp ngã cũng không đứng dậy tay không”.

Bí quyết thành công của Hirooka Asako là bà luôn đặt sự phát triển của gia tộc vào sự phát triển của đất nước, luôn hướng tới cái mới, phục vụ lợi ích xã hội. Bà đã tích cực đóng góp cho hoạt động giáo dục nữ giới tại Nhật Bản, tạo điều kiện để phụ nữ được tham gia vào các môi trường tài chính như ngân hàng vốn là “lãnh địa” của nam giới thời bấy giờ. 

Bên cạnh đó, bà còn là tác giả của hàng loạt bài viết với mục tiêu thay đổi nhận thức xã hội về địa vị của phụ nữ trong xã hội. Hirooka Asako cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thành lập trường đại học dành cho nữ sinh đầu tiên của Nhật Bản vào năm 1901.

Hirooka Asako trước hết là chân dung người phụ nữ hiện đại thể hiện được vai trò toàn diện trong gia đình và ngoài xã hội. Cuộc đời bà là minh chứng rõ ràng cho quan niệm mà bà đúc kết: “Học tập chăm chỉ, cần cù làm việc, thấy rõ xu thế của thế giới, điều đó chẳng phải là sự độc lập đích thực của người phụ nữ hay sao?”. 

Có lẽ, vì cuộc đời nghị lực, kiên cường và nhiều cống hiến cho xã hội như vậy nên Hirooka Asako đã trở thành nguồn cảm hứng để Đài truyền hình NHK Nhật Bản thực hiện bộ phim truyền hình 52 tập có tên gọi “Asaga Kita” (tựa tiếng Việt là “Người đàn bà thép” từng phát trên HTV9 vào năm 2016) đã chinh phục đông đảo khán giả nhiều nước trên thế giới bởi câu chuyện về một người phụ nữ Nhật đáng ngưỡng mộ đã dành hết đời mình vì sự phát triển tương lai của nữ giới.

Cuốn Tiểu thuyết “Trời lại sáng rồi” của tác giả Furukawa Chieko, do dịch giả Higuchi Hoa chuyển ngữ sang tiếng Việt là tác phẩm thứ 8 của Quỹ Daido xuất bản tại Việt Nam và là cuốn sách thứ 3 Quỹ Daido hợp tác với NXB Kim Đồng.

Tiểu thuyết “Trời lại sáng rồi” viết về cuộc đời nữ doanh nhân vĩ đại Hirooka Asako, nhà sáng lập Công ty Bảo hiểm Nhân thọ Daido, Ngân hàng Kajima, Công ty Hirooka Shoten chuyên nhập khẩu bông… Không chỉ là nữ doanh nhân hiện đại đầu tiên của Nhật Bản, bà còn là người có đóng góp lớn trong công cuộc phát triển nữ quyền tại đất nước Mặt trời mọc.

Tin cùng chuyên mục

Vẻ đẹp của lòng dũng cảm

Vẻ đẹp của lòng dũng cảm

(PNTĐ) - Tại cuộc thi Hoa hậu Thế giới 2025, đại diện Somalia - Zainab Jama đã thu hút sự chú ý đặc biệt không chỉ bởi nhan sắc, học vấn mà còn từ câu chuyện cá nhân đầy ám ảnh về hủ tục cắt âm vật (FGM) - một thực trạng vẫn tồn tại phổ biến tại quê hương cô. Vượt qua nỗi đau thể xác và tinh thần, Zainab trở thành tiếng nói mạnh mẽ đấu tranh vì quyền phụ nữ và nỗ lực xóa bỏ hủ tục tàn nhẫn này.
Nữ nhiếp ảnh gia hành động vì môi trường

Nữ nhiếp ảnh gia hành động vì môi trường

(PNTĐ) - Giữa những băng tuyết lạnh giá của vùng cực Bắc, nơi nhiệt độ có thể giảm xuống âm hàng chục độ C, có một người phụ nữ âm thầm theo chân các nhà khoa học, ghi lại từng khoảnh khắc trong cuộc chiến với thời gian và khí hậu. Đó là Esther Horvath – nhiếp ảnh gia người Hungary, người đã dùng máy ảnh như một công cụ kể chuyện, đưa những vấn đề sống còn của hành tinh ra ánh sáng bằng những khung hình đầy cảm xúc.
Hành trình chữa lành cho con gái bằng yêu thương

Hành trình chữa lành cho con gái bằng yêu thương

(PNTĐ) - Trong số rất nhiều cuốn sách dành cho thiếu nhi ra mắt gần đây, Cây mận ngọt nhất trái đất từng đến vịnh Hạ Long (NXB Kim Đồng) của nhà báo, tác giả Tiểu Phong (bút danh văn học của Phạm Thị Thủy, sinh năm 1989, quê Hưng Yên) nổi bật lên như một lời thì thầm đầy dịu dàng nhưng ám ảnh, không chỉ dành cho trẻ nhỏ mà còn làm lay động trái tim của những người lớn từng tổn thương.
Việt Nam thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc

Việt Nam thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc

(PNTĐ) - Ngày 12/6, Bộ Công an phối hợp Cơ quan Liên Hợp Quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho Phụ nữ (UN Women) tổ chức Diễn đàn quốc tế “Tăng cường sự tham gia của nữ sĩ quan cảnh sát trong hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc - Kinh nghiệm quốc tế và Việt Nam”. Sự kiện là dấu mốc quan trọng khẳng định cam kết mạnh mẽ của Bộ Công an Việt Nam trong việc thúc đẩy bình đẳng giới, nâng cao vai trò của nữ sĩ quan Công an nhân dân trong các hoạt động gìn giữ hòa bình quốc tế.