Bàn tay của cha

Chia sẻ

Thơ về cha khá phong phú nhưng viết riêng về "Bàn tay của Cha" như thi sĩ Quý Phương quả là độc đáo. Bài thơ là tấm lòng yêu thương, kính trọng, tri ân sâu nặng đối với Cha - người đã gánh vác bao cực nhọc để sinh thành, nuôi dưỡng, dạy dỗ các con nên người.

Bàn tay Cha, nắm tay con
Dìu qua tất cả những cơn bão đời
Khi con mái tóc xanh ngời
Tóc Cha bạc trắng mây trời kém xa

Bàn tay nhỏ, trong tay Cha
Con bình yên cả trong mơ vẫn cười
Nuôi con khôn lớn nên người
Tay Cha run rẩy, trở trời lại đau

Con như chim lạc phương nào
Đủ lông cứng cáp bay vào trời xanh
Nhớ, quên công đức sinh thành
Bởi còn toan tính lợi danh cho mình

Chiều nay ngơ ngẩn đứng nhìn
Trên con phố nhỏ có hình bóng ai
Nắm tay con trẻ bước dài
Trong làn mưa mỏng trên vai ướt mèm

Tự nhiên con bỗng dưng thèm
Bàn tay bé xíu nhỏ mềm như xưa
Để Cha nắm lại cho vừa
Dắt con qua những lọc lừa thế gian

Tự nhiên nước mắt tuôn tràn
Kiếp phù sinh ngắn hơi tàn mấy khi
Bôn ba rồi chẳng được gì
Cha ơi đợi nhé con về chiều nay
                                       Quý Phương

LỜI BÌNH
Thơ về cha khá phong phú nhưng viết riêng về "Bàn tay của Cha" như thi sĩ Quý Phương quả là độc đáo. Bài thơ là tấm lòng yêu thương, kính trọng, tri ân sâu nặng đối với Cha - người đã gánh vác bao cực nhọc để sinh thành, nuôi dưỡng, dạy dỗ các con nên người. Nhan đề "Bàn tay của Cha" tạo cho người đọc ấn tượng khó quên. Nói bàn tay là nói đến một bộ phận cơ thể trực tiếp cầm, nắm để giao lưu tình cảm và nhất là để làm việc, dù là lao động chân tay hoặc trí óc.

Nói đến bàn tay của cha, người đọc hình dung ra đôi tay thô ráp, vạm vỡ, chai sần nhưng ấm áp. Bàn tay của cha có thể mang vác vật nặng, làm được việc khó. Từ "Cha" trong bài điệp tới 7 lần, được viết hoa thể hiện rõ thái độ kính yêu, cảm phục của chủ thể trữ tình. Thi phẩm khắc họa rõ nét hình ảnh "Bàn tay của Cha" qua những điệp từ, điệp ngữ, qua hồi ức quá khứ của tác giả và nhất là hình ảnh "Bàn tay Cha nắm tay con" trao gửi biết bao yêu thương trìu mến. Nhờ có "bàn tay Cha", ân cần chỉ bày dạy dỗ mà con dần lớn lên nên người.

Bàn tay của cha - ảnh 1

Trong mỗi gia đình, người cha thương con theo cách riêng, chủ yếu biểu hiện qua việc làm và thường ít nói. Cha đảm trách vai trò trụ cột, nhận về mình những công việc nặng nhọc mà chẳng bao giờ kêu ca phàn nàn. Câu nói quen thuộc: "Đi khắp thế gian không ai tốt bằng mẹ, gánh nặng cuộc đời không ai khổ bằng cha" dường như ai cũng biết. Abbe' Pre'vót cũng viết: "Tấm lòng của người cha là một tuyệt tác của tạo hoá". Cha là người không chỉ yêu thương mà còn bao dung, quảng đại với con cái, với mọi người. Nhân vật trữ tình - người con vô cùng cảm động khi nghĩ về cha với niềm tri ân thành kính: "Bàn tay Cha, nắm tay con/ Dìu qua tất cả những cơn bão đời". Thơ lục bát gieo nhịp chẵn, song tác giả đã rất sáng tạo khi ngắt nhịp lẻ trong câu lục (3/3) để nhấn mạnh ý thơ. Nhờ có cha dìu dắt, quan tâm nâng đỡ, con mới có thể vượt qua được mọi giông bão của cuộc đời vốn rất nhiều chông gai, thử thách.

Tình cảm trân quý, yêu thương tin cậy và cảm phục cha lúc nào cũng thường trực trong lòng con không chỉ trong ý thức mà cả trong tiềm thức: "Bàn tay nhỏ, trong tay Cha/ Con bình yên cả trong mơ vẫn cười". Lại một lần nữa tác giả dùng kiểu điệp cú pháp và lối ngắt nhịp lẻ để nhấn mạnh cảm xúc thơ: khi có cha ở bên con luôn được bình yên, hạnh phúc, cả "trong mơ vẫn cười". Cùng với mẹ, cha cho con làm người, bàn tay cha nâng đỡ, dẫn dắt hướng dẫn con bước vào cuộc đời rộng lớn, cho con thắm nụ cười. Con được khôn lớn đã như chim đủ lông cánh chỉ muốn bay cao, bay xa, nào đâu biết ở nhà sức khỏe của cha giảm sút nhiều, cha thường yếu đau mỗi khi trái gió trở trời.

Chủ thể trữ tình đã lắng lòng mình nghĩ suy và ân hận vì đã có lúc quên lãng cha: "Bởi còn toan tính lợi danh cho mình". Câu thơ khiến người đọc tự vấn, nghĩ suy và hành xử sao cho phải đạo với đấng sinh thành. Chiều nay trên đường, bất chợt tác giả thấy một em nhỏ được cha dắt trên đường, trong lòng trào lên một ao ước bàn tay mình nhỏ bé lại như xưa để "cha nắm lại cho vừa", để lại được cha dắt dìu, nâng đỡ. Nghĩ vậy mà niềm xúc động dâng đầy: "Tự nhiên nước mắt tuôn tràn/ Kiếp phù sinh ngắn hơi tàn mấy khi/ Bôn ba rồi chẳng được gì/ Cha ơi đợi nhé con về chiều nay".

Khép lại bài thơ là lời ước hẹn của người con: về thăm cha ngay "chiều nay". Cuộc đời vô thường, cha già như trái chín cây, chưa biết rụng lúc nào. Người con đã có sự thức tỉnh rất kịp thời. Bởi người cha, người mẹ nào chẳng mong được gặp gỡ, được con cháu thường xuyên thăm nom chăm sóc. Tác giả dùng nhiều từ láy trong bài (run rẩy, toan tính, ngơ ngẩn, lọc lừa, bôn ba) góp phần làm cho tình thơ thêm dào dạt, lời thơ thêm gợi cảm.

NGUYỄN THỊ THIỆN

Tin cùng chuyên mục

Các cấp Hội LHPN Hà Nội: Trao yêu thương tới phụ nữ, trẻ em khó khăn

Các cấp Hội LHPN Hà Nội: Trao yêu thương tới phụ nữ, trẻ em khó khăn

(PNTĐ) - Để hỗ trợ những gia đình hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn có “mái ấm” khang trang, sạch đẹp, thời gian qua, các cấp Hội Phụ nữ Hà Nội đã phát huy nội lực, tích cực vận động kinh phí xã hội hóa để xây, sửa hàng trăm mái ấm tình thương. Sự vào cuộc tích cực của các cấp Hội Phụ nữ đã góp phần thực hiện hiệu quả công tác sách an sinh xã hội trên địa bàn Thành phố.
Đưa sáng tạo vào văn hóa dân gian

Đưa sáng tạo vào văn hóa dân gian

(PNTĐ) - Hiện nay, đưa chất liệu văn hoá dân gian trong các sáng tạo đang là xu thế và được giới trẻ sử dụng ở nhiều lĩnh vực. Nổi lên như một kho tàng cảm hứng phong phú và hấp dẫn cho âm nhạc, thiết kế hội họa, đến phim ảnh, thời trang… chất liệu văn hóa dân gian đã và đang từng bước đi vào cuộc sống, đưa nét đẹp truyền thống dân tộc dần “tái sinh” trở lại.
Nữ giáo viên giỏi nghề có tấm lòng nhân hậu

Nữ giáo viên giỏi nghề có tấm lòng nhân hậu

(PNTĐ) - Điều đáng quý ở cô giáo Nguyễn Thị Mai Tuyết không chỉ ở sự nỗ lực vượt khó vươn lên để đạt nhiều thành tích cao trong các hoạt động chuyên môn và công tác xã hội mà cô còn có nhiều hoạt động nhân ái, chia sẻ khó khăn với các học sinh có hoàn cảnh khó khăn, chịu nhiều mất mát, thiệt thòi.