Khủng hoảng khí hậu tác động xấu đến sức khỏe cộng đồng

MINH THƯ
Chia sẻ

(PNTĐ) - Sự nóng lên toàn cầu gây hại cho hành tinh cũng như cho sức khỏe con người. Trang tin Gov Insider nhấn mạnh khu vực Đông Nam Á đặc biệt dễ bị tổn thương bởi các rủi ro nghiêm trọng khi nắng nóng xảy ra và đưa ra những khuyến nghị để giải quyết vấn đề này.

Đông Nam Á là khu vực dễ tổn thương

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), biến đổi khí hậu có thể gây ra khoảng 250.000 ca tử vong mỗi năm do các căn bệnh như suy dinh dưỡng, sốt rét, tiêu chảy hoặc do con người không thể thích nghi với nhiệt độ cao trong các đợt nắng nóng. Tổ chức này cho biết, đến năm 2030, các quốc gia sẽ tiêu tốn từ 2 tỷ đến 4 tỷ USD mỗi năm để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu tới sức khỏe.

Báo cáo Chỉ số rủi ro khí hậu toàn cầu chỉ ra, trong số 25 nền kinh tế trên thế giới chịu nhiều rủi ro nhất do biến đổi khí hậu, có tới 1/4 nằm ở Đông Nam Á. Trong một thập kỷ qua, Philippines, Việt Nam và Myanmar đã trải qua số lượng hiện tượng thời tiết khắc nghiệt nhiều hơn tất cả mười quốc gia bị đe dọa bởi biến đổi khí hậu cộng lại. Ô nhiễm không khí mỗi năm dẫn đến khoảng 450.000 ca tử vong sớm ở Đông Nam Á, và đến năm 2040 con số này sẽ vượt quá 650.000 người. Theo Giám đốc thương mại và đầu tư của Phòng Thương mại Anh tại Singapore Steve Firstbrook, điều này khiến GDP của ba quốc gia này giảm tới 1,7%. "Những người nghèo nhất trong xã hội sẽ gánh hậu quả nặng nề nhất do biến đổi khí hậu", ông Steve Firstbrook nói.

Hiện tượng nắng nóng kéo dài còn kéo theo nhiều hệ lụy đáng ngại cho sức khỏe con người. Trong một nghiên cứu gần đây, Tiến sĩ Joel Aik, Phó giáo sư tại trường đại học Y Duke-NUS (Singapore), đã tìm thấy mối liên quan giữa tần số rối loạn nhịp tim với nhiệt độ của môi trường ở vùng khí hậu nhiệt đới. “Có bằng chứng cho thấy rằng, những người từ 65 tuổi trở lên là nhóm đặc biệt có nguy cơ rất cao, điều đó có nghĩa ngày càng nhiều người sẽ phải đối mặt với rủi ro do biến đổi khí hậu khi nhiệt độ không khí cao làm gia tăng bệnh tim mạch và hô hấp”, ông Joel Aik nói. Vị chuyên gia cũng cảnh báo sự nóng lên toàn cầu làm gia tăng các bệnh lan truyền từ muỗi, bệnh truyền qua thực phẩm, rối loạn tâm thần và thậm chí số vụ tự tử. Còn Giáo sư Jason Lee, chuyên gia thuộc trường Dược Yong Loo Lin, đại học Quốc gia Singapore cảnh báo: "Sóng nhiệt chính là kẻ giết người thầm lặng nhưng dường như con người đang quên mất điều đó".

Khủng hoảng khí hậu tác động xấu đến sức khỏe cộng đồng - ảnh 1
Hội nghị COP 27 được kỳ vọng đem lại nhiều kết quả về nỗ lực ứng phó biến đổi khí hậu toàn cầu. 

Hy vọng nào cho khu vực?

Mặc dù Đông Nam Á là một khu vực dễ bị tổn thương, nhưng, khu vực này cũng có "tiềm năng đáng kể" về một tương lai xanh không chỉ tốt hơn cho sức khỏe cộng đồng mà còn công bằng hơn về mặt kinh tế và xã hội. Nghiên cứu từ McKinsey (công ty chuyên nghiên cứu chiến lược cho các tập đoàn, chính phủ và các tổ chức đa quốc gia) phát hiện ra rằng, đầu tư vào năng lượng tái tạo sẽ tạo ra việc làm nhiều gấp gần ba lần so với số tiền chi cho nhiên liệu hóa thạch, đây là một sự chuyển đổi rất thực tế. Cơ quan Năng lượng Quốc tế cũng báo cáo rằng, phụ nữ chiếm tới 32% nhân viên trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, so với chỉ 22% phụ nữ trong lĩnh vực nhiên liệu hóa thạch, việc chuyển đổi còn thúc đẩy nhanh chóng bình đẳng giới, mang lại nhiều công bằng hơn cho phụ nữ.

Là một thành viên có nhiều đóng góp tích cực cho các hoạt động ứng phó với biết đổi khí hậu, tại Hội nghị Thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc lần thứ 27 (COP27), Việt Nam đã chia sẻ về những nỗ lực trong việc thành lập Ban chỉ đạo Quốc gia thực hiện cam kết của Việt Nam về COP 26, phê duyệt Chiến lược quốc gia về Biến đổi khí hậu đến năm 2050 cũng như cập nhật Báo cáo Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC). Bên cạnh đó, Việt Nam đã ký nhiều thỏa thuận hợp tác với các nước nhằm triển khai giảm phát thải các bon và chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam. Theo Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT) - Phó trưởng Ban Công tác đàm phán của Việt Nam về Biến đổi khí hậu Phạm Văn Tấn, 90% nguồn lực cho ứng phó biến đổi khí hậu được dành cho việc giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, chỉ có chưa đến 7% cho thích ứng biến đổi khí hậu. Thực tế tại những nước đang phát triển, nhu cầu thích ứng với biến đổi khí hậu để tồn tại và phát triển là rất lớn nhưng lại không có nguồn lực.

"Tài chính khí hậu" cũng là từ khóa được nhắc đến nhiều nhất tại Hội nghị COP27 với kỳ vọng tìm được sự đồng thuận trong các cuộc thảo luận của hơn 190 nước thành viên, bởi để ứng phó hay thích ứng biến đổi khí hậu thành công, sẽ luôn cần một cam kết tài chính nhất định từ các nước phát triển.

Tin cùng chuyên mục

Nước Nga chính thức bước vào cuộc Bầu cử Tổng thống 2024

Nước Nga chính thức bước vào cuộc Bầu cử Tổng thống 2024

(PNTĐ) - Ngày 15/3 (theo giờ địa phương), các điểm bỏ phiếu đầu tiên trong cuộc bầu cử Tổng thống Nga chính thức mở cửa. Sự kiện này sẽ "quyết định số phận” của nước Nga trong lịch sử hiện đại. Cuộc bầu cử kéo dài ba ngày từ ngày 15-17/3/2024, trong đó ngày 17/3 mang yếu tố quyết định.