Bỏ thì… thương

Hải Linh
Chia sẻ

(PNTĐ) - Nhận tin lên chức bà nội, bà Thuận vui quá, nhưng ngay lập tức lại đau đầu: “Nếu bây giờ về nước chăm cháu, thì ông Vũ ở lại đây một mình, ai quản bây giờ?”.

Bà Thuận, ông Vũ ra nước ngoài làm ăn đến nay cũng ngót nghét hai chục năm. Con cái lớn lên ở Việt Nam, được ông bà, nội ngoại chăm bẵm. Giờ con trai lớn lấy vợ, lại sinh con trai đầu lòng, dịch bệnh đang căng thẳng nhưng hai ông bà nhất quyết phải về để bế thằng cháu nội. Suy đi tính lại, cả nhà quyết định sẽ để bà Thuận về trước, vừa là để tiện chăm con dâu những tháng đầu. Ông Vũ sẽ về sau, ở lại lo hàng quán bên đấy cho bà Thuận yên tâm nhận công tác mới.

Tính toán là thế, nhưng bà Thuận không thể yên nổi. Số là ông Vũ, dù sắp 60, nhưng cái nết đào hoa, thì vẫn còn giữ nguyên như hồi trai trẻ. Sướng quá cũng khổ - chính là cái số bà Thuận.

Bỏ thì… thương - ảnh 1
Ảnh minh họa

Hơn hai mươi năm bên nhau, không đếm được bao nhiêu lần bà Thuận đi đánh ghen nữa. Ông Vũ vừa đẹp trai, phong độ, lại ăn nói có duyên, nên đi đâu cũng có ong bướm vây lấy. Nếu không, thì cũng là ông chủ động tán tỉnh. Ngược lại với ông Vũ, bà Thuận chỉ biết lo làm ăn và vun vén cho gia đình. Chịu khó, chịu khổ thành quen, nên bà trông già hơn chồng mình đôi chút. Sự không tương xứng ấy, vốn dĩ sẽ thành điều đáng yêu, nhưng trong mắt bạn bè, hay là cả gia đình, nó lại vô tình trở thành thuốc độc, tiêm nhiễm vào suy nghĩ của vợ chồng bà, khiến người vợ ngày một ngại ngùng trước chồng, còn người chồng thản nhiên cho rằng, mình có quyền đi tìm cái đẹp.

Nói là đi đánh ghen không biết bao nhiêu lần chỉ là để “sang” mồm, chứ bà Thuận chỉ bắt gặp, hay bắt được ông Vũ đi với người tình, và rồi dừng lại ở đó. Người phụ nữ ấy cuối cùng vẫn chỉ chọn cam chịu, chấp nhận cảnh chồng quá đào hoa và cho rằng, lỗi tại mình không đủ đẹp, đủ khéo, và lỗi tại chồng quá đẹp trai. Bởi vậy, cảnh ấy cứ tái đi tái lại, ông Vũ cứ hiên ngang cặp bồ…

Nhưng đã là “nghĩa vụ”, bà Thuận không thể không về nước chăm cháu. Ngày chuẩn bị về, bà cứ dặn đi dặn lại chồng, bóng gió có, mà nói thẳng đuột cũng có, rằng “giờ có cháu rồi, lên ông lên bà cả rồi, ông bớt lăng nhăng đi, con dâu, cháu nội nó cười cho, rồi nó không xem ra gì…”. Ông Vũ ban đầu làm ngơ, coi như không nghe thấy. Nhưng lo quá, nên bà Thuận nói suốt ngày, hở ra là nói khiến ông cũng bực mình, như kiểu bị chạm vào lòng tự ái: “Biết rồi, bà nói lắm thế nhỉ!”. Cho đến lúc chồng đưa ra sân bay, bà vẫn nói. Ông Vũ chán ngán, chỉ chờ vợ xuống xe là quay đầu, đi thẳng. Bà Thuận tần ngần nhìn theo, buồn buồn. Gần sáu mươi tuổi đầu, với mọi người, trông bà chỉ toàn là viên mãn và hạnh phúc. Thế mà ai biết được, nỗi buồn của bà oái oăm đến mức, chắc kể ra cũng chẳng ai tin.

Bỏ thì… thương - ảnh 2
Ảnh minh họa

Về nước chăm cháu nội, bất cứ lúc nào rảnh, bà đều soi camera xem ông Vũ có đến nhà hàng của gia đình không. Nếu không, bà sẽ gọi điện, gọi qua video, lấy cớ là cho ông gặp cháu, nhưng cốt là để xem chồng có tranh thủ léng phéng chỗ nào không. Nhưng dù có gặp chồng, có thấy chồng trong nhà hàng, thì trong lòng bà Thuận vẫn có một nỗi nghi ngờ thường trực. Bà biết, nếu đã muốn làm, thì ông Vũ sẽ có cách để qua mắt bà mà thôi.

Sống với một người chồng đào hoa, bao năm qua, bà Thuận “tận hưởng” những niềm vui, những ngày lễ… một mình. Hai vợ chồng kinh doanh một nhà hàng lớn ở nước ngoài, nhưng chủ yếu công ấy là của bà Thuận. Từ ngày nhà hàng bắt đầu đi vào ổn định, cũng là lúc ông Vũ ra ngoài nhiều hơn, thỏa cái sự phóng túng của mình. Có nhiều bằng chứng về việc chồng ngoại tình, thậm chí cặp kè với những cô gái kém cả tuổi con mình, nhưng quen nhẫn nhịn rồi nên bà chẳng muốn làm lớn chuyện, muốn giữ thể diện cho chồng và gia đình được êm ấm. 

Ngày con trai lấy vợ, bà Thuận chẳng dặn dò gì nhiều, ngoài mong con đừng mang cái tính như bố, “để vợ con con không phải khổ như mẹ”. Có lẽ, niềm vui duy nhất của bà Thuận là thấy vợ chồng con trai mình biết nghĩ đến nhau. Nhìn con trai, con dâu vun vén cho tổ ấm nhỏ, bà chỉ ước giá như chồng mình cũng một lần chăm chút cho gia đình như thế. Thấu hiểu tình cảnh của mẹ chồng, Chi – cô con dâu nhiều lần khuyên mẹ, “thôi có gì buông được mẹ cứ buông, hoặc phải cho bố biết được mẹ là quan trọng nhất!”. Bà Thuận từng lắc đầu, “quen với cảnh nhẫn nhịn, giờ mẹ chẳng biết làm gì nữa con ạ!”.

Nhưng Chi không chịu để mẹ chồng mình phải khổ thế nữa. Nhiều đêm, 3-4 giờ sáng (lúc ấy ở nước ngoài là 11-12 giờ đêm), Chi dậy cho con bú, vô tình thấy mẹ chồng khóc thầm, mắt vừa giàn dụa, vừa không rời màn hình điện thoại. Thương mẹ quá, Chi bảo chồng phải làm một cuộc cách mạng cho mẹ.

Bỏ thì… thương - ảnh 3
Ảnh minh họa

Cô đưa mẹ chồng đi làm đẹp, rồi đi chơi đây đó để khỏa lấp phần nào sự quan trọng của bố chồng trong lòng bà. Nhưng, như một sự khó chịu cần phải giải tỏa ngay lập tức, gần như cứ đôi ba chục phút, bà Thuận lại không kìm được mà mở điện thoại để… kiểm tra. Kể cả khi Chi cố gắng lôi kéo mẹ chồng ra khỏi nỗi lo thường trực ấy bằng việc mua sắm cho bà, nhờ bà bế cháu…, thì bà Thuận cũng có cách để… moi chiếc điện thoại ra săm soi bằng được. Bất lực, Chi bảo mẹ: “Mẹ xem nhiều thế để làm gì! Mẹ nhớ bố à?”. Bà Thuận thở dài thườn thượt, mắt buồn xa xăm: “Ừ, cũng chẳng để làm gì cả! Nhớ cũng không hẳn là nhớ, chỉ là để xem lúc nào thì ông ấy sẽ đi thôi!”.

Chi đem chuyện này kể với chồng. Cô động viên chồng, nếu được, để bố và mẹ “giải thoát” cho nhau đi. Ở bên nhau chỉ toàn nghi với ngờ, mẹ không thể nào tìm được hạnh phúc. Nhưng như thể đã quá quen với sự nghi ngờ ấy suốt mấy chục năm qua, cả chồng và mẹ chồng Chi đều chấp nhận, và chờ đợi xem, mỗi ngày, bố chồng cô lại có tình nhân mới hay không?

Tròn 3 tháng chăm cháu nội, bà Thuận lại chuẩn bị hành lý để về với chồng. Đúng lúc này, ông Vũ chủ động gọi cho vợ. “Đây là lần đầu tiên ông ấy chủ động gọi điện”, bà Thuận thầm nghĩ và thấy có gì đó bất thường, lo lo. Quả nhiên, ông Vũ nói hay là bà ở hẳn Việt Nam với các con đi, mỗi tháng, ông sẽ chu cấp cho bà và các con 50 triệu để tiêu xài thoải mái, “thiếu tôi sẽ gửi thêm…”. Bà Thuận mấp máy môi, định nói nhưng rồi lại thôi. Vì bà hiểu, ông lại ngựa quen đường cũ, nhưng lần này, ông Vũ đã lún quá sâu rồi.

Nhờ con trai và những người bạn bè thân thiết bên đó tìm hiểu, bà Thuận biết ông Vũ đã sinh sống như vợ chồng với một cô gái khác, và không biết với bùa mê thuốc lú gì, ả ta đã dụ dỗ được ông Vũ bắt vợ không được sang bên này nữa. Lúc biết tin, con trai bà Thuận không tiếc lời bênh mẹ, mắng bố, còn con dâu thì ra sức khuyên mẹ hãy nghĩ cho mình lấy một lần. Bà Thuận cúi gằm mặt, giấu những giọt nước mắt bẽ bàng. Ra đi cũng được, dễ dàng quá. Nhưng đi rồi, liệu ai sẽ chăm sóc ông Vũ đây? Chỉ cần chịu đựng thêm một chút nữa thôi, bà sẽ vẫn giữ được ông – dù chỉ còn là hình thức. 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.