Nhiều chính sách động viên kiều bào tham gia xây dựng đất nước

MINH THƯ
Chia sẻ

(PNTĐ) - Sáng 29/11, tại trụ sở Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài – Bộ Ngoại giao, Ban cán sự đảng Bộ Ngoại giao đã tổ chức Hội nghị chuyên đề về công tác người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) phục vụ tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW của Ban Chấp hành TW Đảng khóa IX về phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Hội nghị có chủ đề “Những chính sách động viên và tạo điều kiện cho NVNONN hướng về quê hương, tham gia xây dựng đất nước”, nhằm đánh giá công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW trong công tác về NVNONN từ năm 2003 đến nay; tổng kết kết quả triển khai công tác đại đoàn kết đối với cộng đồng NVNONN của các ban, bộ ngành, địa phương, các CQĐD Việt Nam ở nước ngoài và các tổ chức chính trị - xã hội kể từ khi Nghị quyết được ban hành; đánh giá một cách toàn diện, khách quan về những kết quả đạt được, hạn chế và nguyên nhân; phân tích, dự đoán bối cảnh mới và những yêu cầu mới đặt ra nhằm tiếp tục củng cố, tăng cường, phát huy sức mạnh của cộng đồng NVNONN trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đồng thời, Hội nghị nhằm tăng cường quán triệt chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về đại đoàn kết dân tộc đối với NVNONN, được thể hiện xuyên suốt, nhất quán trong Nghị quyết 36-NQ/TW, Chỉ thị 45-CT/TW và Kết luận 12-KL/TW của Bộ Chính trị về công tác NVNONN trong tình hình mới.

Tham dự Hội nghị có ông Phạm Quang Hiệu, Ủy viên Ban cán sự đảng Bộ Ngoại giao, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về NVNONN; ông Đỗ Văn Phới, Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương; Đại sứ Nguyễn Phú Bình, Chủ tịch Hội Liên lạc với NVNONN; đại diện một số bộ, ngành, cơ quan ở trung ương, địa phương cùng đông đảo cán bộ công chức Ủy ban Nhà nước về NVNONN.

Nhiều chính sách động viên kiều bào tham gia xây dựng đất nước - ảnh 1
Các đại biểu tham dự Hội nghị.

Tại Hội nghị, ông Ngô Trịnh Hà, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về NVNONN trình bày báo cáo dẫn đề của Ban cán sự đảng Bộ Ngoại giao tổng kết 20 năm triển khai Nghị quyết 23-NQ/TW phần nhiệm vụ liên quan đến công tác NVNONN và gợi mở một số vấn đề thảo luận. Theo ông Ngô Trịnh Hà, một số kết quả tiêu biểu trong công tác đại đoàn kết đối với NVNONN gồm:

Một là, công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW được thực hiện quyết liệt, kịp thời. Các cấp ủy, tổ chức đảng ở trong và ngoài nước đã tổ chức quán triệt Nghị quyết 23-NQ/TW trong toàn bộ cán bộ, đảng viên, đồng thời phổ biến rộng rãi tới đông đảo NVNONN. Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành, địa phương, căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao đã xây dựng các kế hoạch, chương trình hành động về công tác NVNONN của cơ quan và địa phương mình.

Hai là, công tác nghiên cứu, tham mưu, xây dựng chính sách đối với NVNONN được triển khai toàn diện. Nhiều chính sách, quy định pháp luật trong các lĩnh vực quốc tịch, sở hữu nhà ở, xuất nhập cảnh, thu hút, trọng dụng cá nhân là NVNONN hoạt động khoa học công nghệ… đã được ban hành, tạo điều kiện thuận lợi cho NVNONN về nước làm việc, đầu tư, kinh doanh, đồng thời tăng cường gắn kết kiều bào với quê hương.

Ba là, công tác đại đoàn kết, vận động NVNONN hướng về quê hương đạt được những bước đột phá quan trọng. Nhiều hoạt động dành cho kiều bào được tổ chức cả ở trong và ngoài nước thu hút sự tham gia của đông đảo kiều bào, kể cả những người trước đây có định kiến, giúp bà con ngày càng tin tưởng vào đường lối, chính sách phát triển của Đảng và Nhà nước.

Bốn là, công tác huy động nguồn lực NVNONN ngày càng được chú trọng. Bộ Ngoại giao phối hợp với các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh và thường xuyên đổi mới các hình thức kết nối và huy động nguồn lực của NVNONN như tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị, tọa đàm theo hình thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến; hỗ trợ thành lập mạng lưới liên kết trí thức, doanh nhân NVNONN đóng góp ý kiến vào những vấn đề quan trọng của đất nước; hỗ trợ tháo gỡ vướng mắc cho kiều bào khi về địa phương đầu tư, kinh doanh, hợp tác khoa học.

Năm là, công tác chăm lo, hỗ trợ kiều bào ổn định cuộc sống và hội nhập vào xã hội sở tại được tăng cường. Bộ Ngoại giao phối hợp với các bộ, ngành, địa phương chú trọng triển khai các biện pháp chăm lo, hỗ trợ kiều bào, nhất là ở những địa bàn khó khăn, ổn định cuộc sống; tăng cường công tác bảo hộ công dân; thúc đẩy hợp tác quốc tế trong lĩnh vực phòng chống tội phạm trong cộng đồng, quản lý lao động, du học sinh, nhận con nuôi, kết hôn với người nước ngoài.

Sáu là, công tác giữ gìn tiếng Việt, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, thông tin đối với NVNONN tiếp tục được đổi mới, ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu của cộng đồng.

Theo ông Ngô Trịnh Hà, để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác đại đoàn kết đối với NVNONN, cần tập trung triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm như: Tiếp tục hoàn thiện các chính sách, pháp luật nhằm tạo thuận lợi cho kiều bào gắn bó với quê hương; Tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả các hình thức tập hợp, vận động NVNONN, trong đó chú trọng đối tượng kiều bào trẻ; Phát huy hơn nữa vai trò của các hội đoàn trong công tác đại đoàn kết dân tộc; Tiếp tục phát huy nguồn lực của NVNONN, nhất là nguồn lực “mềm” đóng góp cho sự phát triển của đất nước, cũng như các địa phương; Tăng cường các biện pháp quản lý lao động xuất khẩu, du học sinh nhằm xử lý triệt để tình trạng người Việt Nam vi phạm pháp luật nước sở tại…

Hội nghị đã lắng nghe 7 tham luận của các cơ quan, bộ ngành và địa phương liên quan đến những nội dung lớn trong công tác NVNONN như: Kết quả triển khai các chính sách pháp luật liên quan đến NVNONN; Công tác vận động NVNONN, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở trong và ngoài nước; Công tác hỗ trợ, vận động NVNONN đóng góp cho sự phát triển của địa phương; Vai trò của các cơ quan chức năng trong nước, CQ đại diện Việt Nam ở nước ngoài trong việc ngăn chặn, hạn chế tình trạng lao động Việt Nam và học sinh, sinh viên Việt Nam vi phạm pháp luật sở tại; Công tác thông tin, tuyên truyền đối với NVNONN…

Nhiều chính sách động viên kiều bào tham gia xây dựng đất nước - ảnh 2
Ông Phạm Quang Hiệu phát biểu kết luận tại Hội nghị.

Phát biểu kết luận tại Hội nghị, ông Phạm Quang Hiệu, Ủy viên Ban cán sự đảng Bộ Ngoại giao, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về NVNONN cho biết các bộ, ngành, cơ quan trong và ngoài nước cũng như các địa phương đã đạt được nhận thức chung về một số điểm quan trọng liên quan đến công tác NVNONN. Trong bối cảnh tình hình mới, yêu cầu mới, từ góc độ công tác NVNONN, Ban cán sự đảng Bộ Ngoại giao thấy rằng cần thiết có Nghị quyết mới về công tác đại đoàn kết dân tộc trên cơ sở kế thừa, phát huy những quan điểm, phương hướng, nhiệm vụ trong Nghị quyết 23-NQ/TW, đồng thời cập nhật, bổ sung những quan điểm chỉ đạo của Đại hội XIII về công tác đại đoàn kết dân tộc và công tác NVNONN.

Đối với công tác NVNONN, Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu đề xuất một số nội dung cần nhấn mạnh và thể hiện trong Nghị quyết mới về công tác đại đoàn kết dân tộc như sau: “Về mục tiêu, cần củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong đó có NVNONN; xây dựng cộng đồng NVNONN ổn định, phát triển, hội nhập thành công ở sở tại và hướng về quê hương đất nước, đóng góp phù hợp theo khả năng, thế mạnh của mình cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Về quan điểm, cần khẳng định cộng đồng NVNONN là bộ phận không tách rời của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Lấy mục tiêu giữ vững độc lập, thống nhất của Tổ quốc, vì dân giàu nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh làm điểm tương đồng, trên cơ sở khoan dung, thông hiểu, hài hòa lợi ích cá nhân, lợi ích tập thể và lợi ích quốc gia – dân tộc xây dựng tinh thần cởi mở, tin cậy lẫn nhau. Ngoài ra, cần triển khai toàn diện và mạnh mẽ trên tất cả các mặt nội dung, phương thức và đối tượng của công tác NVNONN; thể hiện rõ nét tình cảm và trách nhiệm của Đảng và Nhà nước trong việc chăm lo cho NVNONN; linh hoạt trong triển khai chính sách trên cơ sở cân nhắc tính đặc thù của NVNONN. Đồng thời, đại đoàn kết đối với NVNONN là nhiệm vụ, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và của toàn dân, mà hạt nhân lãnh đạo là các tổ chức đảng, được thực hiện bằng nhiều biện pháp, hình thức trong đó các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước có ý nghĩa quan trọng hàng đầu. Về nhiệm vụ cụ thể, công tác NVNONN cần đẩy mạnh thực hiện hai nhóm nhiệm vụ chính về hỗ trợ và vận động cộng đồng”.

Tin cùng chuyên mục

Nước Nga chính thức bước vào cuộc Bầu cử Tổng thống 2024

Nước Nga chính thức bước vào cuộc Bầu cử Tổng thống 2024

(PNTĐ) - Ngày 15/3 (theo giờ địa phương), các điểm bỏ phiếu đầu tiên trong cuộc bầu cử Tổng thống Nga chính thức mở cửa. Sự kiện này sẽ "quyết định số phận” của nước Nga trong lịch sử hiện đại. Cuộc bầu cử kéo dài ba ngày từ ngày 15-17/3/2024, trong đó ngày 17/3 mang yếu tố quyết định.