Bạn không cần nói nhiều, mà cần hành động

Chia sẻ

Đôi vợ chồng ấy bằng tuổi nhau, đều sinh năm 1987. Họ lấy nhau 6 năm, có hai con trai 5 tuổi và 3 tuổi.

Người vợ là “gái Hà Nội”, từ nhỏ đã được tiếp xúc với kinh doanh, cửa hàng, cửa hiệu. Những năm học cấp ba, những buổi được nghỉ học hay những lúc rảnh rỗi, cô vẫn thường phải ra cửa hàng phụ giúp mẹ. Năm cuối cấp, kinh doanh ngành hàng của gia đình cô đang phát, nên cô được gia đình uỷ quyền cho làm “kế toán nội bộ”, nghĩa là phụ trách giấy tờ, thu chi thực tế. Còn nhân viên kế toán thực sự làm việc với hoá đơn tài chính, với báo cáo doanh thu, báo cáo thuế, với các cơ quan quản lý nhà nước. “Máu kinh doanh” ngấm dần vào người cô, khiến cô không nghĩ đến việc học lên trung cấp, cao đẳng hay đại học, mà muốn ở nhà làm thuê cho bố mẹ một thời gian rồi cuối cùng phải tách ra để có cửa hàng riêng của mình. Mơ ước của cô là làm bà chủ, nhỏ thôi cũng được.

Người chồng là chàng trai ham học, học giỏi, người tỉnh lẻ. Nhà nghèo, nhưng ngay từ nhỏ đã được gieo vào đầu câu: “Cố mà học giỏi, thi đỗ đại học, sau này có ngành, có nghề, được đi thoát ly, ăn lương nhà nước, chân giầy chân dép, mưa không đến mặt, nắng không đến đầu, sung sướng. Còn lười là sau này chỉ ở nhà đi cày, đi theo con trâu, mưa dầm gió bấc cũng phải lội bùn, nắng như thiêu như đốt cũng phải phơi lưng để gặt lúa. Đấy, liệu mà học, học giỏi thì ấm vào thân”. Không phải chỉ có bố mẹ, họ hàng, thầy cô nói như trên, mà đó là “phương châm, lẽ sống của nhiều thanh niên nông thôn”. Chính vì thế, cậu chỉ có học và học, sau này người ta hay nói hai tiếng “học gạo”, tức là học để sau này ra cơm ra gạo mà ăn. Công sức cậu bỏ ra không phụ lòng cha mẹ, cậu đỗ đại học. Tuy là dân nông thôn, nhưng cậu cũng đọc báo, nghe đài, đây đó người ta nói đến cái mốt chọn nghề thời ấy là phải “Quản trị kinh doanh”, “Kế toán ngân hàng”, nên cậu phải chọn thi vào trường Kinh tế quốc dân.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Lại nói về người vợ. Sau khi tốt nghiệp lớp 12, cô ở nhà làm kế toán phụ cho gia đình được ba năm thì bố mẹ quyết định cho cô một khoản tiền, cho vay một ít nữa và giúp đỡ để cô có một cửa hàng, cũng kinh doanh “mặt hàng gia truyền” của gia đình, nhưng thuê ở địa điểm khác trong thành phố, cách xa nơi gia đình đang buôn bán, tránh “đụng hàng”. Chỉ vài năm sau, cô có cơ sở kinh doanh khá nổi tiếng, đã phải thuê thêm người làm, cô lùi về làm “giám đốc kiêm kế toán trưởng”. Tuy nhiên trong gia đình đã có ý kiến nhắc nhở cô về việc suốt ngày ôm cửa hàng, thì làm sao có bạn trai, có người yêu, bao giờ mới lấy chồng. Cô không cho việc đó là quan trọng, “bà chủ” còn trẻ, lại xinh đẹp, có vốn liếng, sợ gì ế chồng.

Sau khi tốt nghiệp loại giỏi đại học Kinh tế quốc dân, chàng trai may mắn được nhà trường giữ lại để tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng làm giảng viên nguồn. Chỉ một năm sau, cậu được cử đi học thạc sĩ, rồi sau đó tiếp tục làm tiến sĩ. Chưa tới ba mươi tuổi mà chàng trai đã là tiến sĩ, giảng viên của một đại học lớn ở Thủ đô thì “hơi bị nể”. Cậu trở thành “tấm gương chói ngời” cho lớp lớp đàn em ở quê noi theo. Tuy nhiên, là giảng viên dạy kinh tế vĩ mô, nhưng lại không có chút kinh tế nào đáng giá, ngoài chiếc xe “wave tàu” cũ. Cậu vẫn ở nhà thuê, vẫn căn phòng mà cậu đã cùng người bạn ở cùng từ hồi sinh viên.

Họ gặp nhau là do một người quen của cô gái mai mối. Gặp nhau vài lần, họ thấy quý mến nhau. Hai người bằng tuổi, hình thức cả hai đều tương xứng, cả hai cùng “chưa từng yêu ai”. Hoàn cảnh sống của hai người có chút khác biệt, nhưng như mọi người nói, kết hợp lại thành cặp đôi hoàn hảo. Bà chủ của cơ sở kinh doanh, có ông chồng “đầy mình lý thuyết”, cũng có thể hỗ trợ vợ trong làm ăn kinh tế. Ông chồng “tiến sĩ sách vở” cũng có chỗ nương nhờ, có thể giúp anh yên tâm công tác, thăng tiến nhanh hơn. Đám cưới đàng hoàng của họ được tổ chức đúng một năm sau tìm hiểu, đi lại.

Khi đã ngồi yên vị trong Văn phòng tư vấn, cô nói: “Em đến đây không phải để nói xấu chồng, nhưng vẫn phải kể để bác hiểu hoàn cảnh chi tiết của em, để bác cho em lời khuyên xác đáng nhất là nên làm gì với người chồng của mình”.

Chồng cô là người đàn ông trẻ, được mỗi cái mẽ ngoài, còn lại “vứt đi hết”. Lười làm, gia trưởng, sĩ diện hão, sống ỷ lại vào vợ, không có ý chí tiến thủ, chấp nhận bằng lòng với cuộc sống hiện tại, dành thời gian cho những việc vô bổ, ăn nhờ vợ nhưng lại vô ơn, bạc bẽo, coi thường vợ, không biết mình là ai… là những thói hư tật xấu mà người vợ tạm kể. Ngoài công việc giảng dạy ở trường, anh ấy không làm bất cứ công việc gì nữa. Đi làm về là anh ta chỉ có chơi và buôn chuyện. Khả năng buôn chuyện của anh ấy nhiều phụ nữ còn thua. Hết buôn qua điện thoại với ai đó, lại buôn trực tiếp với mấy anh “hàng xóm vô công rỗi nghề”. Anh ta có thể nói từ chuyện bầu cử tổng thống Mỹ, đến dịch Covid-19 ở Nga, nạn phân biệt chủng tộc ở châu Phi, tệ nạn coi thường phụ nữ ở các nước Trung Đông hồi giáo. Anh ta cũng bàn đến bóng đá Việt Nam, đến các hiện tượng hot trên mạng xã hội. Anh ta chê hết người này đến người khác, bảo họ là “đầu thì to mà óc bằng quả nho”, hay “văn hoá lùn”, “dân trí thấp”.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Tuy là dạy về kinh tế, nhưng anh ta coi thường người kinh doanh, anh bảo họ chỉ biết có tiền, không chịu đọc sách, không mở mang trí tuệ. Còn trẻ, nhưng anh ta không muốn tiến lên, cho rằng cuộc sống như vậy là được rồi. Còn trẻ nhưng anh ta ham nhậu, gần như ngày nào cũng một lần, mặc định mọi việc gia đình là của vợ. Ngay cả dịp nhà nước kêu gọi giãn cách xã hội, cấm tụ tập, vậy mà anh ta và vài người hàng xóm vẫn đóng cửa “nhậu chui”. Cô vợ nói, nhiều lúc phát điên, gọi về chồng không về, lại còn bị mấy ông hàng xóm trêu tức, cô định báo cho công an biết đến để lập biên bản, bắt họ nộp phạt vì vi phạm quy định phòng chống dịch, nhưng rồi lại thôi. Lương tháng chục triệu gì đó, thì anh ấy giữ tiêu riêng và gửi về biếu bố mẹ ở quê. Nói chung là vợ phải nuôi cả chồng, lẫn con. Điều này không ngại bởi công việc kinh doanh không đến nỗi nào. Nhà ở hiện nay vẫn là nhà thuê, vậy mà anh ấy chưa khi nào nói một câu về dự định tương lai sẽ sinh sống ra sao. Cần tiền là anh ấy nói vợ “đưa anh mấy triệu”, gọn lỏn vậy, không nói rõ làm việc gì. Chưa bao giờ anh ấy nói một lởi “cảm ơn” với vợ, dù anh ta đang sống bằng tiền của vợ, con anh ta vợ nuôi…

Người vợ rất tôn trọng chồng, không nói nhiều đến chuyện tiền nong, sợ anh ta mặc cảm. Vợ cũng không dám giao việc nhà cho chồng, nghĩ rằng anh ấy có học, sẽ tự hiểu, tự biết. Vậy mà không, anh ấy không có trách nhiệm, không có tình cảm, sống như sống nhờ, chỉ giỏi chém gió và ăn nhậu. Đặc biệt, “chuyện vợ chồng” anh ấy cũng lười nhác, ở tuổi này mà có khi cả tuần cũng “chẳng làm gì”. Người vợ, lúc thì nghĩ rằng anh ấy coi thường mình, không yêu mình, lúc lại nghĩ anh ấy đang cảm thấy “chuột sa chĩnh gạo”, cứ thế mà sống, mà hưởng, không cần suy nghĩ…

Chuyên gia tư vấn đã nói với người vợ rằng tình hình của gia đình chị không quá nguy cấp và nguy hiểm như các ca bạo lực gia đình, ngoại tình, nghiện ma tuý, lô đề vỡ nợ, nhưng nếu không cải thiện, nó sẽ bào mòn cảm xúc, khiến cho việc chung sống thấy vô ích, chán nản, vô cảm. Người vợ không cần quá lịch sự với chồng, bởi anh ấy là “tiến sĩ” trong giảng dạy, chứ trình độ văn hoá, ứng xử, kỹ năng làm chồng, làm cha chỉ đáng “điểm 3”. Hãy nói cho anh ấy biết mình nghĩ gì, mình mong muốn anh ấy phải làm gì cho gia đình, không chỉ chia sẻ việc nhà mà còn tham gia việc kinh doanh nữa. Không làm được việc lớn thì chấp nhận làm những việc nhỏ như giao hàng, đưa đón con đi học, kèm con học bài, tắm cho con.

Cũng nói thẳng với anh ấy về dự định sẽ phải mua nhà, không thể ở thuê mãi được. Nhưng để có khoản tiền lớn, phải đầu tư, tích luỹ, tiết kiệm, rất cần anh ấy chung tay. Nhắc nhở anh ấy về chuyện nhậu nhẹt, không phải vì tốn tiền, mà mất thời gian, vô bổ, lại có hại sức khoẻ. Nói chung là người vợ phải “dạy chồng”, đáng ra là dạy từ thuở “bơ vơ mới lấy nhau”, nhưng do vợ tin tưởng “tiến sĩ thì cái gì cũng giỏi”, nên cứ để anh ấy sống hoang dã 6 năm nay. Hãy bắt tay vào công cuộc cải biến chồng, từ hôm nay. Đặc biệt, nếu anh ấy không thực hiện những gì được coi là “nhiệm vụ”, cũng phải chấp nhận hình phạt nào đó, chứ không thể chấp nhận anh ấy làm thì làm, không làm thì thôi.

Trong cuộc sống, mọi bài toán đều có 3 cách giải: chấp nhận, cải tạo và buông bỏ. Nếu không thể chấp nhận người chồng như thế, hãy cố gắng “cải tạo” xem sao, cách cuối cùng chỉ thực hiện khi đã hết cách…

Chuyên gia tư vấn tâm lý ĐINH ĐOÀN

Tin cùng chuyên mục

Phụ nữ dân tộc thiểu số gìn giữ văn hóa dân tộc

Phụ nữ dân tộc thiểu số gìn giữ văn hóa dân tộc

(PNTĐ) - Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước và Thành phố Hà Nội luôn dành sự quan tâm sâu sắc đến công tác bình đẳng giới, không ngừng thúc đẩy vai trò, quyền lợi và sự đóng góp của phụ nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống chính trị, kinh tế - xã hội. Nhờ những nỗ lực bền bỉ, Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, đặc biệt là trong việc nâng cao quyền bình đẳng giới cho phụ nữ vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Không chỉ khẳng định vị thế của người phụ nữ trong xã hội, không ít cá nhân còn phát huy vai trò của họ trong công cuộc bảo tồn và gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc.
Đất lành

Đất lành

(PNTĐ) - Thoan vẫn còn nhớ như in ngày hôm đó, khi vợ chồng cô được mời bạn bè, hàng xóm tới tân gia. Căn nhà nhỏ thôi, nhưng là mồ hôi nước mắt và tâm huyết hàng chục năm cố gắng của cả hai vợ chồng...
Xây dựng môi trường an toàn cho phụ nữ, trẻ em

Xây dựng môi trường an toàn cho phụ nữ, trẻ em

(PNTĐ) - Thời gian qua, Hội LHPN Hà Nội đã ra mắt nhiều mô hình cụ thể như “Thôn, tổ dân phố an toàn cho phụ nữ, trẻ em”, “Thành phố an toàn, thân thiện với phụ nữ và trẻ em”, “Làng quê an toàn”… Các mô hình nhằm thúc đẩy bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình, mua bán người, xâm hại tình dục, bạo lực học đường; tạo điều kiện cho phụ nữ, trẻ em phát huy nội lực, vai trò chủ động phòng ngừa ứng phó với bạo lực…
Sau những lời khó nghe

Sau những lời khó nghe

(PNTĐ) - Mẹ chồng Phương khó tính, hay chê bai và ít khi thể hiện cảm xúc. Nhưng sau những lời góp ý lạnh lùng ấy, cô nhận ra một điều: Yêu thương đôi khi không cần phải nói ra, mà thể hiện qua những hành động nhỏ mỗi ngày.