Bài học từ dịch Covid-19

Chia sẻ

Ở cùng một quận, nhưng, gần 2 tháng rồi, đại gia đình chúng tôi mới được sum họp đông đủ đến vậy. Tất cả cũng chỉ vì dịch Covid-19.

Bắt đầu là con gái vợ chồng anh trai tôi mắc Covid-19. 1 tuần sau khi cháu khỏi thì mẹ cháu lại mắc, rồi tới anh trai tôi. Khi nhà anh trai tôi khỏi thì tới cô, chú tôi lại mắc Covid. Cô chú khỏi bệnh thì lại tới ông bà tôi. Cứ thế, gia đình nào cũng có 1, 2 người tiếp nối nhau, người này khỏi bệnh thì người kia lại mắc bệnh. Mỗi lần như thế, cả đại gia đình lại phải xa nhau thêm 1 tuần. Cho đến khi tôi là người cuối cùng khỏi bệnh thì ông bà tôi quyết định sẽ làm một bữa cơm thịnh soạn, mừng cho con cháu đều tạm thời vượt qua được đại dịch an toàn, không có ai bị nặng phải vào nằm viện.

Bình thường, việc cuối tuần cả nhà ăn cơm ở nhà ông bà với gia đình tôi không có gì lạ. Nó quen thuộc với tôi như thể đến giờ thì phải đi học, đi ăn vậy. Nhưng, lần này, tất cả chúng tôi đều rất hồi hộp, chẳng khác gì sắp được đón một sự kiện trọng thể lắm. Ai cũng tò mò muốn biết xem, người thân của mình trông như thế nào sau khi trải qua đại dịch.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Rồi hôm ấy cũng tới. Vừa đến nhà ông bà, chúng tôi đã vội chạy ùa vào ôm chầm lấy ông bà. Bà tôi dù đã âm tính trở lại nhưng vẫn còn ho nhiều và chưa thực sự khỏe. Ông tôi nói đến bữa, bà vẫn chỉ ăn được lưng bát cơm thôi, tối thì bà khó ngủ hơn, thường hay trở dậy vào lúc trời còn chưa sáng. Nghe vậy, bà lại quay sang mắng yêu ông, bảo là ông cũng đã khỏe lại đâu. Ngày trước, chiều nào ông cũng đi bộ được 3 vòng quanh hồ ở gần nhà. Từ sau lúc mắc Covid-19 đến nay, ông chỉ đi được nửa vòng là đã thấy thấm mệt.

Câu chuyện của cả nhà tôi sau đó đa phần chỉ xoay quanh việc hỏi thăm sức khỏe của nhau. Mọi người hỏi nhau có còn ho không, tức ngực hay mệt mỏi gì không. Các nhà dặn nhau ăn uống điều độ, đủ chất, phải năng tập luyện thể thao để trau dồi sức khỏe hậu Covid-19. Ông bà, bố mẹ, cô bác thì dặn các cháu không được chủ quan, vẫn nên đeo khẩu trang và giữ khoảng cách khi tới chỗ đông người để đề phòng bị tái nhiễm.

Mở đầu bữa cơm hôm ấy, ông tôi khuấy động bầu không khí bằng việc hô con cháu cùng cụng… ly nước lọc để chúc mừng nhau. Rồi ông mới tổng kết những gì ông đã rút ra được trong thời gian gần 2 tháng cả nhà tôi mắc Covid-19.

Ông bảo, thực ra bị Covid-19 thì không ai mong muốn, nhưng xét ở góc độ nào đấy, Covid-19 cũng đem lại cho chúng tôi những bài học quý.

“Ngày trước, ông vẫn nhắc các con/cháu đừng thức khuya, ít la cà, những thói quen vệ sinh cơ bản như thường xuyên rửa chân tay trước khi ăn, sau khi cầm nắm các đồ vật, giữ gìn nhà cửa sạch sẽ, thông thoáng… đôi khi vì bận rộn, hay là xuề xòa mà các con/cháu vẫn bỏ qua. Giờ thì Covid-19 đã giúp các con phải nhìn nhận lại cách sinh hoạt của mình. Còn với ông bà, trong thời gian ở nhà cách ly, ông bà cũng yêu cuộc đời hơn. Khi đã ở vào tuổi xưa nay hiếm, cứ nghĩ cuộc đời mình đã xuống dốc, người già thì lắm bệnh tật còn gì đâu mà đón đợi. Nhưng, dịch Covid-19 lại cho ông bà thấy rằng, mình vẫn còn muốn sống tiếp lắm. Mỗi ngày, chỉ cần thấy mình vẫn đang được thở đều, lượng oxy trong máu không bị hạ thấp, những triệu chứng Covid-19 giảm dần sau mỗi ngày… là đã đủ thấy cuộc đời này thật hạnh phúc. Ông bà không buồn phiền nữa vì vẫn còn may mắn hơn nhiều người khác khi được ở nhà và tự mình hít thở chứ không phải vào viện và phải nhờ máy móc thở giúp”.

Bà tôi tiếp lời ông: “Với bà, nhờ có Covid-19 mà cả nhà ta học được cách thích ứng linh hoạt. Đó là khi không thể gặp nhau trực tiếp, thì cả nhà ta vẫn luôn gặp nhau trên zalo, điện thoại. Và nhờ đó mà ông bà vẫn được nhìn thấy con cháu mỗi ngày. Có sau 1 tuần ở nhà mà bà đã có thể dùng zalo tốt rồi. Bà cũng thấy rất vui khi được nhìn con cháu khỏe mạnh, lại có thể tiếp tục làm việc, học tập”.

Sau khi nghe ông bà nói, chúng tôi đều vỗ tay tán thưởng. Đúng là Covid-19 gây ra bao nhiêu điều phiền toái, lo lắng cho mọi người, nhưng đổi lại, Covid-19 cũng giúp chúng ta thức tỉnh. Với chúng tôi, nhờ có Covid-19 mà chúng tôi thấy yêu thương nhau hơn và càng trân trọng những khoảnh khắc được sum họp đông đủ trong một đại gia đình như thế này.

THÁI ANH

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.