Yên bình biên giới Tây Nam

Chia sẻ

PNTĐ-Đến các vùng biên giới mới thấu hiểu sâu sắc tinh thần chiến đấu và nghĩa tình của người chiến sĩ biên cương. Dù khó khăn, vất vả, nhưng người chiến sĩ luôn giữ vững ý chí...

 
Đến các vùng biên giới mới thấu hiểu sâu sắc tinh thần chiến đấu và nghĩa tình của người chiến sĩ biên cương. Dù khó khăn, vất vả, nhưng người chiến sĩ luôn giữ vững ý chí, quyết gìn giữ chủ quyền lãnh thổ, phòng chống tội phạm buôn lậu và giúp người dân xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
 
Vững vàng tay súng biên cương
 
Tuyến biên giới Tây Nam giữa Việt Nam và Campuchia dài hàng trăm ki-lo-mét, đi qua địa bàn nhiều tỉnh thành của hai nước. Trong đó bộ đội biên phòng (BĐBP) tỉnh Đồng Tháp quản lý, bảo vệ đoạn biên giới tiếp giáp dài 50km, có 2 cửa khẩu quốc tế Thường Phước và Dinh Bà, 5 cửa khẩu phụ với nhiều đường mòn, lối mở, rất dễ cho dân “đánh thuê” tuồn hàng lậu vào nội địa.
 
Cửa khẩu Thường Phước là cửa khẩu quốc tế đường sông tại vùng đất xã Thường Phước 1 (huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp, Việt Nam), thông thương với cửa khẩu Kaoh Roka (tỉnh Prey Veng, Campuchia). Cửa khẩu Thường Phước ở bờ trái sông Tiền, cùng với cửa khẩu Vĩnh Xương bên bờ phải sông, điều phối thông thương đường thủy trong vùng sang Campuchia. Theo chân đội vũ trang, chúng tôi được cùng các chiến sĩ đi tuần tra cột mốc biên giới tiếp giáp giữa hai nước Việt Nam – Campuchia.
 
Yên bình biên giới Tây Nam - ảnh 1
Các chiến sĩ đội vũ trang ĐBP cửa khẩu quốc tế Thường Phước
làm nhiệm vụ tại cột mốc biên giới 240
 
Tại cột mốc số hiệu 240, sau khi thực hiện nghi lễ chào cột mốc, Trung úy Huỳnh Thanh Điền – đội trưởng đội vũ trang đồn biên phòng (ĐBP) cửa khẩu quốc tế Thường Phước dõng dạc thông tin cho cán bộ chiến sĩ mới trong đội về lịch sử, đặc điểm, ý nghĩa cột mốc. Trung úy Điền cho biết, đoạn biên giới đơn vị quản lý dài 7,8km, trong đó có 7km đường bộ, 800m đường sông, với 15 dấu hiệu và 4 cột mốc 237, 238, 239, 240. Mùa nước nổi, các cọc dấu hiệu chìm trong nước, cán bộ chiến sĩ phải lặn xuống để kiểm tra cột mốc biên giới, mùa khô liên tục phải phát quang cỏ dại. Các cột mốc, cột dấu hiệu được giữ vững an toàn nguyên trạng.
 
Các chiến sĩ ĐBP còn sáng tạo, phát huy vai trò của quần chúng trong giữ gìn biên cương Tổ quốc, góp phần tích cực xây dựng thế trận biên phòng toàn dân vững mạnh thông qua mô hình Tổ tự quản đường biên, cột mốc – thành viên là người dân địa phương của xã Thường Phước. Cùng với ĐBP và các lực lượng chức năng trên khu vực biên giới, Tổ tự quản đã tích cực tham gia tuần tra biên giới, phát quang cột mốc, cột dấu hiệu; qua đó, cung cấp cho BĐBP và các cơ quan chức năng nhiều thông tin, trong đó có hàng trăm tin giá trị phục vụ công tác đấu tranh phòng chống tội phạm và giữ gìn an ninh trật tự khu vực biên giới.
 
Từ ĐBP cửa khẩu quốc tế Thường Phước chạy xe chừng 1 tiếng là tới ĐBP Cầu Muống (thuộc xã Thới Hậu B, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp). Con đường bê-tông rộng khoảng 6km chạy dọc bờ sông đến sát biên giới Campuchia rất ít xe qua lại. Thiếu tá Nguyễn Văn Bảng, Phó đồn trưởng quân sự ĐBP Cầu Muống cho biết, nhiều năm qua, đây là một trong những điểm nóng về tình hình buôn lậu của tỉnh. Hàng lậu chủ yếu là thuốc lá, đường cát được vận chuyển từ biên giới Campuchia vào Việt Nam để tiêu thụ. Những năm trước, hàng lậu được vận chuyển theo tỉnh lộ 841 từ cửa khẩu Thường Phước về thị xã Hồng Ngự. Bây giờ, thuốc lá được tập kết tại các kho phía Campuchia, các đối tượng buôn lậu tổ chức canh đường, dùng xuồng chở qua sông Sở Thượng (xã Thường Thới Hậu B) rồi tiếp tục sử dụng xe máy chuyển về thị xã Hồng Ngự tiêu thụ.
 
Đặc biệt, đối tượng buôn lậu trên địa bàn rất manh động và tinh vi. Chúng cử người “canh” các chiến sĩ biên phòng cả ngày lẫn đêm. Chỉ cần anh em đang chơi thể thao, dừng lại về làm việc gì đó, đối tượng lập tức báo động cho nhau vì tưởng bộ đội chuẩn bị đi bắt hàng lậu. Thậm chí, chúng sẵn sàng chống trả lực lượng chống buôn lậu khi bị bắt giữ, bất chấp tính mạng người dân ven đường khi dùng xe máy chở hàng lậu chạy với tốc độ nhanh về nội địa.
 
Bởi vậy, cán bộ chiến sĩ ĐBP luôn phải rất chủ động, có kế hoạch chắc chắn, tính toán quá trình cơ động đi bắt đối tượng buôn lậu, tổ chức bắt như thế nào và di chuyển về đồn ra sao, đồng thời đảm bảo yếu tố bí mật, hiệp đồng chặt chẽ với chiến sĩ ở đơn vị và cán bộ địa phương. Trong năm 2017 chưa có vụ chống người thi hành công vụ nào xảy ra trên địa bàn, nhưng năm 2016 trở về trước, đơn vị thường xuyên bị đối tượng tụ tập, đánh trả, giật lại hàng bị bắt. Kết quả công tác phòng, chống buôn lậu từ đầu 2017 tới nay, ĐBP Cầu Muống đã bắt, xử lý 76 vụ, thu giữ 19.438 gói thuốc lá ngoại các loại, 7.600kg đường cát, 20 con gà đá, 18 xe môtô.
 
Ấm áp tình quân dân
 
Đồng Tháp là một tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long, giáp với tỉnh Preyveng của đất nước Chùa Tháp, cuộc sống của người dân còn gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều nơi trên địa bàn tỉnh chưa có nước sạch mà phải bơm nước dưới sông lên, đóng phèn để sử dụng cho sinh hoạt và ăn uống. Thấu hiểu khó khăn, vất vả của người dân, bên cạnh công tác bảo vệ biên cương, cán bộ chiến sĩ ĐBP cũng dành nhiều tình cảm, chăm sóc các gia đình chính sách, các em học sinh khó khăn.
 
Yên bình biên giới Tây Nam - ảnh 2a
Chiến sĩ biên phòng “quân hàm xanh” hướng dẫn
con em địa phương học chữ
 
Tại ĐBP cửa khẩu quốc tế Thường Phước, chúng tôi có dịp gặp Thiếu tá, chính trị viên Nguyễn Vũ Hợp – một trong 60 gương cán bộ, chiến sĩ bộ đội Biên phòng tiêu biểu, được tuyên dương trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô 2017 – Tuyên dương chiến sĩ quân hàm xanh nâng bước em tới trường”. Anh chia sẻ, nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn, mồ côi cha mẹ từ nhỏ, nương tựa vào ông bà đã già yếu, nếu không có sự hỗ trợ của bộ đội biên phòng hẳn khó có cơ hội tới trường. Hàng tháng, anh em chiến sĩ trích một phần lương, phụ cấp để hỗ trợ các em học sinh 500.000đ/tháng.
 
Hiện nay, BĐBP Thường Phước đang hỗ trợ cho 6 trường hợp, trong đó có một học sinh là trẻ mồ côi đang sống trên địa bàn nước bạn Campuchia. Trong số những học sinh khó khăn được hỗ trợ, đã có em đỗ đại học và có việc làm ổn định. “Thông qua chương trình này, chúng tôi - những người mang quân hàm xanh thắt chặt hơn tình đoàn kết quân dân, hoàn thành tốt hơn nữa nhiệm vụ bảo vệ toàn vẹn chủ quyền biên giới” – Thiếu tá Hợp chia sẻ.
 
Cách ĐBP cửa khẩu quốc tế Thường Phước hơn 1km là Phòng khám Quân – Dân Y (QDY) Thường Phước. Con đường đất dẫn vào trạm gập ghềnh, lồi lõm ổ voi, ổ gà. Chiều muộn, trạm vẫn có các bệnh nhân là người dân thuộc tỉnh Prayveng (Campuchia) tới khám. Đại úy Vũ Văn Quý cho biết, bệnh nhân ở đây khoảng 30% là người Campuchia. Dù là người Việt hay Campuchia, bệnh nhân vẫn được chăm sóc tận tình. Nhiều lúc buổi đêm, người dân chỉ cần thấy hơi mệt hay nhức đầu, y bác sĩ của trạm cũng sẵn sàng trở dậy, khám chữa chu đáo.
 
Phòng khám QDY Thường Phước hiện có 14 y bác sĩ, trong đó có 3 đồng chí là bộ đội cử đến phối hợp. Đại úy Vũ Văn Quý quê gốc Nghệ An. Năm 1992, anh gia nhập quân ngũ, được điều động vào Đồng Tháp. Năm 2008, anh kết hôn và đưa vợ vào đây cùng sinh sống. Từ đó tới nay, vợ chồng anh Quý chưa năm nào được về quê ăn Tết cùng bố mẹ. Hơn 20 năm gắn bó với phòng khám, anh coi đây như ngôi nhà thứ hai của mình. Thượng úy, y sĩ Huỳnh Thị Thanh Tuyền sinh ra và lớn lên ở Cao Lãnh, Đồng Tháp, lấy chồng về Trà Vinh khi tuổi đã gần 40. Sau khi kết hôn, chị được điều động vào công tác tại Phòng QDY Thường Phước, 4 tuần mới được về thăm gia đình một lần. Dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng chị và các đồng chí luôn quyết tâm bám trụ, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Thảo Hương

Tin cùng chuyên mục

Nữ đảng viên “giữ lửa” lặng thầm nơi mái nhà BSR

Nữ đảng viên “giữ lửa” lặng thầm nơi mái nhà BSR

(PNTĐ) - “Làm việc gì cũng phải đến nơi đến chốn, phải làm tới khi có kết quả” – đó là châm ngôn của chị Trần Thị Lụa – người đảng viên tiêu biểu của Đảng bộ Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) khi gặp những khó khăn trong công việc suốt hành trình gần 1/4 thế kỷ gắn bó với công ty.
169 hạt sen và giấc mơ vũ trụ Việt

169 hạt sen và giấc mơ vũ trụ Việt

(PNTĐ) - Khi đồng hồ điểm 8h30 sáng ngày 14/4 tại Texas, Mỹ, tên lửa New Shepard của công ty du hành vũ trụ Blue Origin rời bệ phóng, mang theo 6 người phụ nữ can đảm, đánh dấu chuyến bay có phi hành đoàn toàn nữ đầu tiên kể từ sau sứ mệnh của nữ phi hành gia Valentina Tereshkova năm 1963. Trong số đó, một cái tên khiến hàng triệu người Việt Nam tự hào: Amanda Nguyễn - người phụ nữ gốc Việt đầu tiên chính thức bay vào vũ trụ.