Cây đa 3 gốc ở làng Dư Xá Thượng – độc đáo một di sản văn hóa

Chia sẻ

Trong khuôn viên ngôi đền Bách Linh - nơi thờ vua Đinh Tiên Hoàng và 100 vị thần ở làng Dư Xá Thượng, xã Hòa Nam, huyện Ứng Hòa có một cây đa 3 gốc cổ thụ đã được công nhận là Cây di sản Việt Nam. Người dân trong vùng luôn trân quý, giữ gìn và gắn bó với cây như bảo bối rất có giá trị tâm linh.

Từ trung tâm Hà Nội xuôi theo trục Quốc lộ 21B chừng hơn 40km, về gần cuối huyện Ứng Hòa, tới địa phận xã Hòa Nam có một ngôi đền nổi tiếng mang tên Bách Linh, là nơi lưu giữ những giá trị lịch sử dựng nước và giữ nước. Bước qua cổng đền là cây đa 3 gốc có tuổi đời hàng trăm năm tỏa bóng mát và thế đứng rất độc đáo.

Cây đa 3 gốc ở làng Dư Xá Thượng – độc đáo một di sản văn hóa - ảnh 1

Đền Bách Linh còn gọi “Bách Linh từ”, là nơi thờ vua Đinh Tiên Hoàng và 100 vị thần của 47 xã thuộc huyện Hoài An, phủ Ứng Thiên, trấn Sơn Nam Hạ trước đây, nay là các xã thuộc các huyện Ứng Hòa và Mỹ Đức, thành phố Hà Nội. Tên của các vị thần được ghi trong bia đá cổ hiện lưu giữ tại đền. Trong số 100 vị thần thì 4 vị là có tượng thờ: Đinh Tiên Hoàng đế, Thái Đường hoàng đế, Hữu Nghi Tu hoàng đế, Nội Nghi Nhị Vị quốc vương, các vị thần còn lại không có tượng và chỉ được thờ bài vị trong đền.

Theo các cụ cao niên thôn Dư Xá Thượng kể, xưa kia Vua Đinh Tiên Hoàng xuất quân từ Hoa Lư (Ninh Bình) đi qua các địa danh: chợ Vài, Ải, An Phú… rồi ra tới Dư Xá Thượng. Khi tới thôn Dư Xá Thượng, Vua đóng quân tại vị trí đền Bách Linh ngày nay và sau đó đã cho xây dựng đền. Mỗi năm, tại ngôi đền này ngài đều tổ chức cầu mưa giúp dân làng chống hạn. Tại đền Bách Linh hiện còn lưu giữ những bộ sách cổ. Ngày nay, người dân địa phương và quanh vùng thường đến đền để cầu mong những điều tốt lành cho gia đình. Mỗi năm đến mùa thi cử, nhiều học sinh đến đây để cầu mong thi đỗ đạt.

Cây đa 3 gốc ở làng Dư Xá Thượng – độc đáo một di sản văn hóa - ảnh 2

Trước cửa đền Bách Linh chừng 10m có một cây đa cổ thụ có tới 3 cái gốc, bám sâu xuống đất, hiện cây vẫn xanh tốt, là cây cao bóng cả của thôn Dư Xá Thượng. Cây đa 3 gốc có chiều cao từ gốc đến ngọn khoảng 20m, thân cây chính khoảng 4 người ôm, 3 gốc cây tạo hình như chiếc kiềng 3 chân, thế cân đối. Theo ông Nguyễn Như Tơ (sinh năm 1945, là thủ từ đền Bách Linh), cây đa 3 gốc đã có tuổi đời khoảng hơn 120 năm. Tương truyền, trước đây, tại vị trí đối diện mái đền Bách Linh có một cây cọ đã trưởng thành. Một ngày, có một con chim ăn quả và đã nhả hạt rơi vào tán cọ. Theo thời gian, cây đa đâm chồi nảy nở mọc lên ngay trên cây cọ với rễ chia làm 3 phủ xuống đất. Thấy vậy, các cụ thời ấy đã ra cố định 3 rễ của cây xuống đất, còn lại để cây phát triển tự nhiên. Năm tháng qua đi, cây đa lớn dần lên và thay thế vị trí cây cọ. Cây đa 3 gốc cổ thụ đã gắn liền với tuổi thơ của biết bao thế hệ người dân làng Dư Xá Thượng, xã Hòa Nam đồng thời che chở, là bóng mát cho biết bao khách thập phương mỗi khi đến viếng thăm đền Bách Linh.

Theo ông Nguyễn Như Tuyển, Chủ tịch UBND xã Hòa Nam, đền Bách Linh thờ vua Đinh Tiên Hoàng cùng các vị thần của các vùng lân cận ven sông Đáy. Cây đa 3 gốc hàng trăm năm tuổi nằm trong khuôn viên đền đã được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận là Cây di sản Việt Nam vào năm 2015.
Nhiều năm nay, đền Bách Linh và cây đa 3 gốc cổ thụ đã trở thành nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh, tín ngưỡng của người dân xã Hòa Nam và khu vực xung quanh, mang đậm những giá trị văn hóa tâm linh của làng quê.

Bài và ảnh: HOÀNG NGUYÊN

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.