Chị phải sống cho riêng mình

Chia sẻ

Người phụ nữ 49 tuổi ấy kết hôn năm 19 tuổi với một người đàn ông vừa mãn hạn tù. Hai mươi năm làm vợ, những trận đòn của chồng dành cho chị nhiều hơn những bữa cơm chị ăn. Năm con trai chị đủ 20 tuổi, chị ly hôn chồng và chấp nhận ra đi với hai bàn tay trắng, không tiền bạc, không tài sản, không con.

Ba lần đi làm nghề giúp việc ở Đài Loan, mấy lần về chơi, bị chồng cũ và con trai “chiếm đoạt” hơn 2 tỉ. Trước đại dịch Covid- 19, chị về chơi lần nữa, rồi bị kẹt lại ở Việt Nam, đã phải chứng kiến tận cùng sự bạc bẽo của người chồng cũ và vợ chồng đứa con trai duy nhất. Chị muốn ra đi và mãi mãi không về nữa, nhưng còn đắn đo, vì vậy chị đã tìm đến văn phòng tư vấn tâm lý của chúng tôi để “tham khảo ý kiến” trước khi quyết định lần cuối. Chị đồng ý để chúng tôi chia sẻ câu chuyện của cuộc đời mình, với điều kiện không nêu tên và địa chỉ thực. Tất nhiên, đây là nguyên tắc làm việc của chúng tôi, dù chị không yêu cầu…

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Năm 19 tuổi, em gặp “lão ta”, một người hơn em 10 tuổi, lại mới đi tù về, vậy mà em lại xúc động đến kỳ lạ. Dáng vẻ phong trần, cách ăn nói tự nhiên, nói to, quyết đoán, cái cách anh ta sấn sổ vào nắm tay em, kéo giật về phía mình, rồi ôm, rồi hôn tới tấp khiến em bị khuất phục luôn. Em tìm hiểu thì biết anh ấy đi tù vì tội đưa người yêu (người yêu cũ của anh ấy) lên biên giới rồi bán sang bên kia. May chị ấy thoát được, trở về và làm đơn tố cáo. Khi biết em yêu anh đi tù về tội buôn bán người, cả gia đình em phản đối. Họ nói anh ta là “đầu gấu”, đã vào tù ra tội, không thể là người tốt. Rồi có ngày anh ta “chơi” chán, sẽ đem em đi bán như cô người yêu cũ của anh ta. Em hơi sợ, nhưng lại không dứt được sự quyến rũ mãnh liệt của anh ấy, nên vẫn trốn gia đình đi chơi với anh ấy, mặc dù hứa với gia đình là “chấm dứt không quan hệ nữa”.

Đi chơi với anh ấy thật thú vị, anh ta biết làm đủ trò mà những thanh niên em quen không thể làm được. Rồi một ngày em trao cho anh ta sự trong trắng của đời người con gái trong một vạt ngô ven đê. Hai tháng sau em phát hiện mình có thai. Bố em khó tính là vậy, nhưng khi biết em có thai với anh ta, đành khóc nấc lên, rồi nói rằng “mày bảo nó tới đây gặp tao, bàn việc cưới xin, chứ để ễnh bụng lên thì chúng tao chỉ còn nước đeo mo vào mặt vì có con gái chửa hoang”. Cuộc hôn nhân của em đã bắt đầu như thế.

Em sinh con trai non ngày, thiếu tháng, thiếu cân, một mặt do sức em yếu, một mặt em không được chăm sóc, ăn uống đầy đủ. Từ ngày về nhà chồng, em không một ngày hạnh phúc. Mẹ chồng và các em chồng em đay nghiến vì cho rằng em là loại “nứt mắt ra đã chỉ thèm trai”. Họ bảo họ thương bố mẹ em, nên mới cưới, chứ không ai muốn rước cái loại gái dễ dãi về làm dâu trong nhà. Chồng em thì hiện nguyên hình một kẻ “đầu gấu”. Không nghề nghiệp, không thu nhập, lang thang lêu lổng suốt ngày, tham gia nhiều nhóm thanh niên xấu, nghiện ngập rượu chè, thường đi chơi sang huyện khác, tỉnh khác, vài ngày mới về. Về nhà là hạch sách ăn uống, đòi tiền để đi chơi. Anh ta biết khi em cưới, bố mẹ và họ hàng bên em cho em chút ít làm của để dành, bèn yêu cầu em nộp hết. Tức giận là anh ta đánh, mà toàn đánh ác, đấm vào mắt, đạp vào bụng, vào chỗ kín, bóp cổ. Uống rượu về là đè vợ ra đòi quan hệ, không cần biết rằng em có khoẻ hay yếu, có thích hay không. Em làm không được giống như trên băng đĩa anh ta hay xem, anh ta dựng em dậy, tát vào mặt, bảo em ngu, có mỗi cái việc chiều chồng mà không làm được tử tế, không bằng mấy “cô gái đứng đường”. Đẻ con ra, gia đình chồng cũng không quan tâm. Chồng thì đi lêu lổng, gia đình chồng không cho ăn, em phải nhờ bố mẹ đẻ hàng ngày mang cho em đồ ăn. Nói chung, một ngày em có thể ăn hai bữa cơm, nhưng có hôm em ăn ba trận đòn vô cớ của chồng. Em không dám kêu ai, vì chỉ cần chia sẻ với người khác là em lại bị ăn đòn. Em không dám ca thán với nhà ngoại, bởi họ đã ngăn cản em lấy anh ấy mà em cố tình không nghe lời. Em cũng không dám báo cáo với các cơ quan, đoàn thể, sợ họ không giúp gì được mà sau đó em còn bị đánh nhiều hơn. Cứ như vậy em sống gần 20 năm, chỉ vì thương con, không muốn để con không có bố!

Nhưng con giun xéo lắm cũng quằn. Năm con trai em 20 tuổi, em viết đơn ly hôn chồng. Chồng em tức giận, doạ giết em, nhưng sau lão ta đồng ý với điều kiện “mày cút ra khỏi nhà tao, không được mang theo bất cứ thứ gì!”. Em đồng ý ra đi tay trắng, mà có đòi hỏi cũng chẳng có gì mà chia. Rồi em đi xuất khẩu lao động ở Đài Loan. Ở cái tuổi 39, em chỉ có thể làm nghề giúp việc gia đình, chăm sóc người già ốm đau, bệnh nặng, làm nông nghiệp…Dẫu vất vả, nhưng được cái thu nhập hàng tháng cũng khá. Tuy chia tay rồi, nhưng em thường xuyên gửi tiền về cho chồng em để lo cho con trai. Tính ra mỗi năm em gửi vài trăm triệu. Em cũng bảo chồng (cũ) của em gom góp mua lấy một mảnh đất cho con, sau này con còn lấy vợ.

Lần đầu về quê sau 5 năm đi làm ăn, em thấy chồng em không lấy ai, con em cũng đi làm, chưa lấy vợ, nên em lại về ở cùng bố con nó, coi như chưa ly hôn. Hết phép, em lại đi. Sau khi hết hợp đồng ký kết với công ty, em đã trốn ra ngoài để tìm việc làm, nghĩa là sinh sống bất hợp pháp, do đó cũng ít ra ngoài, không về phép, sợ bị cảnh sát bắt. Thế là được bao nhiêu tiền, em gom lại gửi về cho chồng mua đất, hy vọng sau này em sẽ ở với con trai, con dâu, cháu nội.

Rồi đợt cách đây 2 năm, con trai em lấy vợ, nên em phải về lo việc cho con. Lo xong việc cưới vợ cho con thì đại dịch Covid-19 bùng phát trên toàn thế giới, em không thể đi được nữa. Gần 2 năm phải ở nhà, em bị bố mẹ nuôi bên kia gọi ầm ầm, bảo tìm đường mà sang bên đó, chứ họ cần em lắm. Em nghỉ là không có ai chăm sóc hai ông bà và làm mấy sào vườn trồng cà chua sạch. Em lại buồn vì chứng kiến cảnh chồng em mua đất, con em làm nhà bằng tiền của em, nhưng cả hai người đối xử với em chẳng ra gì. Chồng em nói với con trai em rằng em sang bên đó làm “gái bao” cho nhiều ông già, sống sung sướng, chê Việt Nam nghèo, không về. Nó ở lâu với chồng em cũng nhiễm thói gia trưởng, bạo lực, vũ phu, bạc nghĩa, bạc tình như bố nó. Cưới vợ xong, nó bảo vợ chồng nó không muốn sống với ai, rách việc lắm, nên cấm em đến nhà nó, cái nhà mà do em gửi tiền về để chồng em mua cho nó đấy ạ. Chồng em cũng đuổi em ra khỏi nhà, nói rằng chẳng còn là vợ chồng nữa. Em biết số tiền em gửi về bao năm nay, ngoài việc mua mảnh đất, làm nhà cho con trai, vẫn còn, nhưng lão chồng em cãi bay cãi biến rằng hết rồi, không còn đồng nào nữa… Hiện nay dịch dã cũng bớt căng thẳng, em định đi đợt này là mãi mãi không về nữa, coi như không có chồng, không có con. Bao năm nay em gửi tiền cho con, coi như hết nghĩa vụ, không ai trách em là vô trách nhiệm được nữa. Giờ em phải sống cho mình…

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Chúng tôi nghe xong câu chuyện của người phụ nữ và không muốn khai thác gì thêm về quá khứ, bởi người trong cuộc cũng đã rút ra kết luận là “phải sống cho mình”. Do thiếu hiểu biết, do hoàn cảnh gia đình, do không ai khích lệ, động viên, khiến chị chấp nhận cuộc hôn nhân bất hạnh suốt mấy chục năm trời. Do cả tin, dễ dãi, thiếu kinh nghiệm thực tế cuộc sống, nên khi có tiền lại trao gửi cho người chồng đã ly hôn, khiến bây giờ gần như trắng tay. Do hoàn cảnh gia đình ly hôn, do ảnh hưởng của người cha bạo ngược, do không được ở gần mẹ để nhận tình cảm yêu thương, chăm sóc, quan tâm, khiến cậu con trai cũng không tử tế. Chị đã gần như hai lần mất trắng, lần sau ly hôn và lần này.

Chúng tôi động viên rằng, chị chưa quá già, cũng còn sức khoẻ để lao động. Chị mà ở lại Việt Nam chắc cũng chỉ đi làm thuê những công việc đơn giản như phụ hàng phở, quán café hay đi làm giúp việc, lương tháng chỉ vài triệu, chỉ đủ ăn, khó mà có tích luỹ. May mắn chị vẫn còn mối quan hệ tốt ở bên đó, cố gắng đi làm một thời gian, dù sao thu nhập cũng cao hơn và công việc cũng quen thuộc rồi. Tuy nhiên, giờ đây chị phải biết giữ tiền cho mình bằng cách mở tài khoản ngân hàng để chuyển tiền vào đó gửi tiết kiệm. Việc chị quyết định ở lại vĩnh viễn hay sẽ có lúc về Việt Nam còn căn cứ tình hình cụ thể sau này. Bây giờ, chị đang giận con, giận chồng cũ, lại bị trắng tay, nên chỉ muốn đi biền biệt, mãi mãi. Nhưng có thể ít năm nay nữa, chị sức yếu, lại có chút vốn kha khá, muốn trở lại quê nhà sinh sống.

Có thể thông cảm cho “số phận” của chị một phần, nhưng chúng tôi vẫn phải nói rằng mỗi con người là người làm chủ cuộc đời mình. Hạnh phúc hay bất hạnh phụ thuộc rất nhiều vào sự hiểu biết, vốn sống, cách ứng xử trong cuộc sống. Thiếu những thứ đó, có kiếm ra tiền rồi cũng không giữ được mà dùng. Đặc biệt, hãy biết dừng lại càng sớm càng tốt khi cuộc hôn nhân chỉ mang lại đau khổ cho bản thân mình, đừng chấp nhận hy sinh!

Chuyên gia tư vấn tâm lý ĐINH ĐOÀN

Tin cùng chuyên mục

Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.