Bà ngoại 2
(PNTĐ) - Ngày con gái quyết định lấy người đàn ông từng đổ vỡ hôn nhân, làm mẹ kế của một đứa bé 8 tuổi, ông bà ra sức phản đối. Dù vậy vẫn chẳng thể ép được duyên con, ông bà đành miễn cưỡng đồng ý, nhưng trong lòng rất ác cảm với đứa con riêng của con rể.
Hiền, con gái của ông bà năm nay 26 tuổi, xinh đẹp, công việc ổn định, năng động, giỏi giang. Những ưu điểm này bà kể ra không phải theo kiểu “con hát mẹ khen hay”, mà là sự công nhận của nhiều người.
Chẳng thế mà Hiền luôn là niềm tự hào của ông bà, nên việc họ kỳ vọng sẽ kén được chàng rể đủ tài, đủ đức xứng đáng với con gái của mình cũng là lẽ đương nhiên.
Ấy vậy mà ngày Hiền đưa người yêu về giới thiệu với gia đình thì ông bà bị sốc đứng. Con gái giới thiệu bạn trai đã từng đổ vỡ hôn nhân, hiện đang sống cùng con riêng cứ “nhẹ tênh tênh”, khiến ông bà càng “nóng mặt”. Họ thể hiện thái độ không bằng lòng luôn trong buổi ra mắt hôm ấy.
Những ngày sau đó, bà ra sức khuyên nhủ con gái bỏ tình cảm này, chọn một mối khác xứng đáng với mình hơn. Ông cũng dùng quyền uy của trụ cột gia đình để ngăn cản con gái đến với người đàn ông đã qua một đời vợ kia.
Thế nhưng, cô con gái dùng đủ cách để bảo vệ tình yêu của mình, nó nói chuyện đổ vỡ hôn nhân không ai mong muốn nhưng cũng không phải là “tội đồ” xấu xa. Đôi khi, sự lựa chọn đó lại tốt cho cả người vợ lẫn người chồng khi chung sống bên nhau không còn hạnh phúc. Và, con gái ông bà, dù là người đến sau nhưng chưa chắc đã thiệt thòi nếu như cả hai thật lòng yêu thương nhau, cùng vun vén xây dựng tổ ấm.
Nói đi nói lại, câu chuyện lại quay về đứa con riêng của con rể mà ông bà cho rằng nó là “vật cản” đối với hạnh phúc của con gái mình. Bà bảo, làm mẹ kế không dễ, nuôi con người khác chẳng được “ơn” toàn được “oán”, vì chả đứa trẻ nào chấp nhận yêu thương một người lạ giống như mẹ đẻ của mình. Rồi thì, sau này vợ chồng có con chung, việc nuôi dạy con riêng và con chung dưới một mái nhà cũng đau đầu, nhọc lòng không ít.
Thế nhưng, một lần nữa, con gái ông mà lại dùng “mớ lý thuyết” chưa trải sự đời của nó để thuyết phục bố mẹ. Nó bảo, nếu mẹ kế mà yêu thương con riêng của chồng giống như con đẻ thì ắt cũng sẽ được nó đối đãi giống như mẹ ruột. Bởi chẳng có đứa trẻ nào “nỡ” ghét bỏ một người luôn yêu thương mình. Bà càng nghe càng lộn ruột với đứa con gái cứng đầu, nhưng cuối cùng đành bất lực với sự kiên định của nó.

Ngày con gái lên xe hoa, ông bà một lần nữa chẳng vui nổi khi con riêng nâng váy cưới cho mẹ kế bước vào hôn trường. Người thân của ông bà tất nhiên đều hỏi về cô bé xinh xắn đáng yêu như thiên thần kia. Khi biết nó là con riêng của chồng con gái bà, nhiều người tặc lưỡi bảo sao ông bà lại để cho con đi làm vợ hai, trong khi với điều kiện của nó có thể cưới được người gấp vạn lần chàng rể này. Bà cười gượng bảo duyên con đã chọn chẳng thể cưỡng nổi.
Điều đáng nói là con bé Hằng rất quấn quýt ông bà ở lễ cưới. Hễ rảnh một chút là nó chạy lại chỗ ông bà ngồi, lúc thì đưa cho bà chai nước, lúc lại lấy hộ ông lon bia. Nó hồn nhiên như thể là cháu ruột của ông bà lâu lắm rồi. Và cũng vì nó cứ xoắn xuýt vào bà nên lại có càng nhiều người hỏi khiến bà cứ phải nói ra cái điều không hề muốn nhắc tới đó. Điều đó càng khiến bà tăng thêm sự ác cảm đối với Hằng, và chẳng thể chấp nhận được đứa cháu “ngoài luồng” này.
Cưới xong, vợ chồng con gái mua nhà sống gần với ông bà. Công việc của con gái bận rộn nên hàng ngày bà giúp nó việc chợ búa luôn. Vì vậy, ngày nào bà cũng phải ghé nhà con gái một lần. Hằng được chuyển về học ở trường gần nhà để bố mẹ đỡ vất vả đưa đón.
Hàng ngày con bé tự đi bộ đến trường học, về đến nhà, nó lại chạy sang nhà ông bà chơi. Ban đầu, bà chẳng “tiếp” nó nhưng chẳng hiểu sao con bé cứ tìm đến liên tục nên bà đành mở cửa cho nó vào. Mỗi lần sang nhà ông bà, nó luôn miệng gọi ông là ông ngoại 1, còn gọi bà là bà ngoại 2. Rồi nó liến thoắng kể lại “sự tích” cái tên gọi đó cho ông bà nghe.
- Mẹ con bảo ngày mẹ sinh ra không biết mặt bố mình vì ông mất trước đó. Vì thế con chẳng có ông ngoại mà chỉ có bà ngoại thôi. Khi bố mẹ con chia tay, biết bố và mẹ Hiền đến với nhau, mẹ con bảo từ nay con sẽ có thêm một bà ngoại nữa gọi là bà ngoại 2 (cho dễ phân biệt), nhưng điều đặc biệt là con sẽ có ông ngoại và đó sẽ là ông ngoại 1. Mẹ bảo con sướng nhất vì có tận 2 bà ngoại cùng yêu thương con, vì thế con cũng phải yêu thương 2 bà ngoại như nhau…

Bà nghe con bé nói, lòng thoáng chút xao động, còn ông, từ hôm đó, ánh mắt ông dành cho Hằng cũng bớt nghiêm khắc hơn. Ngày cuối tuần, con bé được mẹ đón về bên nhà chơi, lúc quay về, nó luôn có quà cho ông bà. Trong câu chuyện của nó kể, ông bà biết mẹ con bé gửi gắm rất nhiều tâm tư tình cảm đối với họ.
Có lần, con bé kể hôm nay về bên nhà được mẹ và bà ngoại 1 dẫn sang làng gốm Bát Tràng chơi. Mẹ đưa nó cho một món tiền để mua quà cho ông ngoại 1 và 2 bà ngoại. Hằng chọn cho ông hộp đựng trà bằng gốm rất đẹp, rồi chọn cho bà ngoại 1 chiếc cốc xinh xắn in tên của bà trên đó. Sau đó, nó chọn cho bà ngoại 2 lọ hoa xinh xinh.
Tuy nhiên, mẹ nó không đồng ý, tư vấn cho con gái nên chọn cho 2 bà 2 chiếc cốc cùng kiểu giáng, màu sắc giống nhau, và đều có tên của 2 bà in trên đó. Mẹ nó bảo, với 2 bà, con lúc nào cũng phải ứng xử và yêu thương công bằng như nhau, không có sự phân biệt, dù là món quà tặng.
Từ đó, Hằng luôn tâm niệm lúc nào cũng đối xử 2 bà ngoại như nhau. Những điều đó, Hằng học được từ mẹ nó. Lúc nào đi công tác hoặc vào dịp kỷ niệm lễ Tết, mẹ Hằng đều mua quà tặng 2 bà ngoại và món quà luôn giống hệt nhau.
Ban đầu bà còn không tin những điều con bé nói, cho đến sau này thỉnh thoảng mẹ con bé tạo cơ hội gặp gỡ giữa hai nhà để mời ông bà cùng ăn bữa cơm thân mật. Lần nào, bà cũng thấy bà ngoại 1 của con bé dùng một món đồ của mẹ nó tặng giống hệt của mình thì bà tin những điều nó kể là thật.
Từ đó, bà thay đổi cách nhìn nhận về Hằng, chẳng ác cảm với nó nữa, thậm chí bỏ đi suy nghĩ nó là “đứa cháu ngoài luồng” như trước đây. Những buổi tiệc có chung sự có mặt của bà ngoại 1 của con bé, bà còn cố tình dùng những món đồ mẹ con bé tặng. Có lần, 2 bà ngoại tạo sự thích thú cho mọi người khi cùng quàng một chiếc khăn, mặc chiếc áo, đeo chiếc vòng tay giống hệt nhau, cứ như thể họ là cặp song sinh.
Dạo này, bà con lối phố thấy sáng nào Hằng cũng líu lo bên ông ngoại 1 cùng đến trường. Chiều về, trống trường chưa tan, ông ngoại 1 đã chờ sẵn trước cửa đợi cháu, rồi hai ông cháu lại rong ruổi bên nhau đi về. Con bé kể cho ông nghe đủ thứ chuyện ở trường, còn ông thì vui vẻ đáp lại những câu hỏi của nó.
Về đến nhà, bà ngoại 2 đã để sẵn cho lúc cái bánh giò, lúc đĩa hoa quả để cháu ăn đỡ đói. Đi đâu về, bà ngoại 2 cũng nhớ ở nhà có một đứa cháu gái đang chờ mình nên luôn để ý mua quà. Thỉnh thoảng, bà ngoại 1 lại gọi điện rủ bà ngoại 2 đi lễ chùa cùng mình, hoặc đi du lịch với các hội nhóm của bà, khi về cả hai bà đều nhớ mua quà cho cháu. Nếu ai không biết, cứ ngỡ hai bà là chị em gái của nhau, còn Hằng thì đi đâu cũng tự hào mình có 2 bà ngoại.