Nhiều quốc gia tiếp tục giúp đỡ người Ukraina lánh nạn

Chia sẻ

Những ngày qua, nhiều quốc gia vẫn đang triển khai nhiều hoạt động để hỗ trợ người dân từ Ukraina đi lánh nạn chiến tranh, tạo điều kiện để họ sớm có cuộc sống ổn định.

Theo cơ quan Tị nạn của Liên hợp quốc (LHQ) đã có khoảng hơn 1,7 triệu người vượt biên giới Ukraina sang các nước láng giềng kể từ khi cuộc xung đột bắt đầu. Đây được xem là cuộc khủng hoảng tị nạn gia tăng nhanh nhất ở châu Âu kể từ Thế chiến thứ hai. Các quan chức Liên minh châu Âu ước tính sẽ có thêm khoảng7 triệu người tị nạn nữa có thể sang các nước láng giềng như Ba Lan, Moldova, Romania, Slovakia và Hungary trong những tháng tới.

Tổ chức Cứu trợ Trẻ em tiết lộ có ít nhất 400.000 thanh thiếu niên đang di chuyển khắp Đông Âu. Cơ quan này ước tính, hơn 40% người tị nạn đã tới các nước Ba Lan, Romania, Moldova, Hungary, Slovakia và Litva là trẻ em.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo người dân lánh nạn nếu không được hỗ trợ kịp thời có thể đối mặt với nhiều nguy cơ như bị lạm dụng, bóc lột, trở thành nạn nhân của tội phạm buôn bán người.

Người tị nạn chờ để lên xe buýt tại trạm kiểm soát biên giới ở Medyka sau khi rời Ukraina	 Ảnh: ReutersNgười tị nạn chờ để lên xe buýt tại trạm kiểm soát biên giới ở Medyka sau khi rời Ukraina  Ảnh: Reuters

Tom Bell, tình nguyện viên làm việc tại trạm kiểm soát biên giới Medyka ở Ba Lan, cách thành phố Lviv của Ukraina 80km cho biết: “Nhiều người Ukraina đang lên những chiếc xe của người lạ mà họ không quen biết”.

Cảnh sát và các tình nguyện viên luôn trong tình trạng báo động, những người có ý định đón phụ nữ và trẻ em buộc phải xuất trình thẻ căn cước để nhận dạng danh tính. Mặc dù cảnh sát và các nhóm nhân đạo đang làm hết khả năng để cung cấp chỗ ở và nhu yếu phẩm cho những người mới đến Ba Lan, nhưng lượng người tràn qua biên giới quá đông đã khiến cho việc ngăn chặn các băng nhóm tội phạm gặp rất nhiều khó khăn.

Chính quyền Ba Lan đã bắt giữ nhiều đối tượng tình nghi nhắm vào người tị nạn để buôn người. Lauren Agnew, chuyên gia về chính sách buôn người của tổ chức từ thiện CARE nói về thủ đoạn mà bọn tội phạm hay sử dụng là hứa hẹn sẽ cung cấp phương tiện di chuyển miễn phí sang các nước láng giềng. Tuy nhiên khi nạn nhân đã lên xe, họ sẽ bị ép buộc phải trả một khoản tiền lớn, nếu không thể trả, họ sẽ bị hành hung, đe doạ và buộc phải làm việc cho những kẻ buôn người.

Tại thủ đô Warsaw của nước láng giềng Ba Lan, ước tính có tới hơn 230.000 người tị nạn Ukraina đang sinh sống. Nhằm giúp đỡ số người này, Quốc hội Ba Lan đã thông qua gói hỗ trợ cung cấp cho mỗi người 40 zloty (9,20 USD) mỗi ngày và giúp tìm kiếm nơi ở. Bên cạnh đó, chính quyền còn cung cấp thêm nhiều gói hỗ trợ tài chính và bảo vệ sức khỏe cho người Ukraina.

Ở Đức, dòng người tị nạn vẫn ùn ùn kéo đến Thủ đô Berlin. Nhà chức trách đã cấp hơn 10.000 giấy thông hành mỗi ngày và khuyến cáo người tị nạn có thể tới nhiều nơi trên khắp Đức để sinh sống cũng như tiếp cận nhanh chóng dịch vụ chăm sóc y tế. Bộ Nội vụ Đức cũng phát đi thông báo bác bỏ tin đồn rằng người tị nạn chỉ được phép ở Berlin. Cơ quan này nhấn mạnh “họ” có thể nhận trợ giúp ở bất kỳ thành phố nào ở Đức.

Ngay cả ở Cộng hòa Séc - quốc gia không có chung đường biên giới với Ukraina cũng có tới 200.000 người đến mỗi ngày, phần lớn ở Thủ đô Praha. Khi những khu vực dành cho người tị nạn ở Thủ đô đã cạn kiệt, nhà chức trách kêu gọi người dân “chia sẻ” nhà riêng của mình và nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ.

Xa hơn nữa là Mỹ, Phó Tổng thống Kamala Harris sau chuyến thăm nhóm người tị nạn Ukraina trong chuyến đi tới Warsaw, Ba Lan đã cam kết thúc đẩy nhanh chóng các thủ tục nhập cảnh vào Mỹ. Chính phủ liên bang thông báo sẽ mở rộng “Tình trạng được bảo vệ tạm thời” cho người tị nạn Ukraina.

Theo đó, sẽ tiếp nhận khoảng 30.000 người xin tị nạn ở Hoa Kỳ kể từ ngày 1/3. Một cuộc thăm dò của YouGov thực hiện trên 1.500 người trong tháng này cho thấy có tới 54% người dân Mỹ ủng hộ việc tiếp nhận người tị nạn. Một cuộc thăm dò khác tiết lộ, 57% thành viên Đảng Cộng hòa và 80% thành viên Đảng Dân chủ ủng hộ việc việc tiếp nhận người tị nạn Ukraina.

PHÚ ĐỖ

Tin cùng chuyên mục