Chợ chiều

Chia sẻ

Chợ nhỏ xíu xiu, hẹp và dài như ngôi nhà ống. Mặt tiền treo bảng: chợ P. Treo cho có lệ; bởi nó bị cây sanh ngôi nhà kề bên xòa tán lấp (gần) mất. Ông quản lí chợ kêu cưa, người nhà cự nự: “để cho mát”. Cái chợ nhỏ bằng đít cóc, họp một dúm người, ai không biết mà bảng tên?

1

Chợ nhỏ xíu xiu, hẹp và dài như ngôi nhà ống. Mặt tiền treo bảng: chợ P. Treo cho có lệ; bởi nó bị cây sanh ngôi nhà kề bên xòa tán lấp (gần) mất. Ông quản lí chợ kêu cưa, người nhà cự nự: “để cho mát”. Cái chợ nhỏ bằng đít cóc, họp một dúm người, ai không biết mà bảng tên? Mấy nàng buôn bán đụt dưới bóng mát đó cũng hùa theo phản đối. Thua. Kệ, bảng biếc làm chi, tên chợ là… chuyện nhỏ, chỗ đụt mát mới cần!

Cái ý tưởng này chị cũng tán thành, bởi thay đổi công việc nên chị thường đi chợ chiều. Chợ P nắng ơi nắng!

Bữa lần đầu chị vô chợ, ghé hàng trái cây. Chưa kịp mua gì đã bị đập đít cái “bách”. Ẹp gái dữ! Giọng đơn đớt kèm theo tiếng cười giòn tan. Giật mình quay lại tưởng người quen. Không, không quen. Khuôn mặt phụ nữ trạc tuổi ba mươi trái xoan bầu bĩnh. Ăn mặc dễ coi, chỉ có nụ cười hơi… ngây ngô. Xin lỗi, chị…??? Bà bán trái cây bật cười: Chị em gì, con Khờ đó cô. Nó xin tiền, gặp ai cũng khen “ẹp gái”! À, ra vậy. Chị rút tờ tiền lẻ. Cô gái nhận tờ tiền rồi lại mỉm cười, khen “ẹp gái” trước khi bỏ đi. Nhìn sau lưng, bộ dạng sạch sẽ gọn gàng, thắt đáy lưng ong, thêm đôi gót chân trắng hồng trong đôi dép nhựa. Không một dấu hiệu chứng tỏ cô gái sinh ra nhằm cửa “cái bang” hay thiểu năng. Dáng dấp kia đem đặt giữa chợ đời thừa sức khiến vô số đàn ông phải “chết”.

Đi chợ P lần hai lại được đập đít, được khen “ẹp gái”. Chị thăm dò bà bán trái cây. Như bắt trúng đài, bà hào hứng: trời, phải mình cô ngạc nhiên đâu, ai vô chợ lần đầu cũng hỏi. Xưa nó là “hoa khôi” vùng này đó cô. Đẹp, lại còn học giỏi. Chẳng biết năm cuối cấp yêu đương sao mà thằng bồ bị tai nạn chết. Nó thất tình bỏ học, thành dở người luôn. Giờ còn mỗi một mẹ già chứ không có người thân. Khờ nhưng được cái sạch sẽ, dễ thương nên ai cũng ưa. Kẻ cho nhiều người cho ít. Ngày nào cũng có đồ mang về. Bữa trước ông quản lí chợ tính đuổi nhưng bà con cản, bảo cứ để nó xin cho… vui chợ!

Rời chợ, chị ngoắc ngoắc cô Khờ, rút cho tờ bạc mệnh giá to hơn lần trước…

Ảnh minh họaẢnh minh họa

2
Chợ Chiều (chị thích gọi bằng cái tên tự đặt) thường không có cá biển. Cá lên, thương lái thu gom đổ qua các chợ sáng. Vậy nên tôm cá chợ chiều chỉ vỏn vẹn vài mẹt cá trắng đồng, tôm sông. Thêm thớt thịt nhỏ, vài ba gánh chè cháo, đậu non. Hai sạp trái cây. Còn toàn hàng nông sản người trong vùng đem bán. Rau củ, chuối, bắp… Chừng hai chục người bán - cả chuyên cả không chuyên. Người mua chắc cũng chừng ấy. Không sao, “thực đơn” cần thiết sáng cuối tuần chị đã đi (chợ Trung tâm) mua đủ. Đi chợ Chiều là mua thêm, những thứ không có (hoặc khó) tìm ở chợ sáng. Mẹt cá trắng, mẹt tôm sông, mớ đọt lang, đọt bí hay xâu cua đồng… Đặc sản quê. Chị ưa ăn cá trắng đắng kho khô, ăn tôm gạo nấu canh mồng tơi, rau ngót vườn nhà hơn các thứ “sơn hào hải vị”. Vậy nên yêu chợ chiều, yêu cái bản sao hiếm hoi còn sót của những ngôi chợ quê phổ biến một thời trong kí ức mù khơi. Ghé chợ Chiều một lần đủ thích. Hai lần đủ thành “bạn hàng”. Quen mặt sắp lượt: chị Hân bán chè. Cô Nụ, bà Tám bán trái cây. Thớt thịt bà Mến. Mẹt tôm cá của vợ chồng anh Ba Trong và... Ngày sao… hai lần đi chợ? Ai gặp, ngạc nhiên hỏi chị chỉ cười…

Tôm sông, cá đồng, trai hến mua của vợ chồng anh Ba Trong. Anh Ba Trong chuyên đơm đó, vãi chài, giăng câu, móc hến tận đồng trong, nơi có con sông nhỏ chảy qua. Nghe kể: trước cũng nhiều người tranh “thị phần” lắm, nhưng nay nguồn cá tôm cạn kiệt không ai thèm làm, còn mình anh chịu khó chịu thương ngoi ngóp, vét được gì đem bán nấy.

Thấy vụn vằn vậy nhưng là tôm cá tự nhiên, hổng phải đồ nuôi cô ơi.

Vụ này chị tin. Không ai đi nuôi chi cá trắng, tôm gạo, những thứ bán không được mấy đồng. Thêm cái vụ nay bán món này mai bán món kia hoặc lộn xộn “giã cào” một mẹt đủ loại tôm cá linh tinh, lộn thêm rác rến, bùn non là biết thôi. Hết rồi, cô ơi, chị Ba Trong vừa bưng mẹt cá/tép ít ỏi trút vô bịch nylon cho chị vừa thở dài, sông hồ vớt miết giờ chẳng còn gì mà vớt. Chắc nay mai ông xã em cũng phải bỏ nghề… Tiếng than của người phụ nữ chân quê nghe buồn như câu hát xuống xề. Móc túi đưa thêm tiền cho chỗ tôm cá ít ỏi kia như muốn níu kéo chút thân thương sắp vuột khỏi tay nhưng chị biết: nó gần như vô vọng. Tất tật - rồi sẽ phải đi theo cái quy luật nghiệt ngã của cuộc chơi nhân danh Tiến Bộ.

*
Rau cỏ chợ Chiều chị quen mua của bà cụ nơi góc chợ.

Bà cụ khuôn mặt quắt queo nhưng cái đầu còn minh mẫn. Kêu con, kêu mày, xưng “bác” hoặc “tao” rất đỗi bình dân. Rau nhà trồng, hông phân thuốc gì ráo con ơi… Những bó rau lang, rau dền, bồ ngót, mồng tơi có vẻ cội cằn. Bác phân bua: Thấy không ngon nhưng luộc ngọt nước lắm. Mày mua ăn thử, ngon bữa sau ghé mua giùm bác… Tội, bữa nào bán có thứ gì thiếu hoặc không ngon cũng nói thật. Hôm nay con ăn canh mồng tơi đỡ chớ bồ ngót nắng quá nó chưa kịp lên. À, dưa leo có mấy trái bị eo, chắc gốc hơi đắng. Mày thích mua bác để rẻ? Không sao, bác để con lấy, đắng chút vẫn là “dưa sạch”… Mặt bà cụ rạng lên, những nếp hằn chi chít có chút giãn ra. Chị cười, trêu: mua bán mà bác thiệt thà quá tay, bộ hổng sợ khách chê na (à)? Bà cụ cười móm mém: mình nhà quê, mua bán có sao nói vậy, điêu toa chi cho nó báo ứng đời sau… Chị nghe, hình dung ra cảnh nhà bà cụ. Chắc là êm ấm lắm. Người như cụ, không để được bạc tiền chắc cũng để được phước đức cho cháu con. Trồng cây đức hổng sức mà ăn…

Ảnh minh họaẢnh minh họa

3
Covid-19. Tỉnh phát lệnh giãn cách.

Nối dài những thông báo khẩn nhằm truy vết. Đầu tiên là chợ sáng - trung tâm huyện! Chị trốn biệt, không dám léo hánh. Chợ Chiều giờ thành “phao cứu sinh” duy nhất. Cái chợ bị người mua to bán lớn “chê”, giờ vô hình trung thành ốc đảo sót chút bình yên trong Cơn Hồng Thủy Covid. Ban đầu cũng lo, nỗi lo người mua kẻ bán tứ phương tránh “giặc” – giống như chị - sẽ tập trung về chợ Chiều. Nhưng ra vô vài lần thấy yên tâm: chợ dường như vẫn từng ấy người bán mua. Cô Khờ vẫn tươi tỉnh đón chờ chị để vừa đập đít vừa khen ẹp gái. Đôi lúc, tưởng như ngôi chợ quê của chị đã từ lâu tách lìa khỏi cái thế giới bụi bặm nhiễu nhương của Cõi Ta Bà.

*
Sáng. Như thường lệ, chị mở điện thoại xem bản tin Covid-19 mới nhất đầu ngày. Đập vào mắt một dòng tin khiến chị sửng sốt: “Khẩn: Những người có đến chợ P thôn…, xã… từ … giờ đến… giờ mau liên hệ với cơ quan y tế gần nhất để khai báo…”. Thôi rồi, vậy ra cái “ốc đảo bình yên” của chị cũng không còn bình yên nổi nữa. Chớp mắt, chữ nghĩa bỗng nhòe đi trong một nỗi căm giận bột phát. Con virus ấy, cái đồ súc sinh ấy, cầu cho quỷ dữ… băm vằm mày ra! Rủa xong chợt thấy mình ngu: con virus ấy, bản thân nó đã là quỷ dữ rồi, còn quỷ dữ nào đi băm vằm nó được?

Lần này thì hết đường chạy trốn. Vậy nhưng, cũng phải cầm cự vài ngày cho cảm giác hãi sợ lắng bớt, cho cái tủ lạnh chứa đồ ăn dự trữ thật sự trống trơn. Chị lại đi chợ Chiều. Khẩu trang găng tay kín mít. Hết thức ăn một phần, nhưng mới mấy ngày thôi mà sao bụng cứ thấy cồn cào nôn nao. Nhớ…

Chợ Chiều vắng ngắt vắng ngơ. Một dúm người, dồn hết nấu trã canh không ngọt*. Người nào người nấy lùm lùm khẩu trang kín mít. Không thấy bóng cô Khờ tung tăng. Cô Nụ trái cây dòm ngửa dòm nghiêng khuôn mặt che kín của chị đến hai ba bận mới trật ờ**: trời, cô giáo mà bữa nay khiến tui ngó miết. Cái con Cô… quỷ gì đó thiệt báo hại quá xá, mặt mũi cứ lùm lùm che như đi ăn trộm kiểu vầy có khi anh em túm đầu nện nhau cũng không hay… Đang lo héo ruột gan nhưng nghe nói chị cũng phải bật cười. Dịch giã, chợ búa đìu hiu vầy rồi buôn bán sao chị? Không ra sao hết cô ơi. Cô dòm coi, chợ còn chỉ có mấy con người. Chị em sợ dịch nghỉ ở nhà quá nửa. Chỉ tụi tui làm bữa mai đắp bữa chiều nên buộc phải đi. Sợ dịch ai không sợ, nhưng nghỉ bán lấy gì ăn? Nói xong, cô thở dài đánh sượt nghe rất “nỗi niềm”...

Chị nhờ cô trông hộ chiếc xe, xăm xăm tiến thẳng chỗ bà cụ bán rau vẫn ngồi lúc trước. Năm giờ chiều mà đống rau trước mặt cụ còn đầy ụ. Độ rày trời mưa chăng (thường mưa), chắc rau vườn cụ lên tốt. Mấy hôm không gặp, những nếp nhăn trên mặt cụ dường như sâu thêm. Hiểu. Chị sà xuống chọn, mua giúp cụ đến hết mức cái tủ lạnh nhà có thể trữ trong ngăn rau. Bà cụ tươi lên, xắng xở dồn hết không chỉ chỗ rau chị chọn vào bao mà còn hốt cho thêm, miệng không ngớt cám ơn. Khệ nệ rinh bao rau ra xe, cô Nụ thấy, ngạc nhiên: trời, cô giáo mua rau chi nhiều dữ? Mình mua ủng hộ cho cụ về nghỉ. Già cả vậy rồi, tội quá… Ừ, tội thiệt đó. Có mỗi đứa con gái xinh đẹp giỏi giang ai dè đổ khờ. Giờ dịch giã còn bị đưa cách ly mới “oan gia”… Ủa, ai vậy chị? Thì con Khờ chợ mình đó chớ ai. Con gái bà cụ bán rau đó cô giáo. Bữa trước nó lỡ dại xin tiền của bà khách ghé chợ - nghe nói là “ép không” gì đó - nên mới bị hốt đi…

Y NGUYÊN

*Thành ngữ Phú Yên, có nghĩa: quá ít!
**Đột ngột nhận ra
(Phương ngữ Phú Yên)

Tin cùng chuyên mục

Người ngoài

Người ngoài

(PNTĐ) - Bữa đó, Bình tình cờ gặp lại Loan, người yêu cũ từ thời đại học. Hai người sống cùng một thành phố, vậy mà hơn 20 năm rồi mới vô tình chạm mặt nhau. Bình cứ đứng trân trân nhìn Loan cho tới khi cậu con trai 5 tuổi giật tay anh, gọi: “Bố, con muốn về”.
Cành cây của Chúa trời

Cành cây của Chúa trời

(PNTĐ) - Với những đứa trẻ khác, sinh ra trong một gia đình có bố là quan chức, mẹ là giáo sư đại học cũng giống như nắm giữ chiếc chìa khóa vàng. Nhưng đó là một loại áp lực đối với tôi vì tôi không được thừa hưởng gen tốt của bố mẹ.