BÀI HỌC TỪ MỘT PHIÊN TÒA

HỒNG NHUNG
Chia sẻ

(PNTĐ) - Cho rằng bị hại đã có người yêu nhưng vẫn tán tỉnh bạn gái mình, Đặng Văn Sinh (sinh năm 2000, quê ở huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định) rủ bạn đánh “dằn mặt” bị hại, khiến bản thân vướng vào lao lý. Đây cũng là bài học về cách ứng xử văn minh và tôn trọng pháp luật trong tình yêu cho các bạn trẻ.

Mới đây, TAND TP Hà Nội đã đưa bị cáo Đặng Văn Sinh và Trần Tuấn Nam (sinh năm 2002, trú tại phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội) ra xét xử về tội “Cố ý gây thương tích”. Bị hại trong vụ án là N.B (sinh năm 2004, ở Hà Nội). 

Theo cáo trạng, khoảng tháng 10/2019, anh N.B có quan hệ tình cảm yêu đương với P.P.A (sinh năm 2004, trú tại quận Cầu Giấy, Hà Nội) song vẫn thường xuyên nhắn tin tán tỉnh N.N.K.V (sinh năm 2004, trú tại quận Cầu Giấy) – bạn gái Sinh. Nghe bạn gái kể lại sự việc, Sinh đem lòng ghen tuông, nên rủ Trần Tuấn Nam lên kế hoạch sẽ “dằn mặt” N.B một bài học. Chiều 16/10/2019, V có hẹn đi uống nước với B và P.A tại khu đô thị Nam Cường (phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội). Chiều muộn, Sinh đến đón V ở địa điểm trên. Biết có B ở đó, Sinh gọi Nam đi cùng. Tại đây, Sinh chất vấn B là tại sao có người yêu mà vẫn nhắn tin tán tỉnh người yêu mình, song B không nhận. Thấy vậy, Sinh đấm vào ngực B. Nam cũng xuống xe, cầm gậy đến đánh vào tay, lưng, đầu B khiến nạn nhân chảy nhiều máu, ngã xuống đường. Sự việc chỉ dừng lại khi được người dân xung quanh can ngăn.

Khi sự việc xảy ra, bị hại mới chỉ 15 tuổi. Con trai bị đánh, ông A - bố bị hại vô cùng bức xúc, đặc biệt là khi thấy cơ quan điều tra “bỏ qua” nhiều dấu hiệu của tội phạm. Theo ông A thì: Các bị cáo có dấu hiệu phạm tội một cách côn đồ, cơ quan điều tra chưa làm rõ động cơ mục đích của các bị cáo khi lên kế hoạch đánh bị hại, chưa xem xét có đồng phạm khác hay không, đặc biệt là K.V. Do đó, ông A đề nghị Tòa trả hồ sơ cho Viện kiểm sát để tiến hành điều tra lại. 

BÀI HỌC TỪ MỘT PHIÊN TÒA  - ảnh 1
Ảnh minh họa

Tại phiên tòa sơ thẩm, K.V cho biết là đã xóa tin nhắn nói chuyện với anh B vì sợ P.A ghen, do cả ba đều là bạn. Trong khi đó, B khẳng định mình không nhắn tin tán tỉnh V vì đang là người yêu của P.A. Luật sư của các bị cáo cũng trình bày: Sự việc xuất phát từ tình cảm yêu đương của tuổi trẻ, bị cáo Nam chưa thành niên, còn trẻ con, chưa nhận thức đầy đủ về tình yêu dẫn đến cảm xúc bốc đồng, nông nổi. Do đó, luật sư đề nghị Hội đồng xét xử phiên tòa sơ thẩm cho bị cáo được hưởng hình phạt cải tạo không giam giữ hoặc hưởng án treo. Sau khi xem xét lời khai của các bị cáo và các văn bản liên quan, Hội đồng xét xử phiên tòa sơ thẩm tuyên phạt bị cáo Sinh 9 tháng tù, bị cáo Nam 6 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.

Không đồng ý với phán quyết tòa cấp sơ thẩm, bố bị hại làm đơn kháng cáo. Tại tòa phúc thẩm, ông A đề nghị Tòa cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm để tiến hành điều tra lại, bởi theo ông, cơ quan điều tra đã có vi phạm nghiêm trọng trong thủ tục tố tụng hình sự, hành vi phạm tội của bị cáo có dấu hiệu của tội “Giết người”… “Tôi chỉ muốn sự việc được điều tra một cách rõ ràng, minh bạch, và trả lại công bằng cho con trai tôi. Sau đó, tôi có thể rút đơn tố cáo để các bị cáo có lý lịch trong sạch” – ông A nói. Tuy nhiên, Tòa cấp phúc thẩm cho rằng, nội dung vụ án đúng như cáo trạng và kết luận điều tra, không có dấu hiệu ép cung hay làm sai lệch hồ sơ vụ án. Một số sai sót trong văn bản như việc không có biên bản ghi lời khai ban đầu, sử dụng lời khai của các ngày tiếp theo… là sơ suất của cơ quan điều tra, HĐXX sẽ yêu cầu cơ quan điều tra nghiêm túc kiểm điểm, đồng thời bổ sung, khắc phục theo đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, các văn bản, bút lục khác sau đó cũng đã ghi rõ hành vi phạm tội của các bị cáo rõ ràng. 

Theo Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm, mặc dù thương tích của bị hại B không lớn nhưng hành vi của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, trực tiếp xâm phạm đến sức khỏe của người khác là khách thể được Bộ luật Hình sự bảo vệ. Song các bị cáo phạm tội khi còn trẻ, bị cáo Nam chưa đủ tuổi thành niên, hành vi của bị cáo xuất phát từ mâu thuẫn trong tình yêu của tuổi học trò. Các bị cáo và bị hại đều ở tuổi mới lớn, chưa nhận thức đầy đủ về tình yêu đôi lứa. Do đó, việc xét xử các bị cáo được thực hiện trên cơ sở răn đe, giáo dục là cơ bản, giúp các bị cáo nhận thức đúng về cách hành xử trong cuộc sống; đồng thời giáo dục, định hướng nam, nữ vị thành niên về cách ứng xử trong tình yêu đúng mực cả về đạo đức và pháp lý. Do đó, tòa cấp phúc thẩm tuyên bác đơn kháng cáo, y án sơ thẩm.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.