Chăm lo toàn diện cho người có công với cách mạng

QUỲNH AN
Chia sẻ

(PNTĐ) - Ưu đãi người có công là một chính sách đặc biệt của Đảng, Nhà nước nhằm tri ân, tôn vinh người có công với cách mạng. Đây là trách nhiệm, là tình cảm của Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với những người đã không tiếc thân mình hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

Nhiều người có công được hỗ trợ, chăm sóc

Câu lạc bộ (CLB) Vầng trăng khuyết quận Hà Đông (Hà Nội) được thành lập từ năm 2013 với 60 hội viên, là những nữ thanh niên xung phong (TNXP) thời chống Mỹ. CLB ra đời với mục đích trở thành “gia đình chung” để các cựu TNXP thường xuyên giao lưu, gặp gỡ, chia sẻ buồn vui trong cuộc sống, đồng thời tạo mối liên kết với các tổ chức, cá nhân trên địa bàn quận nhằm hỗ trợ, đông viên cựu TNXP đặc biệt khó khăn có cơ hội vươn lên.

Bà Trần Thị Ngần, sinh năm 1945, trú tại phường Nguyễn Trãi, quận Hà Đông, chủ nhiệm CLB Vầng trăng khuyết chia sẻ, năm 21 tuổi, bà trốn nhà đăng ký tình nguyện TNXP, đầu quân cho đơn vị C816-N81-P37. Nhiệm vụ của đơn vị bà là giữ thông suốt tuyến đường sắt. Mỗi ngày, các chị em phải dầm nước để bê đất bùn đắp vào các đoạn đường tàu bị địch bắn phá hư hỏng. Năm 1966, trong khi làm nhiệm vụ tại ga Nghĩa Trang tỉnh Thanh Hóa, đế quốc Mỹ đánh phá, bà bị thương. Đến năm 1967, vì sức khỏe, bà Ngần trở về Hà Nội và sống với mẹ già. Sau khi mẹ mất, bà sống một mình đến bây giờ.

Chăm lo toàn diện cho người có công với cách mạng - ảnh 1
Thủ tướng Phạm Minh Chính đến thăm, tặng quà cho thương, bệnh binh đang điều trị tại Trung tâm điều dưỡng thương binh Kim Bảng Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Bà Ngần cho biết, những cựu TNXP đã dành cả quãng đời thanh xuân cất cao tiếng hát trên những cung đường Trường Sơn, cho ngàn vạn chuyến xe ra chiến trường, làm nên khúc khải hoàn ca trong ngày đại thắng. Trở về sau chiến tranh, người mang những vết thương trên thân thể, người mang những vết thương lòng, người có hoàn cảnh gia đình không được thuận lợi…

Từ ngày thành lập CLB Vầng trăng khuyết, các nữ cựu TNXP đã có một chỗ dựa tinh thần và nhận được sự quan tâm chia sẻ từ cộng đồng, đoàn thể. Trong các buổi sinh hoạt CLB, các nữ cựu TNXP cùng nhau ôn lại tuổi thanh xuân đầy nhiệt huyết cách mạng. Bên cạnh đó, CLB còn vận động chính sách, xin tài trợ, giúp đỡ những hội viên khó khăn xây sửa nhà, có chỗ ở ổn định, thăm, tặng quà hội viên hoàn cảnh khó khăn hoặc mắc bệnh nặng…

Cựu TNXP Nguyễn Thị Nụ (phường Biên Giang, quận Hà Đông) cũng kể, đang là cán bộ đoàn xã Biên Giang (khi ấy thuộc huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây cũ), bà cùng 10 cô gái trẻ gia nhập TNXP. Đại đội của bà Nụ vào đến Quảng Trị hôm trước, thì ngay hôm sau máy bay Mỹ đã dội bom làm tơi tả cả lán trại. Bà Nụ cũng bị thương.

Cuối năm 1971, rời đơn vị TNXP, bà Nụ về công tác ở ngành Giao thông Vận tải. Năm 1989, bà nghỉ mất sức, trở về quê, ở vậy nuôi mẹ già trong căn nhà tình nghĩa do địa phương xây tặng. Cuộc sống của hai mẹ con nhờ vào đồng lương hưu và chế độ chất độc da cam ít ỏi của bà. Được sự quan tâm, thăm hỏi từ chính quyền, đoàn thể và nhân dân, bà Nụ cũng vơi bớt phần nào nỗi buồn tủi…

Theo thống kê của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, đến nay, cả nước có trên 9,2 triệu người có công, trong đó, khoảng 1,2 triệu liệt sĩ, hơn 140.000 Mẹ Việt Nam Anh hùng, trên 800.000 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, trên 320.000 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học… Trong đó, có gần 1,2 triệu người có công đang hưởng chế độ ưu đãi hàng tháng. Hằng năm gần 106 ngàn lượt người được điều dưỡng tập trung và gần 387 ngàn lượt người điều dưỡng tại gia đình. Cả nước có 65 cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công, trong đó có 30 trung tâm nuôi dưỡng thương binh, bệnh binh nặng.

Trong suốt 75 năm qua, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác thương binh, liệt sỹ và người có công với cách mạng, tổ chức vận động toàn dân tích cực tham gia phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, “Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sỹ và người có công với cách mạng”...

Nhiều chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước được triển khai thực hiện hiệu quả. Đối tượng hưởng chính sách ưu đãi không ngừng được mở rộng, các chế độ ưu đãi từng bước được bổ sung, thể hiện sự trân trọng, biết ơn, chăm lo của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Tuy nhiên, việc giải quyết chế độ cho người có công hiện nay vẫn còn một số tồn đọng như hồ sơ xác nhận người có công không còn lưu giữ giấy tờ gốc vẫn còn là vấn đề phức tạp nên quá trình xem xét, giải quyết từng hồ sơ cụ thể nhiều khi kéo dài, không đáp ứng được yêu cầu và mong mỏi của đối tượng.

Tại một số địa phương, một số trường hợp lập hồ sơ giả trong việc khám giám định, di chuyển để thụ hưởng chính sách ưu đãi người có công. Số giường điều dưỡng tại các Trung tâm điều dưỡng người có công mới đáp ứng được gần 110.000 lượt người điều dưỡng, chưa đạt mục tiêu đề ra…

Chăm lo toàn diện cho người có công với cách mạng - ảnh 2
Bà Lê Thị Thiên Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPN TP Hà Nội tặng quà Tết cho người có công tại Trung tâm điều dưỡng người có công số 2 Hà Nội dịp Tết Nguyên đán 2022
Ảnh: Hồng Nhung

Tăng cường chăm lo đời sống của người có công

Theo lãnh đạo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, thực hiện cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công, chế độ trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đã qua nhiều lần điều chỉnh, từng bước cải thiện nâng cao đời sống của người có công. Mức chuẩn để xác định mức trợ cấp ưu đãi người có công năm 2019 là 1.624.000 đồng. Tính đến ngày 31/12/2021, số người có công đang hưởng trợ cấp hàng tháng là gần 1, 2 triệu người và hơn 280.000 thân nhân người có công đang hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng. 

Việc hỗ trợ nhà ở đối với người có công với cách mạng tại các tỉnh, thành phố đã hoàn thành với tổng số 393.707 hộ người có công được hỗ trợ, với tổng kinh phí hơn 10 tỷ đồng. Tổng số người có công và thân nhân đang hưởng trợ cấp ưu đãi giáo dục khoảng 54.000 người; gần 1.815.000 đối tượng người có công được Nhà nước mua bảo hiểm y tế. Khoảng 49.000 người có công và con của họ được hỗ trợ đào tạo nghề ở trình độ sơ cấp, dưới 3 tháng, trong đó có trên 24.000 người được đào tạo nghề nông nghiệp và 25.000 người được đào tạo nghề phi nông nghiệp.

Bộ Quốc phòng đã tiếp nhận trên 2.700 người là con của thương binh, con bệnh binh nặng vào làm việc tại các doanh nghiệp quốc phòng. Các địa phương đều có chính sách ưu tiên khi tuyển dụng việc làm đối với người có công, thân nhân người có công thông qua nhiều hình thức như: Ưu tiên về cộng điểm trong thi cử, tiêu chí, tiêu chuẩn...

Chăm lo toàn diện cho người có công với cách mạng - ảnh 3
Cán bộ y tế khám kiểm tra sức khỏe cho người có công tại Trung tâm nuôi dưỡng và điều dưỡng người có công Hà Nội (quận Hà Đông) Ảnh: Anh Tuấn/ TTXVN

Bên cạnh đó, các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” được Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các Bộ, ngành, đoàn thể từ Trung ương đến địa phương, các tổ chức và cộng đồng xã hội tích cực hưởng ứng, trở thành nét đẹp truyền thống của dân tộc. Bằng các nguồn xã hội hóa, với nhiều hình thức phong phú, thiết thực, tính từ năm 2012-2021, tổng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa cả nước huy động được gần 7.370 tỷ đồng, vận động được trên 13.000 tỷ đồng để xây dựng mới trên 84.000 căn nhà và sửa chữa trên 69.000 căn nhà cho người có công, tặng gần 126.000 sổ tiết kiệm cho gia đình chính sách với tổng số tiền trên 1.000 tỷ đồng và hỗ trợ một số trường hợp đặc biệt khó khăn. Hiện nay còn 3.625 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống được các tổ chức nhận chăm sóc, phụng dưỡng suốt đời…

Tại buổi thăm, tặng quà các thương binh tại Trung tâm điều dưỡng thương binh huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam và thăm, tặng quà các gia đình chính sách, có công với cách mạng tỉnh Hà Nam chiều 19/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đề nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và các cơ quan liên quan, thực hiện nghiêm Chỉ thị số 14-CT/TƯ ngày 19/7/2017 về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng, Nghị định số 75/2021/NĐ-CP, ngày 24/7/2021 của Chính phủ về quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng… Đồng thời, tiếp tục rà soát toàn diện các chính sách liên quan đến người có công, gia đình chính sách và đề xuất giải pháp tháo gỡ vướng mắc kịp thời, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tiễn.

Đẩy mạnh các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, “Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sỹ và người có công với cách mạng”... qua đó huy động nhiều hơn nữa nguồn lực xã hội, chung tay cùng Nhà nước chăm lo tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần người có công… Đồng thời, Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các Trung tâm nuôi dưỡng người có công; có chế độ, chính sách phù hợp đối với đội ngũ cán bộ, viên chức, người lao động. Quan tâm, giải quyết kịp thời, hiệu quả những khó khăn, vướng mắc của các Trung tâm điều dưỡng thương binh trên cả nước…

Tin cùng chuyên mục

Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.