Nữ Phó Giáo sư Mỹ 20 năm say mê nghiên cứu văn hóa Việt

Chia sẻ

(PNTĐ) - Sau đại dịch Covid-19 kéo dài gây ngăn trở việc đi lại, bà Lauren Meeker, Phó Giáo sư (PGS) người Mỹ, giảng viên khoa Nhân học của Trường State University of New York at New Paltz (Trường Đại học công lập của New Paltz, một tiểu bang của New York), mừng rỡ khi được trở lại Việt Nam nghiên cứu vào những ngày cuối năm 2023. Hơn 20 năm đi đi về về giữa Mỹ và Việt Nam để thực hiện các công trình nghiên cứu văn hóa Việt, bà nói, mấy năm xa Việt Nam vì đại dịch, trong lòng bà rất nhiều nhớ mong…

Nữ Phó Giáo sư Mỹ 20 năm say mê nghiên cứu văn hóa Việt - ảnh 1
  PGS Lauren Meeker (ngoài cùng bên phải) trong một dịp về thăm lại miền quan họ khi trở lại Việt Nam năm 2003.

Báo Phụ nữ Thủ đô đã có dịp trò chuyện với bà Lauren Meeker trước thềm năm mới. 

* Thưa PGS, sau mấy năm mới trở lại Việt Nam tiếp tục nghiên cứu, bà thấy Việt Nam có gì thay đổi mà bà ấn tượng? 

PGS Lauren Meeker: Việt Nam luôn có sự phát triển mà tôi rất bất ngờ. Sau đại dịch, cuộc sống được phục hồi nhanh, rất ấn tượng. Từ năm 1998, khi lần đầu tới Việt Nam cho đến giờ tôi đã chứng kiến một Việt Nam nhiều thay đổi, phát triển. Tuy nhiên, có một điều không thay đổi mà tôi rất thích, đó chính là tình cảm và sự nồng hậu của người Việt. Tôi có những người bạn Việt Nam đã gặp trong hơn 20 năm qua, dù mấy năm nay không gặp nhưng khi gặp lại, tình cảm vẫn thân thiết như xưa. Nhiều người bạn tôi tới Việt Nam cũng rất ấn tượng, yêu quý Việt Nam hơn vì điều này. 

* Trong 20 năm qua, các công trình của bà tập trung vào những vấn đề văn hóa nào của người Việt? Lần này tới Việt Nam, bà đang quan tâm đến vấn đề gì?

PGS Lauren Meeker: Những năm qua, tôi thường chọn nghiên cứu các khía cạnh văn hóa về phong tục, tập quán, nghệ thuật truyền thống của người Việt như chèo hay quan họ… Lần này tới Việt Nam, tôi đang quan sát câu chuyện khá thú vị là trong bối cảnh đời sống hiện nay, việc thờ cúng tổ tiên có ý nghĩa gì đối với các gia đình đang sống ở nước ngoài. Ở thời đại số này, người ta đang ứng dụng hiệu quả công nghệ vào thờ cúng, dự lễ Tết với gia đình khi ở xa mà không có điều kiện để về dự trực tiếp. 

*Bà từng dành một khoảng thời gian khá dài, nhiều tháng sống với người quan họ để nghiên cứu về loại hình nghệ thuật truyền thống này của người Việt Nam. Quan họ có điều gì hấp dẫn bà? 

PGS Lauren Meeker: Ngay lần đầu tiên được nghe quan họ, khi các cụ hát đối với nhau không nhạc cụ, mộc mạc, người này đối đáp với người kia bằng âm nhạc, tôi cứ muốn nghe thêm mãi. Quan họ cũng như các loại hình nghệ thuật truyền thống của người Việt mà tôi biết, không chỉ là nghệ thuật trong dân gian mà qua đó còn thấy được cả sự thay đổi và phát triển của văn hóa của đời sống tinh thần người Việt như thế nào, nên càng hấp dẫn tôi tìm hiểu và nghiên cứu. 

Thời điểm tôi nghiên cứu về quan họ là khoảng năm 2003-2005. Tôi thấy có nhiều đoàn phim hoặc người nghiên cứu khác cũng về đây tìm hiểu, nhưng chỉ thấy họ tìm đến nghệ nhân lớn tuổi, mà rất ít quan tâm tới người trẻ.

Trong quá trình nghiên cứu, bên cạnh các nghệ nhân, tôi cũng quan tâm đến thế hệ trẻ, bởi họ là những người sẽ định nghĩa cho sự thay đổi của quan họ; phát huy, phát triển loại hình nghệ thuật này ở đương thời và tương lai. Vì vậy, nên chú ý đến thế hệ trẻ trong việc bảo tồn và phát huy nghệ thuật truyền thống. Người trẻ sẽ biết cách làm sao để nghệ thuật truyền thống phù hợp với thời đại của họ mà vẫn giữ được vốn cổ. 

Nữ Phó Giáo sư Mỹ 20 năm say mê nghiên cứu văn hóa Việt - ảnh 2
  PGS Lauren Meeker trong một chuyến nghiên cứu về làng quê ở Bắc Bộ, Việt Nam.  
Ảnh: NVCC

*Thưa bà, từ khi nào bà bị văn hóa Việt Nam hấp dẫn và quyết định dành phần lớn thời gian trong sự nghiệp của mình để nghiên cứu về văn hóa Việt? 

PGS Lauren Meeker: Trước đây, khi còn ở Mỹ, tôi biết rất ít về Việt Nam. Năm 1998, tôi có chút tò mò nên sang Việt Nam đi du lịch trong mấy tuần. Hồi đó tôi chưa làm tiến sĩ, mà làm việc tại một cơ quan về media. Và tôi rất bất ngờ khi thấy văn hóa Việt Nam rất phong phú, quá nhiều thứ để tìm hiểu, khám phá. Đặc biệt, là khi đi nhiều nơi từ thành phố đến nông thôn, tôi bị ấn tượng là sao phụ nữ Việt làm việc nhiều như vậy.

Ở nông thôn, chủ yếu là phụ nữ làm việc trên những cánh đồng. Ở thành phố, cũng là phụ nữ bươn chải làm việc nhiều. Tôi không phải người nghiên cứu về giới, nhưng đó cũng là một điểm đặc biệt mà tôi muốn tìm hiểu sâu hơn về Việt Nam.

Sau đó, khi trở về Mỹ, tôi đã quyết định làm tiến sĩ với đề tài về văn hóa Việt. Sau này, tôi chuyển sang công việc giảng dạy ở trường đại học lĩnh vực nhân học và các công trình nghiên cứu của tôi cũng chủ yếu là về văn hóa Việt Nam. 

*Mười mấy năm tìm hiểu Việt Nam, ngoài sức hấp dẫn của văn hóa Việt, của những người bạn thân, bà còn bị Việt Nam hấp dẫn bởi điều gì nữa? 

PGS Lauren Meeker: Tôi rất yêu thích cuộc sống và sự yên bình của làng quê Việt Nam. Nơi đây có nhiều thứ hay ho lắm. Tôi từng sống ở một làng tại Nam Định để nghiên cứu về văn hóa dòng họ. Tôi được người dân ở đây rất quý. Có mấy chị phụ nữ ngày nào cũng qua cho tôi khi thì cái bắp cải, ít rau, khi thì quả trứng…

Họ cứ treo trước cửa sẵn cho tôi. Cuộc sống ở làng quê rất chậm. Khi tôi đi nghiên cứu cần gặp ai, cứ vào nhà uống chén trà một chút, nói chuyện một chút đã rồi mới đến công việc. Tôi thích cuộc sống như vậy, thích cách sống thân thương, quý mến của người Việt với nhau. 

*Đến, gắn bó với Việt Nam đã lâu và thân thiết như vậy, tới thời điểm này bao nhiêu % trong con người bà là người Việt Nam rồi? 

PGS Lauren Meeker: Tôi không biết được nhưng đối với tôi Việt Nam rất thân thương. Khi tôi ở Việt Nam, tôi cũng sống như bất kỳ một người Việt nào. Tôi đi làm bằng xe bus với giá vài ngàn đồng, thường xuyên phải đứng trong chật chội, kẹp giữa người bên này, bên kia; đi làm xa ở các tỉnh bằng xe khách, tàu hỏa…

Khi về lại Mỹ trong hành lý của tôi bao giờ cũng rất nhiều đồ ăn quen thuộc của người Việt như miến, bánh phở khô, gia vị nấu phở, rất rất nhiều đồ khác mà tôi thích. Ở bên Mỹ, thỉnh thoảng tôi vẫn nấu món Việt để ăn. Chồng tôi là Giáo sư toán học Mỹ, anh ấy cũng bị Việt Nam hấp dẫn bởi những câu chuyện của tôi.

Anh ấy đã sang Việt Nam 2 lần cùng tôi và rất thích khi được người làng quê chào đón, quý mến, thích đồ ăn Việt Nam, đặc biệt là những bữa cơm nhà mà mẹ một người bạn tôi là nghệ sĩ xẩm Mai Tuyết Hoa hay nấu cho chúng tôi ăn. 

*Từng ấy năm tới Việt Nam, bà đã đón cái Tết nào ở Việt Nam chưa? Bà có ấn tượng gì với Tết Việt? 

PGS Lauren Meeker: Tôi từng ăn Tết Việt Nam 1 lần, nhiều năm về trước. Trong Tết, tôi chủ yếu đi café, nói chuyện với bạn bè. Không khí bên ngoài ở Hà Nội khá vắng vẻ, cũng hơi buồn một chút. Sau Tết, tôi được mời đến nhà nhiều người ăn cơm Tết, thú vị là đến nhà nào tôi cũng thấy có bánh chưng. Bánh chưng rất ngon, tôi thích lắm. Cứ nhìn thấy bánh chưng là tôi nghĩ đến Tết Việt Nam. 

*Sau này, bà có dự định nghiên cứu nét văn hóa nào về Tết Việt không? Bà còn nhiều dự định nghiên cứu về văn hóa Việt không? 

PGS Lauren Meeker: Tôi có kế hoạch là cả đời nghiên cứu về văn hóa Việt (cười). Tôi còn rất, rất nhiều đề tài muốn nghiên cứu trong tương lai nữa. 

*Cảm ơn bà đã yêu mến và gắn bó với Việt Nam!

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Báo Phụ nữ Thủ đô trao thiết bị y tế trị giá 100 triệu đồng

Báo Phụ nữ Thủ đô trao thiết bị y tế trị giá 100 triệu đồng

(PNTĐ) - Chiều 24/6, nhân kỷ niệm 100 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, Báo Phụ nữ Thủ đô phối hợp với Hội LHPN huyện Ứng Hòa và nhà tài trợ Công ty cổ phần Thương mại - Dịch vụ Phúc Hoàng An đã tổ chức trao tặng thiết bị y tế trị giá 100 triệu đồng cho Trạm y tế xã Kim Đường (huyện Ứng Hòa, Hà Nội).
Vẻ đẹp của lòng dũng cảm

Vẻ đẹp của lòng dũng cảm

(PNTĐ) - Tại cuộc thi Hoa hậu Thế giới 2025, đại diện Somalia - Zainab Jama đã thu hút sự chú ý đặc biệt không chỉ bởi nhan sắc, học vấn mà còn từ câu chuyện cá nhân đầy ám ảnh về hủ tục cắt âm vật (FGM) - một thực trạng vẫn tồn tại phổ biến tại quê hương cô. Vượt qua nỗi đau thể xác và tinh thần, Zainab trở thành tiếng nói mạnh mẽ đấu tranh vì quyền phụ nữ và nỗ lực xóa bỏ hủ tục tàn nhẫn này.
Nữ nhiếp ảnh gia hành động vì môi trường

Nữ nhiếp ảnh gia hành động vì môi trường

(PNTĐ) - Giữa những băng tuyết lạnh giá của vùng cực Bắc, nơi nhiệt độ có thể giảm xuống âm hàng chục độ C, có một người phụ nữ âm thầm theo chân các nhà khoa học, ghi lại từng khoảnh khắc trong cuộc chiến với thời gian và khí hậu. Đó là Esther Horvath – nhiếp ảnh gia người Hungary, người đã dùng máy ảnh như một công cụ kể chuyện, đưa những vấn đề sống còn của hành tinh ra ánh sáng bằng những khung hình đầy cảm xúc.
Hành trình chữa lành cho con gái bằng yêu thương

Hành trình chữa lành cho con gái bằng yêu thương

(PNTĐ) - Trong số rất nhiều cuốn sách dành cho thiếu nhi ra mắt gần đây, Cây mận ngọt nhất trái đất từng đến vịnh Hạ Long (NXB Kim Đồng) của nhà báo, tác giả Tiểu Phong (bút danh văn học của Phạm Thị Thủy, sinh năm 1989, quê Hưng Yên) nổi bật lên như một lời thì thầm đầy dịu dàng nhưng ám ảnh, không chỉ dành cho trẻ nhỏ mà còn làm lay động trái tim của những người lớn từng tổn thương.
Việt Nam thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc

Việt Nam thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc

(PNTĐ) - Ngày 12/6, Bộ Công an phối hợp Cơ quan Liên Hợp Quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho Phụ nữ (UN Women) tổ chức Diễn đàn quốc tế “Tăng cường sự tham gia của nữ sĩ quan cảnh sát trong hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc - Kinh nghiệm quốc tế và Việt Nam”. Sự kiện là dấu mốc quan trọng khẳng định cam kết mạnh mẽ của Bộ Công an Việt Nam trong việc thúc đẩy bình đẳng giới, nâng cao vai trò của nữ sĩ quan Công an nhân dân trong các hoạt động gìn giữ hòa bình quốc tế.