Nhật Bản lo ngại bến đổi khí hậu tác động đến văn hóa quốc gia

MINH THƯ
Chia sẻ

(PNTĐ) - Biến đổi khí hậu không phải là một vấn đề mới và cũng không phải là thách thức của riêng quốc gia nào, nhưng những hệ lụy tiêu cực của tình trạng này đang âm thầm “ngấm sâu” vào văn hoá truyền thống của đất nước hoa anh đào.

Mặc dù là quốc gia phát triển theo hướng công nghiệp hóa và hiện đại hóa, Nhật Bản vẫn luôn được lưu giữ những nét văn hóa truyền thống với dấu ấn riêng theo mỗi mùa trong năm. Sự xuất hiện của hoa anh đào tiết xuân, lá vàng dưới ánh nắng thu, hay núi Phú Sĩ phủ đầy tuyết trắng ngày đông đã trở thành nét đặc trưng, đầy màu sắc trong văn chương, âm nhạc và thậm chí là ẩm thực Nhật Bản.

Tuy nhiên, nền văn hóa đầy sức sống ấy đang “ái ngại” do những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, khi nhiệt độ Trái Đất không thể duy trì mức tăng dưới 1,5 độ C. Liên Hợp Quốc mới đây đưa ra cảnh báo rằng với tình hình hiện tại nền nhiệt toàn cầu sẽ nóng lên 2,6 độ C vào cuối thế kỷ này. Hệ quả kéo theo đó sẽ là hiện tượng “mất mùa”, đặc biệt là mùa xuân và mùa thu.

Nhật Bản lo ngại bến đổi khí hậu tác động đến văn hóa quốc gia - ảnh 1
Trẻ em Nhật bản mặc Kimono đi dọc con đường hoa anh đào ở thành phố Ichinomiya.

Theo một nghiên cứu từ năm 2021 ở Trung Quốc, nếu cộng đồng quốc tế không nỗ lực nhiều hơn nhằm giảm lượng khí thải carbon dioxide ra môi trường, thời gian diễn ra mùa hè ở bán cầu bắc có thể sẽ kéo dài trong vòng nửa năm kể từ thế kỷ sau. Nghiên cứu này cũng chỉ ra rằng mùa đông có thể sẽ chỉ kéo dài trong chưa đầy hai tháng, trong khi thời gian mùa xuân và mùa thu diễn ra trong năm đều sẽ sụt giảm đáng kể.

Hiện tượng này được xem là một mối đe dọa tiềm tàng đối với văn hóa Nhật Bản, bởi cảnh sắc thiên nhiên mỗi mùa đều là nguồn cảm hứng, là chủ đề khai thác lớn trong văn học, nghệ thuật và ẩm thực của quốc gia này. Một ví dụ điển hình là haiku, một thể thơ ngắn cô đọng và hàm súc của Nhật Bản, trong đó các mùa là một “chất liệu” quan trọng của những tác phẩm này. Với các thi sĩ người Nhật, mỗi bài thơ haiku tất yếu phải bao gồm một quý ngữ chỉ mùa, hay còn gọi là kigo.

“Quý ngữ “koharubiyori” nghĩa là làn gió lạnh khô cây lá, một kigo thường được sử dụng để chỉ tiết trời cuối thu đầu đông trong thơ này. Thế nhưng, thời tiết đang ngày một ấm hơn, khí hậu đó không còn được cảm nhận rõ ràng trong năm. Là một người thi sĩ chân chính, kigo đó không thể được sử dụng, nếu như nó không xuất phát từ cảm xúc có thật”- Etsuya Hirose, một nhà thơ haiku, chia sẻ.

“Có thể sẽ có người nói rằng đây là cơ hội để tìm hình thức biểu đạt mới cho thể thơ haiku. Tuy nhiên, việc không thể sử dụng kigo sẽ làm mất đi sự đa dạng trong thơ haiku, và hơn cả, làm mai một đi nét văn hóa truyền thống trong thi ca Nhật Bản, vốn đã được truyền qua rất nhiều thế hệ”- nhà thơ Hirose nhấn mạnh.

Trước những tác động của biến đổi khí hậu, thể thơ Haiku không phải là cái giá duy nhất mà người Nhật đã trả, và cái giá tiếp theo có thể sẽ là washoku – văn hóa ẩm thực truyền thống của quốc gia này. Vào năm 2013, UNESCO đã đưa washoku vào danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể, đồng thời mô tả nét văn hóa này thể hiện cho tinh thần tôn trọng và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Trong văn hóa ẩm thực washoku của Nhật Bản, osechi - bữa ăn truyền thống trong ngày Tết, được xem là nét phong tục mang nhiều ý nghĩa đặc biệt. Các món ăn sẽ được chuẩn bị đa dạng với nhiều nguyên liệu phong phú, trong đó mỗi nguyên liệu đều có được gửi gắm một ước nguyện tượng trưng. Tuy nhiên, tình trạng nóng lên toàn cầu đang hủy hoại hệ sinh thái tự nhiên, gián tiếp khiến cho một số thành phần, nguyên liệu trở nên vô cùng khan hiếm.

Nhật Bản lo ngại bến đổi khí hậu tác động đến văn hóa quốc gia - ảnh 2
Một hòm thư thu thập thơ haiku được người dân sáng tác tại thành phố Matsuyama.

“Vào ngày Tết đầu năm 2023, việc chuẩn bị osechi gặp nhiều trở ngại chưa từng thấy, hầu hết các nguyên liệu phổ biến trước đây, như bạch tuộc biển hay botargo (trứng cá ướp muối), đều không dễ dàng tìm thấy. Nguyên nhân chính của tình trạng này cần được nhìn nhận rõ, đó là sự nóng lên toàn cầu”- chủ một nhà hàng washoku ở Tokyo cho biết.

Tại Nhật Bản, một số loài hải sản được ghi nhận ngày càng khó đánh bắt hơn do tình trạng ô nhiễm biển, nhiệt độ nước tăng. Việc thu hoạch kém cũng chính là nguyên nhân khiến số lượng ngư dân đánh bắt hải sản tại quốc gia này giảm đáng kể. Nhìn ở một góc độ rộng hơn, ẩm thực sushi, món ăn nổi tiếng của Nhật Bản, nằm trong số những món ăn phổ biến nhất trên thế giới, cũng đã phải chịu những ảnh hưởng không hề nhỏ do biến đổi khí hậu.

Bên cạnh đó, văn hóa trà đạo Sado của Nhật Bản cũng đang phải hứng chịu những tác động “âm thầm” của tình trạng biến đổi khí hậu. Một số loại cây trồng theo mùa mang tính biểu tượng, và thường được sử dụng trong văn hóa trà đạo của xứ sở mặt trời mọc, đang trở nên vô cùng khan hiếm bởi chúng khó trồng hơn do những thay đổi về khí hậu.

Hệ lụy tiêu cực của biến đổi khí hậu đang ngấm sâu vào văn hóa Nhật Bản, nhưng đó không phải là câu chuyện của một quốc gia, mà là bài toàn cả thế giới đang phải đối mặt. Nếu như công cuộc bảo vệ môi trường không được tiếp tục đẩy mạnh, những nét văn hóa truyền thống sẽ dần mất đi và vĩnh viễn nằm lại quá khứ trong lịch sử nhân loại. Những tổn thất về văn hóa chắc chắn sẽ là cái giá rất đắt.

Tin cùng chuyên mục