Phụ nữ chịu nhiều tác hại của trầm cảm trong cuộc sống

MINH THƯ
Chia sẻ

(PNTĐ) - Những áp lực đến từ công việc, gia đình và xã hội ngày càng đè nặng lên đôi vai người phụ nữ, khiến họ dễ dàng trở thành nạn nhân của trầm cảm để rồi dẫn tới hàng loạt hệ lụy khôn lường khác.

Trầm cảm ở nữ giới ngày càng gia tăng

Phụ nữ không chỉ có nguy cơ mắc trầm cảm cao gấp đôi nam giới mà bệnh còn có xu hướng khởi phát sớm hơn, kéo dài lâu hơn và có nhiều khả năng tái phát hơn.

Các nghiên cứu trên toàn cầu đã chứng minh phụ nữ dễ bị kiệt sức hơn nam giới. Ở Mỹ, châu Âu và cả châu Á, tỉ lệ trầm cảm ở nữ giới đã cao gấp 2 lần so với nam giới. Khảo sát về chất lượng cuộc sống của gần 15.000 người do Viện Y tế McKinsey (MHI) thuộc công ty tư vấn toàn cầu McKinsey (Mỹ) thực hiện đặc biệt cảnh báo phụ nữ ở châu Á dễ bị kiệt sức hơn ở những nơi khác trên thế giới. MHI cũng lưu ý, gần 3 năm đại dịch Covid-19 bùng phát càng làm tăng thêm những tác động khắc nghiệt lên nữ giới.

Cũng theo khảo sát này, phụ nữ thường phải tìm cách để tạo dấu ấn và chứng tỏ bản thân trong công việc, luôn cảm thấy bản thân cần phải vượt trội hơn so với các đồng nghiệp nam để được coi trọng tại nơi làm việc. Các chuyên gia tâm lý, sức khỏe cũng nhận định, tình trạng phụ nữ mắc trầm cảm ngày càng gia tăng mà nguyên nhân chủ yếu bắt nguồn từ sự mất cân bằng trong xã hội. Ví dụ, đối với những phụ nữ tham gia các lĩnh vực vốn do nam giới thống trị, họ có xu hướng nghĩ rằng cần phải làm việc nhiều hơn để nhận được sự công nhận như các đồng nghiệp nam. Điều này càng gia tăng thêm áp lực mà phụ nữ phải chịu đựng.

Nghiên cứu mới từ trường Kinh doanh Kelley thuộc đại học Indiana (Mỹ) đã tiết lộ mối tương quan chặt chẽ giữa sức khỏe tinh thần và tỷ lệ tử vong với mức độ tự chủ, khối lượng, nhu cầu công việc và khả năng nhận thức của mỗi cá nhân. Theo đó, trong số 3.148 cư dân tại bang Wisconsin tham gia cuộc khảo sát dài hạn có 211 người đã chết trong thời gian theo dõi 20 năm do các bệnh lý liên quan tới sức khỏe tinh thần. Tác giả chính của nghiên cứu, Erik Gonzalez-Mulé cho biết: “Chúng tôi nhận thấy các tác nhân gây căng thẳng có nhiều khả năng gây ra trầm cảm và tử vong do những áp lực từ công việc, cuộc sống, đặc biệt ở những trường hợp có ít khả năng kiểm soát (cho phép mọi người tự sắp xếp thời gian biểu và ưu tiên công việc theo cách giúp họ đạt được mục tiêu) hoặc ở nhóm có khả năng thích nghi với yêu cầu công việc và tìm cách đối phó với căng thẳng yếu hơn".

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trầm cảm là căn bệnh phổ biến nhất trên toàn thế giới và đứng thứ hai trong gánh nặng bệnh lý toàn cầu, chỉ sau bệnh lý mạch vành. Đặc biệt, đại dịch Covid-19 đã gây hậu quả nặng nề về sức khỏe tâm thần, nhất là đối với phụ nữ khi số trường hợp mắc các bệnh về tâm thần như lo âu và trầm cảm đã tăng tới hơn 25% trên toàn cầu.

Phụ nữ chịu nhiều tác hại của trầm cảm trong cuộc sống - ảnh 1
Cuộc sống hiện đại với nhiều áp lực khiến phụ nữ rơi vào trầm cảm

Căn bệnh không thể xem nhẹ

Hiện nay nhiều người cho rằng mình bị trầm cảm và nghĩ rối loạn trầm cảm là chuyện bình thường, như cảm xúc vui buồn hằng ngày. Tuy nhiên theo chuyên gia, việc rơi vào trầm cảm nếu để kéo dài, nặng nề sẽ gây ra nhiều hệ lụy do đó cần có sự nghiêm túc nhìn nhận và tuân thủ quy định điều trị.

Trong những năm kể từ khi xảy ra đại dịch, nhiều chuyên gia đã thảo luận, đưa ra các giải pháp cho tình trạng kiệt sức ở phụ nữ. Các chuyên gia lưu ý rằng để có thể đối phó với căng thẳng trong công việc và cuộc sống, phụ nữ cần làm rõ ý định của mình, đặt kỳ vọng một cách thực tế và tập trung vào bước tiếp theo. Hui Lung-kit - bác sĩ tâm thần tại Hồng Kông (Trung Quốc) nhận định: “Khi bị những cơn đau và căng thẳng, thường là do chúng ta đặt kỳ vọng quá cao vào bản thân, chúng ta quá cầu toàn”. Ông khuyến khích mọi người suy nghĩ về việc tự thả lỏng bản thân và thi thoảng chấp nhận việc không thể hoàn hảo ở mọi lĩnh vực để giảm bớt căng thẳng, kiệt sức cho chính mình. Hãy vui vẻ chấp nhận bản thân nhiều hơn, vui vẻ đón nhận thành công và cả thất bại, nỗi đau sẽ nguôi ngoai".

Ngoài ra, nếu người bệnh không đạt được hiệu quả từ các phương pháp điều trị tự lực, cần mạnh dạn tìm kiếm sự trợ giúp từ chuyên gia sức khỏe tâm thần. Trong khi phụ nữ bị trầm cảm phản ứng với các hình thức điều trị không giống như nam giới, các khía cạnh điều trị cụ thể thường được sửa đổi đối với phụ nữ. Phụ nữ cũng có nhiều khả năng yêu cầu điều trị đồng thời các bệnh khác như lo âu hoặc rối loạn ăn uống. Đó là một số phương pháp được các chuyên gia khuyến nghị nhằm giảm thiểu tác hại từ căn bệnh này đối với phụ nữ và cuộc sống của họ.

Tin cùng chuyên mục

Việt Nam hợp tác bền bỉ giúp Mỹ tìm kiếm quân nhân mất tích thời chiến tranh

Việt Nam hợp tác bền bỉ giúp Mỹ tìm kiếm quân nhân mất tích thời chiến tranh

(PNTĐ) - Chính nhờ sự hợp tác bền bỉ giữa Việt Nam và Mỹ đã giúp Mỹ kiểm kê được 752 trường hợp người Mỹ mất tích trong chiến tranh tại Việt Nam, đưa hài cốt của họ trở về với gia đình, qua đó mang lại những câu trả lời được chờ đợi từ lâu và phần nào giúp vơi đi nỗi đau.
Việt Nam truyền đi thông điệp mạnh mẽ về vai trò nhà giáo

Việt Nam truyền đi thông điệp mạnh mẽ về vai trò nhà giáo

(PNTĐ) - Phát biểu trực tuyến chúc mừng nhân dịp Luật Nhà giáo của Việt Nam chính thức được thông qua, ông Jonathan Wallace Baker, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam cho rằng: Khi đặt nhà giáo ở vị trí cao nhất trong thang bảng lương hành chính sự nghiệp, Việt Nam đã gửi đi một thông điệp mạnh mẽ và rõ ràng: Giáo dục đóng vai trò then chốt và trong đó những người nuôi dưỡng trí tuệ thế hệ trẻ là quan trọng nhất.
Việt Nam chuẩn bị kỷ niệm Quốc khánh 80 năm, tái khẳng định lập trường Biển Đông và thúc đẩy hợp tác quốc tế

Việt Nam chuẩn bị kỷ niệm Quốc khánh 80 năm, tái khẳng định lập trường Biển Đông và thúc đẩy hợp tác quốc tế

(PNTĐ) - Tại họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao, Người phát ngôn Phạm Thu Hằng đã thông tin về nhiều vấn đề đối ngoại được dư luận quan tâm, từ lễ kỷ niệm 80 năm Quốc khánh, lập trường Biển Đông, vấn đề bảo hộ công dân đến đề xuất gia nhập Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO).