Bác Hồ với những quan niệm về hạnh phúc gia đình

MAI PHƯƠNG
Chia sẻ

(PNTĐ) -

Chủ tịch Hồ Chí Minh là lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam và nhân dân thế giới. Người không chỉ được biết đến với những di sản về tư tưởng, đạo đức, phong cách… mà còn ở sự hy sinh hạnh phúc cá nhân để dành cả cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng. Nhưng, Bác cũng là người rất quan tâm đến các lứa tuổi, giới tính, giai tầng xã hội đúng như nhà thơ Tố Hữu đã viết:

Bác sống như trời đất của ta
Yêu từng ngọn lúa mỗi cành hoa
Tự do cho mỗi đời nô lệ
Sữa để em thơ lụa tặng già

                                   (Bác ơi)

Những ngày tháng Năm này, chúng la lại bồi hồi nhớ về ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Những tư tưởng của Người vẫn đồng hành cùng dân tộc trên những chặng đường mới, vẫn còn nguyên giá trị, là điểm tựa tinh thần giúp chúng ta vượt qua những thách thức mới…

Bác Hồ với những quan niệm về hạnh phúc gia đình - ảnh 1

Với xã hội ngày nay, gia đình luôn được coi là “tế bào” của xã hội, một cơ thể chỉ có thể khỏe khi mỗi tế bào mạnh khỏe. Trong Từ điển Việt Nam có định nghĩa: “Gia đình là tập hợp người sống chung thành một đơn vị nhỏ nhất trong xã hội, gắn bó với nhau bằng quan hệ hôn nhân và dòng máu, thường gồm có vợ chồng, cha mẹ và con cái” (Hoàng Phê, 1997: 381). 

Sau năm 1986, khi đất nước bước vào giai đoạn đổi mới, xã hội Việt Nam chuyển mình mạnh mẽ, gia đình Việt cũng chịu sự tác động không nhỏ với nhiều xu hướng khác nhau. Nhiều vấn đề mới của gia đình nảy sinh như tình cảm vợ - chồng, cha - con, anh - em… bị rạn nứt, nhiều giá trị đạo đức bị xuống cấp. Chưa bao giờ, sự chung thủy, lòng hiếu thảo, sự đoàn kết… giữa những người có mối quan hệ “hôn nhân và dòng máu” lại được đặt ra như một dấu hỏi như thế, đứng trước thách thức của mặt trái của nền kinh tế thị trường. Phải chăng, đôi khi chúng ta đã quá mải chạy theo việc mưu sinh mà quên mất các giá trị tinh thần cao quý? Chúng ta quên mất rằng mất đi hạnh phúc gia đình là mất tất cả, không có giá trị vật chất nào có thể thay thế được hạnh phúc, không nhà trường hay bài học nào thay cho sự yêu thương của cha mẹ dành cho con trẻ. 

Trong bối cảnh hôm nay, người viết lại nhớ đến câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Hạt nhân của xã hội là gia đình. Chính vì muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội mà phải chú ý hạt nhân cho tốt”. Với tư tưởng trong câu nói của Người, việc xây dựng gia đình cũng nằm trong chiến lược chung của xây dựng đất nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội. Gia đình đâu chỉ còn là câu chuyện riêng của từng cá nhân mà trở thành vấn đề đáng quan tâm của cộng đồng. Một gia đình rạn nứt, nảy sinh các tệ nạn, làm ảnh hưởng không nhỏ đến sự ổn định của xã hội.

Bác Hồ với những quan niệm về hạnh phúc gia đình - ảnh 2
Ảnh minh họa

Ngay từ khi còn “chịu cảnh lao lung” trong nhà tù của Tưởng Giới Thạch, Hồ Chí Minh đã có cái nhìn nhân văn về những thân phận con người qua những bài thơ chữ Hán trong tập Nhật kí trong tù. Đặc biệt, Người quan tâm tới những tình cảm gia đình bình dị mà sâu lắng. Khi chứng kiến hình ảnh người vợ đến nhà lao thăm chồng, Người đã viết nên những câu thơ khái quát về tấn bi kịch này: 

Quân tại thiết song lý,
Thiếp tại thiết song tiền.
Tương cận tại chỉ xích,
Tương cách tự thiên uyên.

Dịch nghĩa: 

Chàng ở trong song sắt,
Thiếp ở ngoài song sắt.
Gần nhau chỉ tấc gang,
Mà cách nhau trời vực.

(Nạn hữu chi thê thám giam-Vợ người bạn tù đến nhà lao thăm chồng).

Từ bi kịch éo le đó, vẫn lóe sáng lên một vẻ đẹp đó là tình nghĩa vợ chồng, dù bị ngăn cách, giam cầm, dù thử thách, khó khăn đến thế nào, họ vẫn giữ vẹn tấm lòng thủy chung. 

Bác Hồ với những quan niệm về hạnh phúc gia đình - ảnh 3
Ảnh minh họa

Khi đến nhà lao Tân Dương, một địa danh thuộc tỉnh Quảng Tây, trên đường từ Nam Ninh đến Quế Lâm, Bác đã chứng kiến cảnh một gia đình chia lìa tan tác trong cuộc chiến tranh: 

Oa…! Oa…! Oa…!
Cha sợ xung quân cứu nước nhà;
Nên nỗi thân em vừa nửa tuổi,
Phải theo mẹ đến ở nhà pha.

(Cháu bé trong ngục Tân Dương - Nam Trân dịch)

Từ những góc nhìn đó cho thấy, một vị lãnh tụ của dân tộc, người luôn bận trăm công nghìn việc lãnh đạo các cuộc kháng chiến nhưng vẫn dành một tình cảm đặc biệt cho những người dân bình dị. Còn nhớ, năm 1946, khi đã là Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa, Bác đã trả lời các nhà báo: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”. Trong lợi ích chung của cả dân tộc thì “cơm ăn”, “áo mặc”, “học hành” cũng là những yêu cầu thiết yếu, là những lo toan muôn thuở của mỗi gia đình. Phải chăng, đó chính là giá trị nhân văn, mang tính thực tế trong tư tưởng của người được nhân dân ta và bạn bè quốc tế rất đề cao và trân trọng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chú ý đến sự nghiệp “trồng người”, đến các thế hệ tương lai của đất nước. Ngay trong những lời nói của Người về lĩnh vực này cũng hàm chứa những tư tưởng về gia đình. Trong bức thư ngày 31/10/1955, sau khi căn dặn thầy giáo, học sinh, cán bộ thanh niên và nhi đồng, Bác viết: “Tôi cũng mong các gia đình liên lạc chặt chẽ với nhà trường, giúp đỡ nhà trường giáo dục và khuyến khích các em chăm chỉ học tập, sinh hoạt lành mạnh và hăng hái giúp ích nhân dân” ( Hồ Chí Minh toàn tập, tập 10, NXBCTQG, H.2011, tr.186). Hay như khi đến dự Hội nghị cán bộ Đảng ngành giáo dục (tháng 6/1957), Bác căn dặn cán bộ đảng viên: “phải nhất thiết liên hệ mật thiết với gia đình học trò. Bởi vì giáo dục trong nhà trường, chỉ là một phần, còn cần có giáo dục ngoài xã hội và trong gia đình để giúp cho việc giáo dục trong nhà trường được tốt hơn. Giáo dục trong nhà trường dù tốt mấy nhưng thiếu giáo dục trong gia đình và ngoài xã hội thì kết quả cũng không hoàn toàn”…

Bác Hồ trở thành biểu tượng cao quý của dân tộc Việt Nam với những giá trị tư tưởng lớn lao và tình cảm bình dị, chân thành và thiêng liêng như thế… 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Cuộc sống mới

Cuộc sống mới

(PNTĐ) - Ngày tốt nghiệp đại học, Linh không nghe lời bố mẹ, tự mình khăn gói lên đường lập nghiệp ở một tỉnh miền núi, cách nhà 50km. Tất nhiên, vì thế mà mối tình đầu dù là sâu nặng nhưng cũng lỡ dở khi người yêu không tán thành quyết định của Linh.
Đừng “giá như” nữa nhé!

Đừng “giá như” nữa nhé!

(PNTĐ) - Hôm nay, khi con gái nói sẽ đưa người yêu về ra mắt, lòng bà Phương bỗng bâng khuâng. Bà sợ rằng, mình lại đi vào vết xe đổ như đã từng xảy ra với con trai cả của mình, để rồi, quá khứ đã qua không thể nào lấy lại được, chỉ biết luyến tiếc bằng hai chữ “giá như”.