Các sản phẩm mới của Apple sẽ được sản xuất tại Việt Nam
(PNTĐ) - Trong buổi báo cáo tài chính ngày 1/5, CEO Tim Cook cho biết phần lớn thiết bị được Apple vận chuyển đến Mỹ trong quý II sẽ được lắp ráp tại Ấn Độ và Việt Nam. Đây là động thái nhằm xoa dịu lo lắng về tác động thuế quan đến hoạt động kinh doanh của Apple.
Trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung tiếp tục leo thang, Apple đang đẩy nhanh chiến lược đa dạng hóa chuỗi cung ứng, với phần lớn thiết bị bán tại Mỹ trong quý II sẽ được lắp ráp tại Ấn Độ và Việt Nam. Đây không chỉ là phản ứng trước rủi ro thuế quan mà còn là bước chuyển lớn trong cấu trúc sản xuất toàn cầu của hãng công nghệ giá trị nhất thế giới.
Theo The Wall Street Journal, Apple là một trong những công ty công nghệ chịu ảnh hưởng nặng nhất khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố thuế quan vào đầu tháng 4, phần lớn bởi dây chuyền sản xuất phụ thuộc vào Trung Quốc. Các nhà đầu tư đang theo dõi chặt chẽ nỗ lực của Apple nhằm di chuyển hoạt động lắp ráp sang Ấn Độ và những quốc gia khác, ít nhất với thiết bị bán tại Mỹ.

Theo CEO Tim Cook, “phần lớn” iPhone bán tại Mỹ trong quý II sẽ đến từ Ấn Độ, trong khi “gần như tất cả” thiết bị khác gồm iPad, Mac, Apple Watch và AirPods sẽ nhập khẩu từ Việt Nam. “Kinh nghiệm lâu dài của chúng tôi cho thấy việc tập trung mọi hoạt động tại một địa điểm chứa quá nhiều rủi ro”, CEO của Apple nhấn mạnh khả năng tiếp tục đa dạng hóa chuỗi cung ứng.
Giới phân tích cho rằng nếu nhập khẩu toàn bộ iPhone đang sản xuất tại Ấn Độ (khoảng 25 triệu chiếc), Apple có thể đáp ứng khoảng 50% nhu cầu của người dùng Mỹ. Công ty phân tích TechInsights giả định nếu thuế quan áp lên hàng hóa Trung Quốc về khoảng 50%, chi phí phần cứng của iPhone 16 Pro có thể tăng 300–500 USD.
Apple đã dành nhiều thập kỷ xây dựng chuỗi cung ứng tại Trung Quốc, gồm các dây chuyền lắp ráp, nhà máy và đội ngũ công nhân lành nghề. Dù vậy, hoạt động bán lẻ của Apple tại Trung Quốc đang gặp khó khăn khi người dùng chuyển sang smartphone nội địa. Xu hướng này có thể tiếp tục khi các thương hiệu Mỹ không còn sức hút với người tiêu dùng Trung Quốc trong bối cảnh chiến tranh thương mại kéo dài. Quý I, doanh số Apple tại Trung Quốc giảm hơn 2%, là khu vực duy nhất tăng trưởng âm.
Kết quả doanh thu
Trong phiên giao dịch kết thúc ngày 1/5 (giờ địa phương), cổ phiếu Apple giảm khoảng 4%. CEO Tim Cook cho biết, giả sử chính sách thuế quan không thay đổi, công ty sẽ ghi nhận chi phí quý II tăng 900 triệu USD, thậm chí cao hơn trong những quý tiếp theo. “Chúng tôi ước tính tác động sẽ khiến chi phí tăng thêm 900 triệu USD. Con số này không nên dùng để tính toán dự báo doanh thu các quý tiếp theo, bởi một số yếu tố có lợi sẽ xảy ra trong quý”, trang tin Bloomberg dẫn lời CEO Apple.
Trong khi đó, kết quả kinh doanh quý I lại cho thấy một bức tranh sáng sủa hơn. Doanh thu tăng 5% lên 95,36 tỷ USD, một phần do nhu cầu iPhone cao sau khi ra mắt iPhone 16e và mảng kinh doanh ứng dụng, dịch vụ tăng trưởng. Lợi nhuận ròng đạt 24,78 tỷ USD, tăng 4,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo The New York Times, kết quả này vượt kỳ vọng của giới phân tích Phố Wall (lợi nhuận 24,37 tỷ USD, doanh thu 94,35 tỷ USD). Apple ước tính doanh thu quý II tăng nhẹ.
Trong quý I, doanh số iPhone – mảng kinh doanh quan trọng nhất của Apple - tăng 2% lên 46,84 tỷ USD. Theo công ty nghiên cứu thị trường Counterpoint Research, doanh số iPhone tăng hơn 10% tại nhiều thị trường như Nhật Bản, Ấn Độ và Trung Đông, giúp công ty vươn lên vị trí số một về thị phần smartphone toàn cầu.
Mảng kinh doanh dịch vụ – gồm ứng dụng, Apple Music và Apple Pay – tiếp tục tăng trưởng, đạt doanh thu 26,65 tỷ USD, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Kết quả kinh doanh ổn định của Apple diễn ra trong bối cảnh thị trường công nghệ nhiều biến động, từ hệ thống Apple Intelligence không đạt kỳ vọng đến những thách thức từ chiến tranh thương mại và chính sách thuế quan của chính quyền Trump.
Trong khi kết quả kinh doanh cho thấy sức bền của Apple trước những cú sốc kinh tế, thì chiến lược dịch chuyển chuỗi cung ứng sang Việt Nam và Ấn Độ là dấu hiệu rõ nét cho thấy tập đoàn này không còn đặt cược toàn bộ vào Trung Quốc.
Dù tình hình chưa rõ ràng, Apple vẫn giữ lập trường thận trọng. Việc duy trì đà tăng trưởng trong bối cảnh bất định đòi hỏi Apple phải hành động thận trọng, linh hoạt nhưng cũng dứt khoát. “Chúng tôi sẽ quản lý công ty theo cách chúng tôi vẫn làm, khi đưa ra quyết định một cách chu đáo và thận trọng. Nhìn về phía trước, chúng tôi vẫn tự tin”, CEO Tim Cook khẳng định.
Nhiều khách hàng đã đổ xô mua iPhone trước khi giá tăng do ảnh hưởng của thuế quan, dự kiến đóng góp vào doanh số iPhone quý II (kết thúc vào tháng 6). Các nhà phân tích Phố Wall dự đoán iPhone có thể tăng giá từ 1.000 lên 1.600 USD nếu chi phí nhập khẩu và sản xuất bị đội lên quá cao.