Phụ nữ toàn cầu đấu tranh chống bất bình đẳng giới

ĐỖ HỮU
Chia sẻ

(PNTĐ) -Năm 2022 là năm chứng kiến phụ nữ trên khắp thế giới đấu tranh cho quyền bình đẳng. Hàng loạt các ràng buộc giới từ trang phục, kiểu tóc cho đến quyền phá thai, kết hôn đã được gỡ bỏ và phụ nữ đang dần làm chủ cuộc sống của bản thân.

Phụ nữ toàn cầu đấu tranh chống bất bình đẳng giới - ảnh 1
Người Iran cầm ảnh của Mahsa Amini trong một cuộc biểu tình sau khi cô qua đời ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, vào ngày 20/9 ẢNH: REDUX

Không áp bức, chỉ có quyền bình đẳng 
Tại Iran, vụ việc người phụ nữ trẻ tuổi tên Mahsa Amini thiệt mạng sau khi bị cảnh sát nước này bắt giữ với cáo buộc "không che tóc cẩn thận" đã làm dư luận dậy sóng. Hàng loạt phong trào biểu tình phản đối đã nổ ra trên khắp nước. Yasi (20 tuổi) cảm thấy cần phải đấu tranh vì quyền lợi của bản thân, cô đã thể hiện sự bất bình của mình bằng cách chạy ra đường, vẫy chiếc khăn choàng mỏng mà cô thường dùng để che đi mái tóc vàng của mình ở nơi công cộng và châm lửa đốt nó. Theo Yasi, không có cơ sở nào để khẳng định vụ việc của Mahsa Amini không lặp lại với cô hay những phụ nữ khác bởi cái chết của Amini khi cô gái mới chỉ 22 tuổi có liên quan trực tiếp tới luật hijab (đạo luật buộc phụ nữ phải đeo khăn trùm đầu ở nơi công cộng).

Hành động ném chiếc khăn trùm đầu vào đống lửa và nhảy múa trước các nhân viên an ninh của những phụ nữ trẻ Iran đã thể hiện mạnh mẽ ý chí đấu tranh, một hình ảnh chân thực về thế hệ mạnh mẽ dám đứng lên đòi quyền công bằng. Phụ nữ Iran trước đây từng tham gia vào nhiều cuộc phản đối các sắc lệnh tôn giáo nhưng đều là những vụ việc nhỏ lẻ. Và giờ đây, họ đã cùng liên kết cho quyền bình đẳng giới của mình. Từ thành phố Isfahan, Golshan 28 tuổi đã tập hợp các nhóm bạn bè của mình để cùng nhau hô vang khẩu hiệu: “Không trùm khăn, không áp bức, chỉ có quyền bình đẳng”. Cô nhấn mạnh: “Tiếng nói của chúng tôi cần phải được lắng nghe”. 

Phụ nữ cần được bảo vệ nhiều hơn
Mặc dù thành công trong các phong trào đấu tranh đòi quyền bình đẳng của phụ nữ Iran còn hạn chế nhưng nó đã góp phần chống lại hàng loạt các sắc luật bất bình đẳng, nhằm làm giảm vai trò thống trị của nam giới trong xã hội cũng như khiến nhà chức trách phải đưa ra các đạo luật cụ thể nhằm hạn chế bất bình đẳng giới tại quốc gia này.

Ở châu Á, mặc dù pháp luật đã có nhiều quy định bảo vệ quyền phụ nữ nhưng việc áp dụng luật còn bất cập. Vụ việc một phụ nữ Hàn Quốc bị sát hại trong phòng tắm ở ga tàu điện ngầm bởi kẻ theo dõi cô suốt nhiều năm và từng bị cảnh sát bắt giữ mới đây là một điển hình. Sau khi sự việc xảy ra, làn sóng phẫn nộ đã nổi lên khắp đất nước. Điểm bất cập trong luật pháp dẫn đến hậu quả đau lòng là hành vi rình rập, bám đuôi ở Hàn Quốc chỉ được xếp vào tội nhẹ và bị phạt cảnh cáo hoặc phạt một khoản tiền rất nhỏ không đủ sức răn đe. Kẽ hở này còn được kẻ xấu lợi dụng để uy hiếp, buộc nạn nhân phải im lặng. Dữ liệu từ Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Hàn Quốc cho thấy, kể từ khi luật chống rình rập, bám đuôi có hiệu lực, 7.152 vụ bắt giữ đã được thực hiện, nhưng chỉ 5% số nghi phạm bị giam giữ. Trước làn sóng phẫn nộ, yêu cầu thay đổi luật nhằm bảo vệ phụ nữ tốt hơn, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol thừa nhận các luật chống theo dõi, rình rập của đất nước là không đủ và đã ra lệnh cho Bộ Tư pháp nước này phải tăng cường thêm các quy định khác có sức răn đe hơn. 

Na Uy được xem là một trong những quốc gia thực hiện tốt nhất quyền bình đẳng giới. Chính phủ nước này coi bình đẳng giới là một trong những vấn đề trọng tâm phát triển của đất nước. Theo đó, phụ nữ có quyền tham gia bầu cử vào năm 1913 và có quyền ứng cử Quốc hội từ năm 1930, Na Uy cũng tự hào có Luật Bình đẳng giới ban hành từ năm 1979 với các điều khoản bảo đảm cho cả phụ nữ và nam giới được bình đẳng trong phát triển. Chính phủ Na Uy còn có chính sách gia đình nhằm tạo điều kiện thuận lợi để phụ nữ và nam giới cùng tham gia lực lượng lao động và chia sẻ công việc gia đình. Theo đó, sau khi sinh con, cả cha và mẹ đều được nghỉ với mức lương 100% trong vòng 42 tuần hoặc được hưởng 80% lương trong 52 tuần.

Còn ở Thụy Điển, ngay từ năm 1970, Chính phủ Thụy Điển đã bắt đầu xây dựng xã hội bình đẳng giới. Thụy Điển là quốc gia đề cao quyền của phụ nữ và điều này được thể hiện trong rất nhiều chính sách như phụ nữ được miễn phí hoặc nhận phụ cấp cho chăm sóc trước khi sinh, cả bố và mẹ có số ngày nghỉ chăm số con lên đến 480 ngày. Chính sách “Ngày của cha mẹ” hỗ trợ thai sản, khuyến khích người chồng ở nhà chăm sóc con mà không lo bị mất việc. Các trung tâm chăm sóc trẻ em giúp phụ nữ yên tâm làm việc. Chính vì vậy mà nơi đây thường được coi là thiên đường của phụ nữ.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục