Nhiều nước châu Á cân nhắc rút ngắn thời gian làm việc của người lao động

​PHÚ ĐỖ
Chia sẻ

(PNTĐ) - Trước tình trạng sức khỏe người lao động bị ảnh hưởng xấu bởi thời gian làm việc quá dài, nhiều nước châu Á đã thực hiện giảm số ngày làm việc còn 4 ngày trong một tuần.

Nghịch lý thời gian làm việc dài nhưng năng suất thấp

Nhật Bản đã từng phải vật lộn với “Karoshi”, nghĩa đen chỉ "cái chết do làm việc quá sức", trong nhiều thập kỷ. Theo số liệu của chính phủ nước này, chỉ trong vòng một năm (tính đến cuối năm 2021), đã có hơn 2.800 yêu cầu bồi thường liên quan đến Karoshi, tăng 43% so với 10 năm trước. Năm 2015, câu chuyện một nhân viên 24 tuổi của công ty quảng cáo Dentsu tự tử do phải chịu những áp lực quá lớn từ công việc đã làm dấy lên làn sóng phản đối kịch liệt từ dư luận. Các quốc gia láng giềng như Trung Quốc và Hàn Quốc cũng ghi nhận tình trạng làm việc căng thẳng quá sức với thời lượng làm việc dài. Trong đó, văn hóa làm việc "996" phổ biến trong các ngành công nghệ của Trung Quốc là nổi bật nhất. Theo đó, người lao động phải làm việc cật lực từ 9h sáng đến 9h tối, 6 ngày một tuần. Còn ở Hàn Quốc, thống kê của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã chỉ ra rằng, người Hàn Quốc phải làm việc trung bình 1.908 giờ vào năm 2020, cao nhất ở châu Á và nhiều hơn 221 giờ so với mức trung bình của OECD.

Điều nghịch lý ở đây là dù thời gian làm việc kéo dài nhưng năng suất làm việc lại rất thấp. Một báo cáo năm 2021 của Tổ chức Năng suất Châu Á cho thấy trừ Singapore, các quốc gia khác trong khu vực đều ghi nhận mức năng suất lao động thấp hơn nhiều so với các quốc gia phương Tây. Trong đó, mức năng suất trung bình của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) gồm 10 thành viên thấp hơn 81% so với Mỹ. Các chuyên gia cho rằng chỉ có hành động của doanh nghiệp là chưa đủ, mà còn cần sự giúp sức từ các chính sách linh hoạt của chính phủ trong việc cắt giảm giờ làm và nâng cao năng suất lao động.

Nhiều nước châu Á cân nhắc rút ngắn thời gian làm việc của người lao động - ảnh 1
Nhật Bản giới hạn giờ làm để giảm thiểu nạn tử vong vì làm việc kiệt sức 

Loạt quốc gia cắt giảm giờ làm

Tờ Nikkei Asia đưa tin, một số công ty lớn của Nhật Bản đã công bố các kế hoạch cắt giảm số ngày làm việc trong tuần. Nhật Bản từ lâu đã được thế giới biết đến là quốc gia có văn hóa làm việc rất khắc nghiệt. Theo đó, ngay từ đầu tháng 4, tập đoàn Hitachi đã ra thông báo sẽ thực hiện lịch làm việc mới với 4 ngày một tuần cho khoảng 15.000 nhân viên. Tiếp đó, nhà phát triển trò chơi trực tuyến Game Freak cũng tiết lộ kế hoạch tương tự cho một số nhân viên. Hàng loạt tên tuổi lớn khác của Nhật Bản như Panasonic Holdings và NEC cũng cho biết sẽ sớm đưa ra các chính sách mới về số ngày làm việc trong tuần.

Nhật Bản không phải là đất nước duy nhất thực hiện chính sách này. Nhiều quốc gia châu Á khác cũng đang chuyển động theo xu hướng mới. Tại Indonesia, công ty cho vay ngang hàng Alami đã đưa ra kế hoạch làm việc 4 ngày trong tuần cho nhân viên của mình vào năm ngoái trong một nỗ lực nhằm cải thiện sức khỏe tinh thần cũng như năng suất của người lao động. Công ty giáo dục Eduwill của Hàn Quốc còn thực hiện chính sách này từ năm 2019. Sáng kiến của Eduwill được cho là đã mang lại ưu thế lớn cho bà Sim Sang-jung của Đảng Công lý trong cuộc đua vào ghế tổng thống Hàn Quốc. Một quốc gia châu Á khác là Ấn Độ cũng đang chuẩn bị thực hiện 4 bộ luật lao động mới trong năm nay. Theo đó, người lao động có thể lựa chọn làm việc 4 ngày trong tuần, tuy nhiên tổng số giờ làm việc là 48 giờ/tuần sẽ không thay đổi.

Những động thái nêu trên diễn ra trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đã khiến nhiều công ty và người lao động phải nhìn nhận lại về cách tiếp cận công việc. Những cuộc khảo sát trên toàn khu vực cho thấy giới hạn số ngày làm việc trong tuần ngắn hơn là một trong những chính sách mà người lao động mong muốn nhất.

Tập đoàn nhân sự khổng lồ của Nhật Bản Persol Holdings đã thực hiện cuộc khảo sát trên 1.000 nhân viên về những chính sách mà họ muốn được áp dụng. Kết quả có tới 23,5% số người tham gia khảo sát cho biết họ ủng hộ chính sách làm việc 4 ngày/tuần. Một báo cáo của Milieu Insight công bố hồi tháng 2 cũng chỉ ra xu hướng tương tự ở các quốc gia khác trong khu vực trong đó, 78% người được hỏi ở Việt Nam và 69% ở Indonesia bày tỏ mong muốn mạnh mẽ về việc rút ngắn số ngày làm việc trong tuần.

Tin cùng chuyên mục

Bổ nhiệm ông Phạm Thanh Bình làm Thứ trưởng Bộ Ngoại giao

Bổ nhiệm ông Phạm Thanh Bình làm Thứ trưởng Bộ Ngoại giao

(PNTĐ) - Ông Phạm Thanh Bình - Vụ trưởng Vụ Đông Bắc Á, Bộ Ngoại giao vừa được bổ nhiệm giữ chức Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam. Đáng chú ý, ông Phạm Thanh Bình được tiến cử làm Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc với thời hạn nhiệm kỳ 5 năm thay cho ông Phạm Sao Mai.
Công dân Việt Nam vẫn an toàn giữa căng thẳng Iran-Israel

Công dân Việt Nam vẫn an toàn giữa căng thẳng Iran-Israel

(PNTĐ) - Đại sứ quán Việt Nam tại Israel và Iran tiếp tục ra thông báo khuyến cáo công dân các biện pháp bảo đảm an toàn trước tình hình xung đột leo thang phức tạp giữa Israel và Iran. Đồng thời, Đại sứ Israel tại Việt Nam khẳng định, Israel cam kết bảo đảm an toàn cho công dân Việt Nam.
Quan hệ Việt Nam và Brazil ngày càng phát triển tốt đẹp

Quan hệ Việt Nam và Brazil ngày càng phát triển tốt đẹp

(PNTĐ) - Trong buổi tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Brazil Mauro Vieira đang thăm chính thức Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã thông qua ngoại trưởng Brazil chuyển lời thăm hỏi và lời mời thăm Việt Nam thời gian tới của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Chủ tịch Đảng Lao động - Tổng thống Brazil Lula da Silva.