Chị Mây lấy chồng

Chia sẻ

Chuyện chị Mây lấy được anh chồng tốt tính, nhà có điều kiện ở thành phố khiến cả xóm làng xôn xao bàn tán: “ồ số con bé này may mắn đấy”.

Mấy ngày qua thông tin về đám cưới của chị Mây được bàn tán xôn xao khắp làng trên xóm dưới. Người vui mừng chúc phúc: “Con bé khổ từ nhỏ, nhiều thiệt thòi, giờ lấy được tấm chồng tử tế lại là trai thành phố thì may mắn quá”. Người ghen ghét lại buông lời: “Đúng là chuột sa chĩnh gạo, con gái có học, có nhan sắc cũng chẳng sánh bằng”.

Mọi người ở quê xì xầm lời ra, lời vào cũng là do thiệp cưới chị Mây đến tay mọi người quá bất ngờ. Chẳng bao giờ nghe nói chị có người yêu, chưa ai thấy chị đưa bạn trai về ra mắt, nhưng đùng một cái lại làm đám cưới, lại lấy người thành phố nữa. Chị Mây không có nhan sắc cũng chẳng học cao hay có công việc tốt, nhiều người tò mò sao chị cưới được chồng “xịn”.

Chị Mây là con cả trong một gia đình nghèo khó gần như nhất làng, dưới chị là 4 đứa em san sát tuổi nhau. Từ khi học lớp 6 chị đã là lao động chính trong nhà cùng với bố mẹ. Những lúc nghỉ học đều phải đi làm ruộng, trồng hoa màu, chẳng việc gì trong nhà là không đến tay chị. Vốn có làn da ngăm đen lại suốt ngày dãi dầu mưa nắng nên chị Mây nhìn lúc nào cũng lem luốc, xấu xí. Đi học chị thường bị bạn bè trêu trọc là “cô bé lọ lem” với đôi mắt híp và thân hình lùn tịt.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Học hết lớp 9, chị nghỉ học ở nhà đi làm thuê, phụ giúp bố mẹ nuôi em ăn học. Trong 5 anh chị em, chị Mây là người thiệt thòi nhất, cả về ngoại hình lẫn chuyện học hành. Khi mấy người em đều cao ráo, ưa nhìn, trắng trẻo thì chị Mây lại “nhặt” hết những nét xấu của bố mẹ. Lúc trưởng thành, các em đều có bằng đại học, có công việc ổn định, lương cao ở công ty lớn nhỏ thì chị Mây vẫn đi làm giúp việc cho một gia đình giàu có ở thành phố.

Chị Mây đi làm quanh năm suốt tháng, chỉ có dịp lễ Tết mới về thăm bố mẹ. Các em chị đều có gia đình, kinh tế ổn định và chăm sóc cho bố mẹ ở quê cuộc sống đầy đủ. Thế nhưng ông bà lúc nào cũng thương và lo cho chị Mây nhất “vì nó là đứa chịu nhiều thiệt thòi”. Thấy con gái ngoài tuổi băm mà chẳng thấy ai để ý, lại không có nhan sắc và công việc tốt, ông bà lại càng lo lắng bội phần.

Cũng nhiều lần bố mẹ giục chị Mây về quê xin vào làm công nhân ở nhà máy gần nhà, rồi mai mối người làng xã để lấy tấm chồng nhưng chị Mây nhất quyết không nghe. Chị muốn kiếm chút vốn rồi dăm bảy năm nữa về quê mở một cửa hàng tạp hóa nho nhỏ trang trải cuộc sống qua ngày. Còn chuyện chồng con là do duyên trời sắp đặt.

Lại nói đến chuyện chị Mây làm giúp việc cho một gia đình ở thành phố. Vì tính tình thật thà, chịu khó, nhanh nhẹn, lại khéo léo biết làm mọi việc trong nhà từ chăm trẻ đến nấu nướng, dọn dẹp nên chị Mây được anh chị chủ quý mến, coi như người thân trong nhà. Những đứa trẻ cũng yêu quý chị như người mẹ thứ hai.

Có chị Mây chăm con cái và nhà cửa nên vợ chồng chị Mai - chủ nhà yên tâm với công việc bận rộn tại xưởng may riêng của gia đình. Chị Mai có một người em trai tên Tân, bằng tuổi chị Mây, làm quản lý xưởng may. Anh Tân là mẫu người hài hước, thân thiện, lại quý trẻ con nên thường xuyên đến nhà chị Mai chơi vào cuối tuần.

Mỗi lần đến anh đều trò chuyện thoải mái, vui vẻ với chị Mây nên chị cũng ít e ngại, coi anh như một người bạn. Có một điều mà anh Tân và chị Mây đồng cảm với nhau đó là suốt ngày bị bố mẹ giục lấy vợ, lấy chồng. Nhiều lúc vui đùa anh Tân hỏi chị Mây: “Hay tôi với bà yêu nhau đi cho vẹn cả đôi đường”. Chị Mây biết anh Tân nói vui nên cũng chẳng bận tâm những lời nói đó. Bởi chị biết mình chỉ là cô gái quê xấu xí, học vấn thấp nên chẳng dám mơ cao sang với người thành phố.
Thế nhưng chị Mây không hề biết rằng anh Tân lại có tình cảm thật lòng với chị từ rất lâu rồi. Một dịp cả gia đình anh Tân đi du lịch, nhưng anh bận việc riêng nên ở nhà. Không may, anh Tân bị cảm lạnh sau một trận hứng cơn mưa bất ngờ đầu mùa. Nhà không có ai ở nhà, nên chị Mai gọi điện về nhờ chị Mây sang mua thuốc và lo đồ ăn thức uống cho anh Tân.

Nhìn chị Mây bưng bát cháo nóng hổi, thơm phức lên phòng, chờ anh ăn xong rồi dọn dẹp nhà cửa tinh tươm mới ra về khiến anh Tân cảm động vô cùng. Từ hôm đó, anh Tân quyết tâm chinh phục chị Mây, bởi chị đúng là một người phụ nữ của gia đình mà anh tìm kiếm bấy lâu nay. Chị Mây ban đầu từ chối vì nghĩ mình không xứng với anh Tân, nhưng bằng tình yêu chân thành, kiên trì của anh mà cuối cùng chị cũng gật đầu.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Anh Tân muốn công khai chuyện tình cảm nhưng chị Mây sợ bố mẹ, chị gái anh phản đối nên lần lữa mãi. Cuối cùng, không hiểu bằng cách nào mà cả gia đình anh Tân biết chuyện hai người đang hẹn hò. Bố mẹ anh Tân hẹn chị đến nhà nói chuyện khiến chị lo lắng đến mất ăn mất ngủ. Ngày gặp bố mẹ anh Tân, dù đã quen biết nhiều năm nhưng chị Mây lại ngại ngần không dám nói điều gì. Chị căng thẳng đến nỗi tiếng chào cũng run lập bập.

Bố mẹ anh Tân nói chuyện rất từ tốn, hiểu biết, chị Mây chỉ biết “dạ, vâng”, nhưng điều chị bất ngờ nhất là ông bà còn giục hai người làm đám cưới nhanh để sớm có cháu nội bế bồng. Chị Mây không thể tin nổi điều mình nghe thấy, chỉ đến khi thấy anh Tân nắm chặt tay thì chị mới bừng tỉnh.

Ngay từ hôm ấy, bố mẹ anh Tân đã gọi điện về cho bố mẹ chị ở quê, xin phép cho hai người quen nhau và chốt luôn ngày cưới. Bố mẹ chị bất ngờ lắm nhưng cũng vô cùng hạnh phúc, vì biết gia đình anh Tân mấy năm nay, họ đều là những người rất tốt và hiền hậu.

Mọi việc từ về ra mắt, đến dạm ngõ và đính hôn nhanh “như chớp” khiến chị Mây nhiều lúc cứ nghĩ như là mơ. Đến khi làm cô dâu, đứng trên sân khấu nhận vô vàn lời chúc của gia đình, anh em, bạn bè khiến chị không thể kìm nén cảm xúc, bật khóc.

Sau khi kết hôn với anh Tân, chị Mây không còn làm việc ở nhà chị Mai nữa. Chị tham gia một khóa học may để về làm việc ngay tại xưởng may của gia đình. Niềm hạnh phúc nhân lên gấp bội khi vợ chồng chị chuẩn bị đón con trai đầu lòng và được gia đình chồng hết mực thương yêu.

HÀ LINH

Tin cùng chuyên mục

Tưởng chung mà hóa... riêng

Tưởng chung mà hóa... riêng

(PNTĐ) - Có những tài sản, khoản nợ hình thành trong hôn nhân, được biết bởi cả hai vợ chồng nhưng lại không phải là tài sản và nợ chung. Vì vậy, quyền sở hữu tài sản hay trách nhiệm trả nợ lại chỉ thuộc 1 trong 2 bên.
Một ngày hai lần làm giỗ cha...

Một ngày hai lần làm giỗ cha...

(PNTĐ) - Cứ đến ngày giỗ ông Thành là đám con cháu, họ hàng thân tộc nhà ông lại nhộn nhịp vào ra ăn cỗ hết nhà con trai trưởng đến nhà con trai thứ. Cỗ nhà nào cũng to, khách mời không kém nhau một người. Ai ăn cỗ nhà anh con trưởng mà không vào ăn cỗ ở nhà con trai thứ hoặc ngược lại thì thế nào ngày mai cũng… to chuyện.
Đàn bà, con gái biết gì

Đàn bà, con gái biết gì

(PNTĐ) - Câu nói cửa miệng của anh với vợ thường là: “Đàn bà con gái biết gì mà tham gia”, “Đàn bà con gái chỉ làm hỏng việc”... Đến nỗi, nhiều khi anh nói với vợ trong sự vô thức như một thói quen...
Tri ân những con người góp phần làm nên lịch sử

Tri ân những con người góp phần làm nên lịch sử

(PNTĐ) - Kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, các cấp Hội Phụ nữ Hà Nội đã tổ chức nhiều hoạt động, chương trình ý nghĩa, thiết thực thăm hỏi, tri ân các các nữ thương binh, vợ liệt sỹ gia đình có công, san sẻ khó khăn với phụ nữ... Các hoạt động đã góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, đồng thời khơi dậy khát vọng cùng góp sức xây dựng đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.