Việt Nam luôn sẵn sàng các biện pháp bảo vệ công dân
(PNTĐ) - Nhiều vấn đề nóng đã được Bộ Ngoại giao thông tin trong cuộc họp báo diễn ra chiều 18/5.
Sẵn sàng bảo hộ công dân
Tại họp báo, bà Phạm Thu Hằng, Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam, cho biết thông tin đến vụ việc một người đàn ông Việt Nam bị giam giữ tại một đồn cảnh sát ở tỉnh Ibaraki của Nhật Bản đã qua đời vào ngày 29/4 vừa qua.
“Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nhận được thông tin về vụ việc này và chỉ đạo các cơ quan đại diện của Việt Nam tại Nhật Bản tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng Nhật Bản để xác minh thông tin và sớm thông báo kết quả, đồng thời sẵn sàng các biện pháp bảo vệ công dân nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của công dân Việt Nam”, bà Hằng cho biết.
Trước đó, theo tường thuật của báo Mainichi ngày 2/5, sở cảnh sát thành phố Shimotsuma thuộc tỉnh Ibaraki, Nhật Bản, vào khoảng 7 giờ 30 sáng 29/4, người đàn ông Việt Nam được xe cấp cứu chở đến bệnh viện trong tình trạng tái nhợt và không phản ứng với tiếng gọi của cảnh sát. Người đàn ông này được xác nhận tử vong khoảng 13 tiếng sau đó.
Liên quan đến các công dân Việt Nam được giải cứu tại Philippines, bà Phạm Thu Hằng nêu rõ: “Đại sứ quán Việt Nam tại Philippines đang phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng nước sở tại nhằm xác định tình trạng cư trú của lao động, phối hợp thúc đẩy thông tin để chính quyền sở tại sớm đưa ra phương hướng giải quyết và điều tra vụ việc kịp thời tiến hành công tác bảo hộ công dân nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của công dân Việt Nam”.
Đồng thời, Việt Nam cũng thúc đẩy di cư hợp pháp, an toàn và trật tự. Ngoài ra, kiên quyết đấu tranh phòng chống di cư trái phép và đưa người di cư trái phép, mua bán người. Theo đó, ngày 4/5, các lực lượng chức năng Philippines đã giải cứu hơn 1.000 người, trong đó có công dân Việt Nam bị ép buộc làm việc trong cơ sở do Tập đoàn Clark Sun Valley Hub làm chủ ở Pampanga, gần thủ đô Manila. Những người này hiện đang lưu trú an toàn tại một cơ sở do cơ quan chức năng Philippines bố trí.
Kêu gọi tôn trọng chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông
Tại họp báo chiều 18/5, Bộ Ngoại giao Việt Nam đưa ra bình luận về hoạt động của tàu Trung Quốc tại vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam và Philippines nhằm khẳng định chủ quyền đối với các thực thể trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam cùng một số thông tin liên quan.
Trả lời báo giới, bà Phạm Thu Hằng, Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam, bình luận: “Việt Nam có quyền và quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với các vùng biển ở Biển Đông được xác định theo Công ước của LHQ về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982). Để khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế. Việt Nam kiên quyết phản đối mọi hành động xâm phạm chủ quyền và các quyền liên quan của Việt Nam đối với quần đảo này. Việt Nam yêu cầu các bên liên quan tôn trọng chủ quyền Việt Nam, luật pháp quốc tế, Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC), có đóng góp thiết thực cho việc duy trì hòa bình, ổn định trên Biển Đông cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho việc đàm phán COC”.
Về thông tin Trung Quốc gần đây đã mở phi pháp một nhà hàng lẩu trên đảo Phú Lâm trong quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, đại diện Bộ ngoại giao Việt Nam cho biết: “Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền của mình tại quần đảo Hoàng Sa phù hợp với luật pháp quốc tế. Việt Nam kiên quyết phản đối mọi hành động xâm phạm chủ quyền và các quyền liên quan của Việt Nam đối với quần đảo này”.
Về thông tin tàu hải quân Trung Quốc đến Đà Nẵng trong thời gian sắp tới (23-25/05), đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết đây là hoạt động trong khuôn khổ hợp tác song phương giữa Việt nam - Trung Quốc góp phần củng cố tăng cường quan hệ hữu nghị nói chung và lực lượng hải quan trong nước nói riêng.
Báo cáo tự do tôn giáo của Hoa Kỳ vẫn đưa ra nhận định thiếu khách quan
Liên quan đến Báo cáo Tự do Tôn giáo Quốc tế 2022 của BNG Hoa Kỳ và Báo cáo thường niên về tình hình tự do tôn giáo quốc tế 2023 của Ủy ban tự do tôn giáo quốc tế Hoa Kỳ, bà Phạm Thu Hằng, Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam nêu rõ: “Là một quốc gia đa dân tộc và đa tôn giáo với đời sống tín ngưỡng tôn giáo phong phú, Nhà nước Việt Nam luôn thực hiện chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, quyền theo và không theo tôn giáo của người dân, bảo đảm sự bình đẳng, không phân biệt đối xử vì lý do tôn giáo, tín ngưỡng; bảo hộ hoạt động của các tổ chức tôn giáo theo pháp luật”.
Tại họp báo, bà Phạm Thu Hằng nhấn mạnh, các báo cáo trên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và Ủy ban tự do tôn giáo quốc tế Hoa Kỳ tuy ghi nhận một số tiến bộ của Việt Nam trong thúc đẩy sự tự do tôn giáo và trích dẫn một số thông tin chính thống của một số cơ quan Chính phủ Việt Nam, song vẫn đưa ra những nhận định thiếu khách quan dựa trên thông tin chưa được kiểm chứng và không chính xác về tình hình thực tế tại Việt Nam.
“Việt Nam sẵn sàng đối thoại trên tinh thần thẳng thắn, cởi mở và tôn trọng lẫn nhau về những vấn đề còn khác biệt qua đó đóng góp vào việc thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ”, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định.