Chồng “bán mình” nuôi... vợ con, thương hay hận?

Chia sẻ

Chị là một người vợ, ở nhà nội trợ chăm sóc con từ lúc kết hôn cho tới bây giờ. Chồng chị làm trụ cột kinh tế gia đình. Dịch Covid-19 bất ngờ xảy ra khiến công việc của anh bị ảnh hưởng, thu nhập bị giảm sút, cuộc sống gia đình khó khăn, bế tắc. Và rồi, anh tìm giải pháp làm kinh tế bằng cách mà chị không bao giờ ngờ đến...

Người vợ ấy tìm đến phòng tư vấn Tâm Giao trong chiều muộn, mang theo đứa con nhỏ vừa đón ở trường học về. Chị bảo phải đấu tranh tư tưởng mãi mới dám đến phòng tư vấn, vì nghĩ công khai chuyện gia đình ra cho người ngoài biết cũng chẳng hay ho gì, "xấu chàng hổ ai". Nhưng rồi, sau cuộc đối mặt với người phụ nữ đó, đêm về chị không ngủ được. Cứ thế, chị rơi vào trạng thái trầm cảm, cảm thấy cuộc sống lúc nào cũng u uất, bế tắc rồi trút giận sang con vô cớ.

Đưa điện thoại cho đứa con trai chơi để nó ngồi im một chỗ, chị bắt đầu kể về câu chuyện của mình. Lấy chồng hơn 10 năm, có hai đứa con, cuộc sống của chị xoay quanh công việc nội trợ, chăm sóc con ở nhà. Chồng chị là người đàn ông hình thức điển trai, làm trong lĩnh vực khách sạn. Lâu nay, một mình anh làm trụ cột kinh tế gia đình. Là người có năng lực và tay nghề nên ngoài công việc chính, anh còn nhận làm thêm cho các sự kiện đám cưới, tân gia bên ngoài. Nhờ đó thu nhập ổn định, chị yên tâm chăm sóc con cái, không phải lo nghĩ chuyện làm kinh tế.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Cuộc sống gia đình chị ổn định hạnh phúc cho đến thời điểm giữa năm ngoái. Khi mà công ty anh làm việc bị thua lỗ, cắt giảm thu nhập. Sau đó dịch Covid-19 ập đến, khó khăn bao trùm cả xã hội, giảm việc làm, thậm chí nghỉ việc. Dịch ngày càng phức tạp, việc làm thêm bên ngoài cũng không có. Đồng nghĩa với nguồn thu nhập chính, phụ của anh bị giảm. Cuộc sống gia đình lâm vào tình cảnh khó khăn chưa từng có. Chị thì ngoài việc trông con, nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa ra, chẳng biết làm việc gì để ra tiền, chỉ trông chờ vào số tiền ít ỏi chồng đưa hàng tháng.

Một ngày, anh trở về bảo công ty đang có chủ trương cho một nửa nhân viên nghỉ việc chờ qua dịch gọi lại đi làm tiếp. Vì hiện tại, công ty chỉ cần một nửa nhân viên đi làm, do khách sạn không có khách. Đó là một cú sốc đối với cả hai vợ chồng, biết làm gì để sống? Chị bàn với anh, vợ chồng dắt nhau về quê "ăn bám" bố mẹ một thời gian, chờ qua dịch rồi tính tiếp. Nhưng phương án đó cũng không khả thi vì bố mẹ hai bên đều già yếu, chẳng giàu có gì để "bao nuôi" con cháu.

Không có việc làm, anh chán nản tìm bạn tụ tập cho khuây khỏa, rồi say sưa. Mỗi lần say, anh lại mắng chửi vợ con. Chị có lúc nhịn cho qua nhưng có lúc không chấp nhận được, cũng tiếng bấc tiếng chì trở lại. Vợ chồng mạt sát nhau, bạo lực xuất hiện. Cuộc sống của họ chưa bao giờ bế tắc như lúc này. Không ít lần, họ mang chuyện ly hôn ra nói.

Rồi bỗng một hôm, anh bảo đã có việc làm. Một chủ nhà hàng ăn uống thuê anh về quản lý. Anh đi làm được mấy hôm thì đưa tiền về để chị lo cho các con, bảo xin bà chủ cho ứng lương trước.

Công việc mới của anh cho thu nhập khá nhưng khiến anh vắng nhà liên tục. Trước đây, anh đi làm ban ngày, ban đêm vẫn về sinh hoạt với gia đình vợ con. Nhưng giờ đây, anh vắng nhà cả ban đêm. Chị thắc mắc thì anh bảo:

- Công việc quản lý cả ban đêm để sáng mai nhân viên đến sớm làm hàng giao cho khách nên ở lại cho tiện. Thời buổi này có công việc cho thu nhập khá như thế này là may mắn lắm rồi. Có phải ở lại cả ngày lẫn đêm cũng phải chấp nhận.
Chị chỉ biết thế và yên tâm với bổn phận chăm sóc con cái, quán xuyến công việc gia đình để chồng làm việc kiếm tiền. Cho đến hôm, chị có việc đi ra ngoài và bắt gặp anh cùng với một người phụ nữ bước xuống từ ô tô. Họ tình tứ đi bên nhau như vợ chồng, thậm chí anh còn âu yếm ôm eo người phụ nữ đó, nhẹ nhàng hôn lên trán cô ta. Chị không tin vào mắt mình nên vội vàng lấy điện thoại ra chụp lại những hình ảnh ấy. Về nhà, chị xem đi xem lại rất nhiều những bức ảnh đó, cố gắng tự biện minh là có một người đàn ông khác giống hệt chồng mình, chứ không phải anh. Nhưng rồi, chị không thể tự lừa dối mình bằng cách đó, bởi người đàn ông trong bức hình kia là anh thật sự. Đó là chiếc áo, đôi giày quen thuộc, cả chiếc đồng hồ kia nữa. Tất cả đều là đồ dùng quen thuộc, chị vẫn hay lau chùi, chuẩn bị cho anh mỗi sáng đi làm nên gần như nhớ hết những đặc điểm của nó. Vì vậy, đó không phải là sự nhầm lẫn, mà là sự thật 100%.

Đêm đó, chị gọi điện bảo anh về nhà ngủ vì chị ốm không thể tự lo cho con được. Ngỡ anh lo cho vợ mà về, ai ngờ anh bảo đêm nay nhiều việc nên không về được, chị hãy cố gắng, nếu mệt quá thì nhờ đứa em họ sang hỗ trợ. Chị biết anh đang nói dối. Hôm sau, chị tìm đến ngôi nhà mà hôm qua thấy anh và người phụ nữ ấy đi vào sau khi từ ô tô xuống. Không phải chờ đợi lâu, chị nhìn thấy anh và người phụ nữ đó lại tình tứ nắm tay nhau ra khỏi nhà. Sau đó, tài xế đánh xe đến và cả hai lên xe rời đi.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Chị gào thét trong máy điện thoại, bảo anh về nhà ngay lập tức. Hôm đó, anh thú nhận là đi ngoại tình. Nhưng việc ngoại tình đó là giải pháp tình thế trong hoàn cảnh mất việc của anh. Quan hệ với người phụ nữ đó, anh được trả công rất cao. Hóa ra, người phụ nữ đó ly hôn chồng, lớn hơn anh 5 tuổi và đang có nhu cầu "bao đàn ông" để cuộc sống "ấm áp, hạnh phúc" hơn. Biết anh phải nuôi vợ con, cô ta chấp nhận trả nhiều tiền để anh mang về cho vợ con sống.

- Nếu không làm vậy thì chúng ta lấy gì để sống? Em chịu thiệt một chút trong thời gian này. Qua mùa dịch, anh đi làm lại, có tiền thì sẽ bỏ công việc này. Nếu không thì cả nhà chết đói à? - anh vừa thanh minh, vừa dỗ dành chị.

Sau hôm đó, anh lại tiếp tục với công việc, vì nếu ngừng lại cả nhà "chết đói". Chị đau đớn nhưng không biết làm thế nào, và rồi cơn ghen trong chị cứ âm ỉ bùng lên. Ban đêm, chị gọi điện cho chồng nhiều hơn để quấy nhiễu những phút giây anh ở bên người phụ nữ đó. Và rồi, chị nhận lại được những tin nhắn của người phụ nữ đó gửi hình ảnh chăn gối của họ. Chị điên tiết tìm đến gặp cô ta để "đòi lại" chồng. Ai ngờ cô ta trắng trợn nói: "Trong thời gian này, tôi đang trả tiền "thuê" anh ấy. Nếu đòi chồng lại thì hãy trả hết số tiền từ trước tới nay anh mang về cho cô".

- Có phải là em đang cho "thuê" chồng mình không? - chị hỏi lại chuyên gia tư vấn. Bản thân chị không biết phải sống thế nào trong hoàn cảnh này.

Chuyên gia tư vấn nói với chị rằng với tình cảnh hiện tại cả ba người đều sai. Cái sai của chị là đã buông xuôi chấp nhận để chồng kiếm tiền bằng cách "bán mình" đó. Cái sai của chồng chị là làm một công việc vừa vi phạm đạo đức gia đình, vừa vi phạm pháp luật. Bởi anh đang có quan hệ bất chính với người phụ nữ khác ngoài hôn nhân. Cái sai của người phụ nữ kia là dùng tiền để thỏa mãn nhu cầu riêng trong cuộc sống bằng hành vi vi phạm pháp luật. Đó là quan hệ và sống như vợ chồng với một người đã có gia đình, vợ con. Nếu họ không dừng lại, cái giá mà cả ba nhận lại là quá đắt.

Do đó, để sửa chữa sai lầm, vợ chồng chị cần có sự định hướng lại trong cuộc sống. Phải chấm dứt cách làm kinh tế bằng con đường ngoại tình của chồng chị. Hai vợ chồng cần tìm kiếm việc làm khác. Nếu công việc dành cho đàn ông khó tìm hơn phụ nữ thì chị hãy tạm thời để anh trông con cho mình ra ngoài tìm việc làm. Những công việc phù hợp với năng lực của chị như giúp việc theo giờ, theo ngày, làm phục vụ... Hoặc, hai vợ chồng có thể vay vốn kinh doanh, buôn bán nhỏ. Hai người có sức khỏe, lành lặn thì không sợ chết đói chỉ sợ lười và không biết làm việc. Bản thân chị cũng nên tự lập, tìm việc làm khi con đã lớn, đi học. Khi một người phụ nữ làm việc, có thu nhập thì sẽ không bị rơi vào cảnh sống phụ thuộc chồng, phải chấp nhận mọi tình huống trớ trêu thiệt thòi trong cuộc sống như bây giờ.

TÂM GIAO

Tin cùng chuyên mục

Giữ lại những bữa cơm chung

Giữ lại những bữa cơm chung

(PNTĐ) - Tôi sinh năm 1972, thuộc thế hệ 7x – thế hệ giao thời giữa cũ và mới. Chúng tôi lớn lên trong thời kỳ bao cấp còn nhiều thiếu thốn, nhưng cũng chính vì thế mà càng thấm thía giá trị của gia đình. Trong ký ức tuổi thơ tôi, gia đình là nơi ấm áp và đầy nền nếp.
Nâng cao hiểu biết cho người lao động

Nâng cao hiểu biết cho người lao động

(PNTĐ) - Đa phần công nhân lao động đang làm việc trên địa bàn Thành phố đến từ các tỉnh/thành. Trong bối cảnh thế giới ảo đang có sức hút lớn, kênh giải trí chủ yếu của nhiều công nhân lao động là internet, rất cần có các hoạt động để nâng cao hiểu biết pháp luật, chăm lo đời sống tinh thần, tập hợp, thu hút, định hướng tư tưởng công nhân lao động.