Các quốc gia cần tuân thủ Hiến chương Liên Hiệp Quốc và luật pháp quốc tế

MINH THƯ
Chia sẻ

(PNTĐ) - Ngày 24/4, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã tổ chức Phiên thảo luận mở cấp Bộ trưởng với chủ đề “Chủ nghĩa đa phương hiệu quả thông qua bảo vệ các nguyên tắc của Hiến chương Liên Hợp Quốc”. Phiên họp do Ngoại trưởng Nga (nước chủ tịch Hội đồng Bảo an tháng 4) Sergei Lavrov chủ trì.

Tại phiên họp, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres cho rằng hợp tác quốc tế và chủ nghĩa đa phương là tầm nhìn định hướng đối với mọi hoạt động của Liên Hiệp Quốc. Vì vậy, việc cộng đồng quốc tế cần coi các nguyên tắc của Hiến chương Liên Hiệp Quốc, luật pháp quốc tế là nền tảng vững chắc để ứng phó hiệu quả với những biến động và thách thức của tình hình quốc tế hiện nay.

Các quốc gia cần tuân thủ Hiến chương Liên Hiệp Quốc và luật pháp quốc tế - ảnh 1
Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ phát biểu tại phiên họp.

Phát biểu tại phiên thảo luận, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc, cho rằng tất cả các quốc gia có trách nhiệm tuân thủ Hiến chương Liên Hiệp Quốc và luật pháp quốc tế, nhất là nguyên tắc tôn trọng độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia, không sử dụng và đe dọa sử dụng vũ lực, giải quyết hòa bình tất cả tranh chấp trên cơ sở các tiến trình pháp lý và ngoại giao để có thể thúc đẩy chủ nghĩa đa phương hiệu quả.

Theo Đại sứ, chủ nghĩa đa phương chỉ hiệu quả nếu có sự thiện chí, tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau với tinh thần cởi mở, bao trùm và bình đẳng. Đối thoại xây dựng và tôn trọng các quyền lợi chính đáng của tất cả các bên trên cơ sở luật pháp quốc tế cũng đóng vai trò quan trọng trong giải quyết các khác biệt và giảm căng thẳng.

Phiên họp kỷ niệm Ngày quốc tế Mẹ Trái Đất

Cùng ngày, Đại sứ Đặng Hoàng Giang cũng đã tham gia chủ trì Phiên họp kỷ niệm Ngày quốc tế Mẹ Trái Đất.

Tại phiên họp, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhận định tình trạng khủng hoảng chồng khủng hoảng gồm biến đổi khí hậu, sự biến mất của môi trường tự nhiên và tình trạng ô nhiễm, đòi hỏi thế giới phải có hành động mạnh mẽ hơn.

"Trái Đất đang phải đối mặt với 3 cuộc khủng hoảng cùng lúc, gồm biến đổi khí hậu, sự mất đi của môi trường tự nhiên và đa dạng sinh học cùng tình trạng ô nhiễm chất thải toàn cầu. Điều này đang đe dọa hạnh phúc và sự tồn tại của hàng triệu người’, ông Guterres đánh giá.

Tuy nhiên, ông Guterres vẫn bay tỏ hy vọng tạo ra một chuyển biến tốt hơn qua ví dụ 50 năm trước, người dân trên thế giới đã cùng có tiếng nói tại Hội nghị Stockholm, khởi đầu cho phong trào môi trường toàn cầu.

Theo Tổng thư ký, chúng ta đã thu nhỏ lỗ thủng tầng ozon, mở rộng các biện pháp bảo vệ động vật hoang dã và hệ sinh thái, chấm dứt việc sử dụng nhiên liệu pha chì, ngăn chặn hàng triệu ca tử vong sớm. Bên cạnh đó, tháng trước, một nỗ lực toàn cầu mang tính bước ngoặt nhằm ngăn chặn và chấm dứt ô nhiễm nhựa đã được khởi động.

Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc Khóa 77, ông Csaba Kőrösi cho biết các quốc gia đã tái khẳng định sự quan tâm và cam kết tăng cường bảo vệ Trái Đất, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ hệ thống sinh học toàn cầu, đa dạng sinh học và thúc đẩy sự hài hòa với thiên niên và Trái Đất, qua đó thúc đẩy thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) và hướng tới một thế giới bền vững hơn.

Tin cùng chuyên mục

Châu Phi đầu tư mạnh mẽ cho chăm sóc sức khỏe phụ nữ

Châu Phi đầu tư mạnh mẽ cho chăm sóc sức khỏe phụ nữ

(PNTĐ) - Khu vực châu Phi cận Sahara đang đối mặt với thách thức nghiêm trọng về sức khỏe cộng đồng, với tỷ lệ tử vong ở bà mẹ lên tới 70% - cao nhất toàn cầu. Tình trạng đáng báo động này tác động sâu sắc đến sự phát triển bền vững của châu lục và đòi hỏi sự quan tâm và đầu tư mạnh mẽ từ các quốc gia.
Bất bình đẳng giới là nguy nhân chính gia tăng nguy cơ nhiễm HIV ở phụ nữ

Bất bình đẳng giới là nguy nhân chính gia tăng nguy cơ nhiễm HIV ở phụ nữ

(PNTĐ) - Cuộc chiến chống lại HIV/AIDS dù đã đạt được những bước tiến đáng kể, song, vẫn đang phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng, đặc biệt đối với phụ nữ và trẻ em. Số liệu thống kê cho thấy sự bất bình đẳng giới, thiếu tiếp cận chăm sóc y tế và sự thiếu hiểu biết vẫn là những rào cản lớn trong việc kiểm soát dịch bệnh.