Gia tăng tình trạng sống cô lập hoàn toàn với xã hội ở Nhật Bản

MINH THƯ
Chia sẻ

(PNTĐ) - Một cuộc khảo sát được công bố gần đây của Văn phòng Nội các Nhật Bản cho thấy có khoảng 1,46 triệu người trong độ tuổi lao động ở quốc gia này, tương đương với tỷ lệ 1/50, đang sống như một hikikomori – người cô lập bản thân hoàn toàn khỏi xã hội.

Hikikomori là một hiện tượng xã hội tại Nhật Bản, trong đó những người mắc hội chứng này tự nhốt mình trong phòng, hiếm khi rời khỏi nhà và cắt đứt hoàn toàn liên hệ với xã hội. Biểu hiện của hikikomori rất đa dạng khi một số người cho biết không đủ sức để rời giường, một số người lại chịu rối loạn ám ảnh cưỡng chế như tắm nhiều lần trong ngày hay lau dọn nhà cửa nhiều giờ liền hoặc có những người chơi game suốt ngày đêm.

Theo Asahi Shimbun, đây là nghiên cứu đầu tiên của Văn phòng Nội các về hiện tượng “hikikomori” ở những người trong độ tuổi từ 15 đến 64 tại Nhật Bản. Các nghiên cứu trước đó chủ yếu tập trung vào những người trẻ tuổi lựa chọn không đi học, sống ẩn dật ở trong nhà và từ chối tiếp xúc xã hội.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu sau đó phát hiện ra rằng vấn đề này còn tiếp diễn trong nhiều năm sau đó, thậm chí cho tới tuổi trưởng thành và tuổi già, khiến phạm vi nghiên cứu phải mở rộng hơn.

 Gia tăng tình trạng sống cô lập hoàn toàn với xã hội ở Nhật Bản - ảnh 1
ủa một người mắc hội chứng hikikomori tại Nhật Bản. Ảnh: Francesco Jodice

Cụ thể, tờ Japan Times đưa tin nghiên cứu được tiến hành dựa trên một cuộc khảo sát với hơn 30.000 người độ tuổi 10 tới 69 hồi tháng 11/2022 trên toàn quốc và Văn phòng Nội các đưa ra ước tính khoảng 1.46 triệu người là hikikomori. Điều này đồng nghĩa với việc cứ 50 người Nhật Bản sẽ có một người hiếm khi hoặc không bao giờ rời khỏi nhà của mình. Con số này chiếm khoảng 2% tổng dân số từ 15 đến 64 tuổi của cả nước.

Kết quả nghiên cứu cho thấy 2,05% người từ 15 đến 39 tuổi hoặc chỉ ra ngoài vì sở thích của mình, hoặc rời khỏi phòng nhưng vẫn ở trong nhà hoặc hiếm khi rời khỏi phòng trong ít nhất 6 tháng. Tỷ lệ này ở mức 2,02% đối với những người trong độ tuổi từ 40 đến 64.

Trong khi đó, 21,5% hikikomori trong độ tuổi từ 15 đến 39 bị cô lập về mặt xã hội từ 6 tháng đến dưới một năm và 21,9% những người trong độ tuổi từ 40 đến 64 đã tự nhốt mình trong nhà dưới 2 đến 3 năm.

Về nguyên nhân cho hiện tượng này, 20,8% hikikomori trong độ tuổi từ 15 đến 39 cho biết mình gặp khó khăn trong các mối quan hệ cá nhân. Một nguyên nhân phổ biến khác được 18.1% đưa ra là do đại dịch Covid-19. Về phía những người sống ẩn dật trong độ tuổi 40 tới 64, 44,5% cho biết nguyên nhân tới từ việc rời bỏ công việc trong khi 20,6% cũng nêu nguyên nhân tới từ đại dịch.

Theo các quan chức Văn phòng Nội các Nhật, nhiều người có thể đã lựa chọn ở nhà vì lo sợ nhiễm Covid-19. Trên thực tế, Nhật Bản không thực hiện phong tỏa quá chặt chẽ để ngăn chặn sự lây lan của virus mà chỉ yêu cầu mọi người hạn chế ra ngoài đường khi không cần thiết. Đồng thời, một số nhà tuyển dụng và trường đại học cũng khuyến khích làm việc từ xa và học từ xa.

Sự gia tăng trong số lượng hikikomori đang khiến một số chính quyền địa phương phải đưa ra các chính sách đối phó. Vào tháng 6 năm nay, phường Edogawa ở Tokyo dự kiến tổ chức các sự kiện xã hội hóa metaverse để tạo cơ hội cho hikikomori gặp gỡ mọi người thông qua avatar của mình.

Theo một cuộc khảo sát năm 2021, phường này là nơi sinh sống của hơn 9.000 hikikomori, bao gồm cả những học sinh đã nghỉ học. Trả lời hãng tin Mainichi Shimbum, thị trưởng phường Takeshi Saito cho biết mọi chuyện sẽ không được giải quyết hoàn toàn chỉ nhờ metaverse. Tuy nhiên, nó có thể trở nên hữu ích với một số người, đặc biệt là những người không thể rời khỏi phòng của họ và không tương tác với người khác.

Tin cùng chuyên mục