Cây đại trước hiên nhà

Chia sẻ

Nguyễn Đức Mậu là nhà thơ lớn được nhận nhiều giải thưởng danh giá về văn học cả trong nước và quốc tế. Anh viết nhiều về người lính và chiến tranh bởi đã từng trải bao tháng năm nơi trận mạc. Bên cạnh đó, thi sĩ còn có những bài thơ rất ấn tượng về vẻ đẹp của cuộc sống bình dị, lặng thầm ở quanh ta. "Cây đại trước hiên nhà" là một sáng tác như thế

Này, cây đại trước hiên nhà
Lặng lẽ xanh và lặng lẽ hoa
Có ông lão nhìn cây ướm tuổi
Ai biết đời cây lặng lẽ già.

Lặng lẽ cả khi vặn trời cơn bão
Cái cây vẫn đứng như là bình yên
Bầy trẻ nhỏ nhặt hoa rơi quanh gốc
Nhặt cả xác ve sầu ướt sũng mưa đêm.

Lặng lẽ cả khi mùa lá úa
Chiếc lá rơi tiếc nuối trong chiều
Cây gầy guộc khô cằn quá thể
Gió run cành lạnh cóng tiếng chim kêu.

Ngôi nhà cũ thay cổng và thay mái
Cây đại già vẫn đó chẳng dời đi
Lặng lẽ đời cây chìm vào góc khuất
Có thể nhìn cây gạn lọc được điều gì.

Nhưng nhiều lúc mình vô tâm chẳng nhớ
Một đời cây làm bóng mát che người
Cây lặng lẽ giữa quay cuồng phố xá
Thả từng chùm hoa trắng dịu dàng rơi.

NGUYỄN ĐỨC MẬU

Nguyễn Đức Mậu là nhà thơ lớn được nhận nhiều giải thưởng danh giá về văn học cả trong nước và quốc tế. Anh viết nhiều về người lính và chiến tranh bởi đã từng trải bao tháng năm nơi trận mạc. Bên cạnh đó, thi sĩ còn có những bài thơ rất ấn tượng về vẻ đẹp của cuộc sống bình dị, lặng thầm ở quanh ta. "Cây đại trước hiên nhà" là một sáng tác như thế.

Minh họa sưu tầmMinh họa sưu tầm. 

Nhan đề của bài thơ thật dung dị, giàu sức gợi. Hoá thân vào nhân vật "ông lão", tác giả kể về một đời cây, cũng như đời của bao con người bình dị. Dùng thể thơ tự do, nhà thơ gửi gắm ở đó nhiều cảm xúc và tâm trạng. Câu mở đầu như lay thức, khiến người đọc phải chú ý: "Này, cây đại trước hiên nhà/ Lặng lẽ xanh và lặng lẽ hoa/ Có ông lão nhìn cây ướm tuổi/ Ai biết đời cây lặng lẽ già".

Đại là loại cây dễ trồng, cành già vùi xuống đất là sống được, chẳng cần tưới chăm nhiều vẫn phát triển. Lá cây thuôn dài, hoa trắng vàng tươi, toả hương thơm nồng. Cây hoa đại được người Lào trân quý gọi tên "chăm-pa", tôn vinh là quốc hoa.

Cây đại trong bài trồng bên hiên nhà, vừa tạo cảnh đẹp vừa có hương thơm. Cây không chỉ dễ trồng, còn an nhiên vượt qua bão giông "vặn trời" dữ dội, và thật vui khi "Bầy trẻ nhỏ nhặt hoa rơi quanh gốc/ Nhặt cả xác ve sầu ướt sũng mưa đêm".

Câu thơ tả thực nhưng gợi tả về những kỷ niệm tuổi thơ chủ thể trữ tình cùng đám bạn chơi dưới tán cây với đủ loại trò chơi con trẻ. Không những thế, cây đại còn là thảo dược giúp ích cho người nhiều công dụng: vỏ thân và rễ giúp tiêu thũng, thanh nhiệt; hoa giúp tiêu đờm, trừ ho, trừ thấp; lá giúp tiêu viêm...

Sự cống hiến cho người nhiều năm tháng đã khiến cây mỗi ngày một rụng vơi, tàn úa, "gầy guộc", "khô cằn", nhất là khi rét mướt. Ở câu thơ sau, lối đảo ngữ cùng nghệ thuật ẩn dụ chuyển đổi cảm giác khiến cây đại hiện lên sống động và thật ấn tượng: “Gió run cành lạnh cóng tiếng chim kêu”. Đây là cách diễn đạt mới mẻ, sáng tạo, giàu sức gợi về sự thương cảm.

Thời gian chảy trôi, mọi vật đổi thay, cây đại già sống lặng lẽ "đứng đó chẳng dời đi", như một chứng nhân về sự đổi thay "ngôi nhà thay cổng và thay mái”, còn thi sĩ lại nhận thấy: "Lặng lẽ đời cây chìm vào góc khuất/ Có thể nhìn cây gạn lọc được điều gì".

Đáng chú ý trong bài điệp từ “Lặng lẽ” xuất hiện trong cả 5 khổ thơ, có 3 lần ở đầu các câu thơ, hai lần ở đầu các khổ thơ. Đây là dụng ý nghệ thuật của nhà thơ: nhấn mạnh sự khiêm nhường, sự lặng thầm dâng hiến của cây đại cũng như của những con người bình dị quanh ta. Cuộc sống này vô cùng biết ơn những con người ấy.

Câu thơ ẩn chứa những suy tư, triết lý về đời cây, đời người. Và chủ thể trữ tình cũng bộc bạch: "Nhưng nhiều lúc mình vô tâm chẳng nhớ/ Một đời cây làm bóng mát che người/ Cây lặng lẽ giữa quay cuồng phố xá/ Thả từng chùm hoa trắng dịu dàng rơi". Nghệ thuật nhân hoá xuyên suốt, nhiều điệp từ trong bài góp phần nhấn mạnh vai trò của những con người vô danh cùng ý thơ như Nguyễn Khoa Điềm đã viết: “Họ đã sống và chết/ Giản dị và bình tâm/ Không ai nhớ mặt đặt tên/ Nhưng họ đã làm ra đất nước” (Trường ca Mặt Đường khát vọng).

Họ đã âm thầm lao động, cống hiến cả giá trị vật chất và tinh thần cho cuộc đời nhưng đa số mọi người vô tình "chẳng nhớ" đến họ. Bài thơ dung dị, đậm đà tính triết lý và phong vị quê hương. Đây là lời tác giả tự nhắc mình và mọi người: hãy đừng vô tâm với đồng loại và môi trường, hãy trân trọng những cây, những người đã và đang lặng thầm dâng hiến, sống có ích cho quê hương, gia đình và làm đẹp cho đời.

THÁI DŨNG

Tin cùng chuyên mục

Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.