CHỮ HIẾU VỚI CÔNG SINH VÀ CÔNG DƯỠNG

Chia sẻ

"Mẹ đẻ có công sinh thành, bố mẹ nuôi có công dưỡng dục. Thế nhưng giờ đây, tôi lại chỉ được lựa chọn báo hiếu cho mẹ đẻ hoặc bố mẹ nuôi". Đứng giữa công sinh và công dưỡng, tôi không biết phải làm sao cho tròn chữ hiếu…".

Tình yêu sâu nặng của bố mẹ nuôi

"3 năm du học, thêm gần 10 năm ở lại nước ngoài làm việc, tôi đã có một công việc ổn định, cuộc sống tươi sáng ở nước Anh. Thế nhưng, tôi vẫn quyết định lựa chọn trở về nước để sinh sống và lập nghiệp. Điều khiến tôi đưa ra sự lựa chọn đó là muốn quay về sống gần bố mẹ để báo hiếu cho họ lúc về già. Bởi nếu không có họ, cuộc đời tôi đã không có thể có được thành tựu cho ngày hôm nay, mà có thể sẽ mãi là đứa trẻ sống ở trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi.

Tôi không biết mình được đưa vào đó lúc nào, chỉ nhớ mang máng lúc tôi đón sinh nhật 5 tuổi xong thì được bố mẹ nuôi tôi bây giờ đến xin nhận nuôi. Một đứa trẻ chịu nhiều thiếu thốn, thiệt thòi như tôi bỗng chốc trở thành một đứa con cưng, sống trong sự nuông chiều của bố mẹ. Bố mẹ nuôi tôi không giàu có nhưng cũng cố gắng lo cho tôi cuộc sống đầy đủ từ nhỏ cho đến lớn. Từ ngày về với bố mẹ, với họ và cả với tôi, không có khái niệm "con nuôi" mà chỉ có "con cưng". Bố mẹ thật lòng yêu thương, xem tôi như con ruột họ sinh ra, chiều chuộng, chăm sóc tôi từng ly từng tý…" - người đàn ông gần 40 tuổi kể về câu chuyện cuộc đời mình với chuyên viên tư vấn trong một ngày đầu xuân.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Anh hồi tưởng về những ngày tháng sống trong tình yêu thương của bố mẹ. Cũng như gia đình khác, việc lo cho con cái học hành, lựa chọn nghề nghiệp luôn là mối quan tâm hàng đầu của những người cha người mẹ. Bố mẹ anh cũng không ngoại lệ. Ngày anh tốt nghiệp cấp ba xong, có mơ ước đi du học, họ đã không ngần ngại bàn tính chuyện bán nhà to mua nhà nhỏ ở để lấy khoản tiền dôi dư cho con trai đi du học. Nói là làm, bố mẹ anh đã bán đi mảnh đất có giá trị gần 3 tỷ đồng, chuyển sang mua căn chung cư cũ gần 1 tỷ, số tiền còn lại để lo cho anh đi du học 3 năm ở Anh. Anh còn nhớ, khi chuyển đến căn chung cư cũ chật chội, lòng tự hứa sẽ cố gắng học hành đỗ đạt, sau này quay về mua cho bố mẹ một căn biệt thự để sống an nhàn tuổi già. Nghe anh nói điều đó, bố mẹ bảo họ không cần sống trong căn nhà to đẹp, chỉ cần được sống bên cạnh con trai, mong con có tương lai tươi sáng hơn là đủ.

Công dưỡng dục cùng tình yêu thương vô bờ bến ấy của bố mẹ đã một lần nữa làm chỗ dựa vững vàng cho những năm tháng anh đi du học ở Anh. Nhờ họ mà 3 năm du học của anh không quá vất vả, khó khăn như một số người vừa đi học, vừa đi làm thêm. Vì bố mẹ, anh cố gắng học hành để có kiến thức cũng như bằng cấp tốt, mong kiếm được việc làm ổn định, thực hiện nguyện vọng lo cho cuộc sống của bố mẹ sau này.

Sau 3 năm học tập, anh tốt nghiệp loại giỏi và được một công ty công nghệ của Anh mời về làm việc. Sau mấy tháng đi làm, anh đã có thể tích lũy tiền bạc gửi về nước để bố mẹ có cuộc sống tốt hơn. Dự định của anh là cố gắng làm việc, xin được định cư ở Anh rồi đón bố mẹ sang sống cùng. Thế nhưng, ý nguyện của bố mẹ anh là sinh sống ở Việt Nam, không muốn sống già ở đất khách quê người. Họ bảo anh cứ lo cho sự nghiệp và cuộc sống của bản thân. Nếu anh muốn lập thân và lập nghiệp bên đó, họ cũng sẵn sàng ủng hộ. Bởi với họ, tương lai và hạnh phúc của anh là hàng đầu. Bấy giờ, anh còn biết số tiền mà anh gửi về cho bố mẹ hàng tháng, họ không tiêu pha gì mà tích lũy lại rồi mua đất để làm "của để dành" cho con trai sau này. Tình yêu và sự hy sinh đó của bố mẹ một lần nữa khiến anh nhủ lòng, bằng bất cứ giá nào cũng phải sống bên cạnh và lo cho bố mẹ tuổi già an nhàn, hạnh phúc. Đó là lý do, anh cố gắng làm việc để kiếm nhiều tiền rồi quay về nước sống gần bố mẹ.

Công sinh và công dưỡng: Lựa chọn sao cho tròn?

Trở về nước, anh mở văn phòng đại diện cho công ty công nghệ mà mình đã làm việc ở Anh, phát triển thị trường ở Việt Nam. Công việc tiến triển tốt, anh thành đạt, cuộc sống khấm khá, đủ sức lo cho bố mẹ cuộc sống an nhàn tuổi già.

Thế nhưng một ngày, anh được đón tiếp một vị khách đặc biệt. Người đàn ông đó tự nhận là bác ruột của anh và là anh trai của người mẹ đẻ ra anh. Anh bất ngờ, vì từ nhỏ đến lớn trong ký ức, cũng như những gì mọi người nói lại thì bố mẹ đẻ của anh không còn, nói chính xác hơn là họ đã "biến mất" kể từ khi bỏ rơi anh bên vệ đường của trạm y tế xã. Người dân đã phát hiện ra và đưa đứa trẻ bị bỏ rơi đến chính quyền. Sau đó, họ chuyển anh vào trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi. Anh trở thành đứa trẻ không có cha mẹ, họ hàng thân thích cho đến khi được bố mẹ nuôi nhận về làm con.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Dù bất ngờ, nhưng anh cũng bình tĩnh để xác định sự việc. Người bác đó dẫn anh đến gặp một người phụ nữ ốm đau, bệnh tật đang sống cùng ông ta. Trong ngày hôm đó, ông ta khẩn trương bảo anh đi làm thủ tục xét nghiệm AND để xác định huyết thống mẹ con. Kết quả xét nghiệm cho thấy, họ đúng là mẹ con ruột. Anh vừa mừng nhưng cũng vừa giận, bởi sự vứt bỏ mình mà người mẹ đẻ đã làm với mình trước đó. Người bác kể cho anh biết hoàn cảnh éo le của mẹ đẻ anh bấy giờ. Bà yêu và có thai với một người đàn ông có gia đình nhưng ông ta không chịu trách nhiệm với đứa con ngoài giá thú đó. Khi sinh con được mấy tháng, bà được một người đàn ông đã qua một lần đò lấy làm vợ. Thế nhưng, điều kiện ông đưa ra là chỉ cưới vợ, đứa trẻ ấy phải để lại cho bên ngoại nuôi. Bấy giờ, bên ngoại cũng chẳng ai có đủ khả năng để nhận nuôi đứa trẻ. Mẹ anh vì muốn có hạnh phúc nên đã đem con vứt bỏ.

Những tưởng, bà sẽ tìm được hạnh phúc bên người đàn ông đó. Nhưng chung sống với nhau hơn chục năm thì ông ta bị bệnh ung thư đã qua đời, họ hàng bên nội mang hai đứa cháu (là con riêng của chồng bà có với người vợ trước) về nuôi dưỡng, tài sản họ cũng dành cho cháu mình. Bà bị đẩy ra khỏi nhà chồng với hai bàn tay trắng. Mấy năm nay ốm đau, bệnh tật phải cậy nhờ vào vợ chồng anh trai.

Người bác của anh tình cờ biết được tin tức đứa cháu bị vứt bỏ ngày xưa nay đã thành đạt, giàu có, nên tìm đến đưa về nhận mẹ đẻ. Đồng thời, ông cũng đề nghị anh đón mẹ đẻ về chăm sóc, báo hiếu, nếu không thì chi tiền cho ông làm thay việc đó.

Bố mẹ nuôi anh biết chuyện đã phản ứng dữ dội trước việc anh nhận lại mẹ đẻ. Lòng yêu thương với đứa con trai mà họ xem chẳng khác gì con ruột lâu nay đã khiến họ không muốn chia sẻ nó với người mẹ đẻ ấy. Bố mẹ nuôi anh kiên quyết bảo nếu anh lựa chọn mẹ đẻ thì phải từ bỏ bố mẹ nuôi, và ngược lại chọn họ thì phải cắt đứt với mẹ đẻ. Họ hàng, người thân bên bố mẹ nuôi anh cũng bảo lâu nay dân gian vẫn có câu "công sinh không bằng công dưỡng", mẹ đẻ anh có công sinh ra nhưng đã vứt bỏ con thì không có quyền đòi hỏi con báo hiếu. Còn bố mẹ nuôi, tuy không sinh nhưng đã nuôi dưỡng và hy sinh hết cho anh mọi thứ. Vì thế, anh chỉ nên chọn báo hiếu cho người đã có công dưỡng dục mình nên người. Anh bảo bây giờ không biết phải lựa chọn thế nào để không lỗi đạo làm con.

Tôi nói với anh, với mỗi đứa con, công sinh và công dưỡng đều như nhau, dù cha mẹ có sống lỗi nhưng bổn phận của con cái thì phải sống đúng đạo. Về lâu dài, anh không thể "vứt bỏ" mẹ đẻ như mẹ đã từng làm điều đó với anh. Tuy nhiên, trước mắt, anh hãy tạm thời không "ra mặt" báo hiếu trực tiếp mẹ đẻ, vồn vã nhận lại họ hàng bên đó, mà hãy cứ làm điều đó âm thầm để tránh làm tổn thương bố mẹ nuôi.

Về phía bố mẹ nuôi, anh vẫn là đứa con có hiếu, sống yêu thương họ như trước. Cùng với thời gian, anh có thể đả thông tư tưởng cho bố mẹ nuôi hiểu dần dần, rằng với họ, cả cuộc đời anh sẽ mãi khắc ghi công ơn dưỡng dục. Anh trở thành đứa con hiếu nghĩa cũng là nhờ công nuôi dưỡng của bố mẹ, anh sẽ mãi yêu thương, có trách nhiệm với họ trọn đời, dù có mẹ đẻ thì cũng không thay đổi được điều đó. Với mẹ đẻ và họ hàng bên ấy, anh tìm hiểu, xem họ nhận anh chỉ để đòi "quyền lợi báo hiếu" hay vì tình yêu thương con, cháu mình.

Nếu vì "quyền lợi", anh có thể rạch ròi "trả ơn sinh thành" bằng một khoản tiền nhất định, rồi quay về toàn tâm toàn ý với bố mẹ nuôi. Nếu vì tình cảm, anh hãy xin phép bố mẹ nuôi cho mình được "trả ơn sinh thành" bằng việc qua lại thăm nom lúc đau ốm, hỗ trợ một phần trong cuộc sống khi bà gặp khó khăn.

Là người yêu thương anh hết mực, trong thời điểm này, bố mẹ nuôi anh "có quyền" ích kỷ không san sẻ con trai cho mẹ đẻ. Nhưng dần dần, tấm lòng hiếu nghĩa của anh cùng cách sống công bằng, đúng đạo, bố mẹ nuôi anh sẽ hiểu, và không khiến anh khó xử chọn lựa chữ hiếu giữa công sinh và công dưỡng.

TÂM GIAO

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.