Trắng đêm thức cùng người Việt đi lánh nạn

Chia sẻ

Báo Phụ nữ Thủ đô ra ngày 2/3/2022 có bài “Người Việt thương nhau trong cơn loạn lạc”, phản ảnh các hoạt động của cộng đồng người Việt trợ giúp bà con ở Ukraina. Số báo này, phóng viên báo Phụ nữ Thủ đô liên lạc với một số gia đình người Việt ở Ukraina di tản sang quốc gia láng giềng Ba Lan - nơi có chung đường biên giới dài hơn 500km với Ukraina.

Rưng rưng hội ngộ giữa những người không thân thích

Anh Dương Văn Thùy cùng vợ và con trai 7 tuổi đang sinh sống, làm ăn ổn định tại thành phố cảng Odessa, Ukraina thì chiến sự xảy ra. Nhận định chiến sự có khả năng leo thang và kéo dài, ngày 26/2, vợ chồng anh bắt tàu sang Ba Lan. Chuyến đi từ Odessa tới cửa khẩu Ba Lan kéo dài gần 2 ngày, sau khi qua nhiều chốt chặn của quân đội Ukraina, vợ chồng anh qua được cửa khẩu và lên tàu miễn phí tới thủ đô Warsaw của Ba Lan. “Khi tàu đến nơi, giữa cái lạnh âm 5-60C, chúng tôi đang băn khoăn không biết đi đâu vì không quen ai, cũng không biết tiếng Ba Lan.

May thay, chúng tôi cùng với 4 người Việt khác đi cùng chuyến tàu được một tình nguyện viên người Việt có mặt ở nhà ga đón. Tất cả đều chưa từng biết nhau. Tình nguyện viên cũng chỉ biết trên chuyến tàu sẽ có người Việt di tản nên ra ga đón, hy vọng hỗ trợ được đồng bào của mình”, anh Thùy chia sẻ.

Đoàn người Việt được đưa đến căn hộ rộng 90m2 ở Warsaw của gia đình chị Nguyễn Thị Kim Oanh, chủ một cửa hàng kinh doanh thực phẩm. Ngay khi Ukraina có chiến tranh, vợ chồng chị Oanh là một trong số những người đầu tiên đăng tin nhận đón bà con người Việt sang Ba Lan đến ở trong nhà của mình.

Tối đó, sau khi tiếp đoàn bằng một bữa cơm ấm nóng, vợ chồng chị Oanh và các con đã nhường phòng ngủ cho khách, nhà chị ngủ trên salon. Sáng hôm sau, trước khi đi làm, vợ chồng chị bàn giao lại căn hộ cho 8 người đồng hương mới chỉ biết nhau vài tiếng trước đó. Chị dặn mọi người hãy coi đây như nhà mình, đến bữa lấy đồ ăn trong tủ lạnh đã được chị chuẩn bị sẵn. “Vợ chồng tôi sẵn sàng cưu mang mọi người bao lâu cũng được”, chị Oanh cho biết.

Đêm 3/3, vợ chồng chị lại tiếp tục làm được một “kỳ tích” khi đón được chị Đào Thị Hương đang mắc kẹt ở trại tị nạn ở Ukraina trong hoàn cảnh không biết tiếng Ukraina, không có tiền trong người. Từ Ba Lan, vợ chồng chị thay nhau kết nối vừa động viên, hướng dẫn chị Hương rời trại, di chuyển đến thành phố Lwow cách đó 130km, sau đó, được chị Nguyễn Thị Bích Liên, cán bộ đại sứ quán Việt Nam ở Ba Lan kết nối để lên tàu sang Ba Lan. Vợ chồng chị Oanh đã đón chị Hương cùng 5 người Việt khác đưa đến nơi tránh trú.

Với vợ chồng anh Vũ Tuyên Dương cũng sẽ không bao giờ quên được tấm lòng của bà con người Việt đã hỗ trợ gia đình anh (gồm 4 người lớn và 1 con gái 6 tuổi) trên hành trình chạy loạn từ Kiev, Ukraina vào ngày 26/2. “Từ 15km cách biên giới đường đã tắc nghẹt, từng đoàn ô tô xếp hàng dài chờ đợi. Nhiều người phải mất 2-3 ngày mới qua được cửa khẩu. May mắn, tôi đã cẩn thận chuẩn bị đồ ăn, nước uống, các loại thuốc đủ dùng cho cả nhà” - anh Dương chia sẻ.

Sau khi qua được biên giới, anh Dương đã được người Việt ở Ba Lan đón, hỗ trợ phiên dịch, đồ ăn và chỉ giúp các thông tin cần thiết. “Với những người đang mất phương hướng,việc được nghe thấy tiếng Việt, nhìn thấy người Việt rất quý giá. Mọi người đã giúp chúng tôi bình tâm,vững tin hơn rất nhiều”.

Ông Nguyễn Đức Thảo, hiện sống ở vùng ngoại ô Warshaw cho biết: Cũng vì hiểu tình cảnh đó nên dù đã bước vào tuổi U70, sức khỏe yếu, ông vẫn xung phong tham gia đội tình nguyện giúp phiên dịch tiếng Ba Lan cho bà con người Việt từ Ukraina sang. Những ngày qua, điện thoại của ông luôn ở trong tình trạng “cháy máy” vì bà con người Việt gọi tới nhờ hỗ trợ. Có đoàn được ông đồng hành suốt 12 tiếng trên hành trình từ biên giới Ukraina cho tới khi qua được Ba Lan. Ông cũng đã giúp cho một gia đình người Việt không biết tiếng Ba Lan bị mất hộ chiếu trong lúc chạy loạn sang Ba Lan thành công.

Chia sẻ với phóng viên báo Phụ nữ Thủ đô, ông cho biết: “Tôi đã từng trải qua cuộc chiến chống Mỹ nên rất hiểu nỗi khổ của bà con. Vì vậy, chỉ cần làm được gì cho mọi người, chúng tôi sẵn sàng”.

Bữa cơm đầm ấm của người Việt từ Ukraina sang Ba Lan lánh nạn trong nhà của vợ chồng chị Nguyễn Thị Kim OanhẢnh: NVCCBữa cơm đầm ấm của người Việt từ Ukraina sang Ba Lan lánh nạn trong nhà của vợ chồng chị Nguyễn Thị Kim Oanh  Ảnh: NVCC

Hỗ trợ người tị nạn không phân biệt quốc tịch

“Từ đêm 24/2, khi Ukraina xảy ra xung đột chiến sự đến nay, không đêm nào chúng tôi ngủ trọn giấc. Những bữa ăn cũng diễn ra thất thường, nhiều hôm về nhà từ 8h tối, vài lát bánh mì đã xếp ra đĩa rồi mà đến 12 giờ đêm vẫn chưa có thời gian ăn. Ai cũng hiểu, bây giờ không phải là lúc sống cho bản thân vì ngoài kia có hàng ngàn người dân đang chạy chiến tranh cần sự trợ giúp” - anh Phan Châu Thành, Việt kiều tại Ba Lan chia sẻ.

Sang Ba Lan từ năm 14 tuổi, giờ đã ở tuổi 44, anh Thành cho biết bình thường, anh và một số bà con Việt kiều vẫn tích cực tham gia hoạt động thiện nguyện. Nhưng, hỗ trợ nạn nhân chiến tranh giữa thế kỷ 21 này là việc chưa từng có tiền lệ và không ai nghĩ sẽ xảy ra.

Bà con người Việt ở Ba Lan chuẩn bị các suất bánh mì tặng người dân đi lánh nạn chiến tranhBà con người Việt ở Ba Lan chuẩn bị các suất bánh mì tặng người dân đi lánh nạn chiến tranh

Sau khi Ba Lan mở cửa biên giới, mỗi ngày, hàng đoàn người từ Ukraina xếp hàng nối dài để làm thủ tục sang Ba Lan. Qua được cửa khẩu, phần đông họ đều rất đói, mệt và rét. “Vì vậy, chúng tôi đã quyết định triển khai hoạt động cứu trợ tại khu vực cửa khẩu Zosin. Hàng ngày, anh em người Việt ở thủ đô Warsaw lái 1 xe tải và 1 xe nhỏ chở thực phẩm và các tình nguyện viên vượt hơn 300km trong gần 5 tiếng đồng hồ tới cửa khẩu. Sau đó, chúng tôi dựng lều, nấu ăn ngay tại cửa khẩu, đảm bảo cung cấp hàng ngàn suất ăn nóng hổi như mì tôm, bánh mì kẹp, cháo, nước uống, sữa, quần áo ấm cho người tị nạn không phân biệt quốc tịch”.

Lều hỗ trợ người từ Ukraina sang Ba Lan lánh nạn của nhóm anh Phan Châu Thành ở biên giới ZosinLều hỗ trợ người từ Ukraina sang Ba Lan lánh nạn của nhóm anh Phan Châu Thành ở biên giới Zosin

Với sự hỗ trợ của các tình nguyện viên người Ba Lan, Ukraina, mỗi chuyến xe của người Việt phát tặng đồ xuyên đêm tới sáng. Hôm sau, lại có 2 chuyến xe khác đi từ thủ đô lên thay ca. Có thể nói, sáng kiến hỗ trợ người dân lánh nạn chiến tranh tại cửa khẩu Zosin đã gây được tiếng vang, nhiều người Ba Lan rất cảm phục trước tình đoàn kết không biên giới của người Việt. Zosin là cửa khẩu nằm ở nơi khá hẻo lánh, đường đi nhỏ, ngay cả chính quyền sở tại cũng chưa kịp triển khai hoạt động cứu trợ thì người Việt đã có mặt và là đội tình nguyện duy nhất tại đó.

“Đến nay, hoạt động hỗ trợ này đã lan tỏa, trở hành hoạt động tình nguyện của cả cộng đồng, không chỉ người Việt mà người nước ngoài cũng tham gia. Khi chúng tôi đi, công an Ba Lan tình nguyện đi trước dẹp đường. Biên phòng Ba Lan tạo điều kiện cho chúng tôi có chỗ dựng lều cứu trợ tốt nhất. Chúng tôi còn nhận được thực phẩm, quần áo, tiền, đồ dùng… từ khắp các quốc gia như Bồ Đào Nha, Áo, Na uy, Rumania… gửi tới để nhóm mang lên biên giới”, anh Thành xúc động chia sẻ.

Thực hiện chủ trương của Nhà nước Việt Nam bảo vệ an toàn cao nhất về tính mạng, tài sản, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân và pháp nhân Việt Nam ở Ukraina, Đại sứ quán Việt Nam tại Ba Lan cũng đã và đang tập trung thúc đẩy công tác bảo hộ công dân ta di tản từ Ukraina sang Ba Lan.

Theo đó, Đại sứ quán đã đề nghị Bộ Ngoại giao Ba Lan, Cơ quan Biên phòng và Ủy ban về Người nước ngoài của Ba Lan hỗ trợ cho công dân Việt Nam có giấy tờ và không có giấy tờ được nhập cảnh, quá cảnh và lưu trú tạm thời thuận lợi, được bảo đảm chỗ ăn ở và nhu yếu phẩm cần thiết trong thời gian cư trú 15 ngày theo quy định dành cho công dân nước thứ ba. Rạng sáng ngày 3/3, Đại sứ Nguyễn Hùng đã trực tiếp tới cửa khẩu biên giới giữa Ba Lan và Ukraine là Korczowa - KraKowets và Budomierz - Hruszow, cùng nhân viên Đại sứ quán đón hơn 100 công dân vào Ba Lan.

Tính đến trưa ngày 3/3, khoảng hơn 600 công dân Việt Nam đã nhập cảnh vào Ba Lan. Ngoài Ba Lan, thông tin từ Bộ Ngoại giao cho biết, Tổ Công tác bảo hộ công dân gồm các đơn vị liên quan của Bộ Ngoại giao đã phối hợp với các cơ quan đại diện Việt Nam tại Ukraina và các nước lân cận tiếp tục tích cực triển khai các hoạt động hỗ trợ sơ tán người Việt Nam tại Ukraina ra khỏi các vùng chiến sự.

Các cơ quan đại diện Việt Nam hỗ trợ các thủ tục, giấy tờ cần thiết cho kiều bào nhập cảnh, quá cảnh và phối hợp với nhà chức trách địa phương, các hội đoàn người Việt ở sở tại đón, thu xếp chỗ ăn ở tạm thời, cung cấp vật dụng thiết yếu. Chuyến bay đầu tiên đưa công dân Việt Nam từ Ukraina về nước đã hạ cánh tại sân bay Nội Bài vào ngày 8/3/2022.

 HOÀNG LAN

Tin cùng chuyên mục