Chùa Láng – Chốn “Đệ nhất tùng lâm” của Thăng Long xưa

THÁI DŨNG (Tổng hợp và biên soạn)
Chia sẻ

(PNTĐ) - Mảnh đất kinh kỳ Thăng Long – Hà Nội là nơi hội tụ tinh hoa văn hóa và bản sắc dân tộc Việt Nam. Trải qua bao nhiêu đổi thay, thăng trầm của lịch sử, những công trình tâm linh ở Hà Nội vẫn gìn giữ được nét vàng son văn hóa của vùng đất cổ này, là điểm tựa tinh thần quan trọng trong đời sống của người dân Hà thành.

Trong nhiều danh lam thắng cảnh của Thăng Long, sẽ thật thiếu sót nếu không nhắc đến chùa Láng, nơi từng được xem là “Đệ nhất tùng lâm” của thành Thăng Long xưa.

Chùa Láng tên chữ là Chiêu Thiền Tự, ngự ở làng Láng, Láng Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội ngày nay. Tên chùa có ý nghĩa rằng: "Vì có điều tốt rõ rệt nên gọi là Chiêu. Đây là nơi sinh ra Thiền sư Đại Thánh nên gọi là Thiền". Chùa được xây dựng trên nền nhà cũ của cha mẹ Thiền Đạo Hành, năm xưa thuộc xã Yên Lãng, tổng Hạ, huyện Vĩnh Thuận; sau này là làng Láng – ngôi làng cổ nằm bên sông Tô Lịch.

Chùa Láng –  Chốn “Đệ nhất tùng lâm” của Thăng Long xưa - ảnh 1
Chùa Láng, nơi từng được mệnh danh là “Đệ nhất tùng lâm” của thành Thăng Long xưa. 

Tương truyền được xây dựng từ thời vua Lý Anh Tông (trị vì từ 1138 - 1175). Chùa thờ Thiền sư Từ Đạo Hạnh.  Theo truyền thuyết, nhà sư đã đầu thai làm con trai một nhà quý tộc Sùng Hiền hầu, em vua Lý Nhân Tông. Vì vua Lý Nhân Tông (trị vì từ 1072 - 1127) không có con, nên con trai của ông Sùng Hiền hầu được nối ngôi, tức vua Lý Thần Tông (trị vì từ 1128 - 1138). Do sự tích ấy mà con của Lý Thần Tông là Lý Anh Tông đã cho xây cất chùa Chiêu Thiền Tự để thờ vua cha và tiền thân của Người là thiền sư Từ Đạo Hạnh. Vào thời nhà Lý, Phật giáo phát triển mạnh mẽ khắp đất nước Đại Việt, có rất nhiều chùa chiền được xây dựng và tu sửa, tôn tạo. Trải qua nhiều đợt trùng tu, chùa Láng vẫn giữ được kiến trúc ban đầu, diện mạo bề thế, cân xứng, hài hòa với không gian xung quanh. Ngôi chùa này khi xưa được nổi tiếng là danh lam, nơi đây có rừng thông đẹp nhất phía Tây kinh thành Thăng Long. Chùa đã được trùng tu những lần quan trọng vào các năm 1656, 1901 và 1989. 

Về kiến trúc: Cổng chùa ngoài cùng bao gồm bốn cột vuông với ba mái cong không trùm lên cột mà gắn vào sườn cột, mái giữa cao hơn hai mái bên, hơi giống kiến trúc cổng ở cung vua phủ chúa ngày xưa, trên cổng có tấm hoành phi lớn đề chữ "Thiền Thiên Khải Thánh". Qua cổng là một sân lát gạch Bát Tràng, giữa sân là chiếc sập đá, nơi đặt kiệu trong các ngày lễ hội. Cuối sân có cửa tam quan. Từ đây có con đường lát gạch, hai bên là hàng muỗm cổ thụ cả gần ngàn tuổi dẫn đến cổng thứ ba.

Qua cổng này vào giữa có ngôi nhà bát giác nơi đặt tượng của Từ Đạo Hạnh. Qua nhà bát giác mới đến các công trình chính trong chùa: Bái đường, nhà thiêu hương, thượng điện, các dãy hành lang, nhà tổ và tăng phòng... Động thập điện Diêm Vương ở hai đầu đốc tòa tiền đường khá đẹp, miêu tả những hình phạt ở các tầng địa ngục. 

Chùa Láng –  Chốn “Đệ nhất tùng lâm” của Thăng Long xưa - ảnh 2

 Về tượng Phật: Đây là một trong những ngôi chùa có số lượng tượng thờ nhiều nhất Hà Nội và cả Việt Nam, gồm 198 pho tượng. Cơ bản gồm có: Khuyến thiện, Trừng Ác, Tứ Đại thiên Vương, Chuẩn đề, Phạm thiên, Đế Thích, Cửu Long Phún Thủy, Thập bát La hán, Lịch Đại Tổ Sư, Tam tòa Thánh Mẫu, Tứ vị Vua Bà... Ngoài các tượng Phật ở thượng điện, trong hậu cung còn có tượng nhà sư Từ Đạo Hạnh và tượng vua Lý Thần Tông. Tượng Từ Đạo Hạnh làm bằng mây đan phủ sơn còn tượng Lý Thần Tông làm bằng gỗ mít. Tấm bia cổ nhất còn lại ở đây được dựng năm Thịnh Đức thứ 4 (1656) nhà Hậu Lê. Văn bia do tiến sĩ Nguyễn Văn Trạc viết.

Nhờ vẻ bề thế của quần thể kiến trúc hài hòa, cân xứng lại có không gian thoáng đãng khiến cho chùa Láng thu hút đông phật tử đến lễ bái và vãn cảnh. Hội chùa Láng hằng năm cử hành vào ngày mồng Bảy tháng Ba âm lịch. Đó là ngày sinh của Thiền sư Từ Đạo Hạnh. Trong ngày hội, kiệu của Từ Đạo Hạnh được rước đến chùa Hoa Lăng ở xã Dịch Vọng, nơi thờ bố mẹ ông.

Chùa Láng được công nhận là Di tích lịch sử - Văn hóa quốc gia vào năm 1962.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.