Chúa Ngọc và nỗi oan tình của vua Gia Long

Chia sẻ

Những phụ nữ tuổi Bính Thìn (1976) ở Hà Nội phần lớn đều biết đến Bà Chúa Ngọc dù bà được thờ cúng ở hầu hết các vùng Nam Trung Bộ bởi tương truyền bà độ mạng cho tuổi này.

Chúa Ngọc còn được biết tới với Hồng danh Chúa Tiên hay Thánh Mẫu Thiên Y A Na. Trong bài viết này chúng tôi đề cập tới một câu chuyện thú vị về Chúa Ngọc nhưng không phải trong lĩnh vực độ mạng mà là câu chuyện liên quan gián tiếp tới nỗi oan tình của gia đình… vua Gia Long.

Chúa Ngọc  và nỗi oan tình của vua Gia Long - ảnh 1

Câu chuyện hi hữu về mối oan tình có một không hai của gia đình vua Gia Long liên quan tới Chúa Ngọc được bắt đầu từ Côn Đảo.

Trong thời buổi công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ như ngày nay chỉ ngồi nhà chúng ta cũng có thể “đi du lịch” vòng quanh thế giới và dễ dàng đọc một loạt bài về quần thể di tích lịch sử cách mạng nhà tù Côn Đảo, trong đó có ngôi đền thờ bà Phi Yến, tên thật là Lê Thị Răm, được cho là vợ vua Gia Long cùng câu chuyện cảm động, thương tâm được nhân dân trên đảo truyền tụng.

Chuyện kể rằng: Năm 1783, Nguyễn Ánh - tức vua Gia Long bị quân Tây Sơn đuổi bắt đã đem vợ con chạy trốn ra Côn Đảo với ý đồ từ Côn Đảo sẽ mang con trai là Hoàng tử Cải (có tên là Hội An) mới 4 tuổi sang Pháp làm con tin để cầu viện binh đánh Tây Sơn. Bà Phi Yến ngăn cản chồng liền bị Gia Long cho rằng bà thông đồng với nhà Tây Sơn nên đem nhốt bà sang hòn đảo nhỏ (có tên là Đảo Bà hay đảo Tình yêu bây giờ). Còn con trai, khi lên thuyền, cậu bé đòi khóc mẹ, trong cơn bực tức Nguyễn Ánh đã quẳng con xuống biển. Xác cậu bé trôi vào bãi Đầm Trầu, được người dân làng Cỏ Ống vớt lên, đem chôn tại làng. Hiện có mộ phần và miếu Hoàng tử Cải ở đây. Còn bà Phi Yến, được một con hổ và một con vượn cứu thoát, tìm hoa quả cho ăn, sau được nhân dân đưa về sống tại làng Cỏ Ống. Bà bị một tên đồ tể giở trò hãm hiếp, nhưng hắn vừa cầm vào tay, bà đã hô hoán dân làng, mọi người cứu thoát. Cuối cùng, bà tự vẫn để giữ tròn tiết hạnh. Ngôi đền thờ bà Phi Yến đã được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.

Sự thật về câu chuyện này đã gây tranh cãi suốt mấy chục năm qua. Rất nhiều nhà nghiên cứu lịch sử - văn hóa đã chỉ ra hàng loạt dẫn chứng cho thấy: Nguyễn Ánh chưa từng đặt chân tới Côn Đảo mà ông đã chạy tới đảo Côn Lôn (tức đảo Koh Kong - một hòn đảo nhỏ của Campuchia), sự nhầm lẫn từ cách phiên âm được các học giả cho rằng khi chuyển chữ Koh Kong sang Hán tự đã khiến nhiều người nghĩ Côn Lôn là Côn Đảo. Còn trong “Nguyễn Phúc tộc thế phả” do Hội đồng trị sự Nguyễn Phúc tộc biên soạn được báo giới trích dẫn thì Nguyễn Ánh có tất cả 21 bà vợ, lai lịch từng người ghi kèm rất rõ ràng nhưng không có ai tên là Lê Thị Răm hay thụy là Phi Yến cũng như trong số 13 hoàng tử của ông không có hoàng tử nào tên là Cải hay Hội An.

Sự thực, theo các nguồn tài liệu chính sử thì Nguyễn Ánh đã đem hoàng tử thứ hai tên là Nguyễn Phúc Cảnh, con trai bà vợ cả Tống Thị Lan được phong là Thừa Thiên Cao hoàng hậu sang Pháp làm con tin để cậy nhờ nước Pháp giúp đỡ chống lại quân Tây Sơn. Năm 1784 hoàng tử Cảnh lên 5 đã lên đường sang Pháp và được Pháp hoàng Louis XVI tiếp đãi theo lễ dành cho Quốc vương, lên 9 tuổi Hoàng tử Cảnh về nước, 14 tuổi được phong là Đông cung Thái tử, năm 21 tuổi bị mất do lên đậu mùa. Khi mất Hoàng tử Cảnh có tên hiệu là Anh Duệ Hoàng thái tử, hiện lăng của ông ở thôn Thượng Hai, phường Thủy Xuân, TP Huế. Còn lăng mẹ ông, bà Thừa Thiên Cao hoàng hậu được đặt cạnh lăng bố ông, vua Gia Long tại Huế.

Ngôi miếu và câu chuyện về bà Phi Yến tại Côn Đảo được các học giả cho rằng đó là ngôi miếu thờ Chúa Ngọc và con trai ngài do những cư dân đầu tiên đến đảo với 60 gia đình nghèo khó đã lập ra vào năm 1785 vì tục thờ Chúa Ngọc hay tục thờ Bà Cậu rất phổ biến ở các vùng hải đảo, ven biển. Ngôi miếu có tên là An Sơn miếu và bị phá vào năm 1861 do thực dân Pháp chiếm đảo đã đuổi hết cư dân trên đảo đi, phá hủy toàn bộ để xây nhà tù Côn Đảo.

Năm 1958 miếu được xây dựng lại với “chủ nhân mới” và khoác lên câu chuyện về nàng Phi Yến nào đó. Có học giả phỏng đoán: những người tù Côn Đảo do căm ghét thực dân Pháp, cho rằng nguyên nhân Việt Nam bị Pháp xâm lược một phần bởi Gia Long đã “cõng rắn cắn gà nhà” nên họ “sáng tác” ra câu chuyện trên. Trải qua hàng trăm năm, tới nay, nhờ các phương tiện thông tin đại chúng chúng ta mới tìm ra sự thật.

Có lẽ, Chúa Ngọc hay Chúa Tiên của Việt Nam với tiền thân là Thánh mẫu Thiên Y A Na của người Chăm, vị nữ thần được nhà Nguyễn tôn vinh là Thượng Đẳng thần với 22 sắc phong từ nhiều đời Vua triều Nguyễn, vua Gia Long sắc phong ngài là “Hồng nhân phổ tế linh ứng Thượng đẳng Thần” đã phù hộ cho con cháu vua Gia Long giải nỗi hàm oan này chăng?

THỤC NHI

Tin cùng chuyên mục

Tưởng chung mà hóa... riêng

Tưởng chung mà hóa... riêng

(PNTĐ) - Có những tài sản, khoản nợ hình thành trong hôn nhân, được biết bởi cả hai vợ chồng nhưng lại không phải là tài sản và nợ chung. Vì vậy, quyền sở hữu tài sản hay trách nhiệm trả nợ lại chỉ thuộc 1 trong 2 bên.
Một ngày hai lần làm giỗ cha...

Một ngày hai lần làm giỗ cha...

(PNTĐ) - Cứ đến ngày giỗ ông Thành là đám con cháu, họ hàng thân tộc nhà ông lại nhộn nhịp vào ra ăn cỗ hết nhà con trai trưởng đến nhà con trai thứ. Cỗ nhà nào cũng to, khách mời không kém nhau một người. Ai ăn cỗ nhà anh con trưởng mà không vào ăn cỗ ở nhà con trai thứ hoặc ngược lại thì thế nào ngày mai cũng… to chuyện.
Đàn bà, con gái biết gì

Đàn bà, con gái biết gì

(PNTĐ) - Câu nói cửa miệng của anh với vợ thường là: “Đàn bà con gái biết gì mà tham gia”, “Đàn bà con gái chỉ làm hỏng việc”... Đến nỗi, nhiều khi anh nói với vợ trong sự vô thức như một thói quen...
Tri ân những con người góp phần làm nên lịch sử

Tri ân những con người góp phần làm nên lịch sử

(PNTĐ) - Kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, các cấp Hội Phụ nữ Hà Nội đã tổ chức nhiều hoạt động, chương trình ý nghĩa, thiết thực thăm hỏi, tri ân các các nữ thương binh, vợ liệt sỹ gia đình có công, san sẻ khó khăn với phụ nữ... Các hoạt động đã góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, đồng thời khơi dậy khát vọng cùng góp sức xây dựng đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.