Bạo lực học đường như thế nào thì bị khởi tố?

Luật sư Trần Thu Thủy
Chia sẻ

(PNTĐ) -

Câu hỏi:

Cháu gái tôi đang học lớp 8, do có mâu thuẫn khá lâu với một số bạn cùng lớp, đã bị các bạn dọa nạt từ lâu nhưng cháu giấu không cho gia đình biết. Một buổi tan học, nhóm bạn rủ thêm một nhóm bạn tại một trường học nghề trên địa bàn đánh cháu gái tôi bị trọng thương (thương tích 23% sức khỏe). Xin hỏi, khái niệm như thế nào là bạo lực học đường? Những bạn gây tổn hại sức khỏe cho cháu tôi như vậy có phải chịu trách nhiệm hình sự không? Trách nhiệm bồi thường việc khám chữa bệnh nạn nhân được pháp luật quy định như thế nào?

                NTL (Đông Anh, Hà Nội)

Bạo lực học đường như thế nào thì bị khởi tố? - ảnh 1
Ảnh minh họa

Trả lời:

Hiện nay, hiện tượng bạo lực học đường đang là một trong những vấn đề, một tình trạng đáng báo động trong xã hội. Ở lứa tuổi muốn tự khẳng định bản thân, có những em chỉ vì một vài chuyện nhỏ, thậm chí chỉ là một ánh nhìn cũng dẫn đến mâu thuẫn. Có những tình huống chỉ là thể hiện tính cách bốc đồng trên mạng xã hội, bản thân bị kích động bởi những vấn đề “chẳng đâu vào đâu” mà dẫn đến mất đoàn kết, không tự giải quyết được, hiếu thắng, muốn thể hiện bản thân mà dẫn đến bạo lực học đường.

Theo Nghị định số 80/2017/NĐ-CP ngày 17/7/2017 Quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường, thì khái niệm bạo lực học đường như sau:

“Bạo lực học đường là hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập; xâm hại thân thể, sức khỏe; lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của người học xảy ra trong cơ sở giáo dục hoặc lớp độc lập”. Hiện nay có hai quan điểm khác nhau về khái niệm bạo lực học đường: Quan điểm thứ nhất cho rằng cùng với hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập; xâm hại thân thể, sức khỏe; lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của người học xảy ra trong cơ sở giáo dục, hoặc độc lập thì mới là bạo lực học đường. Nghĩa là, nếu hành vi bạo lực của học sinh nhưng xảy ra ngoài cơ sở giáo dục thì không phải là bạo lực học đường.

Quan điểm thứ hai cho rằng, đã là học sinh, khi có hành vi đánh bạn dù ở trong hay ngoài cơ sở giáo dục cũng đều là bạo lực học đường. Bản thân tôi đồng tình với quan điểm thứ hai, vì sự mâu thuẫn của các em học sinh giải quyết bằng cách xâm hại thân thể, sức khỏe của người khác; chỉ biểu hiện một trong những hành vi này đã là “bạo lực”, còn “học đường” là địa điểm xảy ra hành vi bạo lực.

Nếu theo quan điểm thứ nhất, cặp từ “bạo lực” và “học đường” luôn phải đi cùng nhau thì mới là bạo lực học đường là chưa chính xác. Trên thực tế, có hành vi xâm hại ở bên ngoài trường học, nhưng các em đã có những mâu thuẫn trong trường (khi học cùng nhau), đã có những lời lẽ lăng mạ, xúc phạm, mất đoàn kết dẫn đến mâu thuẫn ngay trong trường học hoặc trên mạng xã hội. Từ khi có hành vi xúc phạm đến khi có hành vi bạo lực có thể sảy ra ngay sau đó, nhưng cũng có thể diễn ra trong suốt thời gian dài, xuất phát điểm từ trong trường học. Như vậy, không thể nói bạo lực đó không phải là bạo lực học đường. Nếu hành vi bạo lực đó dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của người khác thì người gây ra lỗi phải chịu trách nhiệm hình sự đối với hành vi mà mình gây ra; cụ thể:

Theo quy định tại Điều 12 của Bộ luật Hình sự 2017, thì tuổi chịu trách nhiệm hình sự được quy định như sau:

“Điều 12

1. Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác.

2. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các Điều 123, 134, 141, 142, 143, 144, 150, 151, 168, 169, 170, 171, 173, 178, 248, 249, 250, 251, 252, 265, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 303 và 304 của Bộ luật này.”

Quy định về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác được quy định tại điều 134 Bộ luật Hình sự,

“Điều 134

1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 3 năm:

a) Dùng vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người;

b) Dùng a-xít nguy hiểm hoặc hóa chất nguy hiểm;

c) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ...”.

Chiếu theo những quy định của Bộ luật Hình sự thì trong trường hợp trên, nếu người gây thương tích cho nạn nhân đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm về tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng. Nếu người gây thương tích cho nạn nhân từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác.

Theo Khoản 1 Điều 584 Bộ luật Dân sự quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại: “1. Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác”. Nếu người gây thiệt hại là người chưa thành niên thì bố mẹ hoặc người giám hộ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Giải pháp nâng cao chất lượng dân số

Giải pháp nâng cao chất lượng dân số

(PNTĐ) - Khám sức khỏe tiền hôn nhân là hình thức sàng lọc quan trọng giúp phát hiện kịp thời và điều trị sớm các căn bệnh tiềm ẩn gây ảnh hưởng việc sinh đẻ, góp phần cải thiện giống nòi, nâng cao chất lượng dân số, giúp xây dựng cuộc sống gia đình bền vững.
Hạnh phúc suýt đánh rơi

Hạnh phúc suýt đánh rơi

(PNTĐ) - Đối với những người vợ yêu gia đình, yêu chồng, yêu con chính là lẽ sống của họ. Song, sự hy sinh không mong đáp đền đó lại ít khi nhận được sự thấu hiểu của người đầu gối, tay ấp sẽ khiến tình yêu dần phai nhạt.