“Bạn bình an, thế giới sẽ bình an”

QUỲNH AN
Chia sẻ

(PNTĐ) - Chữa lành tổn thương là hành trình mà chỉ có bản thân mỗi người mới làm tốt được điều đó. Tuy nhiên, chúng ta có thể giúp người yêu thương mình bằng cách tạo năng lượng sống tích cực, vui vẻ, hạnh phúc, bình an để hỗ trợ họ can đảm hơn trong hành trình kết nối, yêu thương chính mình.

Nguy cơ hội chứng tự hại ngày càng phổ biến

Cắt tay, rạch đùi, bụng bằng dao lam, uống xà phòng, tự cầm búa đập vào chân, tự đập đầu vào tường là một số hành vi tự hại của một số bạn trẻ hay một số người đang mắc những chứng bệnh về tâm lý. Họ chia sẻ khi nhìn thấy máu chảy ra thì cảm giác rất nhẹ nhõm.

Viện Sức khoẻ tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai từng tiếp nhận và điều trị cho một nữ bệnh nhân 21 tuổi nhập viện trong tình trạng cổ tay có 16 vết cắt nông đủ để rỉ máu. Theo đó, bệnh nhân là sinh viên năm thứ 2, học chuyên ngành xã hội, có tính cách hiền lành và dễ xúc động. Với học lực khá giỏi, cô gái luôn mơ ước được du học nước ngoài, song do hoàn cảnh gia đình cũng như không thể giành học bổng toàn phần trong các chương trình quốc tế, cô không thể thực hiện được mơ ước.

Sự buồn chán, thấy mình kém cỏi và giấc mơ dang dở khiến cô cảm thấy rơi vào trầm cảm. Nữ sinh có biểu hiện mất ngủ, hồi hộp, mệt mỏi, tức ngực, ngột ngạt, khó thở… nhưng không dám chia sẻ với ai, sợ xấu hổ khi bạn bè biết, sợ bố mẹ buồn… Cô đã tự cắt tay và cảm thấy “nhẹ nhàng” khi nhìn thấy máu chảy…

“Bạn bình an, thế giới sẽ bình an” - ảnh 1
Ảnh minh họa

B.N - một cô bé 15 tuổi đã rơi vào tình trạng khủng hoảng tâm lý nghiêm trọng khi bị bạo lực mạng. Mẹ cô bé chia sẻ với truyền thông rằng bà cảm thấy vô cùng đau khổ, bất lực suốt thời gian con gái hoảng loạn, tự làm tổn hại bản thân, không ăn không ngủ... Có nhiều lần, B.N đã có hành vi tự làm tổn thương mình, đấm vào giường, khóc lóc, hoảng loạn khi đọc những tin nhắn lăng mạ, bêu xấu, đe doạ… trên cộng đồng mạng, thậm chí có ý định tự tử. Cho đến khi, sự vào cuộc của cơ quan chức năng và chuyên gia tâm lý mới giúp cô bé tìm được “hướng giải quyết”, ổn định tâm lý và cuộc sống…

Trong cuộc sống, không thiếu những cô bé, cậu bé cảm thấy đơn độc giữa quá nhiều áp lực từ gia đình, nhà trường và cuộc sống. Đó là bị coi là người vô dụng, trong đấy có cả cô giáo và bố mẹ. Nhiều em ức chế nhiều thứ, cảm thấy ức chế vì bản thân không đáp ứng được kỳ vọng mà gia đình đưa ra. Có em kéo dài hành vi tự hại trong suốt 14 năm… Những người có hội chứng tự hại đó cần được điều trị tâm lý đều đặn và sự quan tâm sâu sắc hơn từ cộng đồng…

Học cách chữa lành từ trong tâm hồn

Chuyên gia chữa lành tâm lý Vera Diệp Chi kể, H là học viên mà chị đã hỗ trợ tư vấn cách đây không lâu. H cho biết, cuộc hôn nhân của cô có nhiều áp lực, với những cãi vã, mâu thuẫn và cả sự phản bội của chồng. Trò chuyện với chuyên gia, H không ngừng khóc khi nói về những ký ức xảy ra. Đã bao năm qua, cô ấy vẫn nén chịu những cảm xúc tiêu cực đó để duy trì cuộc hôn nhân, mong có đủ đầy bố mẹ cho các con. Nhưng thâm tâm cô ấy luôn cảm thấy rất mệt mỏi. Vợ chồng không thế kết nối được với nhau.

“Bằng nghiệp vụ chuyên môn, tôi giúp H nhận diện gốc rễ những vấn đề đang xảy ra, giúp cô ấy hiểu cảm xúc bên trong mình. Cô ấy tìm thấy bài học từ các tình huống trong quá khứ. Bản thân cô ấy cũng không cố gắng tỏ ra rằng mình ổn mà cho phép đối diện với cảm xúc của chính mình, chia sẻ nó với người thân yêu. Cô ấy chọn làm những việc yêu thích để kết nối chính mình, chăm sóc bản thân tốt hơn.

Đồng thời, việc thực hành ghi chép nhật ký hạnh phúc mỗi ngày đã giúp cô ấy nhận ra rằng luôn có nhiều điều tốt đẹp với cuộc sống của mình, chồng cô ấy vẫn đang dành rất nhiều điều tốt đẹp cho cô ấy và gia đình thay vì việc trước đây cô ấy chỉ ghi nhớ về những sai lầm của chồng” – chuyên gia chữa lành Vera Diệp Chi cho biết.

Chữa lành - tiếng Anh là healing, về mặt lý thuyết là “Cân bằng năng lượng, “Cân bằng giữa tình yêu và các mối quan hệ”, “Cân bằng giữa lý trí và cảm xúc”. Chữa lành là khi ta sống thực với chính mình, đối diện với những mặt sáng mặt tối của chính mình. Nếu một người không thể sống thật với chính bản thân họ thì mãi mãi không thể chữa lành.

“Bạn bình an, thế giới sẽ bình an” - ảnh 2
Ảnh minh họa

 Sự chữa lành giản dị có thể xuất hiện một cách tự nhiên, khi chúng ta nhận ra được 2 điều: Một là nhận ra rằng ta chẳng thể thay đổi được điều gì cả ở người khác, ở thế giới bên ngoài. Tức là những điều đã xảy ra sẽ cần xảy ra, nếu đau khổ oán trách cũng chẳng thể thay đổi được chúng. Cách đơn giản nhất chính là nhận bài học từ tình huống đó, lấy bài học đó để trưởng thành và kiến tạo cuộc sống tốt đẹp hơn. Hai là nhận ra rằng, sự thay đổi nếu có, chỉ có thể xuất hiện khi ta cần mẫn làm việc với "thế giới bên trong".

Theo chị Diệp Chi, mỗi người có thể áp dụng nhiều phương pháp chữa lành khác nhau, trong đó có phương pháp kết nối với chính mình thông qua những trang viết. Mỗi ngày hãy dành thời gian từ 10 -15 phút ghi chép những điều khiến bạn hạnh phúc và biết ơn trong ngày, có thể là ai đó mang đến cho bạn hoặc chính bạn tạo nên.

Bạn có thể thực hiện điều này đều đặn ít nhất 90 ngày để có sự chuyển hoá trong tâm hồn của mình. Đây là một cách rất hiệu quả để các bạn có thể kết nối với tâm hồn của chính mình. Khi tâm hồn các bạn đã được tưới tẩm hạnh phúc và yêu thương thì rất đơn giản để kết nối với những mối quan hệ xung quanh và trao yêu thương tới họ. Cuộc sống đơn giản, nhẹ nhàng và hạnh phúc.

 Bên cạnh đó, ý thức được mọi sự chữa lành là tự chữa lành. Nói như vậy không phải là bạn sẽ cô đơn và tự vật lộn với những nỗi đau của mình. Chỉ cần bạn tin tưởng vào chính bạn thôi. Khi bạn có một vết thương, bạn thường đi tìm thuốc/tìm vật dụng băng bó, nhưng cơ thể bạn mới là sự chủ động phục hồi. Nếu bạn bỏ mặc vết thương, vết thương sẽ chỉ càng ngày càng loang ra hơn. Vậy nên, việc đi tìm kiếm sự trợ giúp là cần thiết trên hành trình chữa lành, và việc chăm sóc cho vết thương của bạn lại càng quan trọng hơn. Nó đòi hỏi bạn kiên nhẫn, chăm sóc, yêu thương bản thân mình.

“Đôi khi, chữa lành là không làm gì cả. Nếu bạn mệt mỏi với việc tìm kiếm, và chạy loạn lên ra ngoài kia tìm câu trả lời. Nghĩa là lúc đó bạn nên dừng lại để ngồi xuống với chính mình, để cho mình được sống với mọi trạng thái bên trong mình mà không phán xét hay đòi hỏi chúng. Muốn khóc hãy khóc, muốn buồn hãy buồn, để bản thân được đau đớn. Vì chỉ khi ta cho phép ta sống đúng với con người ta, đó là lúc ta chấp nhận chính mình.

Chị Nguyệt, một nạn nhân từng bị bạo hành gia đình cho biết: Chị cũng đã từng u ất trong nỗi bất hạnh, đau khổ, vật vã. Nhưng rồi một ngày, chị nhận ra, nếu mình sống như vậy thì không chỉ mình khổ mà những người xung quanh mình cũng sẽ buồn khổ. Và thế là chị tự dũng cảm bước ra khỏi cuộc hôn nhân bất hạnh. Thời gian đầu, việc tự bước đi cũng khiến chị chao đảo, chống chếnh.

Tuy nhiên, chị tự nhủ, phải quyết tâm tự chữa lành vết thương. Chị đã luôn suy nghĩ tích cực, lạc quan, động viên mình đang đi đúng đường. Hiện nay, chị đã có một công việc ổn định ở một quán ăn và còn thường xuyên tham gia các hoạt động tuyên truyền, động viên để những người khác có hoàn cảnh như mình dũng cảm tự “làm bác sĩ tâm hồn” của chính mình.

Xuân mới năm tới, chị Nguyệt muốn gửi lời chúc cho mọi người sẽ có thể tự chữa lành những vết sẹo đến từ quá khứ đau buồn (nếu có) để cùng nhau lan tỏa năng lực tích cực cho cuộc sống này tốt đẹp, an vui hơn.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Bền bỉ với các hoạt động vì phụ nữ, trẻ em

Bền bỉ với các hoạt động vì phụ nữ, trẻ em

(PNTĐ) - Năm 2024, Hội LHPN các quận, huyện, thị xã và đơn vị trực thuộc đã nỗ lực triển khai thực hiện Kế hoạch thi đua, các nội dung, nhiệm vụ, phong trào thi đua và các cuộc vận động của Hội trong năm 2024; tích cực tham gia thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đơn vị được các cấp ủy chính quyền ghi nhận đánh giá cao.
Góp sức để Hà Nội thêm xanh

Góp sức để Hà Nội thêm xanh

(PNTĐ) - Hơn 8 năm qua, anh Nguyễn Hoàng Nam và cộng sự trong nhóm Xanh Hà Nội đã miệt mài trồng, trao tặng hàng nghìn cây xanh cho các cơ quan, đơn vị, không gian công cộng tại nhiều quận, huyện ở Thủ đô. Không tuyên truyền rầm rộ, thậm chí khi được hỏi, Xanh Hà Nội luôn nói việc làm của mình rất nhỏ bé, nhưng thực sự, việc nhỏ bé ấy lại đang góp phần bảo vệ, phát triển “lá phổi xanh” cho Hà Nội mến yêu.
Cách tiết kiệm chi phí khi du lịch

Cách tiết kiệm chi phí khi du lịch

(PNTĐ) - Tiết trời vào thu là dịp tốt cho các chuyến du lịch. Nhưng, làm sao để có những chuyến đi trọn vẹn và đáng nhớ mà chi phí không vượt quá ngân sách cho phép? Kiểm soát và quản lý tiền trong mỗi chuyến du lịch thế nào để đảm bảo không bị mất hoặc tiêu xài quá đà. Hãy tham khảo các cách sau.