Vụ xả súng kinh hoàng ở Connecticut (Mỹ): Bao giờ mới cấm súng?
PNTĐ-Cả nước Mỹ đã treo cờ rủ tỏ lòng tiếc thương các nạn nhân trong vụ xả súng kinh hoàng tại bang Connecticut - Mỹ, làm 28 người thiệt mạng, trong đó có 20 học sinh.
Đau lòng…
Ngay sau thảm kịch, Tổng thống Barack Obama đã không cầm được nước mắt khi phát biểu tại Nhà Trắng và thừa nhận rằng nước Mỹ đã quá thường xuyên phải chịu những cơn ác mộng khủng khiếp. Tổng thống Mỹ đã nói rằng, khi nghe tin về vụ thảm sát, ông không phản ứng như một tổng thống, mà như một phụ huynh: "Tôi tin rằng mọi phụ huynh đều cảm thấy đau buồn sâu sắc. Phần lớn người chết là trẻ em, những đứa trẻ xinh xắn trong độ tuổi từ 5 tới 10. Các em còn một quãng đời dài phía trước, sẽ trải qua những sự kiện như lễ tốt nghiệp, đám cưới. Một số giáo viên, những người đàn ông và phụ nữ cống hiến cuộc đời họ cho việc biến giấc mơ của học sinh thành sự thật, cũng bị giết”.
![]() |
HS trường tiểu học Sandy Hook khiếp sợ sau vụ xả súng |
Tuy nhiên, vụ xả súng kinh hoàng ở Connecticut đã là vụ xả súng giết người hàng loạt thứ 10 ở Mỹ kể từ khi ông Obama lên nắm quyền hồi tháng 1/2009 và là vụ nổ súng trường học nghiêm trọng thứ nhì trong lịch sử nước này. Vào ngày 16/4/2007, Cho Seung-hui, 23 tuổi, đã giết 32 người, làm bị thương 17 người khác trước khi tự sát ở đại học Virginia Tech, bang Virginia.
Vì sao nước Mỹ không cấm súng?
Có thể nói, nước Mỹ đứng đầu thế giới về tai họa do súng gây ra. Trung bình hàng năm có khoảng 100.000 người thương vong do súng, trong đó khoảng 30.000 người thiệt mạng. Trớ trêu hơn, số người Mỹ chết vì tai nạn súng trong nước còn nhiều hơn số lính Mỹ chết trong các cuộc chiến tranh ở ngoài nước.
Trên thế giới không nước nào dân chúng sở hữu súng với mức độ cao như nước Mỹ. 314 triệu dân Mỹ hiện nay làm chủ hơn 270 triệu súng các loại; bình quân mỗi người lớn có hơn 1 khẩu súng.
Công bằng mà nói, nước Mỹ có luật kiểm soát súng, được gọi là Brady, do Tổng thống Bill Clinton ký năm 1993. Song 40% các vụ mua bán vũ khí gần như không liên quan đến luật này. Bản thân hệ thống kiểm tra nhanh thân nhân phạm tội quốc gia Mỹ do FBI quản lý cũng có lỗ hổng riêng. Mặc dù hai khẩu súng ngắn và một khẩu súng trường bán tự động được tìm thấy tại hiện trường có vẻ như được mẹ của hung thủ Adam Lanza mua hợp pháp, song nhiều người cho rằng nếu có cơ sở dữ liệu chi tiết hơn, thì nước Mỹ có thể ngăn những người như Lanza gây ra thảm kịch ngày 14/12 vừa qua.
Một điều khác biệt nữa là phần lớn người Mỹ lên án các vụ bắn giết, nhưng có điều họ bàn cãi chuyện quản lý súng đạn như thế nào chứ không đụng tới chuyện cấm súng. Một điều tra của Viện Gallup cho thấy, số người Mỹ phản đối cấm súng tăng lên theo thời gian: năm 1990 là 20%, năm 2010 là 54%. Bằng chứng rõ nhất, bất chấp nỗi đau mất mát sau thảm kịch hôm 14/12 ở Newtown, Connecticut, người dân Mỹ lại đổ xô đi mua súng với lập luận rằng “càng nhiều súng, càng ít vụ xả súng hàng loạt”. Theo Christian Science Monitor, trong 14 ngày đầu tiên sau vụ thảm sát ở Aurora, Colorado vào ngày 21/7, số súng bán ra cũng tăng 41%. Chả lẽ người Mỹ chưa “ớn” nạn tự do sở hữu súng, chả lẽ họ không muốn bảo vệ tính mạng mình và con cháu mình?
Thực ra ở đây còn có tác động của văn hóa bạo lực. Các siêu nhân “hai tay hai súng”, vãi đạn như mưa đã trở thành mẫu người lý tưởng của giới trẻ. Bộ máy văn hóa khổng lồ của nước Mỹ, từ nhà văn cho tới giới điện ảnh, truyền thông hầu như tất cả đều cổ súy cho “típ” người như thế.
Minh Thi