Bảo vệ giá trị văn hóa làng xã ở Thủ đô
(PNTĐ) - Làng Việt cổ truyền là một tế bào xã hội của người Việt. Mỗi ngôi làng đều có một truyền thống văn hóa riêng cả về văn hóa vật thể và phi vật thể. Tuy nhiên, làng truyền thống ở Thủ đô hiện nay đang biến dạng trước những tác động của kinh tế, xã hội và của quá trình đô thị hóa khốc liệt. Bảo tồn các di sản văn hóa của làng Việt truyền thống trong bối cảnh xã hội chuyển biến ngày một phức tạp là một thách thức cần có những giải pháp tổng thể.
Giá trị văn hóa của làng truyền thống ở Thủ đô
Giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của làng truyền thống Làng xã truyền thống ở Hà Nội còn lưu giữ các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú, có ý nghĩa lịch sử. Tiêu biểu là lối sống cộng đồng, quan hệ dòng họ, hoạt động lễ hội, truyền thuyết, văn hóa ẩm thực, nghề truyền thống.
Với lịch sử lâu đời, nhiều làng có nhiều truyền thuyết rất hay về cách đối nhân xử thế, về các danh nhân, về lịch sử hình thành của làng. Làng cổ Đường Lâm nổi tiếng với nhiều truyền thuyết về các danh nhân như vua Phùng Hưng, Ngô Quyền, thám hoa Giang Văn Minh.
Làng truyền thống ở Thủ đô có tính thống nhất trong cấu trúc, đa dạng cách tổ chức, sáng tạo theo điều kiện tự nhiên, địa hình, điều kiện xã hội, tổ chức xây dựng. Giá trị cấu trúc của làng Hà Nội là rất lớn, thể hiện một ý đồ thiết kế rõ ràng, thích nghi với hoàn cảnh tự nhiên, điều kiện sản xuất, đặc điểm dân cư và xã hội, cách phát triển, xây dựng làng và tổ chức không gian, cảnh quan phạm vi làng. Làng truyền thống có giá trị về tổ chức không gian và cảnh quan đặc sắc với không gian các công trình kiến trúc cổ truyền, đường làng, ngõ xóm, đồng ruộng, ao hồ, địa hình cảnh quan sông, kênh mương, cây xanh, mặt nước đẹp, phong phú. Ở đó có nhiều công trình có giá trị về kiến trúc, nghệ thuật, xây dựng (đình, chùa, phủ, miếu, nhà cổ, điếm canh, cổng làng, cổng xóm, giếng, ao...). Không gian kiến trúc cảnh quan truyền thống là cơ sở để cho các giá trị văn hoá phi vật thể tồn tại.
Làng xã truyền thống ở Hà Nội có lịch sử hàng ngàn năm, là nơi chứa đựng nhiều giá trị di sản văn hóa quý giá của Thủ đô và dân tộc. Các di sản kiến trúc công trình như đình, chùa, miếu nhìn chung đã được nhận diện đúng giá trị, các chức năng ít thay đổi. Các di sản khác như cổng, ao, giếng, điếm, quán, cầu, cây xanh, mặt nước chưa có sự nhận diện, đánh giá giá trị đầy đủ. Nhiều giá trị mới hình thành hoặc kế thừa.
Sự biến dạng của làng truyền thống ở Thủ đô
Tuy nhiên, hiện nay làng truyền thống ở Thủ đô đã và đang biến dạng trước những tác động nội tại từ điều kiện kinh tế, xã hội và tác động của quá trình đô thị hóa. Sự biến đổi cấu trúc không gian, xã hội trong làng xã đang xảy ra không chỉ ở một vài làng mà đang diễn ra trên diện rộng trong đó các làng xã vùng ven đô thị là biến đổi rõ nét và nhanh chóng nhất. Đó là sự biến đổi toàn diện về tổng thể không gian, nhà ở, hạ tầng, môi trường và các yếu tố kinh tế, xã hội như chuyển đổi nghề nghịêp, lối sống... Điều này đang làm tăng nguy cơ làm giảm đi các giá trị truyền thống và hình thành môi trường cư trú mới thiếu tính bền vững. Hiện chưa có những chính sách phát triển hợp lý để đảm bảo cho làng xã thích ứng với các biến đổi kinh tế xã hội mới. Các biến đổi tự phát đang chứa đựng nhiều yếu tố tiêu cực cả về khía cạnh bảo tồn và khía cạnh phát triển. Cả một hệ thống giá trị văn hóa của ông cha để lại đang đứng trước những thách thức lớn. Mô hình cư trú nông thôn mới đang khủng hoảng chưa có lối ra. Hàng trăm làng xã truyền thống sẽ không còn lại dấu ấn văn hóa, lịch sử, giống như làng cây cảnh Nghi Tàm, làng hoa Ngọc Hà, làng đào Nhật Tân, làng cốm Vòng (Dịch Vọng) của Hà Nội. Các nôi văn hóa hàng ngàn năm của Đồng bằng sông Hồng sẽ bị biến mất trở thành những khu dân cư dở nông thôn dở đô thị. Việc chỉ giữ lại đình, chùa không đủ để chuyển tải những giá trị văn hóa truyền thống đến tương lai. Nhiều giá trị vô hình mất đi không bao giờ lấy lại được. Hàng trăm làng xã sẽ tiếp tục mang trong mình một cấu trúc hạ tầng nhỏ bé yếu ớt trong quá trình đô thị hóa, chịu tải cho sự phát triển của các nhu cầu mới. Tất yếu sẽ có tắc đường, ngõ nhỏ chen chúc, thiếu nuớc sạch, đường làng thành phố chợ… như Định Công, Giáp Bát, Hoàng Liệt của Hà Nội. Hàng trăm làng xã sẽ thành những khu đô thị có không gian dị biệt, lộn xộn, nhấp nhô mái tôn, bình nước I-nox, đan xen vào các khu đô thị mới. Những con đường mới mở của Hà Tây (cũ) sẽ vẫn có nhà 2 bên chia lô kiến trúc lộn xộn, thiếu kiểm soát gống như đường Kim Liên - Ô Chợ Dừa hay đường Giải Phóng của Hà Nội bởi phương thức tự xây vẫn tiếp tục được duy trì trên những khu đất được chia nhỏ hai bên đường. Điển hình như ở hai bên Quốc lộ 32. Làng nghề của Hà Nội mở rộng ngày nay đã và sẽ biến thành làng đô thị với môi trường ô nhiễm trầm trọng, ao làng thành nơi chứa nước thải, khói bụi, mùi của rác và phế thải giống như Triều Khúc, Phú Đô, Vân Hà (Hà Nội). Tình trạng ô nhiễm làng nghề ở cũng đã đến mức báo động. Nhiều làng xã ở Thủ đô sẽ là nơi trú ngụ mưu sinh của những người nghèo, của công nhân, sinh viên vì không có đủ nhà ở xã hội cho các khu công nghiệp, của những người ngoại tỉnh khác. Hàng trăm nhà trọ và tất cả các vấn đề xã hội phức tạp của nó giống như các làng Mỹ Đình, Dịch Vọng, Thạch Bàn, Kim Chung…
Tính cấp thiết trong công tác bảo tồn làng truyền thống ở Thủ đô
Trong bối cảnh đô thị hóa với hướng phát triển kinh tế phi nông nghiệp và nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, cấu trúc làng xã đương nhiên phải thay đổi và việc bảo tồn các giá trị của làng xã truyền thống cũng phải đặt trong bối cảnh đó.
Đối với làng xã truyền thống việc thực hiện công tác bảo tồn theo phương thức có sự tham gia của cộng đồng là hữu hiệu nhất. Người dân phải được tham gia, có trách nhiệm tham gia cùng với các cơ quan chuyên môn để thực hiện từ khâu lập hồ sơ đến quá trình thi công tu bổ di tích. Việc nâng cao nhận thức cho người dân về công tác bảo tồn là rất cần thiết. Chủ yếu thay đổi quan niệm về làm mới di tích bằng quan niệm tôn trọng các tính nguyên gốc, giá trị thời gian của di tích. Thông qua các lớp học ngắn hạn, nâng cao trình độ cho cán bộ văn hóa xã về công tác bảo tồn. Nên đẩy nhanh việc thực hiện công tác bảo tồn ở một số làng cổ tiêu biểu cho các làng khác học tập. Vấn đề khai thác du lịch sau khi có các hoạt động bảo tồn cũng cần được tính đến, vừa là quảng bá cho các giá trị văn hóa làng xã, vừa là nguồn thu chung cho xã hội và cho cả người dân địa phương. Nguyên tắc là lợi ích phải được chia sẻ với mọi đối tượng. Không được để người dân có cảm nhận bị khai thác, nguồn lợi thuộc về hết những tổ chức kinh doanh du lịch. Tốc độ đô thị hóa đang diễn ra rất nhanh, đã đến lúc các vấn đề bảo tồn di sản truyền thống trong các làng xã phải được đặt ra một cách cấp thiết.
Làng ở Thủ đô đã và đang biến đổi sâu sắc, trong đó kiến trúc và cảnh quan không gian xuất hiện rất nhiều bất cập, cùng với nguy cơ biến mất các giá trị văn hóa. Cho dù đã có những nỗ lực trong bảo tồn, tôn tạo các công trình di tích lịch sử của làng xã. Tuy nhiên, việc quy hoạch - quản lý với không gian làng quê ở Hà Nội còn bị bỏ ngỏ, nghiên cứu - phản biện xã hội chưa được thể chế hóa và đi vào cuộc sống. Quy hoạch xây dựng Hà Nội đã xác định không gian phát triển với vùng đô thị hóa 30% và hành lang xanh chiếm 70%. Trong cả 2 vùng không gian ấy, làng truyền thống cần cách thức ứng xử có trách nhiệm để bảo tồn và phát triển làng xã một cách hài hòa trong tương lai.