Cây dẻ cụt

Vũ Thị Huyền Trang
Chia sẻ

(PNTĐ) - Sáng ấy, lúc đưa Xoài đến trường, mẹ ôm nó lâu hơn, chặt hơn. Nước mắt mẹ rơi xuống gáy Xoài ấm đến rùng mình.

 Xoài nghe thấy từng tiếng nhịp tim của mẹ đập trùng với tim nó. Lúc quay lưng bước qua cổng trường tim Xoài nhói lên, nước mắt bỗng chảy ra giàn giụa. Nó cố gắng sải bước thật nhanh, cố gắng không ngoảnh lại. Bởi nó biết đằng sau mẹ đang dõi theo bóng dáng nó cho đến khi đi khuất vào lớp học.

Cả buổi học hôm đó Xoài không nhớ cô giáo đã dạy những gì. Tâm trí của nó hướng về người mẹ và người em gái nhỏ. Tuy không nói một lời từ biệt nhưng Xoài biết hôm nay khi trở về nhà rất có thể nó không còn thấy mẹ và em nữa. Người lớn hay hỏi Xoài: “Nếu bố mẹ ly hôn cháu sẽ ở với ai?”. Không biết những đứa trẻ khác sẽ trả lời thế nào, còn riêng Xoài chỉ biết cúi đầu im lặng. Đâu có dễ như chọn món đồ này hay món đồ khác, chọn cuốn sách này hay cuốn sách kia.

Một hôm, lúc đi học về đến cổng Xoài thấy cây hoa dẻ ở cổng bị chặt cụt đến gần gốc. Đó là loài hoa mẹ Xoài từng rất thích nên đã mang từ quê ngoại về trồng. Mùa hoa nở hương thơm bay khắp một khoảng vườn, lấp ló vàng ươm như từng bông nắng. Những ngày còn hạnh phúc, bố thỉnh thoảng vẫn tưới nước cho cây. Hôm mẹ sinh em bé đúng vào mùa hoa, bố ngắt vài bông mang vào bệnh viện. Những chiều mùa hè khi nắng tắt mẹ hay bế em ra cổng ngồi chơi bên cây dẻ. Giờ nhìn gốc cây bị chặt phăng bằng nhát dao sắc lẹm, nhựa ứa ra thành giọt Xoài thấy đau lòng. Bố bảo:

- Chặt đi chứ để làm gì. Hoa hoét chật vườn.

- Nhưng đó là cây hoa của mẹ con từng rất thích.

- Mẹ con cũng không còn sống ở đây. Chặt đi cho vườn rộng.

Xoài thương xót gốc cây bé nhỏ nên vun rác khô bịt lại. Cốt để chiếc gốc bị vạt nhọn như chông ấy không vướng vào mắt bố hay bà nội. Hàng ngày Xoài thường ra ngồi vắt vẻo trên bờ rào, mắt nhìn vào gốc cây hoa dẻ. Gốc cây phát ra hình ảnh và âm thanh trong trí óc của Xoài. Tiếng mẹ ru em à ơi: “Cây xanh thì lá cũng xanh/ Cha mẹ hiền lành để đức cho con”. Giọng mẹ nghèn nghẹn như muốn khóc, lúc ấy Xoài đâu có hiểu chuyện gì. Sau này mới hiểu sao lúc mẹ mang bầu bụng to mà giường không chật hơn? Vì bố ít khi ngủ ở nhà. Vài đêm Xoài tỉnh giấc bởi tiếng khóc thút thít, có hỏi mẹ cũng chỉ bảo: “Tại bụng to, mẹ khó chịu trong người”.

Cây dẻ cụt - ảnh 1
Minh họa sưu tầm

Xoài nằm xoa lưng cho mẹ nghe thấy tiếng gà gáy báo canh. Tiếng gà xa rồi gần, gần rồi xa. Mẹ từng nói tiếng gà gáy trong đêm nghe nao lòng đến lạ. Giờ thì Xoài hiểu được cảm giác ấy trong những đêm tỉnh giấc nằm nhớ mẹ và em. Giường ngày càng rộng hơn khi chỉ có một mình Xoài nằm trằn trọc. Xoài không muốn sang ngủ với bà vì thèm tìm đâu đó hơi ấm yêu thương còn sót lại trên chiếc giường này.

Xoài thầm hỏi không biết Bống có còn khóc đêm? Không biết mẹ có ngủ ngon giấc? Em còn quá bé nên chắc không biết nhớ chị đâu. Nhưng Xoài thì nhớ em đến mức lúc nào cũng thấy mùi da thịt thơm tho đâu đó trên chăn gối. Có đêm, trong giấc mơ Xoài nghe thấy tiếng em ọ ọe, đôi tay bé bỏng khua khoắng tìm bầu sữa mẹ. Tỉnh dậy nước mắt Xoài đã đầm đìa trên má. Nhưng ngay cả chiếc giường còn vương hơi ấm ấy rồi cũng bị người đàn bà khác đến chiếm lấy. Xoài chỉ còn ngửi thấy mùi nước hoa của “dì”, mùi tủi hờn của mẹ.

 “Dì Hạnh”, là cách mà Xoài gọi người mới của bố. Hôm dẫn dì về nhà, bố dặn: “Phải biết nghe lời dì”. Xoài không nói gì vì còn bận nhìn vào chiếc bụng to lùm sau lớp váy của dì. Bà nội cười nói mừng vui, khác hẳn vẻ cau có thường ngày. Lúc sai Xoài ngồi vặt lông gà, bà bảo: “Con sắp có em rồi đó. Một bé trai”. Xoài không thích người đàn bà “biết đẻ” và đứa nhỏ còn nằm trong bụng ấy. Vì họ mà gia đình Xoài phải tan đàn xẻ nghé. Vì họ mà Xoài phải sống xa mẹ và em khi mới tròn 7 tuổi.

Bố có thêm vợ thêm con. Bà nội có đứa cháu đích tôn “sau này chết còn có người hương khói”. Xoài có gì ngoài nỗi buồn đau giấu kín trong lòng? Dì Hạnh thỉnh thoảng đi qua vuốt tóc Xoài hỏi chơi: “Hôm nay có gì vui không con?”. Xoài trả lời bằng ánh mắt vừa oán trách vừa giễu cợt, miệng như muốn bật ra câu nói: “Ủa, dì phá nát nhà người ta rồi còn hỏi có vui không?”. Dì thở dài nói với bà:

- Bé Xoài cứ lầm lì ít nói, chẳng mau mồm mau miệng như đứa khác.

- Cái tính giống hệt con mẹ nó.

Bà nội vẫn thường đay nghiến mẹ bằng những lời khó nghe trước mặt Xoài. Nó không nói gì, lẳng lặng đi ra chỗ khác. Có những lúc Xoài ước gì mình điếc để khỏi phải nghe những ngôn từ sắc nhọn cứa vào tim. Bà thường nói: “Tan nát thế này là do mẹ cháu không biết giữ gia đình. Đàn bà phải lạt mềm buộc chặt”.

 Càng ngày Xoài càng thấy lạc lõng trong nhà. Kể từ ngày mẹ đi, không còn ai nói với Xoài những lời âu yếm nữa. Xoài không muốn mình là cái gai trong mắt mọi người nên vẫn thường lầm lũi một mình nơi xó bếp, góc nhà. Thỉnh thoảng mẹ sẽ gọi điện để gặp Xoài. Mấy lần đầu chỉ cần nhìn thấy mẹ là Xoài khóc không nói lên lời. Sau này Xoài không khóc nữa, mẹ hỏi gì cũng cười, im lặng nghe tiếng em bi bô tập nói. Chỉ khi tắt điện thoại đi thì những giọt nước mắt buồn tủi mới ầng ậc trào ra. Xoài biết mình sẽ không bao giờ có được những tháng ngày hạnh phúc như xưa nữa.

Cây dẻ cụt - ảnh 2
Minh họa sưu tầm

Một buổi sáng thức dậy khoác ba lô đi học, Xoài nhận ra gốc dẻ bị chặt cụt hôm nào đã nhú những mầm non lặng lẽ đội lớp lá nhô lên. Chẳng mấy chốc lá sẽ xanh non đầy sức sống. Xoài cũng như mầm cây ấy sẽ hướng tới những tia nắng mặt trời lấp lánh để vươn lên. Như bây giờ Xoài gạt bỏ nỗi buồn chỉ hướng về một lời hứa hẹn đang chờ phía trước. Mẹ nói: “Con cố gắng học giỏi, hè này mẹ đón về chơi”. Xoài bám theo lời hứa ấy để đi qua những đêm dài trở mình nhớ mẹ. Đi qua những giây phút tủi buồn khi thấy dì và bố quấn quýt bên em bé mới sinh. Lúc rời nhà đi, em Bống cũng vẫn còn bé bỏng. Bố có bao giờ nghĩ thương em?

Cuối cùng mùa hè cũng đã đến. Lúc ngồi sau xe bố Xoài thấy đường về nhà bà ngoại sao mà xa đến thế. Trong chiếc ba lô ôm trước ngực không chỉ có sách vở mang theo mà Xoài còn cất nhiều món quà nhỏ tặng em. Một con búp bê Xoài đã mua ngoài cửa hàng tạp hóa bằng đồng tiền mừng tuổi của mình; chiếc bình nước hình Kun siêu phàm Xoài đã cóp từng chiếc thẻ mang đi đổi; nắm kẹo sắc màu, vài chiếc dây buộc tóc xinh xinh được ai đó cho, Xoài cũng cất để dành phần Bống.

Chỉ một lúc nữa thôi Xoài sẽ được ôm chầm lấy em, hôn hít đã đời. Sẽ được nghe tiếng em gọi “chị ơi” ngọng líu ngọng lô. Tối sẽ được nằm ôm mẹ và em rồi chìm vào giấc ngủ thơm tho. Ý nghĩ ấy khiến Xoài thấy hạnh phúc quá chừng, chỉ mong sao đường dài bỗng nhiên ngắn lại.

Những ngày hè sao trôi nhanh quá chừng. Xoài ngồi ở hiên nhà nhìn bé Bống lẫm chẫm chạy theo con mèo nhỏ ngoài sân, lòng buồn rười rượi. Em còn bé bỏng lắm, đi chưa vững, nói chưa rõ câu, thèm được vui đùa cùng chị. Xoài không muốn xa em chút nào mà đã sắp đến ngày bố đến đón rồi. Mẹ bận đi làm suốt ngày, ông bà thì nhiều việc. Xoài về em Bống phải thui thủi một mình ở xó bếp, góc vườn.

Con chó vàng nhà bà hư lắm, nó đùa dai lúc nào cũng thích xô em ngã xuống sân rồi lấy chân cào cào vào mặt Bống. Sân nhà ông bà nhiều rêu ngày mưa dễ trơn trượt lắm, không có Xoài ở bên em cứ ngã hoài. Mà Xoài về rồi giường rộng hơn, tối đến chắc là mẹ sẽ buồn. Biết bao giờ mới đến được mùa hè của năm sau? Biết bao giờ Xoài mới được ôm mẹ và em ngủ? Xoài ngồi bó gối, cúi đầu giấu đi đôi mắt ầng ậc nước. Bống từ đâu chạy đến ú òa…

                                                                                    ***

Xoài về đến cổng nhà ngỡ ngàng thấy một mùi thơm quen thuộc lẻn vào cánh mũi. Đúng là mùi hoa dẻ mà mẹ từng rất thích, dịu dàng, thoang thoảng. Xoài xuống xe chạy lại bên gốc dẻ, sung sướng thấy vài bông hoa vàng tươi lấp ló sau tán lá. Cây dẻ cụt hôm nào giờ đã sum suê lá. Trên những cành nhánh mọc ra từ gốc, hoa đã kiêu hãnh nở. Thiên nhiên thật kì diệu biết bao.

Xoài nâng bông hoa dẻ trên tay tự nhiên thấy nỗi buồn bay đi, lòng vui khôn tả. Tiếng bà nội vọng ra từ trong căn bếp nghi ngút khói: “Xoài đi chơi về rồi đấy à? Vào tắm nhanh còn ăn cơm con ơi. Hôm nay có món cá kho mà con thích đấy”. Tiếng cửa nhà mở ra, dì Hiền bế em bé trên tay nựng nịu: “Chị Xoài về rồi kìa. Chị Xoài đi chơi có vui không? Có nhớ Dâu Tây không nào? Em thì nhớ chị Xoài lắm đó”.

Xoài rảo bước lại gần, ngập ngừng vuốt nhẹ lên má Dâu Tây. Đây là lần đầu tiên Xoài âu yếm em. Lần đầu tiên Xoài thấy lòng không còn hờn giận nữa…

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Cà phê phố Hà thành

Cà phê phố Hà thành

(PNTĐ) - Hà Nội không phải là thủ phủ cà phê. Điều này là hẳn nhiên. Thế nhưng, người Hà thành vốn tinh tế trong thưởng thức và sáng tạo các giá trị văn hóa vật chất và tinh thần đã nâng việc thưởng thức cà phê lên thành nghệ thuật.
Phụ nữ Thủ đô xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh

Phụ nữ Thủ đô xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh

(PNTĐ) - Thời gian qua, cán bộ, hội viên phụ nữ Hà Nội đã chủ động, sáng tạo, tích cực bám sát nhiệm vụ chính trị của Thành phố và địa phương, vận dụng và cụ thể hóa thực hiện có hiệu quả đề án “Đẩy mạnh vai trò của Hội Phụ nữ các cấp trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” năm 2024.