Bà ngoại dùng “mưu” hạn chế cháu ăn vặt

Chia sẻ

Thứ 7 mùa thu đẹp trời, mấy bác bán hàng quà sáng nhân khi thưa khách, lại có một cô bé con diện váy áo đẹp, tô son môi rất xinh theo bà ngoại đến ăn, một bác tên Tâm bán hàng trêu: “Môi son tươi quá, có sợ bị lem không?”. Bà ngoại cô bé, bác Nhân, cười phá lên, đáp lại: “Mưu của bà cháu đấy, hôm nay cho cháu đi siêu thị, sợ vòi quà nên mới tô cho lớp son dưỡng. Khi cháu tô son rồi, sợ mất son sẽ chẳng dám ăn gì mà đòi nữa”. Mọi người cùng cười phá lên vui vẻ.

Ở khu phố nhà tôi, có rất nhiều bác ở độ tuổi mới về hưu và hầu như nhà bác nào cũng “địu” thêm một, hai em nhỏ. Có nhiều bác khi chiều về, ngồi “tám chuyện” ở ghế đá trong vườn hoa nhỏ trong khu đã thốt lên: “Bọn trẻ bây giờ còn ranh hơn chúng mình khi xưa. Nó tính kỹ cả việc khi nào bố mẹ nghỉ hưu để “đón đầu” rồi nhanh chân cưới xin, xong rồi sinh con còn “đùn” cho ông bà chăm nuôi giúp”. Bởi vậy, có rất nhiều chuyện dở khóc dở cười giữa ông bà và bầy cháu nhỏ mà chỉ riêng chuyện lèo nhèo khi đưa đám cháu đi chơi siêu thị cũng có cả kho. Chuyện bác Nhân phải dùng “mưu” để bé Hồng Hoa không vòi quà là một ví dụ.

Hồng Hoa vốn là cô bé xinh xắn, được bố cưng chiều nhất mực! Bố mẹ cô bé lại gửi Hồng Hoa cho bà ngoại chăm từ nhỏ. Nhà neo người, chỉ có bà ngoại và cháu, dì của bé thì đi làm từ sáng tới chiều, về nhà láng cháng tắm tắm, gội gội, son phấn, váy áo lại “lượn lờ” cùng người yêu nên nhà hai bà cháu quấn nhau như rồng với rắn.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Bà ngoại cưng cháu, bố cháu cũng cưng con, thế là cặp bà ngoại và bố “hợp cạ” trong việc mua sắm váy áo cho bé con. Chỉ riêng váy màu hồng và màu xanh, hai màu cô bé thích cũng đã chật cả chiếc tủ nhỏ dì bé mua tặng cho hôm sinh nhật 2 tuổi. Cô bé lại hay ăn vặt - thói quen từ việc chiều con, chiều cháu của cả bà và bố bé. Đó là lý do khiến cô bé cứ mỗi khi được bà hay ai đó đưa đi siêu thị lại sà vào các quầy ăn uống, đòi mua hết món này tới món kia.

Bác Nhân, bà của bé kể: “Cháu giỏi lắm, mới có 3 tuổi rưỡi, dong dỏng, don don người thế mà vào các kệ hàng loay hoay chọn chọn, xếp xếp cứ y như người lớn vậy. Mỗi tội là toàn chọn đồ ăn, mà chọn món nào nhất định phải lấy món đó, không cho bỏ lại”. Mọi người nghe chuyện xúm vào góp vui, ai cũng khen cô bé xinh xắn, đáng yêu, vừa lễ phép lại vừa khéo léo. Chỉ mỗi cái tội ăn vặt và hàm răng bị sâu sún cụt lủn là bị mang ra quan tâm. Người nói không nên cho cháu ăn vặt nhiều, rồi không ăn vào bữa chính, sẽ khó kiểm soát chế độ dinh dưỡng; người bảo sâu hết răng, xinh thế mà chiều quá răng lại hỏng; người bảo sợ sinh ra tính ăn quà vặt sau này lớn lên suốt ngày đi đâu cũng “đeo” thêm vài món bỏ túi…

Biết gia đình bác Nhân và bố mẹ em bé có điều kiện nên không ai nói tới sự tốn kém của những món đồ ăn hiện đại dành cho trẻ em ngày nay. Vì chỉ riêng một gói bánh ngon hay một túi kẹo ngoại là có thể mua được một bữa thức ăn cho cả một gia đình. Tuy nhiên, ai cũng khuyên bác Nhân phải hạn chế việc ăn quà vặt của bé. Bác Nhân chia sẻ: “Cũng là do cả nhà hai bên nội ngoại có cháu là đầu tiên, con đầu cháu sớm, bé lại ngoan ngoãn, kháu khỉnh, dễ thương, mặc gì cũng đẹp nên không ai không bày tỏ sự yêu chiều dành cho cháu. Nhưng đến giờ thì ai cũng sợ cháu ăn nhiều không ăn được bữa chính, mẹ cháu sợ cháu bị béo phì vì ăn ngọt quá nhiều nên hằng ngày nhắc nhở phải tìm cách kìm hãm cháu. Nhớ lại khi xưa, hồi mình còn trẻ, được thoa son đi biểu diễn văn nghệ là ăn không dám ăn, nói không dám nói, sợ “bay” son nên mới nghĩ ra cách thoa son dưỡng vào môi cho cháu để cháu sợ lem son không dám ăn vặt. Ai dè lại “hiệu nghiệm” thế cơ chứ. Ra siêu thị “mời” cháu chọn đồ ăn mà chỉ vào món nào bé cũng lắc đầu, cứ ôm búp bê đi dạo, ngắm nghía phía sau bà thôi”.

Tất cả đồng ý với “mưu” của bác Nhân, dĩ nhiên, đây mới chỉ là “khúc dạo đầu” bởi không thể thoa son dưỡng cho bé cả ngày mà rồi lại tạo ra một thói quen không hợp tuổi khác mà chưa biết chừng cũng “mất linh nghiệm” khi bé đã quá quen với việc được cưng chiều với thói quen ăn vặt. Mọi người cũng khuyên bác Nhân và cả nhà bác dần dần điều chỉnh và giúp bé con hướng tới những hoạt động bổ ích khác trong các khoảng thời gian trong ngày để bé hạn chế và quen với việc không thèm ăn vặt nữa.

Đông Âm

Tin cùng chuyên mục

Phụ nữ dân tộc thiểu số gìn giữ văn hóa dân tộc

Phụ nữ dân tộc thiểu số gìn giữ văn hóa dân tộc

(PNTĐ) - Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước và Thành phố Hà Nội luôn dành sự quan tâm sâu sắc đến công tác bình đẳng giới, không ngừng thúc đẩy vai trò, quyền lợi và sự đóng góp của phụ nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống chính trị, kinh tế - xã hội. Nhờ những nỗ lực bền bỉ, Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, đặc biệt là trong việc nâng cao quyền bình đẳng giới cho phụ nữ vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Không chỉ khẳng định vị thế của người phụ nữ trong xã hội, không ít cá nhân còn phát huy vai trò của họ trong công cuộc bảo tồn và gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc.
Đất lành

Đất lành

(PNTĐ) - Thoan vẫn còn nhớ như in ngày hôm đó, khi vợ chồng cô được mời bạn bè, hàng xóm tới tân gia. Căn nhà nhỏ thôi, nhưng là mồ hôi nước mắt và tâm huyết hàng chục năm cố gắng của cả hai vợ chồng...
Xây dựng môi trường an toàn cho phụ nữ, trẻ em

Xây dựng môi trường an toàn cho phụ nữ, trẻ em

(PNTĐ) - Thời gian qua, Hội LHPN Hà Nội đã ra mắt nhiều mô hình cụ thể như “Thôn, tổ dân phố an toàn cho phụ nữ, trẻ em”, “Thành phố an toàn, thân thiện với phụ nữ và trẻ em”, “Làng quê an toàn”… Các mô hình nhằm thúc đẩy bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình, mua bán người, xâm hại tình dục, bạo lực học đường; tạo điều kiện cho phụ nữ, trẻ em phát huy nội lực, vai trò chủ động phòng ngừa ứng phó với bạo lực…
Sau những lời khó nghe

Sau những lời khó nghe

(PNTĐ) - Mẹ chồng Phương khó tính, hay chê bai và ít khi thể hiện cảm xúc. Nhưng sau những lời góp ý lạnh lùng ấy, cô nhận ra một điều: Yêu thương đôi khi không cần phải nói ra, mà thể hiện qua những hành động nhỏ mỗi ngày.