Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Thượng đỉnh G7 mở rộng và làm việc tại Nhật Bản

MINH THƯ
Chia sẻ

(PNTĐ) - Theo thông cáo của Bộ Ngoại giao, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) mở rộng và làm việc tại Nhật Bản theo lời mời của Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio, từ ngày 19-21/5.

Đây là lần thứ 3 Việt Nam tham dự Thượng đỉnh G7 mở rộng. Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Thượng đỉnh G7 mở rộng tại Ise, Nhật Bản từ ngày 26-28/5/2016 và Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng tại Quebec, Canada từ ngày 9-10/6/2018.

Khách mời của Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng năm nay gồm lãnh đạo cấp cao của 8 quốc gia và 6 tổ chức quốc tế. Việt Nam là một trong hai nước Đông Nam Á được Nhật Bản mời tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng năm nay.

Sự tham dự của Việt Nam khẳng định vai trò, vị thế và đóng góp cho nỗ lực chung nhằm thúc đẩy hợp tác, duy trì tăng trưởng và giải quyết các thách thức chung của cộng đồng quốc tế.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Thượng đỉnh G7 mở rộng và làm việc tại Nhật Bản - ảnh 1
Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng và làm việc tại Nhật Bản từ ngày 19-21/5 

Hội nghị thượng đỉnh G7 được tổ chức hàng năm ở cấp người đứng đầu Nhà nước hoặc Chính phủ các thành viên và do nước Chủ tịch (theo luân phiên) đăng cai. Thượng đỉnh G7 mở rộng được tổ chức trong khuôn khổ Thượng đỉnh G7, với sự tham dự của các nước và tổ chức quốc tế khách mời.

Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng năm nay gồm 3 phiên, với các chủ đề: Hợp tác xử lý đa khủng hoảng; Nỗ lực chung vì một hành tinh bền vững; và Hướng tới một thế giới hòa bình, ổn định và thịnh vượng.

Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (Nhóm G7, Group of Seven), được thành lập vào năm 1976, là một liên minh gồm 7 nước có nền công nghiệp tiên tiến: Anh, Mỹ, Đức, Nhật Bản, Pháp, Canada và Italy. Cùng với Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), G7 đóng vai trò quan trọng trong việc định hình và củng cố cấu trúc và quản trị toàn cầu.

G7 còn là tập hợp tiếng nói, phản ánh quan điểm tương đồng và lợi ích của các quốc gia phát triển trong giải quyết các vấn đề chung về an ninh quốc tế và thúc đẩy các cuộc thảo luận giải quyết thách thức toàn cầu.

Các thành viên nhóm G7 sở hữu tổng cộng hơn một nửa giá trị tài sản thế giới, thường xuyên chiếm khoảng 30% GDP toàn cầu, với thị trường khoảng 10% tổng dân số thế giới.

Tin cùng chuyên mục

Mỗi cán bộ, hội viên, phụ nữ hãy là một đại sứ tuyên truyền về chống rác thải nhựa, bảo vệ môi trường

Mỗi cán bộ, hội viên, phụ nữ hãy là một đại sứ tuyên truyền về chống rác thải nhựa, bảo vệ môi trường

(PNTĐ) -Sáng ngày 3/6/2023, tại sân khấu Phố đi bộ Trịnh Công Sơn, Tây Hồ, Hội LHPN Hà Nội tổ chức chương trình Phát động hưởng ứng Ngày Môi trường Thế giới 5/6 và Tổng kết 5 năm thực hiện phong trào “Chống rác thải nhựa” trong các cấp Hội Phụ nữ Thủ đô giai đoạn 2018 - 2023.
Áp dụng visa điện tử là một bước tiến quan trọng

Áp dụng visa điện tử là một bước tiến quan trọng

(PNTĐ) -Thảo luận tại hội trường trong Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, đại biểu Vũ Tiến Lộc - đoàn ĐBQH TP Hà Nội bày tỏ sự nhất trí với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội về dự thảo Luật sửa đổi một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh của người Việt Nam cũng như là Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.