“Bảo bối” chinh phục nhà chồng

Lâm Việt
Chia sẻ

(PNTĐ) -

Có lần, thấy tôi và các chị em chơi bóng chuyền ở sân cơ quan, phu nhân của sếp khen: “Hương giỏi thật. Người thì be bé như hạt tiêu mà làm gì cũng giỏi”.

Tôi cười vì nghĩ đó là lời động viên của chị. Tôi đoán, có thể do chị đã được nghe ông xã kể về thành tích của tôi trong công việc hoặc người ở cơ quan tôi kể về hành trình gây dựng cơ nghiệp từ hai bàn tay trắng của tôi.

Lúc vào quán uống bia, chị cầm vại bia đến gần tôi nói: “Chị thấy Hương giỏi nhiều cái nhưng phục em nhất là… chị quen chị Lý đấy”. Òa, ra thế, vậy là chị ấy chơi với chị gái của chồng tôi. Thảo nào cái gì về tôi chị cũng biết…

Thật ra đây không phải lần đầu tôi nhận được một lời khen như thế. Còn nhớ có người hàng xóm ở cạnh nhà tôi 5 năm, lúc chuyển đi vẫn không quên nói với tôi như thế này: Ở cạnh nhau 3 năm mà chưa lần nào chị nghe vợ chồng cô chú to tiếng cãi cọ nhau. Chắc là cả hai đều có bí quyết giữ gìn hạnh phúc. Trong khi mấy cặp vợ chồng trẻ ở phố này đều ly hôn cả rồi.

“Bảo bối” chinh phục nhà chồng - ảnh 1
Ảnh minh họa

Đúng là, trong cuộc sống này thành công nào cũng cần bí kíp. Với tôi nó đơn giản nhưng không dễ thực hiện. Ngày đầu về làm dâu, tôi cũng như bao cô gái khác phải nếm trải cảm giác đơn độc giữa nhà chồng.

Chồng là người thân duy nhất thì đi tối ngày mới về. Hơn nữa, anh cũng không lường được những khó khăn, những áp lực khi anh không có mặt ở nhà.

Bố mẹ chồng đã về hưu thì suốt ngày ở nhà soi xét. Mấy bà chị gái chồng thì luôn soi như camera an ninh, khiến nhiều lúc tôi cảm thấy cuộc sống bị bủa vây tứ phía, ngột ngạt, khó chịu.

Xóm tôi có ba đứa con gái cùng về làm dâu trong một năm thì có đến hai đứa đã ly hôn chóng vánh, chỉ còn lại tôi đương đầu với “sóng gió”. 

Nhiều đêm nằm, tôi nghĩ: Vì sao lại có những khó khăn đó, hay do bấy lâu mình chỉ nhìn vấn đề ở một góc độ, hãy thử thay đổi góc nhìn xem, biết đầu lại tìm ra được một cách hóa giải tất cả những khúc mắc kia?

Tôi chợt nhớ đến câu nói của mẹ tôi lúc trước, bà bảo: Một trong những lý do mà người ta thường ghét nhau là vì chưa hiểu hết nhau, còn có khoảng cách và sự ngăn trở thì còn mâu thuẫn.

Bà kể rằng thời trẻ bà đi lên làm việc ở công trường lao động, tổ đội của bà cũng có nhiều chị em đến từ nhiều miền quê khác nhau. Thế nên, ngay cả giọng nói hay cách phương ngữ cũng khác.

Từ chuyện con nào là châu chấu, cào cào, con nào là tôm, con nào là tép rồi chuyện ăn mặn, ăn nhạt, nấu kĩ, nấu sống… cũng đủ để xảy ra cãi vã, xung đột. Ấy vậy mà sau những tháng năm cùng “đồng cam cộng khổ”, chia sẻ khó khăn từ lúc lên rừng kiếm củi, xuôi bè nứa dưới sông dần dần cảm thông với họ, họ đồng cảm với bà lại thành tình chị em sâu nặng… 

Tôi bắt đầu thành người bạn tâm giao của các chị chồng, thành đứa “con gái” của bà nội tụi nhóc từ lúc nào không hay. Thôi thì, mình từ nơi khác đến ban đầu cứ “nhập gia tùy tục” vâng dạ, thuận theo cả những điều bản thân không ưng lắm.

Dần dà, thấy cái gì thay đổi được thì đổi, góp ý được thì lựa lời góp ý chứ không thể “băm bổ” như lúc ở nhà với cha mẹ. Ngẫm ra, khi đã tin nhau, con người ta sẽ dễ dàng lắng nghe, dễ dàng tiếp thu hơn. 

“Bảo bối” chinh phục nhà chồng - ảnh 2
Ảnh minh họa

Nhớ có lần, tôi vô ý làm vỡ một chiếc bát trong ngày giỗ của cụ. Đó lại là chiếc bát chiết yêu mà bà mẹ chồng tôi rất quý. Nghe nói, đây là chiếc bát được mẹ chồng tôi rất thích và giữ cẩn thận.

Tôi tái mặt, các chị cũng ngớ người ra, tất cả cũng chỉ tại cái bát nhiều mỡ quá nên dễ tuột. Vậy mà hôm đó, chị chồng tôi đã đứng ra nhận là chị đánh rơi.

Chị là người được mẹ chồng tôi thương nhất nên chuyện êm thấm. Từ hôm ấy, tôi ngẫm ra, thật sự cần có nghệ thuật sống nhưng có điều đừng nhầm lẫn nó với thủ đoạn, mưu mô.

Nhưng không phải lúc nào tôi cũng thuận lợi với thứ bảo bối ấy. Trên hành trình “chinh phục” nhà chồng đó vẫn có  những đêm tôi nằm ấm ức vì cái thói “khôn ăn người” của các chị.

Thấy vợ chồng tôi làm ăn khá giả, họ đùn đẩy, phó mặc mọi khoản chi phí khi gia đình có việc. Có lần cả nhà tôi đi du lịch nhờ nhà chị chồng trông hộ, khi về đồ ăn trong tủ lạnh sạch bách, quần áo ngủ của tôi bị mấy đứa cháu đem ra mặc vứt khắp nơi.

Chúng còn tha cả cái quạt điều hòa về mãi mới mang trả lại. Chồng tôi luôn có bài an ủi: “Thôi thì lọt sàng xuống nia, các cháu nó trông nom cũng vất vả…”. 

Ngẫm ra, nếu vượt qua được sự bực bội của xúc cảm thì điều anh nói cũng có lí. Bao năm ở quê, mấy chị em sống vất vả, cùng chia sẻ ngọt bùi. Các chị đã phải hy sinh sự nghiệp để ở nhà làm công nhân, đi chạy chợ phụ mẹ lo cho cậu út là chồng tôi ăn học.

Đến khi anh thành đạt lại cưới tôi, đời họ cũng chưa bao giờ được hưởng chút thành quả. Lại là lời mẹ tôi khi xưa: “Vợ chồng con ăn cơm thì cũng để các cháu ăn cháo”. 
Hình như, sự nhường nhịn có phần thua thiệt đó của tôi cũng được họ thấu hiểu. Từ chỗ lân la bòn rút, mấy đứa cháu, mấy bà chị đã có ý thức đoàn kết, chia sẻ hơn. Họ nhìn tôi bằng sự nể phục thay vì dè chừng, phân biệt hồi đầu. Lấy được lòng tin, tình cảm của từng thành viên tưởng khó mà dễ. Tất cả phụ thuộc vào một chữ “nhẫn”của một nàng dâu như tôi.

“Bảo bối” chinh phục nhà chồng - ảnh 3
Ảnh minh họa

Lúc này, một cô gái từng về làm dâu ở dãy phố này đã bước sang “tập 2” nhưng cô vẫn không tránh khỏi những mâu thuẫn, xung đột với gia đình chồng. Tôi đọc được những dòng cô than vãn trên facebook, mà không dám bình luận, không muốn áp đặt suy nghĩ của mình, chỉ dám thầm nghĩ: Giá như các cô biết thu cái “tôi” của mình bé lại một chút để dung hòa thì tốt biết chừng nào.

Chỉ có tình yêu, sự thân thiện mới tạo ra bảo bối cho riêng mình… Bí quyết của hạnh phúc thật sự đơn giản với những ai luôn mở lòng.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.