Bố vợ phải... gió

Thái Linh
Chia sẻ

(PNTĐ) - Vì lúc nào cũng mong con gái hạnh phúc mà ông cũng lo nghĩ luôn cho cả con rể. Có người biết chuyện bảo ông đúng là “bố vợ phải gió”, ông cười đáp: “Phải gió cũng được. Mình phải gió vì con vì cháu mình chứ có cho ai đâu mà sợ mắc tai tiếng”.

Ông có 3 cô con gái nên đương nhiên cũng có 3 chàng rể. Cô con gái đầu sau khi lấy chồng, được hai bên gia đình vun vén, mua cho một căn hộ tập thể. May thay, sau một hồi vật vã tìm kiếm, chọn lựa, cuối cùng, hai vợ chồng “quyết” cái căn ở ngay gần nhà ngoại. Ông bề ngoài thì nói theo kiểu rất khách quan: “Tùy, nhà của hai đứa, hai đứa muốn chọn chỗ nào cũng được” nhưng trong bụng thì vui lắm. Vậy là ông vẫn có cơ hội được qua lại thăm nom con gái thường xuyên.

Vợ mất sớm, mình ông vất vả nuôi 3 con trưởng thành. Cũng vì thế mà ông rất đảm đang việc nhà thậm chí còn hơn cả phụ nữ. Khi con gái mới ra ở riêng, ông lo con còn vụng về, không biết nấu cơm ngon cho chồng ăn, mà tình yêu của người đàn ông thì “đi qua cái dạ dạy”. Vậy là ông nghe ngóng, nắm bắt sở thích của con rể rồi thi thoảng lấy cớ “bố có việc đi ngang qua” để tạt vào nhà con gái, không quên xách theo cả đống đồ ăn do ông tự nấu. Này thì cái hộp chân gà xả tắc, bắp bò ngâm mắm, thịt kho trứng cút... ông bỏ vào tủ lạnh, rồi bảo con gái đến bữa thì mang ra ăn thêm.

Anh con rể lúc đầu còn ngại, sợ làm phiền bố vợ, cứ bảo ông là con ăn gì cũng được. Nhưng ông khéo lắm, ra vẻ bênh con gái nhưng vẫn ngầm chiều lòng con rể: “À, vợ con nó nấu món gì cũng được thôi. Mấy món này ở nhà bố nấu ít thì không bõ nên tiện thể nấu nhiều nhiều hơn thôi chứ có phiền gì đâu”. Hết kế chăm con tại gia, cuối tuần, ông lại chủ động gọi con rể về nhà ông ăn cơm, làm chén rượu thuốc cho khỏe người.

Dần dà, anh con rể quen hơi, tuần nào cũng đảo qua nhà bố vợ vài ba bận. Hai bố con càng nói chuyện lại càng tâm đầu ý hợp. Anh thì lúc nào cũng một điều thưa bố, hai điều thưa bố rồi còn “bố vợ là số 2 thì trên đời này không ai là số 1”.

Bố vợ phải... gió - ảnh 1
Ảnh minh họa

Mấy năm sau, đến lượt cô con gái thứ hai lấy chồng. Gia đình chồng cô ở trên phố cổ nên nhà cửa có phần chật chội. Ông hiểu cảnh ở chung phức tạp bí bách nên ra sức căn dặn con rể phải quan tâm tới vợ, không chiều nhưng cũng đừng để vợ bị dồn nén ấm ức, sẽ sinh tâm bệnh. Ngược lại, con rể có gì cần đề đạt thì cứ gặp ông, ông sẽ đứng ra phân xử phải trái.

Thường xuyên rẽ vào nhà thông gia thăm các con cháu thì không tiện nên ông hay gọi con rể ra quán bia để làm vài vại bia cho mát ruột. Hai người đàn ông ngồi với nhau trong quán bia thì rất dễ mở lòng. Ông vẫn nhớ cái lần con rể ông than phiền là vợ ở với mẹ chồng gặp mâu thuẫn, cứ đêm tối là quay sang hậm hực với chồng, còn bắt anh trả lời chọn vợ hay chọn mẹ.

Khi vợ giận mẹ chồng mà anh không ra mặt bênh là tấm tức, còn đòi “cấm vận”. Đến mức, nhiều lúc, anh thấy ngột ngạt, nhà của mình mà còn chán chẳng muốn về.

Biết sự tình, hôm sau, ông liền gặp con gái, phân tích thiệt hơn. Ông bảo làm vợ mà ép chồng chọn mẹ hay chọn mình là dại rồi. Giống như con ông, có ai bắt nó chọn giữa ông và chồng thì nó sẽ thế nào. Một người là sinh ra mình, một người là bạn đời sẽ ở với mình cả đời, chọn ai hay bỏ ai đều đau lòng cả.

Rồi còn kiểu con dâu ấm ức mẹ chồng nhưng không tự dàn xếp, điều chỉnh, lại trút vào chồng trong khi chồng đi làm cả ngày cũng rất mệt mỏi rồi. Ông bảo với con: “Nếu chồng con là đứa hỗn hào, vô trách nhiệm, làm khổ con thì bố sẽ giục con ly hôn ngay. Đằng này, nó là đứa tử tế, con đừng tự đánh mất hạnh phúc chỉ vì cách ứng xử vụng về của mình”.

Rồi ông giục con gái đến dịp sinh nhật mẹ chồng, lễ Tết, ngày 8/3 và cả ngày quốc tế người cao tuổi, nhớ mua cho mẹ chồng món quà để thể hiện tình cảm quan tâm chăm sóc của mình với bà. Ông bảo người già chẳng cần gì nhiều, nhưng được con tặng quà thì sướng rung rinh, có khi còn cất kỹ trong tủ để còn khoe với bạn.

Quả nhiên, lời ông dặn đã giúp con gái cải thiện quan hệ mẹ chồng, nàng dâu. Cô cũng tế nhị, khéo léo hơn khi ứng xử với chồng. Được bố vợ cứu nguy, anh con rể của ông càng bái phục bố hơn. Anh còn bảo: Nhà con có vấn đề gì, con nói với bố mẹ con còn khó chứ ngồi với bố thì có thể rút hết ruột gan ra được. Là bởi bố chả bênh con nào, rất là khách quan vô tư. Con rể mà đúng là bố cũng bênh hơn cả con trai ý chứ.

Bố vợ phải... gió - ảnh 2
Ảnh minh họa

Đến cô con gái thứ 3 của ông lấy chồng ở ngoại tỉnh. Lần này, thì ông chủ động xin phép thông gia cho ông được đón hai vợ chồng con về nhà mình. Với ông, con nào cũng là con chứ tuyệt nhiên không có chuyện coi con rể là “chui gầm chạn”. Ông bà thông gia không những không tự ái, mà còn nhiệt liệt cảm ơn sự rộng lượng của ông. Họ biết họ ở xa, điều kiện kinh tế không dư dả gì mấy nên được ông giúp đỡ là quá mừng rồi.

Từ đó trong nhà ông có thêm một chàng rể. Hàng ngày, hai con đi làm, ông ở nhà lo hết cơm nước mà chẳng một lời so đo. 2 năm đầu biết các con khó khăn, ông còn cho luôn con tiền sinh hoạt phí để các con để dành lương làm vốn, sau này có tiền mua nhà ở riêng. Với hai chàng rể đầu, ông công khai luôn mọi việc, rằng ông sẽ giúp mỗi đứa mỗi cách nên mong các con đều hoan hỉ, không tị nạnh nhau.

Bố vợ phải... gió - ảnh 3
Ảnh minh họa

Anh con rể út của ông thư sinh, chỉ mải nghiên cứu khoa học chứ mấy khoản sửa chữa điện nước trong nhà thì không thạo. Ông thông cảm hết, nên lắm lúc, nhà hỏng hóc thì con rể đứng giữ thang cho bố vợ leo lên sửa chữa. Nhưng bù lại, con rể lại rất tình cảm, cứ một điều thưa bố, hai điều bố ơi.

Hồi ông thông gia ốm, anh xin nghỉ làm rồi xin ông cho về quê chăm bố ở viện gần 1 tháng. Con gái và cháu ngoại anh gửi hết lại ông ngoại lo cho. Ông không những không suy nghĩ, tâm tư vì cả năm ông giúp cho như thế mà rể không chăm mình, nay lại về chăm bố mà ngược lại, ông còn động viên con rể lo tròn chữ hiếu. Là bởi ông nghĩ, con rể biết thương bố mẹ, có trách nhiệm chăm bố ốm thì phải là người tốt, sau này chắc chắn cũng sẽ ứng xử như vậy với gia đình nhà vợ.

Đến nay, sau mười mấy năm lên chức bố vợ, ông mừng vì cả đại gia đình lúc nào cũng hòa thuận. Các chàng con rể luôn hiếu kính, trân trọng nhà vợ và quý mến nhau. Thậm chí, các anh con rể cả còn bảo: Không bao giờ ly hôn vợ vì tiếc... bố vợ. Ông rất ít khi nói thương và lo cho con gái ra lời, nhưng chỉ cần xem cách ông ứng xử, đối đãi, trân trọng con rể là có thể hiểu ông đang âm thầm giúp đỡ, vun vén cho hạnh phúc của con gái như thế nào.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Góp sức đưa xã đảo thành điểm du lịch xanh

Góp sức đưa xã đảo thành điểm du lịch xanh

(PNTĐ) - Xã đảo Minh Châu là nơi bao đời nay người dân sống dựa vào nghề chăn nuôi với những chuồng trại lợn, bò, mùi hôi từ chất thải gia súc. Và rồi, có một người phụ nữ nhỏ nhắn đang mạnh dạn góp sức để biến Minh Châu thành một điểm du lịch xanh, sạch trong tương lai. Đó chính là bà Ngô Thị Thanh Vân – Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ và Dịch vụ Bảo vệ môi trường Minh Châu Organic Farm.
Sống xanh ở Thủ đô

Sống xanh ở Thủ đô

(PNTĐ) - Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng, sống xanh đã trở thành xu hướng tích cực lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng, đặc biệt là ở giới trẻ. Từ việc hạn chế sử dụng đồ nhựa, chọn phương tiện giao thông thân thiện với môi trường, đến việc tham gia các hoạt động tình nguyện vì thiên nhiên – những hành động tưởng chừng nhỏ bé ấy lại đang góp phần xây dựng một Thủ đô Hà Nội ngày một xanh.
Báo động tội phạm “trẻ hóa”

Báo động tội phạm “trẻ hóa”

(PNTĐ) - Tình trạng tội phạm trẻ hóa đang diễn ra với mức độ ngày càng nghiêm trọng và phức tạp, đáng lo ngại là các vụ phạm tội nghiêm trọng liên quan đến thanh thiếu niên. Đây là vấn đề cần được quan tâm, bởi nó không chỉ gây ra tác động tiêu cực đến cá nhân người phạm tội, mà còn ảnh hưởng nặng nề đến gia đình và cộng đồng xung quanh.