Việt Nam tiếp tục là quốc gia nhận kiều hối lớn nhất thế giới
(PNTĐ) - Việt Nam tiếp tục là một trong 10 quốc gia nhận kiều hối lớn nhất trên thế giới.
Lượng kiều hối tăng mạnh
Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP.HCM cho biết, trong quý 1/2023, lượng kiều hối chuyển về TP.HCM đạt 2,119 tỷ USD, tăng 19,41% so với cùng kỳ năm 2022. Theo lãnh đạo NHNN chi nhánh TP.HCM, lượng kiều hối chuyển về TP.HCM trong 3 tháng đầu năm có mức tăng trưởng cao, bằng khoảng 32% tổng lượng kiều hối chuyển về địa bàn trong năm 2022.
Nguồn kiều hối chủ yếu được chuyển về từ khu vực châu Á do khu vực này ổn định, duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế. Đặc biệt, đây cũng là khu vực có lượng kiều hối chuyển về TP.HCM tăng mạnh trong quý 1-2023, tăng đến 84% so với cùng kỳ, trong khi các khu vực khác như châu Mỹ, châu Phi, châu Đại dương kiều hối chuyển về giảm do điều kiện kinh tế khó khăn và lạm phát tăng. Việc kiều hối gửi về TP. Hồ Chí Minh trong quý vừa qua tăng trưởng 19,41% là kết quả tích cực trong bối cảnh hiện nay.
Nguồn lực này sẽ cùng với các nguồn vốn khác từ nền kinh tế, góp phần vào phát triển sản xuất kinh doanh, thương mại dịch vụ cũng như tham gia vào các thị trường, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế. Đồng thời, đây cũng là điểm sáng phản ánh môi trường đầu tư đất nước ngày càng thuận lợi, cho thấy sự quan tâm và lòng yêu nước của kiều bào, sự chịu khó và tích lũy của người lao động Việt Nam tại nước ngoài.
Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB), tổng lượng kiều hối về Việt Nam tăng trưởng gần 5% trong năm 2022 và từ 3,6 - 4,5% trong năm tiếp theo, sau khi ghi nhận mức tăng 5% trong năm 2021. Mức tăng này tương đương khoảng 1 tỷ USD và đạt gần 19 tỷ USD, nằm trong top 3 quốc gia nhận tiền kiều hối nhiều nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương và thuộc top 10 quốc gia trên thế giới về nhận kiều hối.
Đặc biệt, lượng kiều hối chuyển về Việt Nam ngày càng nhiều không chỉ giúp cho các ngân hàng gia tăng lợi nhuận từ hoạt động dịch vụ, mà còn phục vụ chính sách thu hút nguồn ngoại tệ cho Việt Nam, giúp ngành ngân hàng tăng dự trữ ngoại hối.
Khai thác nguồn lực "vàng"
Bên cạnh dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), kiều hối là nguồn lực vàng đối với phát triển kinh tế xã hội đất nước cũng như góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, đồng thời hỗ trợ và phát huy hiệu quả chính sách tiền tệ của NHNN, nhất là tăng dự trữ nguồn ngoại tệ.
Tuy nhiên, đây là nguồn lực từ tích lũy, từ tiết kiệm và thu nhập của kiều bào, của người lao động nước ngoài gửi về. Do đó, ngoài yếu tố cơ chế chính sách về ngoại hối; về lao động nước ngoài; về môi trường cũng như mạng lưới và dịch vụ chi trả, thì kiều hối còn phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia và khu vực trên thế giới nơi kiều bào sinh sống, người lao động làm việc.
Việt Nam đã có nhiều chính sách phù hợp hơn đối với kiều bào và người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng để khơi dòng kiều hối. Nhiều ngân hàng cũng như công ty kiều hối đã không ngừng đa dạng hóa các kênh chi trả, nhằm tạo thuận lợi cho bên nhận và gửi tiền. Bên cạnh các hình thức nhận kiều hối truyền thống như nhận tại nhà, tại quầy, nhận qua tài khoản, gần đây đã xuất hiện hình thức nhận qua ví điện tử.
Chẳng hạn, Công ty Kiều hối Đông Á vừa triển khai việc chi trả kiều hối qua ví điện tử MoMo. Người gửi tiền có thể chọn hình thức chuyển tiền trực tiếp vào tài khoản MoMo của người thân tại Việt Nam. Sau đó người nhận có thể rút tiền về tài khoản ngân hàng đang liên kết với tài khoản MoMo ngay khi nhận được tiền.
Hôm 20/3, Western Union và ví MoMo cũng đã công bố hợp tác, theo đó tại Việt Nam có thể nhận các giao dịch chuyển quốc tế Western Union từ nước ngoài với hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ qua dịch vụ của MoMo.
Thông qua sự liên kết hợp tác giữa MoMo và Western Union, hàng chục triệu người dùng MoMo ở Việt Nam sẽ chỉ mất khoảng 1 phút để nhận tiền quốc tế từ nước ngoài gửi về. Dịch vụ này thậm chí còn hỗ trợ cho cả những giao dịch chuyển tiền nhỏ, từ 10 - 20USD.