Ngành văn hóa thế giới khó hồi phục do Covid-19

ĐỖ HỮU
Chia sẻ

(PNTĐ) -Đại dịch Covid-19 đã phủ bóng đen lên ngành văn hóa thế giới, khiến các tổ chức và cơ sở văn hóa bị gián đoạn hoạt động kéo dài dẫn tới hậu quả nhiều nghệ sĩ và chuyên gia đã mất kế sinh nhai hoặc phải từ bỏ nghề và làm gia tăng sự bất bình đẳng.

Ngành văn hóa thế giới khó hồi phục do Covid-19 - ảnh 1
Nhân viên y tế đang phun khử khuẩn trong một rạp chiếu phim
Ảnh: bloomberg
 

Bất bình đẳng trong chuyển đổi số
Báo cáo “Văn hóa trong thời kỳ Covid-19: Sự bền bỉ, Phục hồi và Phục hưng” cho rằng, Covid-19 đã khiến ngành văn hóa chịu nhiều xáo trộn. Trong đó, sự lên ngôi của các sự kiện trực tuyến dẫn tới thiếu công bằng trong phân chia doanh thu giữa người sáng tạo, nhà sản xuất và nhà phân phối. Báo cáo này cũng khẳng định chuyển đổi số diễn ra không đồng đều trong lĩnh vực văn hóa. Cụ thể, tồn tại một khoảng cách đáng kể về năng lực, chuyên môn giữa các tổ chức lớn và nhỏ, các cá nhân trong ngành hoặc theo lĩnh vực từ di sản, nghệ thuật, sách đến phương tiện nghe nhìn, tương tác, dịch vụ sáng tạo và thiết kế. Covid-19 còn gây tác động tiêu cực đến các nghệ nhân độc lập, đặc biệt là nghệ sỹ nữ khi nhóm này không thể duy trì sinh kế và phải bỏ nghề, dẫn tới hậu quả “chảy máu” nhân tài trong lĩnh vực văn hóa.

Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) khẳng định, các lĩnh vực văn hóa và sáng tạo chiếm tới 3,1% GDP của thế giới và 6,2% tổng số việc làm. Do đó, việc tập trung vào các chính sách cũng như lao động trong ngành văn hóa sẽ trở thành “đầu tư chiến lược để phát triển kinh tế” một cách hiệu quả và bền vững cho mỗi quốc gia. Trợ lý Tổng giám đốc UNESCO về lĩnh vực Văn hóa, ông Ernesto Ottone cho rằng: “Việc xây dựng một môi trường làm việc bền vững và hòa nhập cho các chuyên gia văn hóa và nghệ thuật là vấn đề cấp bách lúc này bởi họ là những người đóng vai trò quan trọng đối với các xã hội trên thế giới”. Cũng theo vị chuyên gia này, việc thích ứng với môi trường kỹ thuật số tiếp tục là thách thức lớn trong lĩnh vực văn hóa và sáng tạo. Bên cạnh đó, những thế hệ người làm văn hóa, nghệ thuật tương lai cần phải được đào tạo về công nghệ số nhằm tăng khả năng thích nghi với sự biến đổi nhanh chóng của các các công cụ kỹ thuật số.

Thiệt hại nặng nề do dịch bệnh
Theo báo cáo của UNESCO và Sở Văn hóa-Du lịch Abu Dhabi (UAE) công bố hồi tháng 6, lĩnh vực văn hóa thế giới đã trải qua sự suy giảm đáng kể do đại dịch Covid-19 khi doanh thu tổng thể giảm từ 20-40%, 10 triệu việc làm đã “bốc hơi” chỉ tính riêng trong năm 2020. 

Báo cáo trích dẫn, trong số 167 quốc gia thành viên có di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới được công nhận, có đến 119 quốc gia đã đóng cửa hoàn toàn các di sản này, 30 quốc gia khác đóng cửa một phần và chỉ có 18 quốc gia tiếp tục mở cửa di sản trong năm 2020, khi dịch Covid-19 bùng phát. 

Các lệnh giãn cách nghiêm ngặt đã gây ảnh hưởng rất lớn đến các hoạt động kinh tế - xã hội đối với lực lượng lao động cũng như cộng đồng sinh sống trong phạm vi di sản. Trong khi đó, quá trình mở cửa trở lại các di sản này diễn ra rất chậm, không đồng nhất khiến nhiều thách thức ngắn hạn tiếp tục diễn ra bao gồm hạn chế về năng lực tổ chức sự kiện, các biện pháp vệ sinh, tình trạng sức khỏe của nhân viên và sự ngần ngại của một số bộ phận người dân khi quay trở lại với các địa điểm văn hóa.

Theo ước tính, ngành văn hóa toàn cầu đã chịu thiệt hại lên tới 750 tỷ USD. Để so sánh, nếu tổng giá trị gia tăng (GVA) của nền kinh tế toàn cầu giảm 3% vào năm 2020, thì GVA của lĩnh vực văn hóa toàn cầu giảm tới 8%. Riêng ngành văn hóa dựa trên các hoạt động trực tiếp, con số suy giảm còn lên tới mức 25% - gấp 8 lần so với mức suy giảm trung bình của tất cả các nền kinh tế thế giới.

Trong số 10 triệu người mất việc làm trong năm 2020, đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là các cá nhân có hợp đồng lao động ngắn hạn và làm việc theo dự án trong khi các tổ chức cơ sở, nghệ sĩ mới nổi, những người làm sáng tạo tự do và các chuyên gia văn hóa cũng phải vật lộn để khẳng định vị trí của mình trong một hệ sinh thái văn hóa đang biến đổi.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Bổ nhiệm ông Phạm Thanh Bình làm Thứ trưởng Bộ Ngoại giao

Bổ nhiệm ông Phạm Thanh Bình làm Thứ trưởng Bộ Ngoại giao

(PNTĐ) - Ông Phạm Thanh Bình - Vụ trưởng Vụ Đông Bắc Á, Bộ Ngoại giao vừa được bổ nhiệm giữ chức Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam. Đáng chú ý, ông Phạm Thanh Bình được tiến cử làm Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc với thời hạn nhiệm kỳ 5 năm thay cho ông Phạm Sao Mai.
Công dân Việt Nam vẫn an toàn giữa căng thẳng Iran-Israel

Công dân Việt Nam vẫn an toàn giữa căng thẳng Iran-Israel

(PNTĐ) - Đại sứ quán Việt Nam tại Israel và Iran tiếp tục ra thông báo khuyến cáo công dân các biện pháp bảo đảm an toàn trước tình hình xung đột leo thang phức tạp giữa Israel và Iran. Đồng thời, Đại sứ Israel tại Việt Nam khẳng định, Israel cam kết bảo đảm an toàn cho công dân Việt Nam.