Tái sử dụng là bảo vệ môi trường

ĐỖ HỮU
Chia sẻ

(PNTĐ) - Theo các số liệu thống kê, Việt Nam đang là nước gây ô nhiễm nhựa đại dương đứng thứ 4 thế giới.

Kết quả kiểm toán của Liên minh không rác Việt Nam (VZWA) cho thấy trung bình mỗi năm, mỗi người dân sử dụng khoảng 500 túi nilon một lần, lượng nhựa tiêu thụ bình quân đầu người tăng rất nhanh từ sau những năm 1990 với tốc độ trên 10%, có năm lên tới 40%. Cụ thể năm 1990 mỗi người Việt Nam sử dụng 3,8kg nhựa, nhưng năm 2019 con số này tăng lên 63kg, cao hơn mức tiêu thụ nhựa trung bình của thế giới (46kg/người/năm).

Tái sử dụng là bảo vệ môi trường - ảnh 1
Poster Chiến dịch Tái sử dụng năm 2022 với chủ đề “Bring me to a new home instead”.

Lượng rác nhựa của Việt Nam chiếm 16% trong tổng lượng rác đô thị, gấp hai lần so với thành phần rác nhựa trung bình của các nước đang phát triển. Với những con số đáng quan ngại này, cộng đồng các nhà nghiên cứu và người dân đang rất quan tâm đến lĩnh vực tái sử dụng. Tái sử dụng (reuse) được định nghĩa là việc sử dụng lại các sản phẩm, hay một phần của sản phẩm cho chính mục đích cũ hay cho một mục đích khác, sử dụng sản phẩm nhiều lần cho đến khi hết tuổi thọ của sản phẩm. Có thể thấy rằng, tái sử dụng gồm hai loại là tái sử dụng sản phẩm đơn thuần (Reuse) và tái sử dụng bao bì sản phẩm (Reuse-refill), chúng đều nhằm tăng tuổi thọ của sản phẩm/bao bì, giảm lượng nguyên liệu cần khai thác, đồng thời cũng giảm tác động tiêu cực tới môi trường.

Kinh tế tuần hoàn là khái niệm được sử dụng chính thức đầu tiên bởi Pearce và Turner (1990), đây là một khái niệm được dùng để chỉ mô hình kinh tế mới dựa trên nguyên lý cơ bản “mọi thứ đều là đầu vào đối với các thứ khác”. Kinh tế tuần hoàn được hiểu theo một hệ thống công nghiệp phục hồi hoặc tái tạo có chủ đích và theo thiết kế. Kinh tế tuần hoàn đã được quy định trong Luật Bảo vệ Môi Trường Việt Nam năm 2020 và Nghị định  08/2022/NĐ-CP, theo đó, ba tiêu chí của kinh tế tuần hoàn là: giảm khai thác tài nguyên, nguyên liệu thô; kéo dài vòng đời sản phẩm và hạn chế tác động xấu tới môi trường. Như vậy, tái sử dụng là một phần đặc biệt quan trọng của kinh tế tuần hoàn.

Với mong muốn nâng cao nhận thức của cộng đồng về giá trị và vai trò của tái sử dụng và kinh tế tuần hoàn trong công tác bảo vệ môi trường, giảm lượng rác thải hàng năm, Liên Minh Không Rác Việt Nam (VZWA) phối hợp cùng các đối tác: Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và môi trường (ISPONRE), Công ty Vietcycle, Tổ chức Hỗ trợ phát triển xanh Greenhub, Tổ chức Môi trường Enda, Đại học RMIT (Phân viện thành phố Hồ Chí Minh); The Crafty Cow và nhiều đối tác khác tổ chức chiến dịch Tái sử dụng năm 2022 với chủ đề “Bring me to a new home instead”, tạm dịch: “Hãy mang tôi tới một ngôi nhà mới”.

Chiến dịch nhằm mục tiêu nâng cao nhận thức của cộng đồng về việc ngăn ngừa và giảm thiểu chất thải rắn thông qua việc tăng cường tái sử dụng; kết nối và tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình cho và nhận, nơi văn hóa cho-nhận văn minh được đề cao và phát huy; cuối cùng là tạo cơ hội để thực hành các hoạt động mang tính tập thể, gắn kết cộng đồng.

Dự kiến “Bring me to a new home instead” sẽ được tổ chức giai đoạn I từ tháng 6 – 12/2022 với nhiều hoạt động bổ ích tại các thành phố Hà Nội, Đà Nẵng, Hội an và thành phố Hồ Chí Minh.

Liên minh Không rác Việt Nam (VZWA) là một mạng lưới xã hội bao gồm các tổ chức và cá nhân cùng chia sẻ chiến lược áp dụng cách thực hành không rác để quản lý tốt hơn chất thải rắn, giảm thiểu chất thải nhựa, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường.

Tin cùng chuyên mục