Cây xấu hổ

NGUYỄN THỊ THIỆN
Chia sẻ

(PNTĐ) -

Bờ đường 9 có lùm cây xấu hổ
Chiến sĩ đi qua ai cũng mỉm cười 

Giữa một vùng lửa cháy bom rơi
Tất cả lộ nguyên hình trần trụi
Cây xấu hổ với màu xanh bối rối
Tự giấu mình trong lá khép lim dim

Chiến sĩ qua đây ai cũng bước rất êm
Khi bất chợt thoảng một bàn chân lạ
Cây vội vã nhắm nghìn con mắt lá
Nhựa dồn lên cành khẽ ngả như chào

Người ra rồi bóng dáng cứ theo sau
Anh lính trẻ bỗng quay đầu tủm tỉm
Cây đã hé những mắt tròn chúm chím
Đang thập thò nghịch ngợm nhìn theo

Phút lạ lùng trời đất trong veo
Anh nghe có tiếng reo thầm gặp gỡ
Nhiều dáng điệu thoáng qua trong trí nhớ
Rất thân quen mà chẳng gọi nên lời

Giữa một vùng lửa cháy bom rơi
Cây hiện lên như một niềm ấp ủ
Anh lính trẻ hái một cành xấu hổ
Ướp vào trong trang sổ của mình

Và chuyện này chỉ cây biết với anh.

                                             31/5/1972
                                            Anh Ngọc

Cây xấu hổ - ảnh 1
Ảnh minh họa

LỜI BÌNH
Tác giả Anh Ngọc (1943 - Nghệ An) thuộc thế hệ những nhà thơ nổi tiếng thời kỳ chống Mỹ. Ông từng được giải nhất cuộc thi thơ của báo Văn nghệ. Trong số nhiều sáng tác của ông, tôi rất thích bài thơ "Cây xấu hổ". Thi phẩm là bức tranh chân thực, sống động về vẻ đẹp của người chiến sĩ giải phóng quân trong hoàn cảnh chiến tranh khắc nghiệt.
Bài thơ ra đời tháng 5/1972, giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ ở giai đoạn ác liệt nhất. Thi phẩm gồm hai mươi ba câu thơ, mỗi câu bảy hoặc tám âm tiết, tái hiện lại một lát cắt về sự khốc liệt của chiến tranh và tâm hồn tươi trẻ của người chiến sĩ. Khổ thơ đầu chỉ hai câu, giới thiệu các “nhân vật” trong bài: "Bờ đường 9 có lùm cây xấu hổ/ Chiến sĩ đi qua ai cũng mỉm cười". Đường 9 là địa danh giáp Quảng Trị - thuộc khu vực Nam Lào. Nơi đây chiến sự diễn ra vô cùng căng thẳng. Bấy giờ, tác giả là lính thông tin  thuộc Trung đoàn 132 làm nhiệm vụ chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Cùng với các đồng đội khác, Anh Ngọc trên đường hành quân ra trận. Vốn thích quan sát và khám phá, anh nhận thấy: “Giữa một vùng lửa cháy bom rơi/ Tất cả lộ nguyên hình trần trụi/ Cây xấu hổ với màu xanh bối rối/ Tự giấu mình trong lá khép lim dim". Đây là một bức tranh ngôn từ  phản ánh hiện thực hoang tàn, đổ nát của chiến tranh. Giữa khung cảnh ấy bỗng xuất hiện lùm cây xấu hổ với màu xanh - dấu hiệu bất diệt của sự sống. Điều này tạo ấn tượng đặc biệt với người lính. Xấu hổ là loài cây có sức sống rất mạnh mẽ, mọc hoang từng khóm ở nhiều nơi, có tác dụng chữa bệnh, hoa nở tím hồng, màu rất đẹp; lá cây nếu bị chạm vào sẽ tự động khép lại, cành rủ xuống nên cây còn có tên gọi khác là trinh nữ. Biện pháp tu từ nhân hóa được dùng  xuyên suốt bài thơ, tác giả biến cây xấu hổ cũng có thái độ, tình cảm y như người. Gặp người lính chạm khẽ bất ngờ, cây cũng bối rối, tựa như cô gái trẻ ngượng ngùng, e thẹn khi thấy các chàng trai để ý đến mình. Cây không biết làm thế nào, lá cây khép lại lim dim, nghĩa là mắt khép nhưng còn hé mở. Tứ thơ ở đây thật mới lạ, độc đáo, chứng tỏ tác giả có sự tìm tòi, sáng tạo, có những phát hiện đi vào chiều sâu của cảm xúc. Từ láy được nhà thơ sử dụng sáng tạo, nhấn mạnh đặc điểm riêng của cây xấu hổ đồng thời thể hiện cái nhìn tinh nghịch, mang đậm chất lính tráng. Nhờ đó, bài thơ như một lớp kịch ngắn với sự xuất hiện của hai “diễn viên”: Cây xấu hổ và người chiến sĩ. Cả hai tuy trong im lặng mà thấu hiểu nhau như tri kỷ. Mạch thơ  ở các khổ  tiếp đó theo bước chân của người ra trận: "Chiến sĩ đi qua ai cũng bước rất êm". Tất cả lính ta ai cũng yêu quý cây xấu hổ,  không nỡ làm đau nên đi rất êm ái, gượng nhẹ. Cây như cũng hiểu được điều đó, chỉ khi "bất chợt thoảng một bàn chân lạ/ Cây vội vã nhắm nghìn con mắt lá/ Nhựa dồn lên cành khẽ ngả như chào". Nhà thơ dùng từ "con mắt lá" thật sáng tạo: Vừa lột tả đúng khuôn hình chiếc lá giống như  hình con mắt, vừa cảm nhận được cây cũng biết tương tác với con người. Hành quân là việc thường ngày của người lính. Các anh vào mặt trận chiến biên giới Việt Lào, sau khi hoàn thành nhiệm vụ, lại đi đến vùng đất khác, làm nhiệm vụ mới. Nhưng người chiến sĩ không hề quên cây xấu hổ khi trở lại nơi đây: "Anh lính trẻ bỗng quay đầu tủm tỉm".  “Tủm tỉm” là một tính từ chỉ nụ cười kín đáo, ý nhị của người lính. Đáp lại tình cảm của anh, "Cây đã hé những mắt tròn chúm chím/ Đang thập thò nghịch ngợm nhìn theo". Một lần nữa, từ láy được thi nhân dùng đắc địa, rất gợi tả, gợi cảm. Các từ láy liên tiếp: Chúm chím, thập thò nghịch ngợm là biểu hiện thường có ở những cô gái, chàng trai mới lớn yêu thích nhau. Lớp kịch ngắn được tiếp diễn rất thú vị, hấp dẫn, hành động tập trung vào ánh mắt và cử chỉ. Cây xấu hổ - cô gái và người lính - chàng trai, cùng đồng điệu giao hòa trong thời khắc tương liên kỳ diệu: "Phút lạ lùng trời đất trong veo/ Anh nghe có tiếng reo thầm gặp gỡ/ Nhiều dáng điệu thoáng qua trong trí nhớ/ Rất thân quen mà chẳng gọi nên lời". Cả vũ trụ, trời đất lắng lại và cùng thăng hoa, xúc động trong giai điệu của tình yêu ngọt ngào, mới mẻ như khoảng lặng trong bản giao hưởng tình yêu ban đầu. Khúc nhạc không lời ấy đẩy lùi rất xa những đau thương chết chóc và sự hủy diệt của chiến tranh. Chỉ còn những ánh mắt - cửa sổ của tâm hồn - trao nhau  kỷ niệm tràn đầy tin yêu…

Bài thơ khép lại là những câu: "Giữa một vùng lửa cháy bom rơi/ Cây hiện lên như một niềm ấp ủ/ Anh lính trẻ hái một cành xấu hổ/ Ướp vào trong trang sổ của mình". Điệp ngữ "lửa cháy bom rơi" được lặp lại nhấn mạnh sự khốc liệt của chiến tranh. Kẻ thù gieo rắc cái chết nhưng sự sống vẫn vượt lên hết thảy và cây xấu hổ “hiện lên như một niềm ấp ủ". Hai hình ảnh trong hai câu đầu khổ thơ tương phản nhau và thật đăng đổi có ý nghĩa lên án chiến tranh, ngợi ca sức mạnh của sự sống và niềm tin thắng lợi. Kẻ thù không thể hủy diệt được những kỷ niệm đẹp trong tình yêu của người lính. Hành động của người chiến sĩ "hái một cành xấu hổ/ Ướp vào trong trang sổ của mình…” cho thấy tấm lòng chan chứa yêu thương. Bài thơ khép lại bằng một câu rất thú vị: “Và chuyện này chỉ cây biết với anh”. Những câu thơ trên, đặc biệt là câu cuối tách ra, đứng riêng một khổ thơ chứng tỏ cảm xúc của người viết thật trẻ trung, hồn hậu. Nhà thơ có những suy nghĩ mới mẻ và có cách diễn đạt nhẹ nhàng, hóm hỉnh, tinh tế, phản ánh trực tiếp hiện thực cuộc sống và tâm tình người lính trong cuộc chiến đấu chống Mỹ hào hùng và lạc quan.

Khát vọng giải phóng dân tộc và tâm hồn trân trọng cái đẹp bình dị của cuộc sống làm nên sức hấp dẫn của của hình tượng người lính khiến bài thơ có sức sống lâu bền trong lòng bạn đọc.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Cuộc sống mới

Cuộc sống mới

(PNTĐ) - Ngày tốt nghiệp đại học, Linh không nghe lời bố mẹ, tự mình khăn gói lên đường lập nghiệp ở một tỉnh miền núi, cách nhà 50km. Tất nhiên, vì thế mà mối tình đầu dù là sâu nặng nhưng cũng lỡ dở khi người yêu không tán thành quyết định của Linh.
Đừng “giá như” nữa nhé!

Đừng “giá như” nữa nhé!

(PNTĐ) - Hôm nay, khi con gái nói sẽ đưa người yêu về ra mắt, lòng bà Phương bỗng bâng khuâng. Bà sợ rằng, mình lại đi vào vết xe đổ như đã từng xảy ra với con trai cả của mình, để rồi, quá khứ đã qua không thể nào lấy lại được, chỉ biết luyến tiếc bằng hai chữ “giá như”.