Gần 2.400 người thiệt mạng trong trận động đất kinh hoàng ở Thổ Nhĩ Kỳ
(PNTĐ) - Số người thiệt mạng đang không ngừng tăng lên sau trận động đất kinh hoàng làm rung chuyển vùng biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria ngày 6/2.
Thiệt hại nặng nề
Các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ cho biết số người chết ở đất nước này đã lên ít nhất là 1.541 người và ở Syria là 810 người (cập nhật lúc 23h ngày 6/2). Có nhiều lo ngại rằng số người chết sẽ tiếp tục tăng lên.
Các trận động đất và dư chấn đã làm sập các tòa nhà và khiến lực lượng cứu hộ phải chật vật tìm kiếm người sống sót trong đống đổ nát. Các chuyên gia cũng đưa ra cảnh báo rằng dư chấn có thể tiếp tục trong nhiều ngày hoặc nhiều tuần. Viện địa chất Đan Mạch cho biết chấn động có thể cảm nhận được ở tận Greenland cách đó tới 5.509km.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan viết trên Twitter rằng "các đội tìm kiếm và cứu hộ đã ngay lập tức được điều động" tới các khu vực bị động đất tàn phá.
Trong khi đó, Lực lượng Phòng vệ Dân sự Syria, một nhóm cứu hộ hoạt động tại các khu vực do phe đối lập kiểm soát ở miền bắc Syria, đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp và kêu gọi “cộng đồng quốc tế hỗ trợ giải cứu dân thường ở Syria”.
Trận động đất xảy ra lúc 4:17 sáng (01:17 GMT), với tâm chấn ở Kahramanmaras thuộc tỉnh Gaziantep, cách thủ đô Gaziantep khoảng 33km là nơi sinh sống của hơn 2 triệu người, trong đó có hàng trăm nghìn người Syria tị nạn trong cuộc nội chiến của nước này vào năm 2011. Cơ quan Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ cho biết khu vực này có nhiều tòa nhà xây bằng gạch xây hoặc bê tông giòn, khiến chúng “cực kỳ dễ bị rung chuyển bởi động đất”. Trận động đất còn nằm cách biên giới phía Tây Bắc Syria khoảng 50 km, nơi có khoảng 1,7 triệu người Syria di cư.
Có khoảng hơn 40 cơn dư chấn đã được cảm nhận sau trận động đất đầu tiên. Chris Elders, Giáo sư tại Trường Khoa học Trái đất và Hành tinh tại Đại học Curtin ở Perth, Australia cho biết, những dư chấn kéo dài “một khoảng cách khoảng 100km đến 200km dọc theo đường đứt gãy phía Đông Anatolian, trải dài qua phần Đông Nam của Thổ Nhĩ Kỳ".
Các nỗ lực cứu hộ đang bị cản trở bởi một trận bão tuyết mùa đông bao phủ các con đường chính trong băng và tuyết. Các nhân viên cứu trợ đã cảnh báo về tình hình đặc biệt nghiêm trọng ở Tây Bắc Syria. Mazen Kiwara, Giám đốc khu vực Trung Đông của Hiệp hội Y tế Mỹ gốc Syria nói: “Ngay bây giờ chúng tôi đang gặp khủng hoảng, bên cạnh điều kiện thời tiết rất xấu và các tòa nhà bị sập, và thật không may, các bệnh viện cũng bị hư hại".
Điều gì khiến động đất tại Thổ Nhĩ Kỹ trở nên chết chóc?
Các nhà nghiên cứu hàng đầu thuộc Đại học Curtin cho biết độ sâu của trận động đất, vào khoảng 18km khiến vụ việc trở nên đặc biệt nghiêm trọng. Các nhà khoa học cho biết, tâm chấn ở khoảng 18km “nghe có vẻ khá sâu” nhưng “năng lượng do trận động đất giải phóng sẽ được cảm nhận khá gần bề mặt với cường độ lớn hơn rất nhiều so với khi nó ở sâu hơn trong lớp vỏ”. Naci Gorur, một chuyên gia về động đất của Viện Khoa học Thổ Nhĩ Kỳ, kêu gọi các quan chức địa phương ngay lập tức kiểm tra các vết nứt của các con đập trong khu vực để ngăn chặn một trận lũ lụt thảm khốc khác có thể xảy ra.
Về địa lý, Thổ Nhĩ Kỳ chủ yếu nằm trên mảng Anatolia, với hai đứt gãy lớn là đứt gãy Bắc Anatolia, chạy giữa mảng Anatolia và mảng Á-Âu ở phía Bắc của Thổ Nhĩ Kỳ, và đứt gãy Đông Anatolian, chạy dọc theo mảng Ả Rập đến tận phía Đông Nam của lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ. Vị trí địa chất này khiến Thổ Nhĩ Kỳ trở thành một trong những khu vực có động đất hoạt động mạnh nhất thế giới.
Năm 1999, một trận động đất mạnh 7,4 độ richter tấn công vùng Duzce ở vùng Đông Bắc Thổ Nhĩ Kỳ, giết chết hơn 17.000 người, trong đó có hơn 1.000 người ở Istanbul, thành phố lớn nhất của đất nước. Trận động đất hiện tại có cường độ lớn nhất kể từ trận động đất mạnh 7,8 độ richter khác ở tỉnh Erzincan vào năm 1939, khiến hơn 30.000 người thiệt mạng.
Đoạn video quay lại cảnh đổ nát ở Thổ Nhĩ Kỳ: