Ấn tượng những công trình di tích lịch sử văn hóa ở phường Văn Quán
Những công trình di tích lịch sử văn hóa đình, chùa, đền phường Văn Quán, quận Hà Đông với bề dày hàng trăm năm vẫn trường tồn và phát huy giá trị tinh thần cùng sự phát triển của dân tộc.
Đình Văn Quán có thiết kế hình chữ Đinh, Đại bái 3 gian, 2 dĩ, 4 vì nóc và 5 hàng chân cột. Các cột nóc được làm theo lối chồng rường, riêng vì nóc hai đầu hồi chạm nổi hình mặt hổ phù to, phía trên hình chim phượng xòe cánh. Đình Văn Quán thờ một vị công chúa nên các mảng nghệ thuật có nhiều họa tiết chim phượng tập trung phần điêu khắc ở các cửa võng, cuốn thư, hoành phi, khám thờ, long ngai, bài vị, hương án… là những di vật quý được sơn son thếp vàng. Năm 1995, đình Văn Quán được công nhận di tích kiến trúc nghệ thuật theo quyết định số 4568/QĐ- BT ngày 20/11/1995 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin.
Bên cạnh giá trị đặc sắc trong nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc và xây dựng, đình Văn Quán còn mang giá trị tinh thần, văn hóa tâm linh ghi lại từ thuở ban đầu lập làng của công chúa đời hậu Lê-công chúa Lê Thị Ngọc Bôi.
Ngày nay, vào ngày 14 tháng Giêng hàng năm, tại đình thường diễn ra các hoạt động tôn vinh những người có nhiều đóng góp cho công cuộc xây dựng quê hương đất nước. Vào ngày 15 đến 17 tháng Giêng là lễ hội truyền thống làng Văn Quán. Cứ 3-5 năm một lần, hội lớn hay còn gọi là đại đám, có rước Thánh từ đền về đình dự lễ hội với dân làng, kính cáo lên đức thành hoàng làng về kết quả lao động, đời sống kinh tế, xã hội của người dân.
Ngay cạnh đình là chùa Văn Quán, còn có tên là Linh Quang Tự. Tháng 12/1993, chùa Văn Quán được công nhận di tích nghệ thuật. Tương truyền, hơn 100 năm trước, ngôi chùa Văn Quán được dựng ở gần bờ sông Nhuệ nhưng với nhiều lý do khách quan chùa được chuyển về vị trí hiện nay. Ngôi chùa hướng về phía Đông-Bắc, thiết kế hình chữ Đinh. Trước tòa bái đường là Tam quan, qua Tam quan đến sân, sân chùa lát gạch men Bát Tràng.
Tòa tiền đường có kiến trúc 2 tầng, 4 mái, kết cấu trống cột 3 hàng chân gỗ với kiểu nóc chồng rường. Kiến trúc này tạo ra không gian thoáng rộng, lấy ánh sáng tự nhiên. Không gian nội thất trang trí bởi 8 bức hoành phi, 5 câu đối, cửa võng. Hệ thống tượng Phật trong chùa chủ yếu được tạc bằng gỗ mít, sơn son thếp vàng có chiều cao từ 0,85m đến 1,37m và đều mang phong cách nghệ thuật cuối đời Lê đầu đời Nguyễn.
Khu mộ thờ công chúa Lê Thị Ngọc Bôi ở đền Văn Quán hay còn gọi là đền Độc Cước
Phường Văn Quán còn có ngôi đền Độc Cước, còn gọi là miếu Độc Cước, miếu Văn Quán. Đây là mộ công chúa Lê Thị Ngọc Bôi, con gái thứ hai của vua Lê Thái Tông (1434-1442). Đình Văn Quán và đền cũng thờ thần hộ mệnh của công chúa là ông Độc Cước. Thần Độc Cước và công chúa đều có công đối với đất nước và nhân dân.
Đền Độc Cước có các hạng mục kiến trúc chính như Đại bái và Hậu cung mang phong cách truyền thống. Cùng các hiện vật có giá trị lịch sử, nghệ thuật như: Bản văn tấu các ngày trọng của làng, các đạo sắc phong thời Nguyễn cho thần Độc Cước và công chúa Ngọc Bôi cùng long ngai và bài vị, hoành phi, câu đối mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn vẫn còn được gìn giữ.
Thời kỳ kháng chiến chống Pháp (1945-1954), chùa Văn Quán, khu đền Độc Cước từng là căn cứ để các đồng chí lãnh đạo Hà Đông hoạt động cách mạng. Khu đền Độc Cước còn từng là sở chỉ huy của tiểu đoàn 57 mặt trận phía Nam Hà Nội, căn cứ để các đồng chí lãnh đạo Hà Đông về triển khai phương án đánh địch như: Đồng chí Nguyễn Đình Tính, Bí thư thị xã và đồng chí Võ Hồng Cương, Chủ tịch Ủy ban kháng chiến thị xã (sau làm Bí thư Tỉnh ủy) làm việc. Đền Độc Cước đã bị giặc Pháp phá, đến năm 1996, chính quyền, nhân dân góp công khôi phục và có diện mạo như hiện nay.
Năm 2020 đền Độc Cước đã được công nhận là di tích lịch sử văn hóa. Đền được xây dựng từ thời Lê cùng với đình Văn Quán, phụng thờ thành hoàng làng và là nơi sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng tâm linh của nhân dân. Nơi đây đã trở thành địa chỉ đỏ, nơi nhân dân có nhiều đóng góp cho Cách mạng kháng chiến.
Trải qua hàng trăm năm với nhiều dâu bể, nhân dân và Đảng bộ, chính quyền phường Văn Quán vẫn luôn chú trọng giữ gìn, nhiều lần trùng tu, bảo tồn, phát huy các giá trị của hệ thống đình, chùa, đền - di tích lịch sử văn hóa nghệ thuật và nơi gắn kết cộng đồng dân cư sống thuận hòa cùng xây dựng quê hương đất nước.
Bài và ảnh: HOÀNG NGUYÊN